Hàn Quốc: Xáo động nghị trường lẫn thương trường
- Nghị sĩ Hàn Quốc dọa từ chức nếu Tổng thống không bị luận tội
- Bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc bị yêu cầu xuất hiện trong phiên luận tội
- Hai “kịch bản” của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
Phiên tòa xét xử đặc biệt của quốc hội được phát sóng trên toàn Hàn Quốc bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày 5-12. 18 nhà lập pháp, trong đó có 9 người của đảng cầm quyền Saenuri và 9 người đến từ các nhóm đối lập, sẽ thẩm vấn các tỷ phú về khoản tiền gần 70 triệu USD được đóng góp để thành lập quỹ dưới sự quản lý của “quân sư phù thủy” Choi Soon-sil của Tổng thống Park Geun-hye.
Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, đóng góp nhiều nhất, 20 tỷ won (17 triệu USD), cho các quỹ của bà Choi, tiếp đó là Hyundai, SK, LG và Lotte. Riêng Samsung bị cáo buộc chuyển hàng triệu euro cho Choi để tài trợ cho con gái bà học... cưỡi ngựa tại Đức. Tập đoàn này cũng bị điều tra vì nghi ngờ có vận động các quan chức để họ ủng hộ một thỏa thuận sáp nhập gây tranh cãi năm 2015.
Biểu tình đòi Tổng thống Park từ chức ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 3-12. |
Đây là lần đầu tiên tất cả những người đứng đầu của các tập đoàn gia tộc (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc, mà sự xuất hiện của họ trước công chúng được xem là rất hiếm hoi, bị triệu tập thẩm vấn trước quốc hội. Một câu hỏi quan trọng đặt ra trong phiên tòa sơ thẩm này là liệu họ có ủng hộ cho các quỹ của bà Choi dựa trên yêu cầu của Tổng thống Park với mục đích đạt được các đặc quyền trong kinh doanh? Hay hiểu một cách cụ thể hơn, các chaebol có hối lộ hay không?
Lời cáo buộc lớn nhất mà quốc hội đưa ra là Tổng thống Park đã tạo áp lực lên các tập đoàn lớn để họ ủng hộ tiền cho các quỹ dưới sự quản lý của bà Choi, người bị buộc tội âm mưu cưỡng chế và lạm quyền. Về phía Tổng thống Park, dù đã 2 lần nói lời tạ lỗi trước toàn thể quốc dân trong một tuyên bố được phát sóng trên toàn quốc và ngỏ ý “chấp hành” mọi sự định đoạt của quốc hội về tương lai chính trị của mình nhưng bà cho đến nay vẫn khẳng định chưa bao giờ tư lợi từ khi ngồi vào vị trí cầm quyền tối cao.
Các "chaebol" ("chae" trong tiếng Hàn là "sở hữu" và "mumbol" là "gia đình quyền quý") là những gia tộc lừng lẫy trong giới thương trường đã có công vực đất nước Hàn Quốc đứng lên từ tro tàn chiến tranh, tự hào xếp thứ 13 thế giới về mức GDP. Lotte, Samsung, Huyndai hay LG... đều là những gia tộc tài phiệt như vậy.
Bên cạnh ảnh hưởng về kinh tế, tài chính và xã hội với đất nước Hàn Quốc, cuộc sống luôn được che đậy, bưng bít của các chaebol đương nhiên luôn thu hút ánh nhìn săm soi của giới truyền thông, nhất cử nhất động của họ luôn được các tầng lớp dân chúng quan tâm nhiều khi đến mức thái quá. Năm 2016 là một năm đầy chật vật để một trong 4 con hổ châu Á này duy trì “phong độ” trong các chỉ tiêu tăng trưởng. Vụ bê bối nổ pin điện thoại Samsung khiến hãng này phải ra lệnh thu hồi sản phẩm trên toàn thế giới, sự sụp đổ của hãng vận chuyển Hanjin Shipping Co. và một loạt điều tra liên quan đến lãnh đạo tập đoàn bán lẻ Lotte đã làm tổn thương đến niềm tin vào ngành công nghiệp quốc gia.
“Đây là khoảng thời gian nhạy cảm đối với nền kinh tế Hàn Quốc với sự đi xuống của một số ngành công nghiệp trọng điểm, chưa bao giờ các chaebol phải trải qua những hậu quả to lớn của vụ bê bối tình bạn Park-Choi mà họ là những người cùng góp tay vào như thế này” - Kent Boydston, chuyên gia phân tích Viện Kinh tế quốc tế tại Washington nhận định - “Không cần biết Tổng thống Park sẽ phải rời Nhà Xanh như thế nào và đằng sau nó có những thỏa thuận chính trị gì thì việc điều tra các chaebol sẽ vẫn được tiến hành”.
