Emmanuel Macron, niềm hy vọng chống lại phe cực hữu Pháp

Thứ Ba, 28/02/2017, 15:15
Trong tình thế nước Pháp đang đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng” bởi chủ nghĩa dân túy hữu khuynh đang lên rầm rộ, những người lạc quan đã thấy niềm hy vọng khả dĩ đang lộ diện - đó là ứng cử viên Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên mới vừa được bổ sung nhằm thay thế cho sự lựa chọn số một Francois Fillon đang bị vây chặt bởi loạt cáo buộc liên quan đến chuyện trả “lương khống” cho vợ và các con.

Mối tình có hậu giữa học trò và cô giáo và chênh nhau 24 tuổi

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh chính trị thế giới vừa xảy ra hai sự kiện gây sốc, đó là sự kiện Brexit và tỉ phú Donald Trump thắng cử, trở thành Tổng thống Mỹ. Đây được xem là hai chiến thắng quan trọng của chủ nghĩa dân túy hữu khuynh chống lại chính trị truyền thống. Và Pháp, với tình trạng thất nghiệp triền miên, dân chúng giận dữ vì cuộc khủng hoảng di dân và mọi người vẫn còn chưa hết lo sợ sau một loạt vụ tấn công khủng bố làm hàng trăm người chết, được cho là có thể sẽ sớm nối gót.

Nhưng điều đó cũng có thể không xảy ra, dựa vào Macron. Bây giờ, Macron đang được kỳ vọng với sứ mệnh “bảo đảm nước Pháp không bị cuốn theo trào lưu chính trị hỗn loạn đã làm rung chuyển Anh và Mỹ trong năm qua. Nhưng cái cách Macron thực hiện sứ mệnh của mình cũng không bình thường, và thậm chí là rất mạo hiểm.

Emmanuel Macron.

Trong một năm chính trị điên loạn, cực đoan thắng thế, một Macron không đảng phái chống lưng đã tự giới thiệu mình là một người “trung dung cấp tiến”, một ứng cử viên của tất cả mọi người. Có nói quá lắm không? “Tôi không nói cánh tả hay cánh hữu đều không nghĩa lý gì, hoặc là họ đều giống nhau, mà tôi xin hỏi rằng sự phân chia này có phải là một trở ngại thật sự? Tôi muốn hòa giải hai nước Pháp vốn đã xa rời nhau quá lâu” - Macron hô hào trước đám đông hàng ngàn người ủng hộ.

Nhưng liệu tầm nhìn về một “Con đường thứ ba” của nước Pháp này có thật sự thắng thế trong thời đại quyền lực chính trị trung tâm không còn nữa, nhường chỗ cho cực đoan chủ nghĩa?

Emmanuel Macron năm nay 40 tuổi, thuộc thế hệ chính khách trẻ, mới, phi truyền thống ở Pháp. Ông là con trai cả của một giáo sư thần kinh học và một bác sĩ y khoa. Macron được đào tạo bài bản, lấy bằng thạc sĩ triết học Đại học Paris X rồi sau đó theo học và tốt nghiệp trường đào tạo chính trị danh tiếng của Pháp Sciences Po.

Một câu chuyện khá ly kỳ trong mối quan hệ tình cảm riêng tư của Macron đang trở thành đề tài đáng quan tâm của nước Pháp. Thời học trung học ở Amiens, thuộc miền Bắc nước Pháp, lúc Macron 16 tuổi, ông đã phải lòng và yêu cô giáo dạy âm nhạc và tiếng Latinh, cô Brigitte Trogneux, 40 tuổi, lớn hơn Macron 24 tuổi và có con riêng.

Tưởng rằng tình yêu tuổi học trò bồng bột say đắm và chênh lệch quá lớn về tuổi tác giữa hai người khiến bố mẹ Macron không thể chấp nhận được, đành gửi ông lên Paris để học. Thế là hai người tạm chia tay, nhưng Macron đã hứa sẽ quay trở về cưới bà Trogneux. Và Macron đã thực hiện lời hứa khi ông 30 tuổi. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp hiện nay, họ thường xuyên xuất hiện bên nhau trước công chúng.

Mối tình lệch tuổi và câu chuyện tình có hậu của họ đang trở thành đề tài thu hút sự theo dõi của công chúng Pháp. Bất cứ tạp chí nào hiện nay hễ đăng hình ảnh cặp đôi 40-64 tuổi này đều có số lượng bán ra tăng vọt.

