Giới lãnh đạo lúng túng bảo vệ “những giá trị châu Âu”

Thứ Năm, 31/03/2016, 07:39
Sau vụ khủng bố đẫm máu tại Brussels ngày 22-3, biện pháp “Lưu trữ lý lịch của hành khách” (LLH) có thể sẽ được Quốc hội châu Âu phê chuẩn. Thủ tướng Pháp Manuel Valls một lần nữa nhắc lại sự cấp bách phải phê chuẩn biện pháp LLH.

Biện pháp này đề ra việc lưu trữ lý lịch cá nhân của các hành khách sử dụng phương tiện hàng không dân dụng từ năm 2011 nhưng từ lâu đã bị Quốc hội châu Âu xếp xó do lo ngại những biện pháp có chiều hướng xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Ngoài ra, Thủ tướng Manuel Valls còn đưa ra thảo luận vấn đề về bản án chung thân thật sự. Ông cho biết sẽ nghiên cứu về nguyên tắc “bản án chung thân thật sự” cho một tên khủng bố.

Trong bài phát biểu trên Đài Europe 1, Thủ tướng cho rằng cần phải “tăng nặng thêm bản án đối với tội khủng bố”. Được biết, dự luật này sẽ được bàn thảo tại Thượng viện Pháp từ ngày 29-3.

Chỉ thị LLH buộc các hãng hàng không phải gửi dữ liệu, lộ trình của hành khách cho chính quyền các nước mà từ đó hành khách khởi hành hoặc bay đến. Có 19 loại dữ liệu gồm tên họ, chi tiết lý lịch, ngày giờ của chuyến đi, lộ trình, phương thức chi trả hay bản chất của hành lý. Theo những người ủng hộ chỉ thị, các dữ liệu đó và việc lưu trữ chúng sẽ được sử dụng để phòng ngừa sự phạm pháp và tạo dễ dàng cho công việc điều tra.

“Mọi cơ quan tình báo đều ủng hộ biện pháp này. Người ta có thể biết một người nào đó được xem như nguy hiểm đã đáp máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ để đến Bỉ chẳng hạn” - Alain Juillet, Chủ tịch Câu lạc bộ các Giám đốc An ninh Xí nghiệp, nhận định.

Các chuyên gia về an ninh cũng cho rằng chỉ thị đó rất hữu ích để theo dõi những cá nhân bị đánh dấu “S” (đáng ngờ). Người ta không thể ngăn cấm họ đi du lịch nhưng sẽ rất hữu ích để biết rõ sự di chuyển của họ. Với biện pháp này, người ta đã có thể phát hiện ra những chuyến đi của các thủ phạm vụ khủng bố tại Paris ngày 13-11-2015.

“Hồ sơ hành khách sẽ giúp nhận ra nhiều hành khách được xem như nguy hiểm đã cùng đến một nơi. Tại Mỹ, dữ liệu hành khách giúp biết được các hành khách nguy hiểm tiềm tàng đang tìm cách nhập cảnh” - Alain Juillet giải thích. Nhưng ông thừa nhận điều này cũng có nhiều sai lầm.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls.

Pierre Berthelet, giáo sư tại Đại học Lille và chuyên gia về các vấn đề biên giới, lại tỏ ra nghi ngờ. Theo ông, hồ sơ hành khách chỉ thật sự hữu ích khi toàn bộ được kết nối với các cơ sở dữ liệu khác. Chẳng hạn như hồ sơ hiện có về mọi sự nhập cảnh và xuất cảnh của tất cả hành khách tại Mỹ.

“Để có thể phác họa một cách hữu hiệu chân dung của những kẻ nguy hiểm, cần phải liên kết chéo các hồ sơ. Làm sao dữ liệu của hành khách có thể hữu hiệu hơn công việc của các cơ quan tình báo trong khi thủ phạm của những vụ khủng bố tại Paris và Brussels đều đã bị các cơ quan này biết mặt, một số thậm chí còn có lệnh truy nã trên toàn châu Âu” - nghị sĩ Sylvie Guillaume phản bác. Quả thật việc gia tăng khối lượng dữ liệu sẽ đặt ra vấn đề về khả năng xử lý chúng.

