Cựu Thủ tướng Tony Blair: Danh hiệu và… bản luận tội từ trên trời rơi xuống

Thứ Tư, 17/12/2014, 04:40
Phiên họp cuối cùng trong tháng 11 của Hạ viện Anh bỗng trở nên ồn ào với những câu chuyện đầy tính trào lộng và nhạo báng xoay quanh việc cựu Thủ tướng Tony Blair được Tổ chức “Cứu nguy trẻ em” - Di sản toàn cầu trao giải thưởng cho công trạng mà bản thân ông Tony Blair cũng không rõ ông đã thực hiện từ khi nào và bằng cách nào (!).

Sẽ không có gì ầm ĩ nếu người được trao giải thưởng này là một ai khác chứ không phải ông Blair, người vốn bị dư luận ở Anh và trên toàn thế giới xem là kẻ đồng lõa cùng cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã xua liên quân vào Iraq, gây cái chết cho hàng ngàn người dân vô tội, trong đó CÓ hàng trăm trẻ em.

Từ giải thưởng "Cứu nguy trẻ em" đến sự vinh danh của cộng đồng người đồng tính

Người đầu tiên chĩa mũi dùi vào vị cựu Thủ tướng là một hạ nghị sĩ ít tiếng tăm của đảng Bảo thủ - ông Andrew Turner - khi Hạ viện Anh "chốt sổ" những hoạt động mang tính nhân đạo thiện nguyện của Chính phủ Anh trong năm này. "Liệu ông Blair có xứng đáng nhận giải thưởng Di sản toàn cầu cho công lao cứu trẻ em, trong khi ông ta còn chưa thừa nhận trách nhiệm của mình khi đã lôi nước Anh vào cuộc chiến vô nghĩa ở Iraq năm 2003?".

Câu hỏi đầy bất bình của ông Andrew Turner gần như ngay lập tức nhận được sự đồng tình khi Chủ tịch Hạ viện nhận ngay sau đó một lá thư có chữ ký của hơn 200 nghị viên bày tỏ nỗi bất bình vì họ cảm thấy "cứ như bị phản bội lòng tin" và Tổ chức "Cứu nguy trẻ em" cần mau chóng thu hồi giải thưởng này. Lãnh đạo đảng Bảo thủ - Thủ tướng đương nhiệm David Cameron - còn buông một câu phát biểu đầy ẩn ý nhạo báng: "Ai cũng hiểu giải thưởng này phải dành cho người có công kiến tạo hòa bình và gìn giữ hòa bình… nên tôi đồng ý với những người đã viết bức thỉnh nguyện thư ấy là nên yêu cầu tổ chức từ thiện phải có câu trả lời vì sao họ lại đi đến một quyết định lạ lùng như vậy".

Richard Warburton, Giám đốc truyền thông của Tổ chức "Cứu nguy trẻ em" trình bày luận điểm với tờ The Guardian: "Cứu nguy trẻ em là một tổ chức nhân đạo từ thiện phi đảng phái và phi chính trị. Có một vài cá nhân khác cũng đồng thời được trao giải thưởng này chứ không phải chỉ riêng trao cho ngài Tony Blair. Trong khi đó, tổ chức của chúng tôi hoạt động trên quy mô toàn cầu, việc trao giải thưởng dựa trên cơ sở tập hợp ý kiến của hàng ngàn nhân viên của tổ chức, và như vậy thì có rất nhiều quan điểm khác nhau". Đương nhiên, câu trả lời quanh co này chẳng khác một lời bao biện cho giải thưởng "đã trao rồi" (trao vào tháng 9) nên không thể rút lại được. Còn bản thân ông Tony Blair thì chọn kế sách im lặng đợi khi dư luận lắng xuống và… chìm vào quên lãng. Bản thân ông có vẻ là người "bao dung và hồn nhiên" sẵn sàng đón nhận những loại danh hiệu và giải thưởng này nọ, cứ như vì đấy là những món quà từ trên trời rơi xuống, không nhận lấy thì thế nhân sẽ cho là… ông kiêu căng và bất lịch sự!

Thực tế là có nhiều tổ chức phi chính phủ, các quỹ tư nhân thường ghi tên các vị chính khách nổi tiếng trong danh sách đối ngoại của mình như một cách nâng cao thanh thế và mở rộng tầm ảnh hưởng xã hội của họ. Huống hồ cựu Thủ tướng Tony Blair lại là một trong những chính khách hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao "con thoi", cũng là một trong những diễn giả "đắt giá và đắt sô" nhất thế giới nên cái tên của ông Tony Blair, dù đã rời khỏi văn phòng dành cho Thủ tướng Anh ở tòa dinh thự số 10 Downing, London, gần chục năm rồi nhưng năm nào cũng xuất hiện trong nhiều danh sách xếp hạng trên toàn cầu. Nhưng ít ai nghĩ tầm ảnh hưởng của ông lại được ghi nhận và xướng danh trong top… những biểu tượng của cộng đồng người đồng tính và chuyển giới (gọi tắt là cộng đồng LGBT).

