Arập Xêút: Cuộc “thay máu” của vua Vua Salman
Vua Salman, năm nay 79 tuổi, lên ngôi sau khi Vua Abdullah qua đời vào ngày 23/1/2015. Chỉ vài ngày sau khi lên ngôi, Vua Salman đã thực hiện ngay cuộc "thay máu" đầu tiên.
Những người thân tín trung thành nhất của Vua Abdullah là những “nạn nhân” đầu tiên phải ra đi, bao gồm Chánh văn phòng Hoàng triều Khaled al-Tuwaijri, 2 con trai ông là Mashal (Tỉnh trưởng Mecca) và Turki (Tỉnh trưởng Riyadh), Giám đốc Cơ quan Tình báo Khalid bin Bandar và Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Bandar bin Sultan, cha của Khalid.
Ngày 29/4, vòng hai của cuộc "thay máu" bắt đầu với việc thay thế Hoàng thái tử Muqrin bin Abdulaziz (hàng thứ nhất nối ngôi) bởi Mohammed bin Nayef, Bộ trưởng Nội vụ; đồng thời Vua Salman cũng bổ nhiệm con trai mình là Mohammed bin Salman làm Phó hoàng thái tử, hàng thứ hai nối ngôi.
Đối với giới phân tích, các động thái "thay máu" này không có gì bất ngờ; tất cả đều có lý do và tất yếu sẽ xảy ra. Người ta nhìn nhận cuộc “thay máu” là một sự chuyển giao quyền lực vào tay một thế hệ mới của Hoàng gia Saud.
Cuộc thanh lý đầu tiên được cho là nhằm chỉnh đốn bộ sậu chính trị Hoàng gia và uốn nắn quan điểm chạy theo "chủ nghĩa tự do" của bộ máy cầm quyền.
Còn cuộc “thay máu” lần 2 vào ngày 29/4 chính là để củng cố quyền lực tập trung trong tay dòng tộc Sudairi của Hoàng gia Saud.
Vua Salman |
Thời Vua Abdullah, ảnh hưởng của các hoàng tử thuộc dòng tộc Sudairi bị tụt giảm mạnh, yếu thế dần. Vua Salman là người của dòng tộc Sudairi, vì thế ông phải lấy lại quyền thế cho dòng tộc bằng cách đưa người của Sudairi là Hoàng tử Mohammed bin Nayef và con trai mình vào vị trí nối ngôi. Chỉ có một sự bổ sung khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là việc Adel al-Jubeir thay thế Hoàng tử Saud al-Faisal trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Al-Jubeir là người đầu tiên không thuộc Hoàng gia Saud nắm giữ chức vụ này. Trong khi đó, Hoàng tử al-Faisal, năm nay 75 tuổi, là người đã có 40 năm kiến tạo và duy trì chính sách đối ngoại của Arập Xêút. Và việc thay thế ông được cho là nằm ngoài dự kiến.
Việc thay thế một loạt Hoàng tử thân tín của cựu vương Abdullah cũng đồng nghĩa với sự phá bỏ chính sách cải cách theo chủ nghĩa tự do của cựu vương. Đây là bước đi được nhiều chuyên gia về Arập Xêút cho là để uốn nắn lại đường lối phù hợp với phái bảo thủ tôn giáo.
Giới phân tích cũng đánh giá, "những gì diễn ra dưới thời Vua Abdullah không phải là cải cách đích thực mà là chủ nghĩa tự do giả tạo". Trong quan niệm của họ, Arập Xêút là "trung tâm" của Hồi giáo, và tính chất Hồi giáo bảo thủ của Arập Xêút là chất keo kết dính để giữ cho vương quốc này tồn tại, và triều đại mới của Vua Salman đã khôn ngoan khi sớm nhận ra rằng cố gắng làm phai nhạt tính chất bảo thủ đó là "tự sát".
"Nếu cố gắng đi theo chủ nghĩa tự do, Arập Xêút sẽ sụp đổ" - nhận xét của giáo sư Abdullah al Shammari, một cựu chuyên gia ngoại giao Arập Xêút. Bởi thế, chỉ vài giờ sau khi lên ngôi, Vua Salman đã ngay lập tức cho thay thế Khaled al Tuwaijiri, và thay thế bởi Hoàng tử Mohammed bin Salman (người vừa được bổ nhiệm Phó hoàng thái tử).
"Dưới thời Vua Abdullah, chúng tôi không có một chính sách đối ngoại, và phải quan sát những diễn biến ở Yemen diễn ra trước mắt chúng tôi" - nhà phân tích Khalid Dakhil nhận xét. Sự "thua thiệt" đó đã được Vua Salman sửa chữa bằng quyết định tung ra chiến dịch không kích phiến quân Houthi (dòng Shiite) ở Yemen. Song song đó, giọng điệu chống Iran của Arập Xêút cũng bắt đầu mạnh mẽ hơn.
Trong bộ sậu mới, Hoàng tử Bin Nayef là người nắm trong tay quyền lực mạnh nhất. Ông sẽ tiếp tục nắm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, đồng thời nắm luôn quyền hành tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông chính là người thực thi chính sách đối ngoại của Arập Xêút.
Ông cũng chính là người chủ trì triển khai các cải cách khác về kinh tế, chính trị và an ninh, từng phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong cuộc chiến chống Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Với chương trình cải cách mới của Vua Salman, Nayef được giao nắm luôn ghế chủ trì một ủy ban cải cách kinh tế và đã mang lại nhiều thay đổi.
Trước đây, các bộ của Arập Xêút hoạt động theo kiểu "mạnh ai nấy làm", nay tất cả đều đặt dưới sự kiểm soát của Hoàng tử Nayef, buộc các bộ và bộ trưởng phải thay đổi cách làm việc.
Trong chính sách đối ngoại mới của Arập Xêút có một nguyên tắc quan trọng là thiết lập một "Trục Sunni" để chống lại Iran. Vấn đề này, Riyadh có thể khiến cho Washington không vui khi ngày càng có những hành động độc lập hơn trong chính sách đối ngoại cũng như về kinh tế của mình, giảm phụ thuộc vào Washington.
Trong khi Nhà Trắng đang theo đuổi chính sách đối thoại, lôi kéo và tiến tới cải thiện quan hệ với Iran, thì Arập Xêút lại đang triển khai một chiến dịch ngược lại, xây dựng một "Trục Sunni" chống Iran.
Để triển khai chiến dịch này, Arập Xêút đã thay đổi chính sách đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng bỏ qua những "gút mắc" thời gian qua giữa hai nước, và bất chấp quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập - một đồng minh của Arập Xêút - vẫn đang lạnh nhạt, Riyadh vẫn mời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến thăm vương quốc. Nayef đã hội kiến Erdogan ở Ankara và đã sắp xếp lịch trình làm việc cho ông.
Để xây dựng thành công "Trục Sunni" chống Iran, Riyadh còn nuôi tham vọng lôi kéo cả các tổ chức Hồi giáo Shiite như Hamas cắt quan hệ với Iran để gia nhập phe "Trục". Tuy nhiên, sẽ rất khó để Riyadh làm được điều này, vì Ai Cập hiện vẫn đang theo đuổi chính sách đối nghịch với Hamas và Hamas cũng không muốn khôi phục quan hệ với Cairo.