Ngoài câu chuyện tình cô-trò nêu trên, thời trung học Macron còn nổi tiếng với tài bẻm mép. Jean-Baptiste de Froment, một bạn học cùng lớp, nay là Ủy viên Hội đồng thành phố Paris, kể rằng, Macron có khả năng đứng trước cả lớp thuyết phục được mọi người dù anh ta không giải được bài toán.

Ông Francois Bayrou tuyên bố gia nhập liên minh với Emmanuel Macron.

De Froment nhận xét, Macron rất có tài trong việc xây dựng các mối quan hệ con người. Trong nền chính trị Pháp đầy những con người cao ngạo, nghệ thuật tạo mối quan hệ xã hội của Macron đang trở nên nổi trội. Nhà viết tiểu sử Francois-Xavier Bournaud nhận xét Macron có nghệ thuật giao tiếp cực kỳ quyến rũ. Cái bắt tay của ông luôn nồng ấm và giữ lâu.

“Ông ấy đặt tay lên tay bạn và nhìn vào mắt bạn. Ông ấy lắng nghe bạn nói, đặt câu hỏi để tạo ấn tượng với bạn rằng tương lai thế giới nằm trong câu nói của bạn. Ông ấy làm cho những người tiếp xúc với ông ấy đều cảm thấy họ quan trọng” - Bournaud đúc kết.

Năm 2006, khi mới bước chân vào môi trường chính trị, Macron tham gia đảng Xã hội Pháp, theo phái bảo thủ trong đảng. Nhưng Macron chưa bao giờ đăng ký lại thẻ đảng viên, và về sau đã tuyên bố “không còn là người của đảng Xã hội”. Càng về sau này, Macron càng được đánh giá là một chính khách theo chủ nghĩa tự do xã hội, tự do dân chủ, một người chuộng “Con đường thứ ba” vạch ra bởi nhóm chính khách nổi tiếng là cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Thủ tướng Đức Gerard Schroeder, và cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls.

Một liên minh chính trị hoàn hảo?

Macron từng làm cố vấn cho ông Francois Hollande khi ông tranh cử tổng thống năm 2012, thúc đẩy chủ trương thân doanh nghiệp. Sau khi đắc cử, ông Hollande chọn Macron làm Phó Chánh văn phòng Điện Élysée, và Macron trở thành “người dẫn đường” trong các cuộc nói chuyện quốc tế, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng eurozone.

Sau đó, Macorn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế. Macron là người đã soạn thảo đạo luật kích thích tăng trưởng kinh tế nhắm vào thị trường lao động vốn đã xơ cứng, kém năng động. Dự luật gây tranh cãi, bị nhiều người phản đối đến nỗi phải ban hành bằng sắc lệnh của tổng thống.

Nhiều người bên phía cánh tả đã mô tả Macron là ứng cử viên của doanh nghiệp lớn, hàm ý hành động của ông chỉ có lợi cho giới kinh doanh giàu có, các công ty có quy mô lớn. Macron đã thể hiện quan điểm rõ ràng của mình tại một hội nghị của các lãnh đạo nghiệp đoàn: “Cách tốt nhất để có tiền mua một bộ veston là kiếm một công việc để làm”.

Quan điểm đó của Macron ít nhiều cũng đụng chạm những người còn trông chờ vào khoản phúc lợi xã hội ở Pháp. Đặc biệt là những người thuộc cánh hữu xem đó như là thái độ không thể hòa giải của Macron. Hiện tại, phúc lợi ở Pháp nghiêng về phía người cánh tả nhiều hơn cánh hữu, và đó là điều khiến cánh hữu bất mãn.

Macron và người vợ lớn hơn 24 tuổi.

Tuy nhiên, Macron ngày càng cảm thấy bực bội vì Tổng thống Hollande không mặn mà với việc cải cách kinh tế theo hướng thị trường và xin từ chức vào năm 2014. Sau loạt sự kiện khủng bố đẫm máu xảy ra liên tiếp trong năm 2015, tâm trạng của công chúng Pháp ngày càng bất mãn và thất vọng với giới chính trị sau nhiều thập niên thất nghiệp số đông kéo dài và một mối đe dọa an ninh mới - khủng bố. Chớp lấy thời cơ đó, Macron đã xây dựng nên phong trào Tiến lên (En Marche!) và mô tả nó “không tả cũng không hữu”.

Vốn là một người theo tư tưởng tự do kinh tế và thân với doanh nghiệp, Macron ghét cách người ta gọi mình là “trung dung”. Ông thiên về cánh tả trong các vấn đề về xã hội, và tự gọi mình là “người của cánh tả”, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng đón nhận những ý tưởng từ cánh hữu. Đứng trước tượng thánh Joan of Arc, Macron đã hứa sẽ gạt bỏ bộ máy đảng phái cũ kỹ và xây dựng mối quan hệ trực tiếp với dân chúng Pháp.

