EU và bài toán cân bằng
Thủ tướng Bỉ Charles Michel sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell làm Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde - người Pháp, giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Những ứng cử viên cho các cơ quan quyền lực của EU. Ảnh: Spiegel. |
Đi tìm sự cân bằng
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp căng thẳng trong 3 ngày mới ngã ngũ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã hoan nghênh thỏa thuận khi lần đầu tiên có hai vị trí lãnh đạo then chốt của EU được dành cho phụ nữ. Ông bày tỏ "hoàn toàn chắc chắn" rằng lãnh đạo mới của khối sẽ không thay đổi quan điểm và không đưa ra những nhượng bộ đối với thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sau một cuộc thảo luận marathon, bà Ursula von der Leyen đã nhận được sự đề cử gần tuyệt đối cho chức danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu với một phiếu trắng của bà Merkel và điều này phù hợp với quy tắc bầu cử của Đức.
Bà Merkel khẳng định điều đó chứng tỏ rằng ứng viên người Đức này được thông qua mà không vấp phải một sự phản đối nào. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng các đề cử cho các chức vụ hàng đầu của EU là "tích cực và đồng thuận", mang lại một khởi đầu mới tốt đẹp cho khối.
Để một ứng cử viên nhận được chấp thuận, họ cần sự ủng hộ của ít nhất 21 trong số 28 nhà lãnh đạo EU, đại diện cho 65% dân số của khối. Ngoài chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu, các chức danh còn lại vẫn phải được sự đồng ý của Nghị viện châu Âu.
Những chức danh trên rất quan trọng, có vai trò định hình các chính sách trải dài trên các lĩnh vực từ thương mại, di cư cho tới khí hậu của khối kinh tế lớn nhất thế giới với 500 triệu dân. Một số nhà lãnh đạo đã kiệt sức trong các cuộc đàm phán xuyên đêm 30-6 đến rạng sáng 1-7 và phải dừng giữa chừng vào trưa 1-7 rồi tiếp tục trở lại vào trưa 2-7.
Sau 2 Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu (ngày 28-5 và 20-21 tháng 6) mà không đạt kết quả nào, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba (diễn ra từ ngày 30-6 đến 2-7) có lẽ là một trong những hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhất trong lịch sử tồn tại của EU mới đạt được thỏa thuận về vấn đề nhân sự chủ chốt, với tiêu chí đảm bảo sự cân bằng giữa cánh tả-cánh hữu, nam-nữ và Đông-Tây.
Bà Ursula von der Leyen (người Đức) và bà Christine Lagarde (người Pháp) là những nhân vật thuộc cánh hữu; ông Charle Michel thuộc phái trung dung; còn Josep Borrell (người Tây Ban Nha) thuộc cánh tả. Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp mãn nhiệm Donald Tusk đã tuyên bố tại phiên họp báo kết thúc hội nghị rằng, đây là lựa chọn đảm bảo sự cân bằng và “đáng mong đợi” sau một thời gian dài đàm phán. Ông cũng kêu gọi EP hãy lần đầu tiên bầu một phụ nữ vào vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp của châu Âu.
Sóng gió bủa vây những bông hồng thép
Bà Usrula von der Leyen, thuộc đảng bảo thủ Đức đã được lãnh đạo các quốc gia thành viên EU chấp thuận lựa chọn làm ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch EC. Là đảng viên của đảng Nhân dân châu Âu (PPE, cánh hữu), rất có kinh nghiệm, nói được tiếng Pháp và kiên quyết ủng hộ châu Âu, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Đức được đánh giá là người hoàn toàn có năng lực trong vị trí này, dù bà không phải là người được PPE đề cử và tên bà chưa bao giờ được nêu ra trước ngày 2-7.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen hiện có 2 tuần để gặp gỡ các nghị sĩ châu Âu và để đảm bảo giành được sự ủng hộ của đa số trong EP. Bởi vì sau khi được lãnh đạo các quốc gia thành viên EU đề cử vào vị trí Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen còn cần EP chính thức bỏ phiếu bầu.
Để đảm bảo tính cân bằng chính trị trong việc bổ nhiệm các nhân sự cấp cao của EU, đảng viên đảng Xã hội Tây Ban Nha, ông Josep Borrel đã được lãnh đạo 28 quốc gia thành viên đề xuất cho vị trí đại diện cấp cao của EU về đối ngoại. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này liệu đã đủ để thuyết phục các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ - Xã hội chấp thuận bà Ursula von der Leyen vào vị trí Chủ tịch EC? Nếu được bầu tại Nghị viện, bà Ursula van der Leyen sẽ thay thế ông Jean-Claude Juncker vào ngày 1-11 tới, sau khi EP phê chuẩn thành phần ủy viên của EC.
