Hiện tượng Donald Trump?

Thứ Bảy, 05/09/2015, 09:00
Chứng kiến việc lên như diều của ứng cử viên tổng thống Mỹ - tỉ phú Donald Trump, nhiều người tự hỏi điều gì đã tạo nên một Donald Trump ngang tàng, không ngại va chạm, bất chấp dư luận và thu hút cử tri như ngày nay?

Tất cả lý giải dường như đều chưa hoàn chỉnh nếu không nhắc đến những đặc điểm nổi bật xuyên suốt các thế hệ gia đình Trump mà người khởi đầu là ông nội Frederick - người dọn đường thành công không chỉ cho bản thân mà còn cho con cháu với phương châm: Làm bất kỳ điều gì cần để vượt lên dẫn đầu và không bao giờ từ bỏ.

Bà Gwenda Blair, tác giả cuốn sách "The Trumps: Three Generations That Build an Empire" (Họ nhà Trumps: Ba thế hệ xây một đế chế), đã lý giải hiện tượng Trump theo cách riêng của mình.

Donald Trump.

Khởi nghiệp từ số 0

Cách đây 130 năm, năm 1885, chàng thanh niên Friedrich Trump đã bước khỏi một con thuyền ở vùng hạ Manhattan với một chiếc vali duy nhất. Lúc đó, Friedrich mới 16 tuổi. Cậu rời nhà, để lại một mảnh giấy cho bà mẹ góa trên bàn ăn trong bếp ở Kallstadt - một ngôi làng ở tây nam nước Đức. Cậu không muốn làm việc trong vườn nho của gia đình và cũng không muốn làm thợ cạo dù (thợ cắt tóc) đã được dạy nghề. Cậu muốn trở nên giàu có và nước Mỹ chính là nơi để làm điều đó!

Friedrich chính là ông nội của tỉ phú Donald Trump - một ứng cử viên tổng thống gây tranh cãi của đảng Cộng hòa. Friedrich bắt tay ngay vào thực hiện ước mơ làm giàu bằng cách vượt qua mọi giới hạn về cư xử của thời đó - y hệt như cách mà cháu nội ông là Donald Trump sẽ làm một thế kỷ sau.

Đầu những năm 90 thế kỷ XIX, Friedrich đã học tiếng Anh. Từ một cậu bé gầy gò, Friedrich đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, trở thành công dân Mỹ dễ dàng vì thời đó không có hạn ngạch đối với người nhập cư. Friedrich đã đổi tên thành Frederick để nghe giống tên Mỹ hơn. Rồi anh ta lên đường tới Seattle, một thành phố rộng mở và là điểm đến của những người độc thân, lang thang với hy vọng làm giàu. Đa số phải đối mặt với tiền đồ kinh tế bấp bênh giống như ở nơi mà họ tìm cách bỏ đi.

Nhưng với Frederick thì khác. Anh nhanh chóng tính toán và nhắm tới một địa điểm là Lava Beds hay còn gọi là khu vực đèn đỏ của Seattle. Ở đó, anh thuê một nhà hàng mặt tiền nhỏ tên là Poodle Dog rồi đổi tên thành nhà hàng Dairy. Nơi này có một bếp, một quầy rượu và được quảng cáo là "phòng riêng dành cho quý cô", ám chỉ tới đối tượng khách hàng là gái mại dâm. Nhà hàng này của anh giúp cung cấp đồ ăn, rượu và tình dục.

Nhà hàng của Frederick ở Seattle nhanh chóng ăn nên làm ra nhưng anh ta không dừng lại đó mà cái tai luôn dỏng lên để lắng nghe. Năm 1894, anh nghe tin rằng John D. Rockefeller, người đàn ông giàu có nhất quả đất đang đổ tiền vào một hoạt động khai mỏ ở thành phố nhỏ Monte Cristo phía bắc Seattle.

Ông nội (Frederick Trump).

