Gia đình cựu độc tài Pinochet đã “ẵm” bao nhiêu tiền của Chile?

Thứ Sáu, 25/03/2005, 08:01
Không chỉ Ngân hàng Riggs mà còn 8 ngân hàng Mỹ nữa (trong đó Bank of AmericaCitigroup) cũng dính vào đường dây cất giấu tiền cho nhà cựu độc tài Chile Augusto Pinochet - theo báo cáo kết quả điều tra của Thượng viện Mỹ, công bố ngày 15/3/2005.

Chỉ riêng Citigroup (tổ chức tài chính lớn nhất Mỹ), đã mở 63 tài khoản cho Pinochet cùng 19 thành viên gia đình nhà cựu độc tài, tại các chi nhánh ở Argentina, Bahamas, Anh, Chile và Thụy Sĩ. Trong khi đó, Bank of America mở 3 tài khoản, trong đó tài khoản đứng tên Ines Lucia Pinochet (con gái Pinochet).

Các ngân hàng khác gồm chi nhánh hoạt động tại Mỹ của Banco de Chile; Espirito Santo Bank, Ocean BankPineBank tại Florida; Banco Atlantico (hiện thuộc một phần sở hữu của Banco de Sabadell - Tây Ban Nha); và Coutts & Co. USA International (hiện thuộc một phần sở hữu của Banco Santander - Tây Ban Nha)...

Theo báo cáo tiến trình điều tra vừa công bố, giới chức điều hành Riggs đã giúp Augusto Pinochet giấu nhẹm tài sản từ năm 1994 - 2002, ngay trong thời điểm công tố viên quốc tế đang thụ lý vụ án và tìm hiểu các tài khoản mật của Pinochet.

Pinochet và con trai Marco Pinochet Hiriart (trái).

Cụ thể, Riggs đã giúp Pinochet lập công ty bình phong ở nhiều nơi; mở tài khoản cho Pinochet dưới tên các viên chức của Riggs; chuyển 1,6 triệu USD của Pinochet từ Luân Đôn đến Mỹ; giấu kín như bưng tài khoản của Pinochet trong Riggs suốt hai năm và ngoan cố từ chối cung cấp thông tin cho nhân viên điều tra. Tháng 5/2004, Riggs từng bị phạt 25 triệu USD vì tội liên tục vi phạm luật chống rửa tiền...

Trong trường hợp Augusto Pinochet, báo cáo Thượng viện cho biết Riggs đã giúp Pinochet giấu khoảng 4 - 8 triệu USD. Nghiêm trọng hơn, chi nhánh Riggs tại Bahamas còn lập hai công ty bình phong (Ashburton Co. Ltd.Althorp Investment Co. Ltd.) để giấu tiền cho Pinochet.

Tài khoản chìm, tài khoản nổi

Tháng 7/2004, Thượng viện Mỹ tung ra báo cáo miêu tả chi tiết các tài khoản hàng triệu đôla của Pinochet và vợ (Lucia) cất tại Riggs. Tại Quốc hội Chile, người ta cũng thành lập một ủy ban để xem Riggs có cất nguồn ngân quỹ phi pháp bòn rút từ ngân khố nhà nước Chile thời Augusto Pinochet hay không - theo Juan Pablo Letelier, Chủ tịch ủy ban Quốc hội Chile đặc trách vụ điều tra (con của Orlando Letelier, nguyên Ngoại trưởng Chile bị ám sát tại Washington thời chiến dịch "Kền kền").

Theo bản giải trình của Augusto Pinochet được nhóm điều tra Thượng viện Mỹ tung ra năm ngoái, nguồn thu nhập của Pinochet hầu hết là “kinh phí cho các chuyến công cán hải ngoại” trong gần 25 năm đương sự ngồi ghế tổng thống.

Cụ thể, năm 1976, Pinochet nhận 3 triệu USD từ các hoạt động ngoại giao chính thức liên quan đến Mỹ; từ năm 1974 - 1997, Pinochet nhận tổng cộng 12,3 triệu USD từ các hoạt động ngoại giao liên quan đến Trung Quốc, Brazil, Argentina, Paraguay, Tây Ban Nha và Anh. Bản giải trình - đóng mộc Bộ Quốc phòng - đến nay cũng chưa biết thật - giả thế nào để có thể xác định Pinochet có ngụy tạo hay không.

Vậy mà, ba cựu viên chức quân đội đã khai rằng, bất cứ khoản tiền mặt nào Pinochet có trong tài khoản nước ngoài đều là “dự trữ cho tình huống khẩn cấp” chứ không phải tiền chôm chỉa từ ngân khố nhà nước. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, vợ Pinochet thậm chí nói, cuối thập niên 90, bà cùng nhiều người bạn đã túng đến mức phải bán nữ trang để thuê luật sư bào chữa cho chồng!

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ "El Mercurio" hồi tháng 9/2004, cố vấn tài chính Pinochet, Oscar Aitken nói rằng, tài khoản của Pinochet được quản lý bởi đích thân Joseph Allbritton (nguyên Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành Riggs). Trong khi đó, phát ngôn viên Riggs cho biết, Allbritton chẳng dính dáng gì đến tài khoản Pinochet và rằng, hai người chỉ gặp trực tiếp hai lần mà thôi.