Cựu Thủ tướng Tony Blair (trái) và Thủ tướng David Cameron.

Cuối tháng 9 vừa qua, ông Blair được xếp vào danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng này trong 30 năm qua như Boy George, nữ danh ca Barbra Streisand và nữ diễn viên hài quá cố Joan Rivers. Chân dung của ông đường hoàng xuất hiện trên trang bìa của ấn phẩm điện tử Gay Times chính thức ấn hành vào ngày 26/9 như một sự vinh danh nồng nhiệt.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu ông Blair xuất hiện trên trang bìa của tạp chí này. Năm 1997, khi ông đang là người đứng đầu đảng đối lập, ông đã từng được tạp chí này mời phỏng vấn với một hình ảnh vô cùng thanh lịch. Hơn nữa, ông còn góp bút cho một bài viết của tạp chí vào năm 2005 khi ông tranh cử cho cương vị thủ tướng. Nhưng cộng đồng LGBT không phải là không có lý của họ trong sự vinh danh này vì khi còn đương quyền, ông Tony Blair đã thấy được những bất công mà người đồng tính phải đối mặt và đã hủy bỏ Sắc lệnh 28 của Đạo luật Chính phủ. Sắc lệnh này ngăn cấm chính quyền Anh và xứ Wales "có những hình thức khích lệ" cộng đồng đồng tính và xem hôn nhân đồng tính là sự kết hợp "phi tự nhiên". Ông còn là người mang đến khái niệm "civil partnership" (quan hệ dân sự) trong những điều luật bảo vệ cộng đồng LGBT.

"Đó là điều tôi rất tự hào - ông Blair nói - Tôi luôn xem nó là một phần quan trọng thuộc về thành quả khi hoạt động trên cương vị Thủ tướng Anh. Tôi vẫn còn nhớ rõ Sắc lệnh 28, nó vô cùng phi lý. Nó mang lại một môi trường mà xã hội văn minh không thể nào chấp nhận được. Khi hoạt động chính trị, tôi vô cùng xem thường việc ai đó phải che giấu con người thật của mình. Tôi thấy được nỗi đau mà họ phải gánh chịu vì họ không thể là chính mình".

Biên tập viên Darren Scott của Gay Times nói thêm: "Dù bạn có nhận định riêng về chính trị nhưng bạn phải công nhận những gì Tony Blair và chính phủ của ông đã mang lại cho cộng đồng LGBT. Những ví dụ cụ thể về lòng bao dung của ông khẳng định vai trò đại sứ của ông đối với quyền lợi người đồng tính: Bình đẳng hôn nhân, bãi bỏ Sắc lệnh 28, luật pháp cho người chuyển giới, hôn nhân đồng tính, cấm việc sa thải nhân viên vì xu hướng tính dục và xem kỳ thị đồng tính là một tội ác - tất cả đều được ông Blair xem trọng. Ông ấy đã góp phần mở đường cho nhiều người đi sau. Chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó".

Miệng chính khách "có gang có thép"

Trở lại với chuyện giải thưởng "Cứu nguy trẻ em" dành cho ông Tony Blair. Không phải đến giờ ngay tại Hạ viện Anh mới có lá thư của hơn 200 nghị sĩ kêu gọi hủy bỏ giải thưởng này mà vào năm 2012, vị Tổng giám mục nổi tiếng người Nam Phi Desmond Tutu được xem là người đầu tiên công khai gọi tên cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cần phải đưa ra xét xử tại Tòa án quốc tế The Hague (Hà Lan) vì vai trò của họ trong cuộc chiến Iraq.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ra điều trần trước Ủy ban về chiến tranh Iraq của Quốc hội Anh, tháng 1/2008.

Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo châu Phi có sự tham dự của ông Tony Blair cùng các nhà ngoại giao Âu - Mỹ diễn ra vào cuối tháng 8/2012, Tổng giám mục Tutu đã từ chối tham dự hội nghị. Ông tẩy chay sự kiện này để phản đối hành vi "không thể biện hộ về đạo đức" của ông Blair trong cuộc tấn công Iraq năm 2003. Một tuần sau, trong một bài báo trên tờ The Observer ra ngày 2/9/2012, biểu tượng hòa bình người Nam Phi cáo buộc bộ đôi nói trên đã dựng lên chuyện vũ khí hủy diệt hàng loạt để lấy cớ đưa quân vào Iraq và cuộc xâm lược này đã đẩy thế giới vào tình trạng bất ổn, gây hậu quả chia rẽ hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trong lịch sử hiện đại.

