Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016: Cuộc song đấu hai “triều đại” Clinton - Bush

Thứ Sáu, 26/06/2015, 12:35
Ngày 15/6, John Ellis (Jeb) Bush, ứng cử viên được chờ đợi nhất của đảng Cộng hòa đã chính thức phát động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 tại thành phố Miami, bang Florida. Trước đó, ngày 13/6, bà Hillary Clinton, cũng đã phát động chiến dịch tại thành phố New York.

Cạnh tranh ứng cử viên chính thức với ông Jeb Bush là 11 ứng viên sơ bộ của đảng Cộng hòa, còn bà Hillary Clinton thì đến nay có 3 người cạnh tranh và chắc chắn không ai đủ khả năng qua mặt bà như ông Barack Obama từng làm năm 2008. Nhìn vào danh sách ứng cử này, giới quan sát đánh giá cuộc đua năm 2016 rất có thể sẽ là màn song đấu giữa đại diện của 2 triều đại chính trị của nước Mỹ đương đại: Nhà Clinton và nhà Bush.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Xét về truyền thống gia đình, thì hẳn là Jeb Bush có phần nhỉnh hơn bà Hillary Clinton. Nếu thắng cử thì Jeb sẽ là người thứ ba của nhà Bush làm chủ nhân Nhà Trắng; trong khi đó, bà Hillary nếu thắng cử cũng chỉ làm nên "cặp vợ chồng Tổng thống" như vợ chồng nhà Kirchner ở Argentina.

Hai “triều đại” Clinton và Bush, ai sẽ thắng?

Nhưng về tên tuổi thì hẳn Jeb Bush không bằng bà Hillary Clinton. Cái tên "Clinton" đã được khẳng định như một thương hiệu trên chính trường Mỹ và thế giới, xét về nhiều mặt. Vì thế, khi nó xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và trên các băng-rôn, pa-nô quảng bá tranh cử thì lập tức công chúng Mỹ nhận ra ngay. Jeb Bush khác ở chỗ, khi nhắc đến chữ "Bush" thì người ta nghĩ ngay đến người anh George W. Bush từng một thời gieo sóng gió không chỉ ở Mỹ mà cả trên thế giới với cuộc chiến chống khủng bố gây tốn kém hàng nghìn tỉ USD mà hiệu quả mang lại không thể xác định là bao nhiêu.

Việc khẳng định chỗ đứng riêng của mình thì Jeb cũng kém hẳn Hillary. Kinh nghiệm của Jeb cho đến nay cũng chỉ gói gọn trong 8 năm làm Thống đốc bang Florida. Jeb luôn tự hào về khoảng thời gian làm Thống đốc đó, vì ông đã mang lại làn gió phát triển mới cho tiểu bang. Nhưng Hillary thì vượt trội Jeb với thời gian có mặt tại Washington ngót nghét 20 năm. Trước hết, sau 8 năm làm đệ nhất phu nhân (thời ông Bill Clinton làm Tổng thống 1993 - 2001), bà đi theo con đường sự nghiệp riêng mình, làm Thượng nghị sĩ bang New York cho đến khi ông Barack Obama lên làm Tổng thống thì bà lại được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Chính trong thời gian làm việc ở Bộ Ngoại giao bà Hillary đã có cơ hội khẳng định tên tuổi và quyền lực đích thực của mình, không chỉ trong nước mà còn trên bàn cờ chính trị quốc tế. Hillary đã làm cho nước Mỹ mang bộ mặt mới, mềm mỏng hơn nhưng cũng quyền lực hơn. Nước Mỹ của bà Hillary không hô hào đánh đấm dữ dội, nhưng cũng rất quyết liệt trong chính sách đối ngoại và theo đuổi mục tiêu lợi ích của mình.

Trong bài phát biểu quan trọng phát động chiến dịch tranh cử, Bush và Clinton đưa ra đường lối tranh cử khác hẳn nhau. Trong khi Jeb có cách tiếp cận bảo thủ, thì Clinton thể hiện một chương trình hành động ngày càng thiên tả, dân túy và tiến bộ hơn. Jeb Bush hô hào cải tổ nước Mỹ, cải tổ bộ máy điều hành ở thủ đô Washington DC vì cho rằng nó đang đi "chệch hướng", đồng thời ông cũng hô hào quay trở lại với tự do kinh doanh, tự do đủ thứ.

Hillary Clinton phát động tranh cử.

Còn bà Hillary thì xác định chính xác công việc của người đứng đầu nhà nước đòi hỏi ở bà những gì. Bà tự nhận mình là người chủ trương hàng đầu cho các sự nghiệp tiến bộ, cho rằng mình sẽ đưa nền kinh tế Mỹ quay trở lại quỹ đạo "rất Mỹ" - vừa thành công nhưng cũng lắm gian nan - phê phán chính sách kinh tế "nước chảy chỗ trũng" mà một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa hay làm. Đó là sách lược kinh tế tự do kinh doanh của Jeb với lập luận rằng, cứ để giới doanh nghiệp làm giàu thoải mái, rồi lợi tức của họ cũng sẽ "chảy xuống" những người có thu nhập trung bình và thấp.

