Chuyện mỹ nhân kế trong hoạt động tình báo

Thứ Năm, 17/03/2005, 15:47
Người ta vẫn thường  nói: "Anh hùng không qua được ải mỹ nhân". Một người phụ nữ thông minh và hấp dẫn thường dễ dàng đạt được mọi thứ mình muốn từ đàn ông, kể cả những bí mật quan trọng nhất. Chính vì vậy, sắc đẹp của người phụ nữ từ lâu đã trở thành một loại vũ khí siêu hiệu quả của tất cả các cơ quan mật vụ trên thế giới...

Khả năng thu thập thông tin của phái đẹp là điều mà các quan chức tình báo không thể bỏ qua. Chính vì vậy mà từ lâu đã xuất hiện nhiều tin đồn về sự tồn tại của nhiều trường đặc biệt chuyên đào tạo điệp viên - mỹ nhân kế (sex-spy). Theo một số nguồn tin, Israel đang có một mạng lưới trường đào tạo các điệp viên kiểu này.

Trở lại với thời điểm Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Đức từng cho xây dựng một địa điểm nổi tiếng với cái tên “Salon Kitty” - thực chất là một nhà chứa, ngụy trang dưới vỏ bọc của một khách sạn sang trọng. “Salon Kitty” được dựng lên hồi cuối những năm 30 của thế kỷ trước với mục đích kiểm tra mức độ tin cậy của các quan chức và sĩ quan cao cấp. Chính tên trùm mật vụ Walter Schelenberg, trực tiếp điều hành khách sạn này, đã cho thiết lập cả một mạng lưới thiết bị nghe trộm ở đây.

Theo Schelenberg, đây sẽ là “chất thử” quan trọng nhất đối với lực lượng quan chức cao cấp của nước Đức phát xít, vì “đàn ông thường dễ dãi và sẵn sàng nói hết mọi bí mật mình biết khi ở trên giường”. Chính tại nơi đây, người con rể của Mussolini đã tung ra những lời nói không hay về Quốc trưởng trước những người đẹp. Anh ta về sau được nghe lại cuốn băng ghi âm này như bằng chứng về sự phản bội, trước khi bị đem đi xử bắn. Được biết là vào năm 1942, “Salon Kitty” đã bị một trận ném bom phá hủy.

Có thể nêu một trường hợp điển hình diễn ra hồi cuối những năm 60. Kỹ sư người Pháp Philipp Latoure - chuyên gia thiết kế các hệ thống dẫn đường của tên lửa - được mời tham dự một hội nghị khoa học tại Đông Âu. Là người hiểu biết và sành sỏi nghệ thuật, viên kỹ sư này quyết định tận dụng cơ hội để thăm các viện bảo tàng nổi tiếng tại Moskva và Leningrad.

Ngay từ khi bước chân xuống máy bay, Latoure đã được KGB tổ chức theo dõi chặt chẽ. Trong báo cáo về viên kỹ sư này có những nhận xét cho thấy, anh ta là người hay uống rượu cũng như thích tán tỉnh các cô gái đẹp. Thế là một kịch bản được nhanh chóng soạn sẵn. Phòng khách sạn mà Latoure đặt từ trước tại Leningrad “tình cờ” đã có khách. Viên kỹ sư được đề nghị đổi lấy một phòng khác cao cấp hơn nhưng giá vẫn như cũ.

Chiều tối hôm đó dưới phòng ăn, Latoure đã làm quen với một phụ nữ xinh đẹp tự giới thiệu là giáo viên dạy tiếng Pháp. Ngay sau đó là một cuộc hẹn hò ngay tại phòng khách sạn của Latoure. Là một người cẩn thận, Latoure đã tắt hết đèn điện trong phòng, cũng như đóng tất cả các rèm cửa để đề phòng việc bị quay trộm.

Thế nhưng đối với một camera siêu nhạy được lắp đặt đằng sau tấm gương thì một chút ánh sáng mờ từ khe thông gió là quá đủ. Một thời gian ngắn sau, Latoure được ban giám đốc khách sạn mời lên văn phòng, và được "thưởng ngoạn" những bức ảnh nóng bỏng có anh ta là nhân vật chính. Latoure được thông báo, người phụ nữ đã qua đêm với anh ta là vợ một sĩ quan cao cấp. Và chính anh ta đã lợi dụng để thu thập thông tin tình báo qua cô ta.