Thế nhưng, rõ ràng Riggs đã có gì đó cần giấu nhẹm, nếu không, họ đã chẳng đổi tên tài khoản từ “Augusto Pinochet Ugarte & Lucia Hiriart de Pinochet” thành “L. Hiriart &/or A. Ugarte” làm gì cho phức tạp! Cách này ít nhất cũng đảm bảo rằng, nếu nhân viên điều tra tìm kiếm trên máy tính ngân hàng bằng từ khóa “Pinochet” thì anh ta sẽ chẳng bao giờ mò ra được gì!

New York Times cho biết, Pinochet còn dùng tên giả Ramon Ugarte và Daniel Lopez trong các tài khoản ở Riggs. Pinochet trở thành khách hàng Riggs vào năm 1985; trước đó, ông ta bắt tay với Citibank. “Năm 1964, bố tôi mở một tài khoản tại Citibank và đóng lại vào thập niên 80” - theo Marco Antonio, một trong những người con của nhà cựu độc tài cho biết.--PageBreak--

Riggs dường như không quan tâm đến tư cách khách hàng đặc biệt Pinochet (điều này là phạm luật). Khi Riggs xem xét hồ sơ tài khoản Pinochet sau khi nhà cựu độc tài bị bắt ở Chile năm 2001, bản ghi nhớ đệ trình Steven B. Pfeiffer (thành viên ban giám đốc) đã đính kèm hơn 270 trang miêu tả chi tiết các vụ bắt bớ, giết người cùng danh sách hàng ngàn nạn nhân bị ám sát, tra tấn hoặc mất tích thời Pinochet. Tuy nhiên, Riggs tiếp tục để mở tài khoản Pinochet thay vì phong tỏa.

Ngoài ra, một số tài khoản của Pinochet dưới sự quản lý Riggs, theo hồ sơ Thượng viện Hoa Kỳ, còn được đăng ký tại Bahamas dưới tên hai công ty bình phong - Althorp Investment CompanyAshburton Company Ltd. Địa chỉ thư giao dịch cho một trong những tài khoản Pinochet lại là một... công viên ở trung tâm Santiago (Chile), trực diện Tổng hành dinh quân đội Chile!

Tư nhân hoá DN nhà nước để… kiếm chác

Không chỉ quan tâm đến những vụ ám sát chính trị dưới thời Pinochet, Chính phủ Chile hiện tập trung đặc biệt vào các vụ tư hữu hóa công ty nhà nước thời Pinochet, trong đó có công nghiệp thép, điện, khai thác mỏ và viễn thông. Những vụ tư hữu hóa bắt đầu bùng nổ từ năm 1985 - 1990, vào thời điểm Chính phủ Pinochet đối mặt nhiều sóng gió chính trị. Người ta tin rằng Pinochet đã gấp rút thực hiện chiến dịch tư nhân hóa để hốt thêm bạc trước khi bước ra khỏi dinh Tổng thống.

Các công ty tư nhân hóa, hóa ra lại rơi vào tay hầu hết viên chức quân đội cấp cao, thành viên nội các, nhóm cố vấn kinh tế và người nhà Pinochet... Khi Pinochet nắm quyền lực ngày 11/9/1973, Julio Cesar Ponce Lerou là sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp. Hiện tại, Julio Cesar Ponce Lerou là một trong những người giàu nhất Chile với vị trí chủ tịch một công ty khai thác mỏ.

Bàn đap cho sự thăng tiến của Ponce Lerou: Ở thời điểm Pinochet thực hiện cuộc đảo chính giành quyền lực, Ponce Lerou lập gia đình với Veronica - ái nữ của nhà độc tài. Không lâu sau, Ponce Lerou được bổ nhiệm vị trí chủ tịch Cơ quan phát triển nhà nước chuyên giám sát các vụ tư nhân hóa.

Năm 1988, Ponce Lerou làm sếp Công ty Soquimich với ban quản trị gồm toàn người nhà: một người anh em Ponce Lerou; tướng Guillermo Letelier Skinner (nguyên phó văn phòng Cơ quan phát triển nhà nước của Ponce Lerou); Hernan Buchi Buc (Bộ trưởng Kinh tế cuối thập niên 80). Hiện thời, cổ đông của Soquimich gồm Ngân hàng New YorkCitigroup, nhưng cổ phần lớn nhất thuộc quyền kiểm soát của Công ty Pampa Calichera, nơi Ponce Lerou làm chủ.

Một công ty tư nhân khác cũng đang bị điều tra là Enersis mà Ponce Lerou cũng từng có mặt trong ban giám đốc; và Quốc hội Chile tiếp tục yêu cầu điều tra hai tổ chức từ thiện - Trung tâm các bà mẹ Tổ chức tháng Chín - nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Lucia Hiriart (vợ Pinochet); cũng như các hoạt động kinh doanh chẳng lấy gì trong sạch của một ái nữ nhà Pinochet.

Trong chiến dịch xới lại hồ sơ cũ, người ta còn để ý vụ Pinochet từng chuẩn y việc chính phủ chi hơn 3 triệu USD cho Augusto Jr. - con trai Pinochet - để giúp cậu ấm thoát nguy cơ phá sản trong một công ty vũ khí lúc đó đang ngắc ngứ. Quí tử Augusto Jr. là người từng chế ra thẻ tín dụng mang hình ảnh bố (thẻ “Captain General”) và tung ra loại rượu mang tên mình (“Don Augusto”) - gần đây đã bị quy kết dính dáng vào đường dây trộm xe hơi!

Anh Vũ (tổng hợp)
.
.