Hai nữ lãnh đạo tương lai của EU, bà Christine Lagarde và bà Ursula von der Leyen. Ảnh: Exame. |
Vài phút trước khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp mãn nhiệm Donald Tusk thông báo về việc bổ nhiệm các vị trí nói trên, ông Udo Bullmann, nghị sĩ châu Âu và là gương mặt quan trọng của nhóm đảng Dân chủ - Xã hội, tuyên bố rằng việc chỉ định bà Ursula van der Leyen là “không chấp nhận được”.
Ngay sau khi kết thúc cuộc đàm phán dài ngày của Hội đồng châu Âu, trách nhiệm đã được chuyển sang EP. EP sẽ đưa ra quyết định của mình đối với ứng cử viên Ursula van der Leyen vào ngày 16-7 tới. Điều này có thể thuận lợi khi ngày 3-7, EP đã bầu ông David Sassoli, nghị sĩ người Italia, làm chủ tịch cơ quan này trong nhiệm kỳ 2 năm rưỡi tới.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Der Leyen được đề cử làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) trong khi Tổng Thư ký Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde được đề cử cho chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trở thành sự kiện chưa từng có của châu Âu. Nếu được phê chuẩn sau cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện châu Âu, bà Von Der Leyen sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch EC. Trong khi đó, bà Lagarde cũng sẽ là thống đốc nữ đầu tiên của ECB.
Chiến thắng vang dội của hai người phụ nữ quyền lực không phải dễ dàng và thuận lợi. Nhiều dư luận trái chiều đã xuất hiện. Đề cử của ban lãnh đạo EU về việc chọn Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen vào vị trí Chủ tịch EC đã gây ra cuộc tranh cãi dữ dội khi các nhà lập pháp hàng đầu Đức gọi đó là "chiến thắng cho chính trị hậu trường".
Theo truyền thông Đức, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ - Xã hội (SPD) chỉ trích quyết định chọn bà Von der Leyen là không tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua.
Phát biểu trên tờ Tagesspiegel, cựu Ngoại trưởng Sigmar Gabriel thuộc SPD thậm chí còn dùng lời lẽ chỉ trích nặng nề yêu cầu các bộ trưởng thuộc SPD trong nội các chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cần phải ngăn chặn việc đề cử bà Von der Leyen. Theo ông Gabriel, bà Von der Leyen trước tiên phải được Đức bổ nhiệm làm ủy viên trước khi có thể được các nhà lãnh đạo khác đề cử làm Chủ tịch EC.
Trước những chỉ trích trên, Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel đã lên tiếng bác bỏ ý kiến của ông Gabriel. Người phát ngôn này cho rằng quyết định lựa chọn Chủ tịch EC tùy thuộc vào Hội đồng châu Âu chứ không phải do chính phủ liên minh của Đức. Ông Seibert nói thêm rằng ứng cử viên Von der Leyen đã được đề xuất sau "các cuộc đàm phán chuyên sâu nhất" và thể hiện sự thỏa hiệp khó khăn.
Không chỉ SPD bày tỏ sự "phẫn nộ" mà ngay cả lãnh đạo của Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đảng liên minh với CDU cũng bày tỏ sự thất vọng trước đề cử đối với bà Von der Leyen. Phát biểu trên kênh tin tức n-tv, ông Markus Soder - đồng minh thân cận của ứng cử viên Werber thuộc EPP - gọi quyết định đó là "chiến thắng kinh điển của chính trị hậu trường đối với nền dân chủ".
Các chính trị gia đối lập như Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) - cũng công khai chống lại đề cử đó khi ông nói rằng "cách thức này không thể tiếp tục diễn ra trong tương lai".
“So bó đũa chọn cột cờ”
Việc EU chật vật nhằm thống nhất một danh sách các ứng cử viên cho các vị trí chủ chốt tiếp tục rơi vào bế tắc trong bối cảnh những chia rẽ sâu sắc vẫn bao trùm. Và nhiều người cho rằng, cách thức tốt nhất để cân bằng giữa các vấn đề chính trị, địa chính trị và cả giới tính.
Chính vì thế, một hội nghị bất thường tổ chức ngày 30-6 đã phải kéo dài đến tận đêm muộn chỉ vì những tranh cãi này. Reuters cho biết một thỏa thuận đạt được giữa một số nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu tại Osaka, Nhật Bản, có tên "Thỏa thuận Sushi", theo đó trao cho cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã bị phá vỡ tại hội nghị thượng đỉnh bất thường này, sau khi các nhà lãnh đạo Đông Âu và Trung Âu từ chối kế hoạch nói trên.