Những bằng chứng này đủ để "mời" Latoure vào tù. Sau một vài ngày suy nghĩ, viên kỹ sư người Pháp đã quyết định khai báo tất cả những thông tin mình được biết và đồng ý trở thành điệp viên KGB. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu, người phụ nữ đã đưa Latoure vào bẫy chính là một điệp viên-chim én.

"Con mồi" sa bẫy mỹ nhân của tình báo Mỹ

 

Tình báo phương Tây cũng coi mỹ nhân kế là một vũ khí hoạt động hữu hiệu để chống lại Liên Xô. Có thể nêu ra một vài trường hợp điển hình liên quan đến hoạt động mỹ nhân kế của CIA. Trước hết là vụ việc của Aleksandr Philatov, là Thiếu tá Cục Tình báo quân đội (GRU) hoạt động dưới vỏ bọc tùy viên Xôviết tại Algeria. Thật ra, người Mỹ đã đưa Philatov vào tầm ngắm từ chuyến công tác trước tại Lào sau khi biết anh ta là kẻ rất mê gái.

 

Có lần khi đang đi dạo ngoài phố, một chiếc xe con tình cờ dừng trước mặt Philatov. Người phụ nữ da trắng xinh đẹp trên xe đề nghị cho đi quá giang. Chỉ một thời gian ngắn sau, hai người lại tình cờ gặp gỡ nhau trong một cửa hàng. Tiếp theo, Philatov được mời ghé thăm nhà cô ta, đi khiêu vũ và cuối cùng là quan hệ tình dục. Nhưng trong lần hẹn hò tiếp sau đó, thay cho cô gái đẹp lại là một nhân viên CIA.

 

Anh ta đưa cho viên thiếu tá xem các bức ảnh và dọa sẽ gửi chúng cho các đồng nghiệp của Philatov. Không còn con đường nào khác, Philatov đã nhận lời làm việc cho người Mỹ. Trong suốt 14 tháng sau đó, anh ta đã trao cho CIA rất nhiều tài liệu liên lạc của KGB và GRU, bản báo cáo hàng năm của Đại sứ quán Xôviết cùng nhiều tài liệu tuyệt mật khác. Về sau, Philatov đã bị bắt giữ tại Moskva và phải nhận bản án 15 năm tù vì tội phản bội Tổ quốc.

Bí thư Đảng ủy tại Viện tình báo mang tên Yuri Andropov là Đại tá Vladimir Piguzov - người nắm giữ tất cả các thông tin mật về những học viên đã tốt nghiệp tại trường này - cũng bị “gục ngã” trước sắc đẹp tại Indonesia vào năm 1974 và đã nhận làm việc cho CIA suốt 10 năm sau đó. Khó có thể hình dung được bao nhiêu hồ sơ về học viên tình báo của Liên Xô đã bị Piguzov trao cho phía CIA.

Theo Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga, Piguzov khi dẫn chó đi chơi vào các buổi chiều đã liên lạc với người Mỹ bằng một thiết bị thông tin đặc biệt được giấu trong vòng cổ của con chó. Chính qua đó, hắn đã cung cấp cho CIA rất nhiều thông tin về các học viên tại Học viện Tình báo. Piguzov chỉ bị phát hiện sau khi phản gián Nga nhận được thông tin từ Aldrich Ames.

Với việc gây tổn thất quá lớn cho Tổ quốc, Piguzov đã bị xử bắn. Còn có thể kể đến một vài trường hợp nữa bị sa bẫy mỹ nhân kế và phản bội Tổ quốc như Trung tá Tổng cục I KGB tại Washington là Boris Yuzin (đã bị kết án và được ân xá vào năm 1992); nhân viên Vladimir Potashov từ Ban nghiên cứu các vấn đề chính trị - quân sự của Viện nghiên cứu Mỹ và Canada (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô) cũng bị người Mỹ tuyển mộ tại Wahsington và sau đó bị bắt giữ và kết án; nhân viên ngoại giao Aleksandr Ogorodnik của Đại sứ quán Liên Xô tại Bogota (Colombia) cũng bị sa bẫy bởi một nữ điệp viên gốc Tây Ban Nha. Trường hợp này đã được dựng thành bộ phim “TASS được quyền tuyên bố” theo kịch bản của Yulian Semenov

Thái Quân (tổng hợp)
.
.