FBI đang đổi “cách chơi trong sân chơi chính trị”?

Thứ Hai, 07/11/2016, 15:00
Những cuộc điều tra vừa được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố thông tin đã gây nên cơn chấn động chính trị trong mùa bầu cử ở Mỹ. Đặc biệt, những thông tin về các cuộc điều tra đó có chiều hướng gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton và đảng Dân chủ, đồng thời gián tiếp tạo ưu thế cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Giới phân tích đặt câu hỏi, phải chăng FBI đang muốn “góp một tay” vì đảng Cộng hòa?

Một cơ quan bảo vệ pháp luật mang đậm màu sắc chính trị đảng phái

Khi gửi thư lên Quốc hội Mỹ thông báo về “phát hiện” email của bà Hillary Clinton xuất hiện trong máy tính xách tay của cựu nghị sĩ Anthony Weiner, Giám đốc FBI James Comey đã gây chấn động trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ngay sau đó, Comey còn bồi thêm bằng thông báo mở lại cuộc điều tra về email cá nhân của bà Clinton, với việc kiểm tra thư điện tử của trợ lý cao cấp của bà, Huma Abedin.

Tác động từ vụ việc đó đã thể hiện khá rõ, tỉ lệ ủng hộ bà Clinton tại một số bang tranh chấp giảm đáng kể, trong khi tỉ lệ ủng hộ ứng cử viên Donald Trump tăng lên, khiến cho cuộc đua trở nên gay cấn hơn. Tình hình này khiến cho Ban vận động tranh cử của bà Clinton hoạt động hết công suất nhằm tìm cách hạ nhiệt dư luận, đồng thời cũng tranh thủ giảm thiểu tác động đến lá phiếu cử tri.

Ngay cả các thành viên chủ chốt của đảng Dân chủ như cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein... cũng nhảy vào cuộc chiến chống tác động tiêu cực từ thông báo của FBI.

Giám đốc FBI James Comey công khai “ngáng đường” bà Hillary Clinton.

Ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama cũng phải “xuất chiêu” vận động ủng hộ bà Clinton trong những sự kiện khác nhau. Trong bài phát biểu trước 16.000 người ủng hộ trong chuyến vận động tại Bắc Carolina hôm 2-11, Tổng thống Barack Obama đã chỉ trích quyết định “thiếu cân nhắc” của Giám đốc FBI Comey khi gửi thư lên Quốc hội về những “phát hiện” mới về email cá nhân của bà Clinton. Ông Obama cho rằng FBI đã đưa ra thông tin không hoàn chỉnh, dựa trên cơ sở không chắc chắn.

Theo sau ông Obama, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng lên tiếng chỉ trích Giám đốc FBI Comey vì những cuộc điều tra và việc công bố thông tin điều tra email cá nhân của bà Clinton. “Có lẽ ông ấy không được đặt đúng công việc” - bà Pelosi nói. Theo bà Pelosi, ông Comey đã mắc “sai lầm” khi quyết định gửi thư đến Quốc hội thông báo về vụ việc email cá nhân của bà Clinton sau khi đã đưa ra đề xuất không truy cứu trách nhiệm.

Với việc này, Comey đã áp dụng “tiêu chuẩn kép” và đã phá bỏ lời hứa cách đây không lâu là không can thiệp vào cuộc đấu chính trị giữa hai đảng phái trong mùa bầu cử. Bà Pelosi đề nghị ông Comey nên từ chức để đảm bảo FBI không tiếp tục lún sâu vào bê bối.

Những lời chỉ trích của Tổng thống Obama và bà Pelosi cùng với một loạt chỉ trích từ bà Clinton, Ban vận động của bà, cũng như một số thành viên cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã làm cho Giám đốc FBI rơi vào thế “giữa hai làn đạn”, bị công kích từ cả hai phía vì sự can thiệp không phù hợp của mình trong cuộc tranh cử.

Thời điểm hiện tại (đang dần đến ngày bầu cử) đặt Comey trước những lựa chọn không dễ dàng, thậm chí rất khó khăn. Trong vài ngày tới, nếu các đặc vụ FBI không thể tìm ra bằng chứng trong đống email của Huma Abedin để thay đổi quyết định ông Comey đưa ra hồi tháng 7-2016 (không truy cứu trách nhiệm bà Clinton), khi điều đó được công bố trước công chúng sẽ lại khiến FBI hứng chịu búa rìu công luận vì đã hấp tấp, vội vàng trong điều tra.