“Nếu cơ quan Europol không tiếp cận được với cơ sở dữ liệu LLH, điều này sẽ mang lại hiệu quả hạn chế. Nhưng ngược lại, việc truy cập được mọi dữ liệu sẽ dẫn đến việc kiểm soát toàn châu Âu” - Pierre Berthelet giải thích. Từ khi thành lập cơ quan an ninh châu Âu, vấn đề phân biệt đâu là tự do và đâu là an ninh thiết yếu thật khó xác định. Để hạn chế nguy cơ này, dự thảo mới đây quy định mọi quốc gia thành viên phải chỉ định một nhân viên kiểm soát để bảo vệ dữ liệu.

“Tất nhiên LLH chỉ là một công cụ thêm nữa để cải thiện an ninh châu Âu. Người ta có thể tưởng tượng rằng nếu một hệ thống như thế được hình thành, bọn khủng bố sẽ gia tăng thận trọng khi đến hay di chuyển bên trong EU” - Alain Juillet thừa nhận.

Nhìn qua nước láng giềng của Pháp là Bỉ, giới chức nước này đã lập tức tái áp đặt việc kiểm soát tại biên giới. Động thái này làm dấy lên câu hỏi về tương lai của chính sách biên giới mở, vốn có ý nghĩa thiết yếu với sự đi lại của người dân, cũng như hoạt động thương mại tại hầu khắp Liên minh châu Âu (EU). Hiệp ước Schengen được ký lần đầu năm 1985, cho phép người dân các nước tham gia ký kết tự do đi lại qua biên giới, mà không phải thực hiện các thủ tục kiểm soát nhập cảnh hoặc kiểm tra hộ chiếu. 22 quốc gia EU cùng 4 quốc gia thành viên Hiệp hội Tự do Thương mại châu Âu đã ký kết thỏa thuận này.

Ian Bremmer, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Eurasia Group nhận định: “Các vụ tấn công khủng bố vừa qua rõ ràng là mối đe dọa gián tiếp đến tương lai của Hiệp ước Schengen. Khi các quốc gia lần đầu tái triển khai kiểm soát biên giới khắp châu Âu hồi tháng 9, mục tiêu là nhằm kiểm soát dòng người di cư, chúng ta thấy rằng đây là hành động hoàn toàn hợp lý”.

Các chuyên gia an ninh và giới hành pháp châu Âu nhiều khả năng sẽ kêu gọi thắt chặt hơn kiểm soát biên giới, để khiến những kẻ khủng bố khó di chuyển từ nước này sang nước khác. “Tôi cho rằng giống như nhiều thỏa thuận khác, người châu Âu sẽ tìm cách duy trì Schengen. Nhưng các nước sẽ sẵn sàng hơn trong việc phớt lờ các quy định và áp đặt kiểm soát biên giới nếu họ thấy buộc phải làm vậy” - Adriano Bosoni, nhà phân tích cấp cao về địa chính trị châu Âu tại Trung tâm nghiên cứu Stratfor nhận định - Từ đó, chính phủ các nước Châu Âu nhiều khả năng sẽ đưa ra quy định mới nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, tăng cường kiểm soát các tay súng trở về từ chiến trường Trung Đông - Bắc Phi.

Các thành viên EU cũng sẽ nối lại các cuộc thảo luận về cách thức chống chủ nghĩa khủng bố đến từ các quốc gia bất ổn như Libya và Syria. Nhận thức được mức độ nguy hiểm của mối đe dọa khủng bố, các nước thành viên EU sẽ tập trung vào việc bảo vệ đường biên giới của khối, có thể là sẽ hợp tác sâu hơn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các vụ tấn công khủng bố trên cũng sẽ làm gia tăng tâm lý chống Hồi giáo ở châu Âu và ngày càng có nhiều dư luận yêu cầu EU không miễn thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một yêu cầu chủ chốt của chính quyền Ankara khi hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư với EU”.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.