Chính sách “nước Nga trên hết” phiên bản Putin

Thứ Hai, 21/05/2018, 11:24
Nếu như Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chính sách “nước Mỹ trên hết” nhằm đưa nước Mỹ trở lại mạnh mẽ hơn thì Tổng thống Nga Vladimir Putin đang âm thầm thực hiện một chiến lược tương tự.

Chỉ trong vòng một tuần kể từ khi nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 4, ông Putin đã 2 lần khiến giới quan sát phải ngạc nhiên về sự thay đổi trong cách tiếp thị sản phẩm của nước Nga.

Ngày 15-5, Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân lái một chiếc xe tải “made in Russia” đi ngang qua cây cầu mới được khánh thành nối liền Nga với Crimea. Truyền hình nhà nước Nga chiếu cảnh Tổng thống Putin ngồi sau tay lái một chiếc xe tải xây dựng cùng với công nhân trên quãng đường gần 20 cây số băng qua cây cầu mà mục đích là để kết nối Crimea vào mạng lưới giao thông của Nga.

“Tôi chúc mừng các bạn trong ngày vui lịch sử này”, ông Putin nói với công nhân trên chương trình truyền hình trực tiếp sau khi lái xe qua cầu. “Chiếc cầu này sẽ cho phép chúng ta phát triển nền kinh tế Crimea, Sevastopol theo tốc độ mới và chất lượng mới, nâng cao mức sống của người dân”, ông Putin nói thêm.

Cây cầu sẽ làm cho bán đảo Crimea dễ được tiếp cận hơn từ miền nam nước Nga. Khu vực này thường xuyên có cả hàng xe dài chờ lên những chiếc phà vốn không phải lúc nào cũng hoạt động được trong các cơn bão mùa đông. Crimea là một điểm đến nghỉ hè nổi tiếng đối với người Nga. Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin nói ông muốn thấy cây cầu được khánh thành trước khi mùa hè đến.

Trước đó đúng một tuần, như để chứng minh tinh hoa của nền công nghiệp Nga, lần đầu tiên, ông Putin đến lễ nhậm chức tổng thống bằng xe limousine Aurus do Viện Nghiên cứu khoa học và xe hơi trung ương Nga sản xuất. Chiếc xe sơn đen dài hơn 6 mét, có giá tương đương một chiếc Bentley hay Rolls-Royce.

Theo AFP, quyết định sử dụng xe hơi do Nga sản xuất còn hàm ý nhắc lại truyền thống thời Xôviết, khi các nhà lãnh đạo chỉ sử dụng phương tiện do Liên Xô sản xuất: xe limousine ZIL dành cho các nguyên thủ, còn cấp dưới thường dùng xe Chaika (Hải âu). Nhưng các chuyên gia kinh tế còn nhìn thấy trong hành động này của ông Putin một chuyển động khác trong chính sách kinh tế mới. Điều này có lẽ không khó để nhận ra nếu để ý kỹ những lời phát biểu của ông Putin ngay sau đó tại lễ nhậm chức.

Tổng thống Putin tới lễ nhậm chức bằng xe limousine do Nga sản xuất.

“Tôi cho rằng nghĩa vụ và ý nghĩa của đời mình là làm tất cả vì nước Nga, vì hiện tại và tương lai của đất nước, một tương lai hòa bình và phồn vinh, vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển một dân tộc vĩ đại, vì cuộc sống ấm no trong mỗi gia đình người Nga”, Tổng thống Putin tuyên bố.

Ông còn chỉ thị cho đến năm 2024 đảm bảo Nga là một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát không cao hơn 4%, theo nghị định Tổng thống đã ký “Về mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ chiến lược của Liên bang Nga trong giai đoạn đến năm 2024”.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh trang bị công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế và lĩnh vực xã hội và việc thành lập các ngành kinh tế cơ bản, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến sản xuất và nông nghiệp, lĩnh vực định hướng sản xuất xuất khẩu cao, phát triển trên cơ sở công nghệ hiện đại và đảm bảo nhân viên có trình độ cao.

Bất chấp việc nền kinh tế Nga trong 2 năm qua đã có bước chuyển biến lớn về lượng, cụ thể là kinh tế Nga bắt đầu thoát khủng hoảng rồi tăng trưởng khá trong năm 2016 và 2017. Đồng rúp ổn định và lạm phát được giữ ở mức 4% chứ không phải là 15% như 3 năm trước đó. Khu vực sản xuất của Nga đã chuyển đổi thành công để cung cấp những mặt hàng gần giống như hàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa trước vô vàn đòn trừng phạt của phương Tây. Nhưng nói gì thì nói sự thoát khủng hoảng của Nga phần nào nhờ vào giá dầu tăng trong 2 năm qua.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế Nga chủ yếu dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. Sự thay đổi trên chưa đủ để kinh tế Nga thực hiện một bước nhảy về chất, tức là đa dạng hóa nguồn thu ngân sách. Thủ tướng Medvedev từng nói: "Mô hình nguyên liệu năng lượng trước đây đã hết thời. Điều này ai cũng hiểu. Mô hình đó không thể dẫn đến sự tăng trưởng bền vững, không khuyến khích đầu tư vào sản xuất".

Trong nhiệm kỳ 4 này, Tổng thống Putin muốn tiếp tục con đường cải tổ kinh tế Nga và việc 2 lần sử dụng sản phẩm Nga trong những sự kiện quan trọng đã cho thấy rõ ý định này của lãnh đạo Nga. Lưu ý khác nữa là gần đây Tổng thống Putin tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng Nga trong năm 2018 và 2019 và khẳng định không chạy đua vũ trang. Là người trải qua cuộc Chiến tranh Lạnh khiến Liên bang Xôviết tan rã vì những trò diễn biến hòa bình của phương Tây, có lẽ ông Putin là người thấu hiểu hơn ai hết rằng chỉ có tự mình mới quyết định được số phận của chính mình, muốn không bị đánh bại thì mình phải mạnh hơn đối thủ, nhất là về tiềm lực kinh tế trong thời đại ngày nay.

Còn nhớ xét về sức mạnh quân sự, Liên bang Xôviết không thua kém gì các nước phương Tây thời đó nhưng kết cục thì ai cũng rõ. Có lẽ những thành quả trên trường quốc tế của nước Nga trong những năm gần đây đã đủ để thấy rõ Nga không chịu lép vế trên một diễn đàn thế giới nào nhưng những điểm yếu kém về kinh tế đã khiến Nga phải một phen khốn đốn trước các đòn tấn công kinh tế của phương Tây. Giờ là lúc ông Putin phải mạnh tay chấn hưng nền kinh tế Nga.

"Chúng ta đã trải qua con đường rất lớn từ nền kinh tế đổ nát thời hậu Xôviết đến nền kinh tế lớn kiểu phương Tây và sẽ là sai lầm ghê gớm nếu quay trở lại quá khứ", Tổng thống Putin từng nói.

Nhật báo La Croix của Pháp có bài viết nhìn thấy một hệ quả tích cực cho kinh tế Nga qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đó là trừng phạt mở ra cơ hội mới cho doanh nhân Nga. Cấm vận nông phẩm phương Tây đã giúp cho công nghiệp thực phẩm của Nga hồi sinh với những sản phẩm “made in Russia”.

Bên cạnh đó, Nga cũng tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với những đối tác ngoài châu Âu và Mỹ như Trung Quốc, Iran, Ấn Độ...

M.T. (tổng hợp)
.
.