Cuộc đời "Bà đầm thép" Margaret Thatcher

Thứ Sáu, 05/05/2006, 08:00

Người ta đã viết rất nhiều về Margaret Thatcher - nữ chính trị gia nổi tiếng. Song, nhiều người quên rằng bà còn là một người vợ, người mẹ và đơn giản là một phụ nữ  từng thích các kiểu mũ độc đáo.

Ngôi nhà đồng thời là tiệm may và cửa hàng ở thành phố nhỏ Grantam, phía bắc London, không có nước nóng lẫn toilet. Margaret Roberts ra đời trên tầng 2 của ngôi nhà này, ngay trên cửa hiệu nơi người cha bán trà và đường.

Không bao giờ ngừng làm việc

Alfred Roberts, cha của nữ thủ tướng tương lai là người nuôi Margaret khôn lớn, dạy con gái chủ yếu những phẩm chất của người đàn ông - khả năng chịu đựng cuộc sống, lòng dũng cảm, sự cứng rắn. “Đừng bao giờ ngừng làm việc! Cần làm việc để kiếm tiền cho cuộc sống của mình!” - bà Margaret luôn nhớ đến lời dạy này của cha. Bà thích nhắc lại câu: “Tất cả những gì mà tôi đạt được là nhờ cha tôi, nhờ sự giáo dục của ông, nhờ những điều răn dạy của ông”. Ông dạy con nhiều điều: Không bao giờ ngừng làm việc, không bao giờ mất bình tĩnh, không bao giờ nói công khai về những thất bại của mình và không bao giờ theo đuôi đám đông - tốt hơn là kéo đám đông theo mình.

Margaret Roberts, một người con gái biết nghe lời, luôn tuân thủ những lời khuyên này. Thực tế là khó có thể không tuân theo vì trong gia đình đã hình thành thói quen nghe theo cha, thường xuyên đi nhà thờ, không nghỉ vào những ngày cuối tuần và tiết kiệm.

Cô bé đã tiết kiệm số tiền còn lại từ những bữa ăn sáng ở trường, nhưng cô thậm chí không nghĩ đến việc mua cho mình một cái áo mới hay đi xem phim. Tất cả thời gian rỗi được cô bé dành cho học tập. Một lần cô bé đã chiến thắng trong kỳ thi thơ, và cô giáo, khi trao giải thưởng, đã nói: “Em thật may mắn, Margaret!". Thủ tướng tương lai của nước Anh lập tức đáp lại: “Tại sao lại là may mắn? Em xứng đáng được thế!”.

Sau phổ thông, Margaret học hóa trong Trường trung cấp nữ Oxford. Về sau bà nói: “Thật tốt là cả cuộc đời tôi học trong các trường dành cho nữ sinh. Khi nhỏ vì tôi hầu như không quen với các bạn trai, nên tôi đã không biết mặc cảm trước con trai và thua kém họ chỉ vì họ là con trai. Còn khi tôi trưởng thành thì đã muộn”.

Khi mới bước vào cuộc sống, Margaret không có quan hệ nhiều với các chàng trai. Cô yêu một bá tước trẻ, nhưng người mẹ của anh ta chỉ nhíu lông mày một cách quý tộc, và vấn đề với cô gái con một chủ cửa hiệu nhỏ đã được giải quyết dứt khoát.

“Cái chân trên bàn phanh”

Cái tên Dannis Thatcher ở Anh đã trở thành một danh từ chung, thể hiện người đàn ông lặng lẽ sau lưng người phụ nữ rực rỡ và thành đạt. Theo nghi lễ, ông luôn đứng sau người phụ nữ của mình 3 bước, trả lời các câu hỏi một cách ngắn gọn và không can dự vào công việc của nhà nước. Nhưng không phải tự nhiên Dannis gọi mình là “cái chân trên bàn phanh”, vì bà Margaret bắt đầu và kết thúc một ngày của mình bằng việc nói chuyện với ông. Dannis là một người đàn ông Anh điển hình: Ít nói, uống nhiều rượu whisky, hay chơi golf và ít thể hiện cảm xúc ra ngoài. Bà Margaret hâm mộ ông, lời khen ngợi cao nhất của bà là: “Trong những lúc tôi phát biểu, ông ấy không bao giờ ngủ gật và luôn vỗ tay đúng chỗ!”.

Margaret Thatcher cùng phu quân đi dạo.

Nói cho đúng, nếu không có Dannis, chính xác hơn là tiền của ông, sự nghiệp chính trị của bà Margaret có thể đã không đạt được như vậy. Nhiều người cho rằng cuộc hôn nhân này là do tính toán, nhưng việc họ đã ở bên nhau 52 năm là sự bác bỏ xứng đáng nhất đối với những lời châm chọc đó. Trước các nhà báo chuyên đưa ra các câu hỏi cùng luận điệu, đại khái như: “Vậy ai trong gia đình ông mặc quần?”, với sự hài hước thực sự của người Anh, ông Thatcher đã đáp lại: “Tôi. Tôi còn giặt và là quần nữa...”.

Còn với câu hỏi: Ông có cảm thấy nặng nề khi sống với "Bà đầm thép" không? Ông Dannis chỉ mỉm cười: “Thế giới và gia đình nhìn bà Margaret bằng những con mắt khác nhau. Thế giới gọi là “Bà đầm thép”. Những đứa con gọi bà như chúng cần phải gọi: Mẹ. Còn tôi đặt cho bà một biệt hiệu khác”. Tất nhiên, như một người Anh chính gốc, ông không nói ra biệt hiệu ấy là gì.

Khi ông Dannis qua đời ở tuổi 88, lần đầu tiên bà Thatcher cảm thấy sau bà 3 bước chân không còn ai cả. Và lần đầu tiên trong cuộc đời bà đã khóc trước mọi người.

Năm 1990, Margaret Thatcher được tặng Huân chương "Vì sự cống hiến", 2 năm sau Nữ hoàng Elizabeth II đã tặng bà danh hiệu Nữ bá tước và quyền họp Thượng nghị viện suốt đời. Có lẽ điều phiền muộn nhất của bà hiện nay chính là cậu con trai Mark Thatcher - người bị bắt giữ tại Nam Phi vì tội âm mưu lật đổ Chính phủ Ghinê - xích đạo.

Điều chủ yếu - sức khỏe

Ngày 13/10/2005, bà Thatcher tròn 80 tuổi, bà không còn hoạt bát như trước kia. Trong buổi kỷ niệm của mình, mặc dù có những khuyến cáo của bác sĩ, bà Thatcher không thể từ bỏ đam mê phát biểu trước mọi người, nhưng bà không nói về những năm tháng đã qua hay về gia đình mình. "Bà đầm thép" đã trung thành với bản thân và chỉ trích quyết định của Thủ tướng Anh đương nhiệm Tony Blair về việc đưa quân đội tới Iraq. Sự có mặt của Nữ hoàng Elizabeth và Thủ tướng T.Blair không làm bà lúng túng. Người phụ nữ này có thể cho phép mình làm nhiều điều, bà xứng đáng với việc đó.

Gần đây bà đã trả lời phỏng vấn của một trong những người viết tiểu sử của mình. Bà Margaret nói, tiếc rằng (hoặc cũng có thể là may mắn) lần đầu tiên trong cuộc đời bà có nhiều thời gian để suy ngẫm, và khi ngồi trên chiếc ghế đu đưa trong khu vườn rất đẹp, bà nghĩ về sức khỏe của mình, về hạnh phúc của con cái và sự phồn thịnh của đất nước. Đúng theo thứ tự như vậy!

Hoàng Thương (theo Luận chứng và Sự kiện)
.
.