Chủ tịch mới của Tập đoàn Lotte Group Shin Dongbin (giữa). |
Trùm tư bản lớn nhất đối mặt với phiên tòa sơ thẩm sẽ là Lee Jae-yong, người đứng đầu tập đoàn điện tử Samsung và người thừa kế 74 tuổi Lee Kun-hee. Ngày 26-8, các kiểm sát viên đã khám xét trụ sở của Samsung và văn phòng của National Pension Service (NPS) - quỹ hưu trí lớn nhất Hàn Quốc cũng là cổ đông bên ngoài lớn nhất của Samsung.
Cho đến nay, NPS vẫn đang bị các nhóm dân sự chỉ trích về việc ủng hộ hành động sáp nhập gây tranh cãi giữa Samsung C&T Corp và Cheil Industries Inc. vào năm 2015. Bên cạnh ông Lee và một số người đứng đầu các chaebol khác, Hội đồng điều tra đặc biệt sẽ mời đến phiên tòa sơ thẩm xét xử một số nhân chứng liên quan, chịu trách nhiệm đối với vụ sáp nhập trên.
Ngoài ra, giới chức cũng khám xét trụ sở của Lotte Group và SK Group để tìm kiếm chứng cứ về nghi vấn ủng hộ tiền cho các quỹ của bà Choi nhằm nhận được giấy phép kinh doanh miễn thuế. Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, 61 tuổi và Chủ tịch SK Group Chey Tae-won, 56 tuổi cũng nằm trong số những người bị triệu tập.
Phát ngôn viên của Lotte Group phủ nhận các cáo buộc cho rằng công ty này đã ủng hộ tiền vào quỹ bất minh nói trên nhằm tìm kiếm giấy phép kinh doanh. Trong ngày 6-12, hội đồng điều tra đặc biệt sẽ thẩm vấn lãnh đạo 9 tập đoàn, trong đó có Lee Jae-yong, Chủ tịch Hyundai Chung Mong-koo, Chủ tịch LG Koo Bon-moo, Chủ tịch SK Chey Tae-won và Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin.
Tờ Chosun Ilbo dẫn nguồn tin từ các công ty cho biết, “chủ nhân ông” của các chaebol trên đang rốt ráo huy động thuộc cấp chuẩn bị các phương án đối phó khi bị công chúng xuống đường phản đối hay tấn công lăng mạ như ném cà chua, trứng thối... Họ còn tự tổ chức nhiều phiên chất vấn mô phỏng với các trợ lý và ghi nhớ cách trả lời các câu hỏi “nhạy cảm”. Có người còn cử quản lý đi khảo sát quốc hội, tính thời gian đến phòng thẩm vấn và đường ra sao không bị báo giới bao vây.
Cách đây gần 4 tháng, vào rạng sáng ngày 26-8, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lotte Lee Inwon được tìm thấy đã chết ở vùng ngoại ô Seoul, chỉ vài giờ trước khi ông ta phải ra thẩm vấn về những vấn đề liên quan đến tham nhũng và biển thủ tài chính. Ngay sau đó những thông tin về con gái nhà sáng lập ngồi tù, trụ sở Lotte bị lục soát... bắt đầu châm ngòi cho loạt sự kiện chấn động liên quan đến các chaebol.
Chính phủ Hàn Quốc từ lâu luôn phải chịu áp lực kiểm soát các tập đoàn gia tộc quyền thế ngất trời vì các chaebol được hưởng rất nhiều ưu đãi của chính phủ trong hoạt động kinh doanh lẫn đời sống xã hội. Các chaebol thế hệ thứ 2, thứ 3 ý thức rất rõ về điều này, nhưng bên cạnh các nỗ lực làm việc và mở rộng thị phần, cũng có không ít các vụ bê bối do chính các chaebol gây ra.
Năm 2014, vụ bê bối của hãng hàng không Korean Air tại sân bay quốc tế JFK, New York đã trở thành "giọt nước tràn ly" cho những bất bình lâu nay tại Hàn Quốc về đế chế các công ty gia đình trị. Con gái của Chủ tịch Tập đoàn Korean Air, bà Heather Cho đã ra lệnh bắt chiếc máy bay đang chở mình quay lại cửa xuất phát để đuổi cổ tiếp viên trưởng chuyến bay New York - Seoul khỏi máy bay vì phục vụ sai cách món hạt macadamia.
Tiếp viên trưởng đã để hạt macadamia trong gói giấy thay vì trong đĩa như bà Cho đòi hỏi. Hành động của bà Cho khiến chuyến bay bị chậm 11 phút. Truyền thông Hàn Quốc đã phản ứng dữ dội và cho rằng hành động của bà Cho là một ví dụ về "đặc ân" mà các gia đình đứng đầu các tập đoàn gia đình trị nước này coi trời bằng vung.
