Dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Sarkozy
Luật sư riêng của ông Nicolas Sarkozy đã bị cảnh sát bắt để thẩm vấn cùng với 2 thẩm phán về một trong những cáo buộc tham nhũng có liên quan đến nguyên Tổng thống Pháp. Tòa án Pháp cũng đang tập trung điều tra các nghi vấn ông Sarkozy nhận tiền tài trợ tranh cử từ cựu Tổng thống Libya Gaddafi và cả vụ bê bối nhận khoản "lại quả" hàng triệu USD bán vũ khí cho Pakistan. Liệu đây có thể là dấu chấm hết cho tham vọng trở lại chính trường của ông Sakozy?
Các nhà điều tra đang tìm cách xác minh xem liệu ông Sarkozy có nhờ sự giúp đỡ của luật sư riêng Thierry Herzog để cố tình qua mặt tòa án. Cảnh sát Pháp nghi ngờ ông Sarkozy đã cố gắng thu thập thông tin nội bộ từ một thẩm phán về quá trình điều tra nhiều vụ tham nhũng khác nhau và ông cũng được thông báo rằng điện thoại di động của ông bị tòa án nghe lén để điều tra nghi án cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đã tài trợ "quỹ đen" cho chiến dịch tranh cử năm 2007.
Theo Luật Hình sự của nước Cộng hòa Pháp, nghi phạm trong vụ án hình sự có thể bị bắt tạm giam lên đến 48 giờ, trước khi họ bị xét xử hoặc được đóng tiền thế chân để tại ngoại. Ông Sarkozy bị tố cáo đã nhận được trợ giúp để giành thắng lợi trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2007 nhờ nguồn cung tài chính lên đến 50 triệu euro từ ông Gaddafi cũng như số tiền khổng lồ từ người phụ nữ giàu có nhất nước Pháp, bà Liliane Bettencourt, người thừa kế duy nhất thương hiệu mỹ phẩm L'Oréal uy tín hàng đầu trên thị trường quốc tế.
Luật sư Herzog (trái) và nguyên Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (phải) liệu có tiếp tục cùng nhau vượt qua "sóng gió"? |
Năm 2013, nguyên Tổng thống Pháp đã không công nhận có hành vi nhận tiền của nữ tỉ phú Bettencourt khi bà quá già yếu để biết rõ những việc mà bà đang làm. Thủ quỹ chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy là 1 trong 10 người đang chờ xét xử trong cùng vụ án.
Sau 4 tháng điều tra không có kết quả, Tòa án Pháp phát hiện ông Sarkozy có một cuộc gọi bí mật được đăng ký bằng một cái tên giả. Cuộc điều tra hiện nay được triển khai nhờ các cuộc trao đổi qua điện thoại đã bị ghi âm lại giữa ông Sarkozy và luật sư Herzog.
Những đoạn hội thoại bị rò rỉ cho thấy nguyên Tổng thống Pháp Sarkozy được một vị thẩm phán có "tình cảm đặc biệt" với ông giúp đỡ. Từ đó, người này cố gắng gây ảnh hưởng đến vụ Bettencourt với mục đích đổi lấy sự đảm bảo vững chắc cho một vị thế đáng được nể trọng ở Công quốc Monaco.
Các thẩm phán Pháp cũng cho rằng, ông Sakorzy có "tay trong" ở vị trí cấp cao trong ngành tòa án nên ông được mật báo về việc cảnh sát lên kế hoạch khám xét văn phòng làm việc của ông. Theo Luật Hình sự của Pháp, cá nhân có hành vi can thiệp như đã nêu trên có thể phải chịu mức án tối đa 10 năm tù.
Tuy nhiên, báo chí Pháp tỏ ý quan ngại rằng, việc ủy quyền cho tòa án ghi âm các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa ông Sarkozy với luật sư riêng Herzog đã làm dấy lên sự tranh cãi trong giới hành pháp. Ngoài ra, ông Sarkozy cũng có liên quan đến một vụ bê bối về kinh phí trong chiến dịch tái tranh cử năm 2012.
Thời gian gần đây, nguyên Tổng thống Pháp và đảng của ông liên tiếp “gặp nạn”. Lãnh đạo đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của ông Sarkozy đã từ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, sau khi nổi lên "nghi vấn" về 10 triệu euro được dành hỗ trợ cho nguyên Tổng thống Pháp gian lận kết quả bầu cử với "vỏ bọc" chi phí của UMP.
Tuy nhiên, ông Sakorzy từ chối thừa nhận có liên quan đến hành vi làm sai lệch kết quả phiếu bầu đối với chiến dịch tranh cử của các đảng đối lập và các sự kiện khác. Một cuộc điều tra hình sự dành riêng cho vụ việc đó đã được mở cách đây hơn 1 tuần.
Các nhà chức trách Pháp cũng đang điều tra tuyên bố cho rằng khi còn tại nhiệm, ông Sarkozy đã làm sai lệch thủ tục giải quyết tranh chấp tài sản dẫn đến sự bẽ mặt của ông trùm tài phiệt Bernard Tapie vì đã có hành vi "rút ruột" 400 triệu euro từ ngân sách quốc gia.
Cái bắt tay giữa ông Sakozy (trái) với Tổng thống Lybia tại Điện Elysee vào tháng 12/2007 đã trở thành "cái bắt tay mang hình dấu hỏi (?)" trong lịch sử chính trị Pháp. |
Khoản tiền của Tapie bị tố "bơm" vào chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm 2007. Ông Sarkozy cũng liên quan đến một số vụ bế bối khác hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Vụ bê bối nghiêm trọng nhất có liên quan đến cáo buộc ông Sarkozy đã nhận "lại quả đậm" từ một thỏa thuận mua bán vũ khí với Pakistan để tài trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của nguyên Thủ tướng Pháp Edourad Balladur vào năm 1995.
Vụ bắt tạm giam luật sư Herzog cùng 2 thẩm phán được xem như bước đầu buộc ông Sarkozy phải tự nguyện đầu thú để trả lời thẩm vấn và rất có khả năng bị kết án - đây là một động thái có thể làm tiêu tan đi hy vọng trở lại chính trường của ông vào đúng dịp diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ kế tiếp vào năm 2017