Không chậm trễ, Frederick đã đánh giá xem khu vực nào có vị trí tốt nhất ở đó và tuyên bố giả mạo là mình có quyền khai thác mỏ. Frederiek xây ngay một khách sạn trên mảnh đất khai mỏ cho dù mảnh đất đó thực ra không thuộc về mình. Rồi Frederiek lại bắt đầu cung cấp cho khách hàng những thứ họ muốn: thực phẩm, rượu, gái.

Khi nhận thấy Monte Cristo chậm sinh lời, ông Rockefeller một mặt công khai ủng hộ phát triển khai mỏ ở đây, một mặt bí mật sắp xếp đường tháo vốn. Hè năm 1897, Frederick cũng quyết định rút tiền khỏi thành phố này và trở về Seattle. Cùng với Rockefeller, Frederick là một trong số ít nhà đầu tư ở Monte Cristo kiếm được lời thay vì thua lỗ.

Lý do Frederick rút khỏi Monte Cristo là tìm thấy cơ hội làm ăn ở chỗ khác. Thời đó, anh để ý thấy các đoàn tàu chở đầy vàng khai thác ở Yukon (Canada) đều dừng lại ở Puget Sound. Còn hàng đêm, hàng đoàn người mang cuốc xẻng hướng lên phía bắc tới vùng Yukon để dấn thân vào hành trình nguy hiểm bằng đường bộ để đi tìm vàng.

Khác với họ, Frederick không có ý định đào vàng. Thay vào đó, anh mở các cửa hàng dọc đường sắt, tự tạo cho mình một cơn sốt vàng riêng bằng cách "đào mỏ" những người đi đào mỏ.

Trong khách sạn và nhà hàng Bắc Cực Mới mà Frederick mở ở thị trấn Bennett vào tháng 5/1898, anh cũng có các "phòng riêng" dành cho các "quý cô". Các phòng này không chỉ có giường mà còn có cân để cân bụi vàng dùng để trả cho các quý cô sau khi thợ mỏ dùng xong "dịch vụ" của họ. Một tờ báo gọi đây là nhà hàng tốt nhất trong thị trấn Bennett nhưng kèm theo lời khuyên là phụ nữ đoan trang không nên đến đó ngủ.

Tháng 6/1900, Frederick sống ở vùng White Horse, một khu vực ở cuối đường xe lửa mới xây và cách các bãi vàng hàng trăm kilômét về phía nam. Anh là chủ của một nhà hàng ăn uống khác tên là nhà hàng Bắc Cực. Như mọi khi, Frederick lại chọn cho nhà hàng của mình một vị trí đắc địa, tất nhiên cũng là đất mà anh ta không có quyền sở hữu hợp pháp. Rồi anh lại áp dụng công thức cũ cho giới thợ đào vàng: một quầy rượu, các bàn đánh bạc và các khu vực tách biệt che rèm nhung đen có các quý cô chờ sẵn.

Lần này, Frederick không biết rằng thời kỳ thịnh vượng của anh ta ở White Horse sẽ sớm chấm dứt. Các mỏ vàng ở Yukon chả mấy mà sắp cạn kiệt và giới săn vàng sẽ dần hướng tới các bãi vàng mới phát hiện ở Alaska. Tuy nhiên, Frederick biết rằng anh ta đang đối diện với một vấn đề cấp bách hơn và hiển hiện ngay trước mắt. Vấn đề này thời đó liên quan tới sự "đúng đắn" còn thời của ông cháu Donald Trump, người ta gọi là "đúng đắn về mặt chính trị".

Mùa xuân năm 1901, cảnh sát ở khu vực White Horse thông báo kế hoạch dẹp hoạt động đánh bạc và bán rượu, đồng thời cấm gái mại dâm ở trung tâm thị trấn. Không cần chờ xem nhà hàng Bắc Cực của mình có sống sót được qua chiến dịch này không. Frederiek bèn bán các tài sản của mình ở đây và rời thị trấn với rủng rỉnh tiền bạc, lại trở thành một người thắng cuộc trong một tình huống mà hầu hết đám còn lại đều là kẻ thua cuộc.