Hiện cả Hillary Clinton và Jeb Bush đều đang là các ứng viên hàng đầu trong cuộc đua sơ bộ tìm người đại diện cho đảng mình ra tranh cử tổng thống năm 2016. Trong khi tỉ lệ ủng hộ trong đảng dành cho bà Clinton ổn định, thì Bush xem có phần khó khăn hơn khi ngày càng có nhiều ứng viên Cộng hòa tham gia cuộc đua.

Những tháng trước, khi mới hé lộ thông tin về ý định tham gia cuộc đua, Jeb nhận được trên 50% ủng hộ, nhưng đến tháng 5/2015, tỉ lệ đó giảm còn 46%, với 27% khẳng định sẽ không bỏ phiếu cho nhà Bush một lần nữa. Nếu như bà Hillary đang an toàn với tỉ lệ bỏ xa người về nhì đến 40 điểm phần trăm, thì Jeb chỉ nhỉnh hơn người phía sau mình có nửa điểm. Và nếu đưa lên bàn cân vào lúc này, có vẻ triều đại Bush thất thế hơn so với triều đại Clinton, với tỉ lệ Hillary được đánh giá 10 phần thắng, Jeb chỉ có 3 phần.

George là George, còn Jeb là Jeb

Một điểm đáng lưu ý là trong khi bà Hillary luôn nhận được sự hậu thuẫn tích cực của người chồng cựu Tổng thống (Bill Clinton), luôn sử dụng cái họ "Clinton" như một lợi thế sẵn có, thì Jeb lại đang cố tình né tránh cái họ "Bush" của mình mặc dù chính nó đã bảo đảm cho ông một sự công nhận rộng rãi ngay từ đầu. Và ngay trong lễ phát động tranh cử của Jeb không có sự hiện diện của người anh George W. Bush. Điều đó khiến cho dư luận rộ lên những điều tiếng này nọ.

Jeb Bush phát động chiến dịch tranh cử.

Lý do thì có nhiều. Một trong những nguyên nhân được cho là Jeb muốn tránh xa cái bóng của người anh trai George W. Bush. Bush anh đã có 2 nhiệm kỳ Tổng thống đầy sóng gió với các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, trong đó sự sa lầy trong cuộc chiến tại Iraq và những bê bối từ cuộc chiến đó đã khiến cho công luận Mỹ có ác cảm với họ Bush. Nó lấn át cả những gì tốt đẹp mà ông Bush cha (George H.W. Bush) đã làm trước đó.

"Di sản" tai tiếng đó trở thành "món nợ" đối với Jeb. Nó khiến cho tên họ "Bush" vừa là điều đặc ân nhưng cũng vừa là gánh nặng đối với người tiếp nối truyền thống gia đình. Jeb đã tìm cách tạo cho mình một tư thế riêng, đưa ra cái nhìn, quan điểm của riêng mình khác biệt hẳn so với người anh trai George W. Bush. Jeb tách bạch rõ ràng: Công nhận và khen ngợi chính sách đối ngoại của anh trai, nhưng cũng thẳng thắn đánh giá anh trai có những sai lầm trong 2 cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan. Jeb cho rằng, George W. Bush lẽ ra nên chú trọng việc bảo đảm an ninh và lo khôi phục kinh tế quốc gia hơn là lún sâu vào chiến tranh tại Iraq.

Trước công chúng, Jeb luôn tìm cách khỏa lấp những trục trặc trong quan hệ gia đình mình, nhưng cũng không thể che giấu dư luận. Báo chí đưa ra những câu chuyện xung quanh vấn đề chính trị quốc gia. Một quyển sách xuất bản năm 2004 viết về gia đình Bush nhan đề "The Bushes: Portrait of a Dynasty (Nhà Bush: Chân dung một triều đại) đã phác họa khá rõ nét mối quan hệ bên trong gia đình Bush, trong đó mối quan hệ giữa 2 anh em George W. và John Ellis (Jeb) Bush được mô tả là khá phức tạp, vừa có sự đối đầu, vừa có cảm giác tổn thương và những giai đoạn "không nhìn mặt nhau".

Cũng quyển sách nêu trên kể rằng, khi còn nhỏ, Jeb luôn là đối tượng để George "bắt nạt". Khi lớn lên, hai anh em càng xa cách nhau hơn. Một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông George W. Bush năm 2000 kể lại có một dịp hai anh em nói chuyện điện thoại và Bush-anh đã sửng sốt khi nghe Bush-em tuyên bố rằng nếu không có quan hệ gia đình thì họ sẽ "đường ai nấy đi", "việc ai nấy làm".

