“Cuộc đua” của ông Shinzo Abe

Thứ Ba, 23/07/2019, 09:25
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 21-7 tới, cử tri Nhật Bản sẽ bỏ phiếu bầu lại 124/245 thượng nghị sĩ.

Theo kết quả khảo sát do Đài Phát thanh truyền hình quốc gia Nhật Bản (NHK) công bố tối 16-7, đảng Tự do Dân chủ (LDP) đang cầm quyền và một số liên minh được dự đoán sẽ duy trì đa số tại Thượng viện nhưng Thủ tướng Shinzo Abe vẫn cần một đa số rộng rãi để dễ dàng thông qua bản hiến pháp sửa đổi, tiếp tục quá trình "bình thường hóa" nước Nhật.

Dường như chính quyền đang muốn ghi điểm với cử tri và giới chóp bu kinh tài bằng đòn tấn công thương mại đối thủ cạnh tranh kinh tế láng giềng vốn đang vươn lên mạnh mẽ những năm gần đây.

Vượt trên động cơ kinh tế

Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe nổi lên là một cường quốc kinh tế với quan hệ thương mại ngày càng mở rộng. Sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đã góp sức trong việc khôi phục các cuộc đối thoại và giúp ra đời một thỏa thuận mới không có Mỹ. Nhật Bản cũng đã ký kết thỏa thuận đầu tư và thương mại với Liên minh châu Âu (EU), từ đó gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng cả EU và Nhật Bản đều tận tâm duy trì sự cởi mở kinh tế.

Có thể nói, Tokyo đã tận dụng việc Washington quay về với chủ nghĩa đơn phương để tìm kiếm vị thế mới trên trường quốc tế bằng sức mạnh sở trường, một nền sản xuất phát triển và quan hệ thương mại rộng mở.

Mặt khác, về bản chất căng thẳng giữa Tokyo với Seoul hiện nay là một cuộc chiến tranh công nghệ tương tự như cuộc đọ sức giữa Mỹ với Trung Quốc. Tokyo đã cấm xuất khẩu 3 loại hóa chất rất cần thiết cho ngành công nghệ bán dẫn và màn hình điện thoại thông minh của Hàn Quốc. Không phải tình cờ mà Tokyo đưa 3 mặt hàng trên vào danh sách cấm.

Theo Cơ quan Ngoại thương Nhật Bản, đối với cả 3 mặt hàng này, thế giới lệ thuộc đến hơn 90% vào xuất khẩu nguyên liệu của Nhật Bản. Hiện nay hai tập đoàn Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix đang làm chủ 70% thị trường bộ nhớ máy tính và các hệ điều khiển trên thế giới, là nguồn cung cấp chính cho các tập đoàn điện tử và tin học khác của Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc. Công nghệ bán dẫn và bộ nhớ điện tử hiện chiếm đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Trong thời đại công nghệ 4.0, sản phẩm công nghệ cao tiên tiến giữ vai trò cốt lõi bởi đó là nguồn đem lại tăng trưởng và bảo đảm việc làm trong tương lai. Đó là động cơ chính khiến Tokyo khiêu chiến với Seoul, cho dù hành vi này sẽ làm tổn hại đến kinh tế của chính Nhật Bản. Dường như sau giai đoạn đề cao hợp tác, cuộc chiến thương mại mà Nhật Bản khơi mào với Hàn Quốc chính là bước đi đầu tiên của Tokyo nhằm khẳng định thế thượng phong.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một dịp gặp gỡ cử tri.

Cuộc đua trong nước

Cũng chính trong ngày 4-7, ngày tuyên bố áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sang Hàn Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử Thượng viện. Có thể nói đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang chiếm ưu thế vượt trội so với các đảng khác trước thềm cuộc bầu cử.

Cuộc khảo sát của NHK cho biết, LDP đang nhận được 34,2% tổng số người được hỏi ủng hộ, vượt xa đảng Dân chủ lập hiến đứng thứ 2 với chỉ 6,0% người ủng hộ, tiếp theo là đảng Công minh, đồng minh của LDP có 4,3% người ủng hộ. Trong số 3.652 người được hỏi, 45% ủng hộ nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong khi số người không ủng hộ là 33%.

Năm 2013, một năm sau khi thắng cử, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố chiến lược "Abenomics" với hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

Theo giới chuyên gia, sau gần 2 thập kỷ chìm trong giảm phát, Nhật Bản cần một liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả nhằm điều trị triệt để căn bệnh trầm kha của nền kinh tế và Abenomics được kỳ vọng là giải pháp.

Chính phủ Nhật Bản hôm 20-5 đã công bố số liệu sơ bộ cho thấy kinh tế của nước này trong quý I năm 2019 tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng 0,5% so với quý trước đó, sau khi loại trừ ảnh hưởng của sự biến động giá. Đây là quý thứ 2 liên tiếp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng, sau khi tăng 1,6% trong quý IV năm 2018.

Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng cho biết tăng trưởng GDP danh nghĩa (tổng sản phẩm nội địa tính theo giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng) là 3,3% so với cùng kỳ năm trước và 0,8% so với quý trước đó. Với chính sách nới lỏng tiền tệ, gia tăng chi tiêu công và cải cách thể chế nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và chú trọng tự do thương mại, Abenomics đã thu được kết quả, giúp  người dân Nhật Bản kỳ vọng hơn về “sự tái sinh” của nền kinh tế nước này.

Cuộc khảo sát của NHK vừa qua cũng cho thấy an sinh xã hội là vấn đề mà cử tri Nhật Bản quan tâm nhất, tiếp theo lần lượt là chính sách kinh tế, thuế tiêu dùng, an ninh - ngoại giao, sửa đổi hiến pháp và cuối cùng là chính sách điện hạt nhân. Trong đó, sửa đổi hiến pháp - vấn đề đang gây nhiều tranh cãi tại Nhật Bản và được nhiều quốc gia quan tâm - chỉ nhận được sự tán thành của 29% số người được hỏi. Ngược lại, số người không tán thành sửa đổi là 32%.

Dù nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri, song LDP cũng có những bất lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới khi có 30% ý kiến cho rằng cần tăng số ghế cho các đảng đối lập và chỉ có 24% cho rằng LDP cần tăng số ghế. Hiện, liên minh LDP và đảng Công minh đang giữ hơn 2/3 số ghế ở Hạ viện nhưng chưa có đủ 2/3 ghế ở Thượng viện. LDP hy vọng liên minh cầm quyền sẽ giành tối thiểu 2/3 số ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử sắp tới để có thể thông qua các quyết định quan trọng tại Quốc hội.

Từ sự thành công về kinh tế, ông Abe trông đợi thu thêm uy tín chính trị, tạo cơ sở vững chắc để ông theo đuổi chủ trương sửa đổi bản hiến pháp năm 1947 (do Mỹ soạn thảo) và nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới. Đòn tấn công thương mại nhằm vào Hàn Quốc có thể nói cũng là bước đi nhằm phục vụ mục đích tối hậu này, dù ngầm chứa trong đó các tác động ngược chiều.

Nếu Nhật Bản là nguồn cung cấp nguyên liệu chính của Hàn Quốc, thì đổi lại Hàn Quốc là một thị trường mà các nhà xuất khẩu ở Nhật Bản không thể bỏ qua. Cho tới nay Tokyo vẫn giữ quan điểm không nhân nhượng bất chấp các động thái kêu gọi đàm phán của Seoul.

Nam Sơn
.
.