Không bao giờ bỏ cuộc

Một năm sau, khi về thăm mẹ ở Kallstadt, Frederick đính hôn với cô hàng xóm Elizabeth Christ - cô gái chỉ mới 5 tuổi lúc anh sang Mỹ. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng tới New York và bắt đầu cuộc sống mới với nghề cắt tóc, quản lý nhà hàng và khách sạn. Tuy nhiên, Frederick vẫn luôn tìm cơ hội làm ăn lớn.

Bố (Fred Trump).

Vấn đề rắc rối chờ Fredrick ở Đức. Ông rời Đức khi chưa đủ tuổi nhập ngũ theo quy định và trở về sau khi đã qua 35 tuổi - quá tuổi để nhập ngũ. Frederick nhanh trí tìm ra giải pháp. Đầu tiên, ông gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm là 80.000 mark - một gia tài vô cùng lớn thời bấy giờ (tương đương 582.000 USD thời nay) vào kho bạc của làng. Sau đó, ông thề rằng mình chưa bao giờ có ý định trốn nghĩa vụ quân sự mà chỉ là ra đi để kiếm tiền nuôi mẹ, tự mô tả mình là một người luôn tránh xa các quầy rượu và sống một cuộc đời bình lặng. Bằng cách đó, ông nộp đơn xin ở lại và lấy lại quốc tịch Đức.

Đó là một ván bài quyền lực mà cháu ông là Donald sẽ gọi là "sử dụng đòn bẩy". Ông thị trưởng và Hội đồng thành phố hào hứng ủng hộ Frederick vì rất muốn giữ chàng trai giàu có này lại và muốn anh ta còn đóng thuế ở Kallstadt. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại từ chối.

Không giống cháu trai mình, vốn trở nên quá quan trọng nên không thể thất bại trong kinh doanh và không thể bị phớt lờ trong chính trị, Frederick Trump thời đó chưa đủ mạnh để thoát hiểm. Ông và vợ, lúc đó đang mang thai Fred - bố của Donald Trump - không được lấy lại quyền công dân Đức và bị trục xuất. Đây cũng chính là số phận mà ông Donald cháu muốn áp đặt với những người nhập cư không giấy tờ ở Mỹ ngày nay?

Đó là một đòn giáng mạnh nhưng Frederick không bỏ cuộc. Đó chỉ là một bước lùi. Ông vẫn là người thắng cuộc, đã tới Mỹ để giàu có và sẽ luôn đeo bám giấc mơ đó. Trong vòng vài năm tiếp theo, ông lại tiếp tục làm nghề cắt tóc và quản lý khách sạn, nhà hàng và không quên để mắt tìm cơ hội lớn.

Năm 1910, Frederick đã tìm thấy: Queens - một khu kém phát triển nhưng có nhiều tiềm năng. Sau khi cả nhà tới đó, ông mở một văn phòng và mua nhiều bất động sản. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng dự báo của Frederick, ông có thể đã là người đầu tiên của dòng họ Trump trở thành ông trùm bất động sản. Nhưng không may, Frederick qua đời năm 1918 trong dịch cúm Tây Ban Nha, để lại con trai Fred 12 tuổi - người sẽ đưa đế chế bất động sản còn trong trứng nước của bố lên một tầm cao mới.

Mánh lới làm ăn

Thoạt nhìn, Fred dường như trái ngược hẳn với bố. Ông bị con trai út Robert gọi là ngựa kéo cày vì ông hầu như lúc nào cũng trong tư thế cắm cúi nhìn xuống và có xu hướng chú ý tới tiểu tiết. Tuy nhiên, ông không quên bài học mà bố đã dạy mình: luôn luôn tỉnh táo; luôn luôn suy nghĩ sáng tạo; không bao giờ từ bỏ.

