Chile đoạn tuyệt với hiến pháp thời Pinochet
Kết quả khảo sát phòng phiếu ngay sau khi cuộc trưng cầu kết thúc cho thấy có đến 78,24% người dân Chile bỏ phiếu ủng hộ việc từ bỏ hiến pháp cũ, viết lại hiến pháp mới. Chỉ có 21,76% phiếu chống lại việc này. Bên cạnh đó, người dân cũng bỏ phiếu lựa chọn việc để cho dân chúng bầu ra một thực thể độc lập soạn thảo hiến pháp.
Điều này có nghĩa là các nghị sĩ hiện tại trong Quốc hội không có quyền tham gia việc soạn thảo hiến pháp mới, nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ và tôn trọng ý nguyện của người dân. Theo kế hoạch, ủy ban soạn thảo sẽ bắt đầu soạn thảo hiến pháp mới và đưa ra trưng cầu dân ý vào khoảng giữa năm 2022.
Người dân Chile vui mừng chào đón kết quả trưng cầu dân ý. |
Phát biểu trước quốc dân cả nước, Tổng thống Sebastián Pinera công nhận thắng lợi của những người chủ trương viết lại hiến pháp nhưng cũng cảnh báo kết quả trưng cầu dân ý chỉ là bước khởi đầu của một quá trình dài và phức tạp. “Bắt đầu từ hôm nay, tất cả chúng ta phải hợp tác để hiến pháp mới trở thành khuôn khổ tuyệt vời cho sự thống nhất, ổn định và tương lai” - Tổng thống Pinera nói.
Việc sửa đổi Hiến pháp Chile là việc tất yếu phải thực hiện nhưng đã bị giới chính trị chần chừ, kéo dài nhiều năm qua. Tháng 9-2019, một cuộc biểu tình đã bùng phát tại thủ đô Santiago, sau đó lan ra một số thành phố lớn để phản đối việc tăng giá vé tàu điện. Làn sóng biểu tình tiếp tục phát triển thành một phong trào phản đối trên cả nước, được châm ngòi bởi sự bất mãn của dân chúng trước vô số vấn đề bất công trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Đã xảy ra những vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát chống bạo động khiến hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương. Người biểu tình đưa ra yêu sách đòi chính phủ cải cách trong các lĩnh vực đã bị tư nhân hóa như giáo dục, y tế và lương hưu. Đồng thời, người biểu tình đặt ra yêu cầu cải cách, vứt bỏ hiến pháp thời nhà độc tài Pinochet.
Hiến pháp cũ thời nhà độc tài quân sự Pinochet được ban hành năm 1980, do Jaime Guzmán, cố vấn của ông Pinochet chủ trì soạn thảo. Hiến pháp tôn vinh triết lý “tân tự do” của nhóm các chính khách bảo thủ mang bí danh “Chicago Boys” được dẫn dắt, đào tạo bởi nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman. Theo hiến pháp, chính phủ giảm thiểu sự can thiệp vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội, giao cho tư nhân làm chủ các dịch vụ công cộng.
Sự tư nhân hóa ồ ạt và đồng loạt đã khiến cuộc sống một bộ phận người dân Chile lâm vào khó khăn. Bất công ngày càng gia tăng do sự tham lam của giới chủ tư nhân đẩy giá chi phí các dịch vụ y tế, giáo dục,... lên cao. Nhiều người cho rằng cuộc sống của họ dưới thời Pinochet và hiến pháp “tân tự do” đã bị bóp nghẹt quá lâu. Nó tạo ra sự phân hóa lớn giữa tầng lớp nhà giàu và người lao động nghèo.
Ý tưởng và sự thôi thúc soạn thảo hiến pháp mới đã có từ nhiều năm trước. Cho đến khi cuộc biểu tình nổ ra, chính phủ của Tổng thống Pinera vẫn cứng rắn bác bỏ việc cải tổ hiến pháp theo yêu cầu của người dân. Tháng 11-2019, trước làn sóng biểu tình ngày càng lan rộng và xảy ra bạo lực cùng sự thôi thúc của các đảng chính trị, Chính phủ Chile chấp nhận mời lãnh đạo các đảng phái họp để cùng nhau bàn bạc, đi đến thỏa thuận tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc sửa đổi hiến pháp vào năm 2020, theo yêu cầu của người biểu tình.
Tổng thống Chile Sebastián PiNera. |
Thời gian dự kiến tổ chức cuộc trưng cầu dân ý là tháng 4-2020 nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên phải hoãn lại cho đến nay. Ngày 5-12-2019, một cuộc tham vấn ý kiến 2 triệu người Chile đã được tổ chức, trong đó 91% số người phản hồi ủng hộ việc soạn thảo một hiến pháp mới thay thế hiến pháp thời Pinochet.
Sau khi có thông tin về kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý hôm 25-10-2020, hàng ngàn người dân Chile đã xuống đường ăn mừng, tạo nên một bầu không khí lễ hội tưng bừng hiếm có giữa lúc đại dịch COVID-19 đang bùng phát làn sóng thứ hai. Người ta vui sướng, như quên đi dịch bệnh chết chóc đang bùng phát. Bởi niềm mong đợi về một sự thay đổi căn bản cho đời sống xã hội đã quá lớn, đến mức đã từng bùng phát thành một cuộc bùng nổ xã hội và nay đã đưa đến kết quả một “thắng lợi tập thể” - như lời một người dân ở thủ đô Santiago chia sẻ với báo chí.
Tuy nhiên, cũng có những người lo lắng cho sự ổn định của Chile trong giai đoạn 2 năm soạn thảo hiến pháp mới. Người ta lo rằng, đây là giai đoạn đầy khó khăn và rất nhạy cảm, dễ xảy ra những sự việc gây bất ổn định xã hội và nền kinh tế đất nước.
Giai đoạn này, các đảng chính trị có thời gian 2 tháng để lựa chọn ứng viên đề cử để người dân bầu vào một thực thể có tên gọi là Quốc hội lập hiến. Cuộc bầu cử này dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4-2021, với 155 thành viên, nam nữ ngang nhau. Quốc hội này sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới trong vòng 9 tháng, cộng thêm 3 tháng gia hạn. Sau đó, bản dự thảo hiến pháp mới sẽ được mang ra trưng cầu dân ý trước khi ký ban hành.