Nguyên nhân đầu tiên chính là sự phản đối của phía Đông. Ông Frans Timmermans thuộc đảng Xã hội của Hà Lan đã nổi lên như một ứng viên hàng đầu để thay thế ông Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu sau khi các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Tây Ban Nha đồng ý ủng hộ ông. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia.
Tân Hoa Xã cho biết Thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí còn gay gắt nói rằng lựa chọn Timmermans sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng, thậm chí là một sai lầm mang tính lịch sử”. Còn Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis khi được hỏi về Timmermans đã nói: “Tôi e rằng ông ấy không phải là một lựa chọn đúng đắn để có thể thống nhất châu Âu... bởi trong quá khứ chúng ta có cảm giác rằng ông ấy không phải là một người tích cực đối với khu vực của chúng ta”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen. Ảnh: The New York Times. |
Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecky không coi Timmermans là “một ứng cử viên tiềm năng” mà là một ứng viên gây chia rẽ châu Âu và không hiểu được châu Âu. Thủ tướng Ireland cũng tỏ ra tiêu cực: "Rõ ràng có quá nhiều sự phản đối với đề xuất đã được đưa ra tại Osaka", trong khi Thủ tướng Croatia Anfrdrej Plenkovic cảnh báo: "Không có sự ủng hộ nào dành cho những tin tức đã xuất hiện trên truyền thông ngày hôm nay".
Không chỉ có thế, nguyên nhân khác còn đến từ sự chia rẽ lớn hơn trong nội khối. Theo hãng tin AP, việc các nhà lãnh đạo EU muốn đưa cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans, thuộc đảng Xã hội, lên nắm giữ chức chủ tịch của cánh tay lập pháp quyền lực của EU - Ủy ban châu Âu (EC) đã gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhóm đảng Nhân dân châu Âu - Dân chủ Cơ đốc bởi nó có thể sẽ trao vị trí chủ chốt cho phe đối thủ Xã hội - Dân chủ mặc dù EPP vẫn đang là nhóm lớn nhất trong EU sau cuộc bầu cử nghị viện hồi tháng trước của EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, người dẫn dắt một chính phủ liên minh cực hữu giữa đảng Liên đoàn và Phong trào 5 sao (M5S) cũng đã nỗ lực hết mình để phản đối việc đề cử Timmermans.
Chỉ nhìn vào kết quả mà các lãnh đạo EU không thể thống nhất cách đây ít ngày tiếp tục khiến người ta thất vọng. Sau nhiều năm sóng gió, họ đã có một cơ hội quý giá để thể hiện sự đoàn kết khi tụ họp lại để đưa ra những quyết định về các vị trí uy tín trong EU, những người sẽ dẫn dắt khối thương mại lớn nhất thế giới trong 5 năm tới. Tuy nhiên, thay vì nắm lấy cơ hội này, các lãnh đạo lại tranh cãi, chỉ trích nhau, thất bại trong việc tổ chức một cuộc họp kín để kiềm chế các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi và đặc biệt, trên hết là bảo vệ các lợi ích chính trị riêng của đảng mình.
Tờ The Guardian dẫn lời thừa nhận đầy thất vọng của Tổng thống Pháp Macron: “Đó là một hình ảnh rất xấu xí mà chúng ta cho người ta thấy về hội đồng, về châu Âu, chẳng ai có thể hài lòng với những gì đã xảy ra”. Ông thể hiện rõ sự bực tức: “Đây là sự thất bại vì chia rẽ, một sự chia rẽ chính trị của châu Âu, thể hiện rõ những bất đồng giữa nhiều lãnh đạo, cũng như sự chia rẽ về địa lý trong một hội đồng...".
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cũng bày tỏ sự chán nản, sự bất lực của hội đồng trong việc đưa ra những quyết định và giải pháp có được sự ủng hộ của đa số. Theo ông, một số lãnh đạo vẫn “rất sốt sắng” trong nỗ lực tìm ra giải pháp, song một số lại “bị thu hút bởi những nhân tố muốn chia rẽ châu Âu.
Nhà lập pháp EU người Hà Lan Sophie in 't Veld viết trên Twitter ngày 1-7: “Không một nền dân chủ lớn nào trên thế giới lại có phương thức kỳ dị và bí ẩn như vậy để lựa chọn các lãnh đạo chính trị của mình. Hơn 200 triệu người dân đã bầu ra Nghị viện châu Âu, thế mà 28 cá nhân lại lui vào trong các căn phòng họp kín để chơi trò giành ghế theo nhạc”. Đúng như lời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói sau buổi họp: “Mọi thứ thật phức tạp”.
EU luôn tự hào là một tập hợp các quốc gia nổi bật, nhìn vào cuộc lựa chọn lãnh đạo vô cùng phức tạp của khối này sẽ thấy rõ tương lai không dễ dàng của cả 28 quốc gia thành viên.