Nhiều quan chức FBI nói rằng cơ quan này sẽ khó có khả năng hoàn tất việc điều tra các email của bà Abedin trước ngày bầu cử 8-11, do đó khả năng tác động vào kết quả cuộc bầu cử của FBI là không cao. Nhưng nếu các đặc vụ có tìm ra được bằng chứng “nghiêm trọng” trong các email của Abedin, kết quả được công bố sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của bà Abedin, phần nào đó ảnh hưởng đến bà Clinton do Abedin là cố vấn thân cận nhất của bà Clinton.

Dù kết quả thế nào thì động thái của FBI trong cả hai trường hợp đều chứng minh cho công luận thấy cơ quan này đã thay đổi cách hành xử truyền thống lâu năm - vốn chỉ nói những gì mình có thể chứng minh được, những điều dược xác định là đúng đắn, và chỉ nói trước tòa án. Đây cũng là một sự thay đổi về “cách chơi” của FBI trong “sân chơi” chính trị nước Mỹ, bởi tính khách quan đã bị thay thế bởi những toan tính chủ quan của Giám đốc Comey và nội bộ bên trong cơ quan này. Từ một cơ quan bảo vệ pháp luật nổi tiếng độc lập, FBI đã mang đậm màu sắc chính trị đảng phái.

Cho đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp xung quanh vụ việc phát hiện email cá nhân bà Clinton trong máy tính xách tay của ông Weiner. Đó là làm thế nào mà những email của bà Clinton lại “chui” vào máy tính xách tay của ông Weiner? Luật sư riêng của bà Abedin đã bác bỏ khả năng bà Abedin sử dụng chiếc laptop đó.

Một giả thuyết được một số người đưa ra là các email đó có thể đã tình cờ được tải về một máy tính cũ và sau đó từ chiếc máy tính đó được chuyển sang lưu trữ trong ổ đĩa chiếc laptop khi người chủ đổi máy. Cho dù bằng cách nào thì vấn đề vẫn cần phải làm sáng tỏ là: Ai đã tải các email đó về? Từ đâu có chúng để tải về? Tải về và lưu giữ lại nhằm mục đích gì?

Miệt mài vạch lá tìm sâu

Những cuộc điều tra khác vừa được công bố kết quả cũng đang khiến nhiều người đặt vấn đề nghi ngờ về tính khách quan của Giám đốc Comey và FBI. Một loạt điều tra để chứng minh liệu ông Trump có quan hệ gì với nước Nga như những lời cáo buộc từ đảng Dân chủ hay không đã được công bố rộng rãi trước công chúng hôm 1-11 với kết quả không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào.

Cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ những nghi vấn chưa được khẳng định chắc chắn, vì thế cũng khó mang lại kết quả cụ thể. Trước khi yêu cầu FBI tiến hành điều tra, Chính phủ Mỹ đã tung ra nhiều cáo buộc nhắm vào nước Nga khi xảy ra các vụ việc hacker đột nhập hệ thống email của đảng Dân chủ và cá nhân bà Clinton, lấy trộm email và tung lên mạng Internet, gây nên những tranh cãi lùm xùm trong mùa bầu cử tổng thống của Mỹ.

Rồi truyền thông Mỹ vốn có ác cảm với ông Trump cũng mở chiến dịch công kích dựa vào các phát ngôn của ông liên quan đến nước Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc Trump có quan hệ “mật thiết” với Tổng thống Putin.

Ứng cử viên Donald Trump đang hưởng lợi thế từ vụ điều tra email của FBI.

Chưa thôi, trên các phương tiện truyền thông và cả trong giới chính khách, chủ yếu là đảng Dân chủ, cũng xuất hiện một loạt cáo buộc không chính thức về mối quan hệ mờ ám giữa ông Trump với Ngân hàng thương mại Alfa Bank của Nga, giữa Chủ tịch Ban vận động tranh cử Paul Manafort và công ty riêng của ông này với một số nhân vật thân Putin ở Nga, kể cả việc cựu cố vấn Carter Page của ông Trump đã từng tiếp xúc với các cá nhân người Nga bị Mỹ cấm vận.

Nhưng về mặt chính thức, Chính phủ Mỹ chưa thể khẳng định, và do đó đã không thể đưa ra cáo buộc chính thức rằng, nước Nga đang cố thao túng cuộc bầu cử theo hướng nào, cũng không thể cáo buộc Moskva có liên quan đến vụ việc hacker đột nhập hộp thư email của ông John Podesta - Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Các cuộc điều tra của FBI liên quan các cáo buộc nêu trên đều do đảng Dân chủ yêu cầu. Và kết quả của nhiều tháng điều tra đã cho thấy FBI không phát hiện gì thêm ngoài những sự kiện đã xảy ra và những cáo buộc không chính thức của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, FBI lại bỗng dưng tung lên website của mình các tài liệu, báo cáo dài 129 trang liên quan cuộc điều tra vụ việc Tổng thống Bill Clinton khi sắp mãn nhiệm đã ký nhiều quyết định ân xá can phạm - một thông lệ qua nhiều đời Tổng thống Mỹ - trong đó có vụ ân xá doanh nhân Marc Rich can tội trốn thuế từng gây tranh cãi trong giới chính trị lẫn trong dư luận.

