Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và chức Chủ tịch EU

Thứ Tư, 04/11/2009, 19:40
Nếu Hiệp ước Lisbon được thông qua, EU sẽ bầu chọn Chủ tịch đầu tiên của khối theo tinh thần của các chính sách cải tổ cơ cấu thuộc hiệp ước này. Ngay từ bây giờ, khi Hiệp ước Lisbon còn đang vướng mắc khâu cuối cùng (chờ chữ ký của Chủ tịch nước Cộng hòa Czech), đã bắt đầu cuộc vận động bầu cử cho chức danh này. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đang là ứng viên sáng giá nhưng cũng còn nhiều trở ngại.

Hiện giờ, hầu hết các lãnh đạo trong Chính phủ Anh đều ủng hộ ông Blair. Thủ tướng Anh Gordon Brown khi cho biết ông sẽ rất hạnh phúc nếu như ông Tony Blair chấp nhận sự đề cử này. Thủ tướng Brown đã đưa đề nghị phê chuẩn ông Blair làm ứng viên Chủ tịch EU ra Quốc hội thảo luận và gần như được tất cả các nghị sĩ Công đảng ủng hộ, trừ đảng Bảo thủ đối lập.

Bên lề một cuộc họp tại Luxembourg hôm 27/10/2009, Ngoại trưởng Anh David Miliband đã tiếp tục vận động các đồng nhiệm của ông ủng hộ cựu Thủ tướng Tony Blair tranh cử chức Chủ tịch EU. Trong một thời gian dài được coi là ứng cử viên có triển vọng nhất, nhưng thời gian gần đây, cơ may của ông Tony Blair dần dần giảm đi.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Paris trước Hội nghị Thượng đỉnh EU (29,30-10), hai nhà lãnh đạo hai thành viên trụ cột của EU cùng bày tỏ sự ủng hộ ứng viên Tony Blair làm Chủ tịch EU khi cho rằng, EU cần có một nhà lãnh đạo có năng lực để thể hiện tiếng nói có trọng lượng với thế giới.

Tờ Der Spiegel của Đức cho rằng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn trao chiếc ghế này cho cựu đồng nhiệm như một lời "cảm ơn" ông Blair khi còn là thủ tướng đã ngăn chặn được cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Hiệp ước Lisbon. Ngoài ra ông Tony Blair còn nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi

Thế nhưng cho tới nay, ông Blair vẫn chưa chính thức công bố quyết định có ra tranh cử chức Chủ tịch EU hay không. Ông từng nói rằng, ông không bao giờ nghĩ tới chức vụ đó và đang hạnh phúc với công việc kinh doanh cũng như vai trò Đại sứ EU tại Trung Đông và Chủ tịch tổ chức từ thiện trẻ em Faith Foundation.

Hiện ông Blair đang làm cố vấn cho Ngân hàng Đầu tư Mỹ JP Morgan với mức lương 2,5 triệu bảng/năm, làm công việc tương tự tại công ty tài chính Zurich với mức lương 2 triệu bảng/năm, chưa kể các bài nói chuyện giá 100.000 bảng/lần. Thống kê cho biết, từ khi rời chức Thủ tướng năm 2007 tới nay, thu nhập của ông khoảng từ 12 đến 15 triệu bảng/năm. Trong khi đó, chức Chủ tịch EU chỉ với mức lương 275.000 bảng Anh/năm.

Ngoài cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cũng còn một số ứng viên khác như Thủ tướng Hà Lan  Jan Peter Balkenende, Thủ tướng Luxambourg Jean Claude Juncker, một trong những kiến trúc sư của đồng euro; Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy, cựu Thủ tướng  Tây Ban Nha Felipe Gonzalez, cựu Thủ tướng Phần Lan Paavo Lipponen.

Những nước nhỏ trong EU như Bỉ, Luxambourg, Hà Lan lo ngại một ứng viên xuất thân từ ba nước lớn trong EU là Anh, Pháp và Đức nếu đắc cử Chủ tịch EU sẽ át tiếng nói của các thành viên khác, nhất là các nước nhỏ. Ngoài ra, họ cho rằng Anh không nằm trong khu vực đồng euro nên khó có thể bênh vực cho quyền lợi của khu vực này.

Một số thành viên EU khác vẫn còn bị ám ảnh do chính sách của ông Tony Blair sát cánh Mỹ trong các cuộc tấn công vào AfghanistanIraq. Một trang web mang tên "stopblair" với chữ ký của hơn 40.000 người yêu cầu EU không nên trao chức vị chủ tịch cho ông Tony Blair vì cựu Thủ tướng Anh đã từng ủng hộ tích cực cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq.

Cuộc tấn công này, theo họ, là vi phạm luật pháp quốc tế và ông Blair đã "sử dụng có phương pháp các bằng chứng ngụy tạo" làm cái cớ tấn công Iraq, ngược hẳn với những giá trị của EU. Thêm vào đó, ông Tony Blair cũng không được sự ủng hộ của các nhà chính trị thuộc đảng xã hội ở khắp châu Âu, bởi vì nhiều người cho rằng khi ông Tony Blair còn làm thủ tướng Anh, đã thực thi một chính sách kinh tế bảo thủ.

Nhưng có thể nói, lực lượng chống đối dữ dội việc cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ra tranh cử Chủ tịch EU chính là đảng Bảo thủ đối lập. Nhiều tờ báo ở Anh cho biết Chủ tịch đảng Bảo thủ David Cameron mới đây đã viết thư cho Tổng thống Czech Valav Klaus động viên ông này trì hoãn việc ký phê chuẩn Hiệp ước Lisbon (đã được Quốc hội Czech thông qua) cho tới khi Anh tổ chức tổng tuyển cử (tháng 6/2010) với nhiều khả năng đảng Bảo thủ sẽ giành chiến thắng và họ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Hiệp ước Lisbon. Nhiều khả năng hiệp ước này sẽ bị dân Anh bác bỏ nếu qua trưng cầu dân ý. Khi đó, đảng Bảo thủ Anh vừa chấm dứt hiệp ước này, chấm dứt luôn ý tưởng đưa ông Blair làm Chủ tịch EU. 

Một thành viên nội các Anh giấu tên cho rằng EU sẽ đối mặt với cuộc chiến kéo dài 5 năm với Anh nếu ông Tony Blair làm Chủ tịch EU nếu đảng Bảo thủ trở lại cầm quyền vào năm tới.

Theo ông này, thông điệp rất rõ ràng hiện nay là: "Những người ủng hộ ông Blair có thể đưa ông vào chức Chủ tịch EU trong bối cảnh kéo dài tranh cãi giữa Anh với EU hoặc một Chủ tịch khác nhưng Anh lại có quan hệ tốt với EU".

Nhiều nghị sĩ Quốc hội Anh đã đặt biệt danh cho ông Tony Blair là Boney Blair, ý nói đến tham vọng của ông Blair như Hoàng đế Napoleon Bonaparte trong đó có những hành động không cần tham khảo ý kiến cử tri hay nghị sĩ Quốc hội

Trường Minh (tổng hợp)
.
.