Hiện tại, Macron nhận được sự ủng hộ cao một cách khác thường, đặc biệt là trong thành phần thượng lưu ở Paris và giới trẻ. Các cuộc tập hợp cử tri của ông thường thu hút số người tham gia lên đến con số hàng ngàn, và ông khơi nguồn hứng khởi cho dân chúng Pháp theo cách tương tự như ông Barack Obama từng làm ở Mỹ vào năm 2008. Nhiều tổ chức thanh niên Pháp ủng hộ Macron như Jeunes Avec Macron (Thanh niên với Macron).

Sự ủng hộ dành cho Macron chủ yếu là từ quan điểm cho rằng, với sự am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế, Macron có thể cứu nước Pháp ra khỏi mớ bòng bong nhiều vấn đề rối rắm hiện nay. Và không chỉ có thế, nhiều người ủng hộ Macron còn vì vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn châu Âu, duy trì tính chất châu Âu trong con người châu Âu.

Macron được kỳ vọng sẽ đánh bại ứng viên cực hữu Marine Le Pen.

Macron về cơ bản là ứng viên có quan điểm ủng hộ châu Âu trong khi xung quanh ông nhiều chính trị gia đang ngày càng chống lại Brussels, và ứng cử viên đối thủ, Marine Le Pen của đảng Mặt trận dân tộc (FN) cực hữu chủ trương đưa nước Pháp tách hoàn toàn ra khỏi châu Âu, kể cả khu vực đồng tiền chung euro. Macron còn là một nhà vận động hàng đầu cho quan điểm tự do xã hội, đặc biệt là tự do hành đạo trong một đất nước đang ngày càng có suy nghĩ xấu về Hồi giáo.

Macron đang có cơ hội rất lớn làm nên lịch sử, trở thành một trong hai người trung dung có khả năng trở thành Tổng thống Pháp (người còn lại là cựu Tổng thống Valéry Giscard DEstaing, đắc cử năm 1974). Bối cảnh chính trị Pháp hiện tại đang ủng hộ Macron, với việc đảng Xã hội (cánh tả) không thể tìm ra được ứng cử viên nào thể cạnh tranh nổi với các ứng cử viên còn lại, còn ứng cử viên sáng giá của đảng Les Republicains (cánh hữu) Francois Fillon thì lại đang “chết chìm” trong bê bối tài chính.

Giữa lúc mọi người đang lo lắng không biết tìm ai để ngăn bước tiến của bà Marine Le Pen - đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa dân túy cực hữu Pháp - thì Macron xuất hiện kịp thời. Điều đặc biệt hơn ở chỗ, Macron năm nay mới 40 tuổi, và ông sẽ trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất trong Đệ ngũ Cộng hòa Pháp.

Đánh giá chung của giới phân tích là Macron có cơ hội rất lớn để đánh bại bà Le Pen, bởi cử tri Pháp được đánh giá là chọn lựa cử tri bằng lý trí, và họ sẽ chọn Macron để hy vọng ông có khả năng đáp ứng kỳ vọng giải quyết những vấn đề của nước Pháp hiện nay.

Ngày 22-2-2017, Macron tiến thêm một bước để tạo thế đứng chính trị vững chắc cho mình và cho cả những người hy vọng vào tương lai nước Pháp. Ông đã tuyên bố liên minh với chính khách trung dung kỳ cựu Francois Bayrou. Bayrou năm nay 65 tuổi, là một chính khách kỳ cựu, “người thứ ba” nổi tiếng trên chính trường Pháp. Vì thế Bayrou đã khiến mọi người ngạc nhiên khi tuyên bố chấp nhận hy sinh tư cách ứng viên độc lập để tham gia liên danh với Macron.

Ngay sau tuyên bố của Bayrou, Macron cũng tuyên bố với báo chí chấp nhận sự hợp tác của Bayrou. Bayrou không chỉ có đường lối chính trị giống mà quan điểm về tình hình nước Pháp hiện tại và những cải cách cần thực hiện trong tương lai cũng giống Macron. Đây sẽ là một liên minh hoàn hảo về chính trị.

Sự liên kết chưa có tiền lệ này cũng khiến cho các đối thủ của Macron bất ngờ và lo lắng. Macron đang được chú ý mạnh, thêm phần “góp vốn” của Bayrou, chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, cuộc chiến chống cực hữu, ngăn bước tiến bà Marine Le Pen sẽ càng có ý nghĩa và chắc chắn hơn.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.