Chính khách và “4 chữ T”

Thứ Bảy, 02/01/2010, 11:15
Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI (2000-2009) đã có quá nhiều chính khách cấp cao của chính trường thế giới phải ra hầu tòa hoặc phải "thân bại danh liệt" vì 2 chữ "Tiền" và "Tình". Đây cũng là 2 trong 4 chữ "T" mà dân gian thường dùng để ám chỉ cái vòng luẩn quẩn của nhân tình thế thái: tiền, tình, tù, tội.

Cựu Tổng thống Jaques Chirac

Ông Jacques Chirac, "sếp" cũ của Juppé cũng đang bắt đầu đối diện với những rắc rối về luật pháp, ăn ngủ không yên. Thực ra, những rắc rối này đã từng được giới phân tích chính trị "tiên tri" ngay từ khi ông Chirac còn tại nhiệm, lúc diễn ra hàng loạt phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí ELF và vụ mua bán tàu chiến cho lãnh thổ Trung Hoa - Đài Loan, kể cả phiên tòa xét xử ông Juppé năm 2004.

Ngày 18/12/2009, ông Chirac bị thẩm phán Michel Gazeaux thẩm vấn về vai trò của ông trong vụ việc chi trả lương khống cho 7 thành viên đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (tiền thân của đảng Liên minh Phong trào quần chúng UMP cầm quyền hiện nay)  xảy ra trong thời gian ông làm Thị trưởng Paris từ năm 1977 đến 1995. Trước đó, vào tháng 10/2009, ông Chirac đã phải hầu tòa trong các cáo buộc "lạm dụng chức vụ" và "thâm lạm công quỹ" cũng xảy ra thời ông làm Thị trưởng Paris.

Nếu bị buộc tội "lạm dụng chức vụ", ông Chirac có thể đối mặt mức án tù lên đến 5 năm và số tiền phạt tương đương 107.000 USD; còn dính tội "thâm lạm công quỹ" thì mức án nhẹ cũng phải 10 năm tù giam và số tiền phạt cao gấp đôi.

Cựu Thủ tướng Pháp Alain Juppé

Tháng 12/2004, cựu Thủ tướng Pháp Alain Juppé (1995-1997) đã bị kết án 14 tháng tù cho hưởng án treo và 1 năm cấm ứng cử vì tội "thâm lạm công quỹ". Đây là vụ án liên quan đến việc lạm dụng công quỹ của đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa xảy ra trong giai đoạn ông Jacques Chirac làm Thị trưởng Paris (1977-1995) và Juppé làm thư ký trong Tòa thị chính Paris.

Vụ án đã làm cho uy tín của ông Juppé suy giảm nghiêm trọng. Sau khi mãn án tù treo, ông Juppé đã được bầu làm Thị trưởng thành phố Bordeaux vào tháng 10/2006 và vẫn yên vị ở vị trí này cho đến nay.

Cựu thủ tướng Pháp Dominique de Villepin

Ông Dominique de Villepin thì dính vào vụ án có biệt danh là "Clearstream" từng gây chấn động chính trường Pháp hơn một năm qua. Mặc dù là người cùng đảng với nhau (đảng UMP), nhưng giữa ông Sarkozy và phe cánh của ông Chirac (gồm Chirac, Juppé và de Villepin) lại có khoảng cách khá xa về quan điểm (Sarkozy theo cải cách, phe Chirac bảo thủ) và thường xuyên tìm cách "ghìm" nhau.

Khi thắng cử lên làm Tổng thống Pháp vào tháng 5/2007, ông Sarkozy quyết "không tha" những kẻ đã từng "hại" mình, cho nên đã đâm đơn kiện ra tòa án. Kết quả, sau nhiều phiên thẩm vấn và xét xử, hiện ông De Villepin đang chờ tòa án ra phán quyết cuối cùng; có thể ông sẽ phải lãnh án ít nhất cũng tương đương mức án của ông Alain Juppé.

Cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada

Con đường sự nghiệp chính trị thăng trầm của cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada khá là kịch tính. Sau khi giành thắng lợi ngoạn mục trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines tháng 6/1998, ông Estrada bắt đầu thúc đẩy hàng loạt cải cách, nhất là những chương trình vì người nghèo Philippines.

Đặc biệt là chương trình Cải cách điền địa (CARP), phân phối lại đất canh tác nông nghiệp cho nông dân nghèo không có đất. Tổng cộng, trong 2 năm đầu, chương trình CARP đã tái phân phối tổng cộng 523.000ha đất cho 305.000 nông dân. Ông Estrada còn làm cả thơ bằng ngôn ngữ Tagalog để khuyến khích nông dân trồng lúa.

Tuy nhiên, sau đó thì mọi chuyện bắt đầu xấu hẳn đi một cách bất ngờ. Aprodicio Laquian, Chánh văn phòng Tổng thống khi đó kể lại rằng, ông không hiểu sao Tổng thống Estrada bỗng quay sang ăn chơi bạt mạng, "nhậu" thâu đêm với nội các và cả các nhân vật "trong bóng tối".