Tuy hai anh em đều có lập trường quan điểm chính trị giống nhau là bảo thủ hơn cha mình, nhưng họ chưa bao giờ là "anh em tốt", chưa bao giờ gần gũi nhau như bao anh em ruột trên thế giới. Về mặt phong cách thì Jeb và George cách xa nhau như hai thái cực: George hướng ngoại và dễ hòa đồng, trong khi Jeb thì hướng nội, chuộng lý thuyết và "mọt sách".

Thời còn trẻ, hai anh em cũng theo hai hướng đi khác nhau: George W. Bush thì theo con đường của Bush-cha là học dự bị đại học ở New England và vào Đại học Yale, lấy vợ và sinh 2 con gái khi đã ngoài 40 tuổi. Jeb thì ngược lại, học Đại học Texas trong 2 năm rưỡi, cưới vợ lúc 21 tuổi và 23 tuổi đã có con, chuyển về Florida sinh sống để chiều ý vợ, làm giàu nhờ kinh doanh bất động sản. Đầu thập niên 80 thế kỷ XX, Jeb bắt đầu tham gia hoạt động chính trị với đảng Cộng hòa, nhận được ưu ái nhờ cái tên "Bush". Lúc đó, Bush-cha làm Phó tổng thống dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.

Năm 1994 được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự xoay chuyển vận mệnh cho cả hai anh em nhà Bush. Đó là lúc Jeb Bush tham gia tranh cử chức thống đốc bang Florida, còn George W. Bush còn chưa làm thống đốc, mới chỉ làm một nhà quản lý của đội bóng chày Texas Rangers và cũng ra tranh cử chức thống đốc bang Texas. Jeb khó chịu và chỉ trích việc George tranh cử đã biến thành đề tài đàm tiếu của báo chí.

Jeb là một người con kín đáo và có trách nhiệm với gia đình, luôn được mọi người xem là mang sứ mệnh kế thừa truyền thống chính trị của cha. George W. Bush thì vui tính, hay pha trò cười cho mọi người... Chính vì thế mà mọi người đã bị sốc khi Jeb thất cử, còn George thì giành chiến thắng tại Texas. George hăm hở theo dõi sát sao cuộc bầu cử ở bang Florida để xem kết quả của người em trai cao hay thấp hơn mình. Vào buổi tối ngày bầu cử, George W. Bush cảm thấy bị "choáng" bởi cha mẹ có vẻ buồn về chuyện Jeb thất cử hơn là vui mừng chuyện thắng cử của mình. Và George đã bực bội gọi điện thoại hỏi bố: "Sao bố cảm thấy buồn về chuyện Jeb? Sao bố không cảm thấy vui mừng về con?".

Tuy vậy, "anh em như thủ túc". 4 năm sau, George W. Bush vẫn ra tay trợ giúp em trai mình giành chiến thắng trong lần thứ hai tranh cử thống đốc bang Florida bằng cử chỉ vận động Mạnh thường quân của mình ở Texas gây quỹ giúp Jeb. "Đó là một bài học lớn về sự hạ mình của anh George", Jeb nói với tờ Dallas Morning News ngay trước ngày bầu cử năm 1998 (Jeb giành chiến thắng). Và 2 năm sau nữa, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, đến lượt Jeb đáp lễ anh trai, đóng vai trò quan trọng trong hậu trường khi cuộc bầu cử phải giằng co bằng việc kiểm đếm lại phiếu bầu. Jeb đã lo cho George W. Bush một đội ngũ luật sư tài năng hàng đầu ở Florida để giúp George đánh bại đối thủ Al Gore của đảng Dân chủ, trở thành Tổng thống thứ 43 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Và cũng kể từ đó, chuyện hục hặc giữa hai anh em luôn được Jeb giữ kín bằng mọi cách. Tuy hiếm khi đến thăm Nhà Trắng, nhưng quan hệ anh em với Tổng thống George W. Bush cũng đã góp phần giúp ông giành chiến thắng nhiệm kỳ 2 vào năm 2002. Năm 2004, đến lượt bang Florida của Jeb trở thành "căn cứ quan trọng góp phần giúp George W. Bush tái đắc cử nhiệm kỳ 2. Tờ Los Angeles Times kết luận: Cho dù họ có hằn học, đối đầu hay suy nghĩ tiêu cực về nhau thế nào thì rốt cuộc anh em nhà Bush vẫn có mặt ra tay giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc cần thiết, có thể công khai khi cần, nhưng thường là theo cách kín đáo. Đó là một sự "dàn xếp" riêng trong gia đình Bush, và sẽ tồn tại rất lâu.

An Châu (tổng hợp)
.
.