Ông Tutu đòi hai cựu nguyên thủ phải "trả lời cho hành động của họ" tại Tòa án Hình sự Quốc tế và cho rằng, có công lý thật sự hay không khi nhiều nhà lãnh đạo châu Phi thường bị áp dụng các tiêu chuẩn xét xử khác so với những người đồng cấp phương Tây. "Những kẻ chịu trách nhiệm cho những thương vong về nhân mạng hay thiệt hại về vật chất phải được đối xử giống như những kẻ độc tài ở châu Phi và châu Á" - ông Tutu viết. Ông Tutu cũng lập luận rằng cuộc chiến Iraq năm 2003 lật đổ Tổng thống Saddam Hussein đã tạo tiền đề cho cuộc nội chiến ở Syria và một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn ở Trung Đông dính líu đến Iran. Tuy nhiên, lần đó ông Blair đã phản ứng trong một thông báo nói rằng, những cáo buộc của ông Tutu không có gì mới mẻ.

Còn năm nay, trong 2 ngày 16 và 17/4, Hội nghị các luật sư quốc tế về chiến tranh Iraq đã diễn ra tại Brussels, Bỉ. Phiên họp lần này chính là nỗ lực mạnh mẽ nhất được tổ chức để xét xử những người gây ra thảm họa ở Iraq. Các luật sư nổi tiếng thế giới như luật sư Curtis Doebbler của Tòa án Quốc tế, luật sư Louie Roberto Zamora Bolanos (Costa Rica), người đã thắng kiện Chính phủ Costa Rica hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến Iraq đã đến tham dự. Tiến sĩ Curtis F.J Doebbler, đang làm việc tích cực cùng với nhiều luật sư khác để các tội phạm chiến tranh Iraq phải ra hầu tòa. Ông Curtis F.J Doebbler hiện cũng đang là luật sư thành viên của các tòa án quốc tế như: Tòa án Hình sự Quốc tế (phụ trách nhân quyền và Ủy ban châu Phi), Tòa án Nhân quyền châu Âu, Tòa án Nhân quyền và Ủy ban Liên châu Mỹ, Tòa án Hành chính Liên Hiệp Quốc.

Mục tiêu của đoàn luật sư quốc tế tổ chức hội nghị là bắt đầu thực hiện các bước cụ thể tiến hành các vụ kiện quốc tế đối với cựu Tổng thống Mỹ W.Bush và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cùng với những người có trách nhiệm trong chính quyền Mỹ, Anh. Hội nghị được tổ chức tại Đại học Vrijie ở Brussels và trùng hợp với Đại hội lần thứ 18 Hiệp hội Luật sư Dân chủ quốc tế (IADL) với sự tham dự của hàng trăm luật sư đến từ hơn 60 quốc gia.

Nữ văn sĩ, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền người Iraq kiêm Giám đốc Trung tâm Nhân chứng quốc tế cuộc xâm lược Baghdad từ năm 2003 - 2006, Eman Khamas đã cung cấp nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh ở Iraq cũng như sự đau khổ của nhân dân Iraq trong suốt thời gian liên quân Mỹ - Anh xâm lược, có hơn 1 triệu trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng và bệnh tật. Bà Eman Khamas khẳng định: sự chiếm đóng và hậu quả lâu dài mà Mỹ - Anh gây ra cho Iraq đã "kích động và khai thác triệt để căng thẳng sắc tộc", nhấn Iraq chìm sâu vào khủng hoảng cho đến nay. Còn theo Viện Nghiên cứu Khoa học chính trị Brooklin (Mỹ) khi cựu Tổng thống Mỹ W. Bush cùng người đồng minh - Thủ tướng Anh Tony Blair - đưa quân vào Iraq năm 2003 thì có hơn nửa triệu bác sĩ Iraq phải sống lưu vong, đó chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân Iraq không thể được chữa trị vì các cơ sở y tế bị tàn phá và nhân lực ngành y thiếu hụt trầm trọng…

Quyết định gửi 45.000 quân đến tham chiến tại Iraq vào năm 2003 là một quyết định gây tranh cãi nhiều nhất trong suốt thời gian 10 năm giữ chức Thủ tướng Anh của ông Tony Blair. Quyết định này đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình rộng lớn trong nước Anh và gây chia rẽ trong nội bộ Công đảng. Ba năm sau khi ông Blair chuyển giao vị trí thủ tướng cho ông Gordon Brown, vấn đề này vẫn tiếp tục gây ra sự bất bình của người dân nên Quốc hội Anh đã phải mở phiên điều trần dành cho ông Tony Blair. Tại phiên điều trần kéo dài 6 giờ ngày 29/1/2008, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã phủ nhận cáo buộc giữa ông và cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush đã có một thỏa thuận bí mật về việc đưa quân đến Iraq khi hai người có cuộc gặp riêng vào năm 2002.

Trong suốt cuộc điều trần, ông Blair cứng rắn thể hiện quan điểm rằng, phá hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt và thay đổi chế độ độc tài ở Iraq là hai vấn đề song hành. Có lẽ vì cho rằng quyết định cùng tham chiến với Mỹ là quyết định đúng đắn, góp phần cứu rỗi hàng triệu sinh mệnh người dân và trẻ em Iraq nếu phải tiếp tục sống dưới chế độ độc tài Saddam Hussein nên với giải thưởng "Cứu nguy trẻ em" năm nay, ông lại đón nhận với thái độ hồn nhiên?

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.