Và rồi "đi đêm lắm có ngày gặp ma", ông Estrada đã bị chính những người từng "ăn nhậu" với mình hạ bệ. Đó là vào tháng 10/2000, Luis "Chavit" Singson, Tỉnh trưởng tỉnh Ilocos Sur, trùm bảo kê cờ bạc, bỗng lên tiếng "khai" rằng mình đã từng cống nạp cho Estrada 400 triệu peso (8.255.000 USD) tiền thù lao lợi tức từ hoạt động cờ bạc bất hợp pháp, và khoảng 180 triệu peso (3.715.000 USD) từ tiền Chính phủ tài trợ cho nông dân trồng thuốc lá.

"Lời khai" của ông Singson đã dẫn đến cuộc luận tội ông Estrada tại Thượng viện vào trung tuần tháng 11/2000. Báo chí, truyền hình vốn có bất đồng với ông Estrada nên đã vào cuộc quá mạnh khiến cho công chúng Philippines đùng đùng nổi giận.

Đêm 16/1/2001, hàng triệu người phản đối ông Estrada đã kéo đến bao vây tòa nhà Quốc hội, nơi diễn ra phiên luận tội ông, để đòi ông từ chức và nhận tội. Ngày 19/1/2001, quân đội tuyên bố không tiếp tục ủng hộ ông Estrada. Ngay sau đó, Estrada được bí mật đưa ra khỏi dinh Tổng thống bằng cửa sau. 

Ngày 12/9/2007, Tòa án đặc biệt tuyên ông phạm tội tham ô và kết án ông tù chung thân. Sau đó, ngày 25/10/2007, ông Estrada được Tổng thống Arroyo ban lệnh ân xá sau 6 năm bị giam giữ. Trước sau, Estrada khăng khăng cho rằng mình là nạn nhân của một âm mưu chính trị.

Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Han Myeoung-sook

Theo báo Korea Times ngày 21/12/2009, nữ Thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc Han Myeoung-sook (từ tháng 4/2006 đến tháng 3/2007) sắp bị truy tố ra tòa vì cáo buộc nhận hối lộ của một doanh nhân. Bà Han bị cáo buộc đã nhận hối lộ 50.000 USD từ doanh nhân Kwak Young-wook, cựu Chủ tịch Công ty giao nhận Korea Express.

Theo Văn phòng công tố trung ương CPO, ông Wook đã tháp tùng Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng khi đó là Chung Sye-kyun, và cựu Bộ trưởng Xây dựng và Giao thông Kang Dong-seok đến gặp bà Han. Các "nhân chứng" khai rằng, bà Han nhận hối lộ để giúp ông Kwak ngồi vào ghế lãnh đạo cao nhất của Công ty Quốc doanh Điện lực Hàn Quốc (Korea Electric Power Corp). Nếu bị buộc tội, bà Han rất có thể phải ngồi tù ít nhất là 5 năm.--PageBreak--

Bi kịch Trần Thuỷ Biển

Vận đen của ông Trần Thủy Biển bắt đầu lộ rõ vào năm 2006, khi các cáo buộc tham nhũng và gian lận trong đầu tư cổ phiếu của gia đình bắt đầu bùng phát và được các đối thủ chính trị tận dụng triệt để. Tháng 5/2006, con rể ông là Chao Chien Ming bị bắt với tội danh gian lận cổ phiếu (giao dịch nội gián) và biển thủ công quỹ.

Ngày 20/7/2006, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia phát hiện những bất thường trong các khoản chi tiêu tài chính của ông Trần Thủy Biển. Đầu tháng 11/2006, 3 quan chức cao cấp trong Văn phòng của ông Trần Thủy Biển cùng với vợ ông, bà Ngô Thục Trân, bị bắt và bị cáo buộc tham ô 14,8 triệu Đài tệ (450.000 USD). Vụ này, ông Trần Thủy Biển thoát khỏi vòng pháp luật nhờ quy chế miễn trừ dành cho người đứng đầu lãnh thổ.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2006, một phong trào chống tham nhũng đã được phát động ở Đài Loan, và có hơn 1 triệu người dân đã đồng ký tên yêu cầu ông Trần Thủy Biển từ chức để chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm của mình. Tuy nhiên, sau sóng gió, ông Trần Thủy Biển vẫn yên vị và chỉ thoái vị khi mãn nhiệm kỳ vào ngày 20/5/2008.

Không còn được hưởng quy chế miễn trừ nên ông Trần Thủy Biển bắt đầu đối mặt với những cuộc điều tra nhắm vào các tài khoản của gia đình ông trị giá hàng chục triệu USD gửi tại các ngân hàng ở Thụy Sĩ và quần đảo Cayman, trong đó cuộc điều tra của Ủy ban Điều tra đặc biệt (SIP) về cáo buộc "rửa tiền" là nghiêm trọng nhất.

Đến cuối tháng 10/2008, đã có 8 người thân cận của ông Trần Thủy Biển bị bắt (bao gồm vợ, con dâu, con gái và con rể) với các cáo buộc liên quan vụ án "rửa tiền" của ông. Và cuối cùng, ngày 11/11/2008, sau nhiều lần tránh né, Trần Thủy Biển cũng đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.

