Đằng sau chính sách lập lờ của Đức về Libya

Thứ Sáu, 29/04/2011, 01:45

Tình hình tại Libya sau chiến dịch can thiệp quân sự của các nước phương Tây hiện đang được đánh giá là rất phức tạp. Bản thân các quan chức hàng đầu NATO cũng phải thừa nhận, họ không chắc chắn có thể giải quyết được tình hình bằng giải pháp quân sự, chưa nói tới những triển vọng dàn xếp cuộc xung đột đang diễn ra rất ác liệt.

Trong bối cảnh trên, quan điểm ngoại giao lập lờ của nước Đức về Libya cũng đang đặt ra một vấn đề hóc búa nữa đối với các nước đồng minh phương Tây.

Hiện chưa ai có thể khẳng định đó là thái độ thận trọng hay là một cách để che giấu những lợi ích thầm kín nào đó của Berlin?

Có thể khẳng định rằng, vào thời điểm bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại Muammar Gaddafi, Berlin có một quan điểm rõ ràng hơn trong hành động quân sự: Xin cứ việc nhưng sẽ không có chúng tôi! Cần nói thêm, Đức là quốc gia duy nhất trong NATO và EU đã bỏ phiếu trắng khi thông qua nghị quyết 1973. Sau này người ta mới được biết rằng, Ngoại trưởng Guido Westerwelle của Đức còn dự định bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Ông này chỉ thay đổi quyết định vào những giờ khắc cuối cùng, sau khi Thủ tướng Angela Merkel phải gọi một cú điện thoại khẩn từ Berlin tới New York để thuyết phục.

Quyết định của Đức khi đó được giải thích bằng những lý do thận trọng và nhân đạo. "Không thể có bất cứ một sự can thiệp được coi là an toàn nào - Westerwelle tuyên bố - Bất cứ một hành động quân sự nào cũng sẽ dẫn tới cái chết của dân thường". Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere cũng nhận xét, việc thiết lập và duy trì vùng cấm bay trước sau gì cũng phải cần tới chiến dịch trên bộ. Nói cách khác, nếu ủng hộ Nghị quyết 1973 thì không thể không gửi máy bay tham gia chiến dịch. Còn nếu gửi máy bay thì có nghĩa sẽ lôi kéo nước Đức vào một cuộc xung đột quân sự dằng dai không có những triển vọng rõ ràng như kiểu Afghanistan.

Thái độ trên của chính phủ Merkel đã gây ra phản ứng bất bình gay gắt trong hàng ngũ các đồng minh NATO, cũng như trong nội bộ đất nước. Những người phản đối đều cho rằng, nước Đức sẽ dần bị cô lập trên chính trường quốc tế bởi chính sách này. Một trong những người chỉ trích gay gắt nhất là cựu Ngoại trưởng Joschka Fischer, người đã khẳng định Đức trên thực tế là quốc gia duy nhất đã bỏ phiếu chống lại Nghị quyết 1973. Theo lời Fischer, nếu việc bỏ phiếu trắng của Nga và Trung Quốc được nhìn nhận như một "thái độ chấp thuận ngầm" của họ, thì lá phiếu của Đức lại là dấu hiệu rõ ràng chống lại "những dự định nhằm loại bỏ một nhà độc tài".

Có một điều mà nhiều người không biết, đó là Chính phủ Đức trong khi từ chối tham gia chiến dịch tại Libya vẫn lặng lẽ gửi thêm 300 quân nhân của mình tới Afghanistan để làm công tác đảm bảo cho các chuyến bay của loại máy bay do thám AWACS. Bằng cách này, các đơn vị của Đức đã thay thế các nhóm đảm bảo bay cho AWACS khác của Mỹ và Anh, để những bộ phận này "rảnh tay" tham gia chiến dịch tại Libya. Đó có thể coi là một hành động giúp đỡ thiết thực không nhỏ.

Chưa hết, Đức còn cho phép Anh, Pháp và Mỹ sử dụng các sân bay của mình. Nếu như biết rằng, việc phối hợp toàn bộ các hoạt động trong chiến dịch "Bình minh Odyssey" được tiến hành từ căn cứ không quân Ramstein của Đức, rõ ràng vai trò của Berlin trong việc bảo đảm cho chiến dịch tại Libya không hề nhỏ. Nói cách khác, Đức một mặt đã âm thầm hỗ trợ cho chiến dịch không kích Libya, mặt khác lại tuyên bố không ủng hộ. Nhiều người đã cho rằng, đây là sai lầm chính của Merkel và Westerwelle. Đó cũng là ý kiến của không ít quan chức trong hàng ngũ đảng cầm quyền.

Thời gian gần đây, Đức lại có những thay đổi tương đối rõ ràng về quan điểm ngoại giao. Chẳng hạn như Thủ tướng Angela Merkel mới đây đã tuyên bố: Cho dù Đức đã bỏ phiếu trắng, nhưng "Nghị quyết 1973 là nghị quyết của chúng ta". Có động thái thay đổi tương tự là Guido Westerwelle, người ngay trước khi khai mạc một hội nghị quốc tế về Libya tại London đã tuyên bố: "Chúng tôi đã quyết định binh sĩ Đức sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự tại Libya. Nhưng điều này không có nghĩa chúng tôi là phe trung lập. Chúng tôi mong muốn tương lai của Libya sẽ không có nhà độc tài Gaddafi".

Theo đánh giá, sự thay đổi giọng điệu của Chính phủ Đức bắt nguồn không chỉ từ áp lực của các đối tác phương Tây, mà còn do quyền chỉ đạo chiến dịch đã được chuyển giao cho NATO. Khi đó quy luật cuộc chơi đã được xác định rõ ràng hơn, khiến cho người Đức có thể đưa ra những tuyên bố "mạnh miệng" hơn.

Trên một bình diện rộng hơn, sự dao động của Berlin về vấn đề Libya cũng không còn được nhìn nhận như một hành động tự phát đơn lẻ. Chẳng hạn, Đức đã bác bỏ đề xuất của Anh và Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy tại Libya. Sự kiện này có thể coi là một thách thức nữa đối với các nước đồng minh, nếu nó không có được sự đồng tình của chính Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, người đã tuyên bố rằng chiến dịch tại Libya là để bảo vệ dân thường, chứ không phải để vũ trang cho bất cứ một bên nào.

Theo một số nhà phân tích, những thay đổi trong lời lẽ của Berlin sẽ mở đường cho sự tham gia tích cực hơn của Đức vào chiến dịch tại Libya. Mới đây, ngày 7/4, Đức cho biết đang dự định gửi tới Libya một số binh sĩ trong khuôn khổ sứ mạng quân sự "Eufor Libya" của EU. Có điều binh sĩ Đức sẽ không tham gia trực tiếp vào các hoạt động tác chiến. Họ sẽ có mặt trong thành phần của EU-Battlegroup, một đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho chiến dịch hỗ trợ nhân đạo cho dân thường dưới sự bảo trợ của LHQ - chủ yếu là hộ tống các phương tiện cứu trợ nhân đạo trên đất liền cũng như trên biển

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.