Trong thời kỳ đại suy thoái, khi công việc kinh doanh xây dựng của Fred Trump bị đình trệ, ông đã trì hoãn mọi thứ, chỉ quản lý một cửa hàng tạp phẩm và để mắt tới những gì đang diễn ra. Khi ông nghe tin tòa án đang quyết định xem nên làm gì với tài sản của một công ty thế chấp địa phương, ông đã không ngần ngại tự giới thiệu mình là một giám đốc bất động sản. Đó là một lời nói dối nhưng nó đã giúp ông đặt chân lên con đường trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Brooklyn và Queens.

Về sau, nhờ các khoản đảm bảo bằng tài sản thế chấp được chính phủ hỗ trợ và giảm thuế, Fred đã xây hàng nghìn căn nhà. Ông còn hốt bạc nhờ khéo léo lợi dụng các kẽ hở trong quy định của chính phủ. Sau Thế chiến II, khi xây các căn hộ được Cơ quan Nhà đất liên bang hỗ trợ, ông tận dụng quy định trả tiền theo số phòng chứ không phải theo căn để kiếm lời bằng cách xây nhiều căn hộ nhỏ một phòng ngủ thay vì xây căn hộ 3 hoặc 4 phòng ngủ rộng rãi theo định hướng của chính phủ.

Giống như bố, Fred không quan tâm tới mục đích, nhu cầu lâu dài của khách hàng mà chỉ quan tâm tới những gì khách hàng muốn ngay lập tức. Trong thời buổi thiếu nhà trầm trọng trên cả nước, nhiều người chỉ cần có một mái nhà nên các căn hộ một phòng ngủ của ông đã được thuê ngay lập tức.

Giữa những năm 50 thế kỷ XX, khi xây các căn hộ cho New York, Fred đã tận dụng nhiều kẽ hở hơn. Ông lập các công ty cung cấp trang thiết bị xây dựng và rồi thuê máy ủi, máy xúc từ các công ty này với giá trên trời. Ông vống chi phí xây dựng và bỏ túi phần chênh lệch do số tiền thực sự cần thấp hơn nhiều. Khi bị gọi lên giải trình trước một ủy ban của bang, ông nói rằng số lợi nhuận khổng lồ đó không phải là không đúng quy định mà chẳng qua là nhờ ông làm ăn giỏi.

Bìa cuốn sách viết về ba thế hệ Trump.

Vào những năm 70 thế kỷ XX, khi Donald bước vào kinh doanh cùng gia đình, ông cũng áp dụng đúng những bài học của cha và ông. Ông không bán cho khách hàng thứ mà họ nghĩ họ muốn, ông ta bán cho họ thứ mà họ thực sự muốn: các tòa nhà to, bóng lộn, nhiều gương. Nổi tiếng vì có kinh nghiệm với các dự án xây dựng, ông cắt giảm chi phí xây Tháp Trump bằng cách dùng công nhân người Ba Lan không giấy tờ và họ chỉ được trả chưa đầy 5 USD cho một giờ làm việc, phải ngủ tại công trường. Về sau, Trump điều trần rằng ông ta không để ý đến điều đó. Donald tiếp tục vượt qua các thất bại, từ ly dị cho đến các vụ phá sản, đình trệ dự án, luôn luôn tạo ra được một viễn cảnh tích cực và vươn lên.

Cho dù tình hình có thế nào, Donald vẫn khẳng định mình là người thắng cuộc. Hiện chưa rõ cách tiếp cận này có giúp ông vượt qua được chiến dịch tranh cử tổng thống hay không nhưng khi Donald bước tiếp, ông ta chắc chắn sẽ viết tiếp di sản của ông nội Frederick của mình. Chị gái Maryanne của Donald từng tổng kết di sản đó khi cho biết bố cô luôn nói với cô về bài học từ ông nội: "Bạn có thể làm điều đó nếu bạn thử".

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.