Ngày 11/9/2009, "bi kịch Trần Thủy Biển" đã hạ màn: Tòa án tối cao Đài Loan tuyên Trần Thủy Biển mức án tù chung thân và nộp phạt 200 triệu Đài tệ (tương đương 6,13 triệu USD) cho các tội danh tham ô, nhận hối lộ và rửa tiền xảy ra suốt thời gian ông nắm quyền.

Cựu Thống đốc bang New York Elliot Spitzer (Mỹ)

Chính khách đảng Dân chủ Mỹ Elliott Spitzer nhậm chức Thống đốc bang New York vào ngày 1/1/2007. Chưa đầy 1 năm tại nhiệm mà Spitzer đã gây ra khá nhiều vụ tranh cãi và bê bối. Vụ bê bối lớn nhất nhấn chìm sự nghiệp chính trị của Spitzer bắt đầu nổ ra sau khi tờ báo New York Times ra ngày 10/3/2008 tiết lộ thông tin rằng Spitzer đã nhiều lần lui tới một cơ sở gái gọi hạng sang Emperors Club VIP trong nhiều năm và có quan hệ "ăn bánh trả tiền" với ít nhất 8 cô gái gọi, trong đó Spitzer đã từng 2 lần chi ra đến 1.000 USD/giờ để vui vẻ với cô gái gọi nổi tiếng Ashley Alexandra Dupré.

Chỉ trong vòng 6 tháng trước khi bị phanh phui, Spitzer đã chi tổng cộng 15.000 USD cho các “cuộc vui” ở Emperors Club VIP; con số tổng hợp trong nhiều năm (tính cả thời ông làm Tổng chưởng lý bang New York) được các nhà điều tra đưa ra là khoảng trên dưới 80.000 USD.

Vụ việc "đổ bể tùm lum" khiến cho Spitzer đành phải từ chức vào ngày 17/3/2008. Từ đó, Spitzer biến mất khỏi đời sống chính trị Mỹ, chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực báo chí và kinh tế.

Cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori

Nhìn qua công trạng 10 năm của cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori (người Nhật) trong việc dẹp yên phiến quân du kích Con đường sáng (Sendero Luminoso) và đưa nền kinh tế Peru trở lại con đường phát triển ổn định sau khi đã gần như sụp đổ dưới thời Tổng thống Alan Garcia, người ta lại thấy rõ tham vọng quyền lực mãnh liệt và cả sự cai trị tàn bạo của ông.

Điều này được thể hiện rõ qua chương trình triệt sản tàn ác khiến cho hơn 300.000 phụ nữ người da đỏ bản xứ không còn khả năng sinh con. Tai tiếng nhất chính là những "đội quân tử thần" mà Fujimori lập ra và giao cho Vladimiro Montesinos, Chỉ huy trưởng Cơ quan Tình báo Quốc gia (SIN) làm tổng chỉ huy. Cuộc bầu cử tai tiếng vào tháng 5/2000 đã ghi dấu bước ngoặt đi xuống của Fujimori.

Và thời vận của ông thật sự kết thúc khi Đài Truyền hình cáp Canal N cho phát đoạn băng ghi hình cảnh Motesinos đang hối lộ chính khách Alberto Kouri để lôi kéo ông này về phe Fujimori. Oan nghiệt thay, đoạn băng trên lại do một người bạn thân của Motesinos có biệt danh “El Patriota” (người yêu nước) ghi hình và bán lại cho đảng đối lập để hạ đo ván Motesinos và cả "triều đại" của ông Fujimori.

Tháng 11/2005, Fujimori từ Nhật Bản đã tìm cách trở về Peru bằng đường "quá cảnh" Chile nhưng đã bị chính quyền nước này bắt giữ ngay tại sân bay buốc tế Santiago theo lệnh truy nã của Interpol. Tháng 9/2007, Fujimori bị dẫn độ về Peru để ra tòa.

Ngày 7/4/2009, Fujimori bị tuyên án 25 năm tù cho tội giết người và tội chống lại loài người do đã chỉ đạo "đội quân thần chết" Grupo Colina thực hiện 2 vụ tàn sát Barrios Altos tháng 11/1991 và La Cantuta tháng 7/1992 làm chết 25 người, kèm theo là tội chủ mưu bắt cóc nhà báo đối lập Gustavo Gorriti và doanh nhân Samuel Dyer. Tháng 7/2009, một phiên tòa khác đã kết án Fujimori 7 năm 6 tháng tù cho tội danh biển thủ công quỹ với số tiền 15 triệu USD.

Và phiên tòa cuối cùng vào ngày 30/9/2009 đã tuyên Fujimori thêm 6 năm tù vì tội hối lộ các chính khách đối lập và tổ chức nghe lén điện thoại bất hợp pháp các chính khách, nhà báo và doanh nghiệp đối lập. Như vậy, gần 10 năm sau ngày bị tước mất quyền lực, Fujimori đang phải trả giá cho những hành động sai trái của mình bằng 38 năm 6 tháng tù. Đây có lẽ là chính khách phải ngồi tù lâu nhất đầu thế kỷ XXI

An Châu - Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.