Những tiểu thư, công tử dòng dõi chaebol được học hành ở những cơ sở giáo dục hàng đầu Hàn Quốc và thế giới, nhưng cũng vì tâm lý hơn người nên trở nên kiêu ngạo, xem người dưới quyền hoặc giới công chức lương ba cọc ba đồng như cỏ rác. Có một cuộc sống bề ngoài hào nhoáng, bóng lộn, muốn gì được nấy, nhưng sự thật bên trong các gia đình chaebol lại vô cùng phức tạp và đạo lý có phần mục ruỗng. Cha con, anh em không từ thủ đoạn đấu đá nhau.
Những tình tiết tưởng rằng chỉ có trong phim nhưng cần nhớ rằng, phim ảnh là công cụ phản ánh đời thực. Trong công ty của gia đình, họ luôn phải nỗ lực cạnh tranh, thậm chí là đấu đá nhau để giữ vững địa vị của mình. Tuy cùng là anh em trong một gia tộc nhưng dường như khi dính đến lợi ích của mình, tình thân cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tham nhũng, biển thủ tài chính là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra trong các tập đoàn gia đình trị.
Bà Heather Cho, con gái của Chủ tịch Tập đoàn Korean Air cúi đầu xin lỗi người dân vì hành động "coi trời bằng vung" của mình. |
Ngày 17-8-2015, Shin Dongbin, con trai thứ hai của nhà sáng lập Tập đoàn Lotte Shin Kyukho đã đẩy cha mình ra khỏi chiếc ghế chủ tịch và hoàn tất việc kế nhiệm với tư cách người đứng đầu doanh nghiệp gia đình. Cuộc họp cổ đông diễn ra vào 9 giờ 30 phút sáng tại khách sạn Teikoku ở thành phố Tokyo, Nhật Bản và chỉ kéo dài 15 phút. Quyết định được đưa ra dựa trên kết quả đa số phiếu bầu.
Theo đó, kỷ nguyên lãnh đạo của Shin Kyukho đã kết thúc và mở ra kỷ nguyên mới của Shin Dong Bin. Ngay sau đó, Shin Kyuho đã kiện con trai thứ của mình và nói rằng chiếc ghế đó phải thuộc về con trai cả Shin Dongjoo. Cuộc chiến của 3 cha con họ Shin kéo dài đến tháng 3 năm nay, thì Shin Dongbin đã thẳng tay loại cha mình ra khỏi ban giám đốc của chi nhánh chính của Lotte.
Không ít người dân xứ kim chi xa lạ với các thông tin ca sĩ, diễn viên nổi tiếng bỗng dưng bị khui ra chuyện hẹn hò, lằng nhằng đời tư liên quan các nhân vật có máu mặt của các chaebol... Có một điều là những thông tin đó luôn được tung ra cùng thời điểm scandals của các chaebol bắt đầu được báo chí đưa tin. Lúc đầu người ta nghĩ đây chỉ là điều trùng hợp, nhưng rất nhiều lần xảy ra chuyện tương tự nên công chúng tin rằng, các chaebol đang cố gắng thao túng truyền thông, dùng tiền che đậy các vụ bê bối của bản thân và công ty. Tuy rằng đây chỉ là một tin đồn không có căn cứ, nhưng cũng chính bởi quyền lực gần như bất khả xâm phạm của những người đứng đầu tập đoàn cùng với con cháu họ đã gây ra làn sóng bất bình trong xã hội Hàn Quốc nhiều năm nay.
Bê bối "Choigate" đã khiến sự bất bình của người dân, về sự ảnh hưởng và nghi ngờ họ được hưởng đặc quyền, vốn âm ỉ bùng lên. Hôm 3-12, hàng trăm nghìn người đã diễu hành trước cửa văn phòng Tổng thống Park. Họ nói bà Park phải từ chức ngay lập tức và các tập đoàn chaebol là đồng phạm.
Không giống như cuộc biểu tình chìm trong phẫn nộ của người dân trên khắp Hàn Quốc vào những năm 1980 đã hạ bệ tổng thống độc tài Chun Doo-hwan, cuộc nổi dậy lần này chống lại bà Park đã đưa người dân ở mọi độ tuổi vào một tâm trạng vui mừng. Người dân hát vang những bài K-pop và giơ cao biểu ngữ “Park không phải là tổng thống của chúng tôi”.
Bê bối Choigate có thể coi là sự kiện kết thúc một năm đáng buồn cho Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) vào cuối tháng 11 đã hạ triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2017 0,3%, xuống còn 2,6%.