Giới chức FBI biện minh việc công bố tài liệu trên website được thực hiện một cách tự động theo “yêu cầu từ lâu” của công chúng, nhưng bà Clinton và ban vận động của bà không tin điều đó là sự thật, bởi nó được thực hiện vào thời điểm vô cùng nhạy cảm của mùa bầu cử.

Vả lại, việc đăng lên website những nội dung liên quan cuộc điều tra về vụ ân xá Marc Rich đã vô tình, hay cố ý, khơi lại những tranh cãi từ hơn 15 năm trước đối với việc xóa tội cho một cá nhân trốn thuế do “nhà Clinton” thực hiện. Điều đó tạo ấn tượng rằng “nhà Clinton” từng bao che cho kẻ trốn thuế - hành vi gần tương tự như việc ông Trump bị dư luận công kích trong mấy tuần qua.

Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng Comey đang thò tay vào để làm nghiêng cán cân về phía ứng cử viên đảng Cộng hòa? Câu trả lời là rất có thể. Comey vốn là người của đảng Cộng hòa, vì thế không nói ai cũng biết ông chắc chắn có phần thiên vị cho đảng Cộng hòa. Cho dù ông Trump thời gian qua đã gây ra nhiều điều tiếng bằng các phát biểu bạo miệng gây sốc, thể hiện quan điểm cực đoan, nguy hiểm cho đường lối chính trị, ngoại giao của nước Mỹ, nhưng lợi ích đảng phái luôn được đặt lên trên hết, và đó là lý do làm cho vị trí Giám đốc FBI của Comey mất đi tính khách quan vốn có của nó.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng James Comey “được đặt không đúng việc”.

Dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Tại sao lúc nào khác không công bố mà FBI chọn lúc này - ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống và Quốc hội - để công bố không chỉ vụ việc email trong máy tính của chồng bà Abedin, mà còn kết quả điều tra quan hệ của Trump với nước Nga và xới lại chuyện ông Bill Clinton ân xá cho doanh nhân Marc Rich cách đây những 16 năm?

Phân tích những vấn đề này, giới quan sát cho rằng, nếu bà Clinton giành chiến thắng trong đợt bỏ phiếu ngày 8-11 tới, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà sẽ gặp nhiều khó khăn do cuộc điều tra của FBI. Thậm chí người ta còn cho rằng FBI của Comey rất có thể sẽ là vật ngáng đường nguy hiểm của bà Clinton, gây nên một cuộc khủng hoảng hiến pháp chưa từng có.

Trong nội bộ FBI cũng tồn tại những xung đột, lủng củng triền miên tuy không lớn nhưng cũng đủ gây khó khăn cho Comey. Rick DesLauriers, cựu Trưởng trạm FBI Boston nhận định, trong mùa bầu cử, bầu không khí chính trị đã lan tỏa ảnh hưởng sâu trong nội bộ FBI.

DesLauriers cho rằng, Comey đã cố gắng hết sức để các quyết định mình đưa ra bảo đảm theo đúng nguyên tắc “luật chơi” truyền thống của FBI, nhưng tác động từ thực tế chính trị khiến cho việc đó nhiều khi không thực hiện được. Có lúc ông ta khiến cho đảng Cộng hòa nổi giận bằng việc “xí xóa” cho bà Clinton hồi tháng 7-2016, nhưng giờ đây lại khiến đảng Dân chủ và bản thân bà Clinton nổi đóa bằng “cú sốc tháng 10” - với động thái gửi thư lên Quốc hội thông báo phát hiện mới về email cá nhân của bà.

DesLauriers cho rằng, vấn đề mâu thuẫn trong quan điểm giữa Văn phòng FBI New York với tổng hành dinh FBI ở Washington cũng là một vấn đề lớn cần xem xét. Không lâu sau khi FBI mở cuộc điều tra về email cá nhân của bà Clinton vào mùa hè năm 2015, Comey đã quyết định để cho Tổng hành dinh FBI chủ trì cuộc điều tra thay vì giao cho Văn phòng New York như thông lệ.

Quyết định đó đã “chọc giận” một số quan chức ở Văn phòng New York, bởi họ nghĩ tổng hành dinh can thiệp vào một vụ việc xảy ra trong địa bàn kiểm soát của họ (New York là nơi đặt máy chủ email cá nhân của bà Clinton).

An Châu (tổng hợp)
.
.