Israel: Ai sẽ là thủ tướng?

Thứ Hai, 28/10/2019, 13:00
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã không thể thành lập chính phủ như kỳ vọng và đành phải chấp nhận thực tế nhiều khả năng mất ghế thủ tướng về tay đối thủ Benny Gantz. Chuyện gì sẽ xảy ra với chính trường Israel và cả tiến trình hòa bình Trung Đông nếu ông Gantz trở thành Thủ tướng Israel?

Vào đúng sinh nhật thứ 70 của mình, 21-10, Thủ tướng Netanyahu đã đến gặp Tổng thống Reuven Rivlin để bàn giao lại sứ mệnh thành lập chính phủ mà ông đã được trao trước đó 28 ngày, sau cuộc bầu cử lần thứ hai trong năm. Đây là một thực tế không nằm trong kế hoạch của ông Netanyahu khi ông đưa ra quyết định tổ chức bầu cử hồi tháng 9. Khi đó, giới quan sát đã đặt vấn đề “liệu đây có phải là đoạn kết sự nghiệp của ông Netanyahu?”.

Và kết quả cuộc bầu cử đã có câu trả lời: đảng đối lập Xanh và Trắng (Blue and White) của ông Gantz đạt cao hơn 1 ghế so với đảng Likud của ông Netanyahu nhưng ông Netanyahu lại được Tổng thống Rivlin chọn trao cho cơ hội thành lập chính phủ.

Với vỏn vẹn 32 trên 120 ghế Quốc hội, ông Netanyahu cần thêm ít nhất 29 ghế nữa để thành lập chính phủ đa số. Vì vậy, cuộc đua đàm phán, thuyết phục các đảng nhỏ, đối lập tham gia liên minh trở nên cực kỳ gian nan.

Ông Benny Gantz sẽ chấm dứt triều đại Netanyahu?

Với quyết tâm “lật đổ” Thủ tướng Netanyahu, ông Gantz cương quyết bác bỏ lời mời tham gia liên minh, đẩy cục diện đàm phán của ông Netanyahu vào bế tắc. Rốt cuộc ông Netanyahu chỉ thuyết phục được một số đồng minh cực hữu truyền thống, với tổng cộng 55 ghế, còn hụt đến 6 ghế.

Ngày 23-10, Tổng thống Rivlin đã trao sứ mệnh thành lập chính phủ cho ông Gantz, cho ông thời hạn 28 ngày để hoàn thành sứ mệnh. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, một người không phải ông Netanyahu được trao sứ mệnh này (lần trước là bà Tzipi Livni của đảng Kadima vào năm 2008 nhưng đã thất bại).

“Tôi hứa là sẽ thiết lập một chính phủ tự do đoàn kết và đó chính là điều tôi muốn làm vào lúc này. Chính phủ tôi thành lập sẽ phục vụ tất cả người dân Israel” - ông Gantz hào hứng phát biểu ngay sau khi nhận lệnh từ Tổng thống Rivlin.

Benny Gantz năm nay 60 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Israel giai đoạn 1977-2001, sau đó làm tùy viên quân sự tại Mỹ từ năm 2005-2009. Trong thời gian phục vụ quân ngũ, ông Gantz chủ yếu tham gia các cuộc chiến tại Liban (1978, 1982 và 1985-2000). Hai năm sau, 2011, ông tham gia bộ máy chỉ huy quân đội, với vai trò Tổng Tham mưu trưởng dưới thời ông Ehud Barak làm Bộ trưởng Quốc phòng và ông Netanyahu làm Thủ tướng.

Tháng 12-2018, ông Gantz lập ra một chính đảng mới, lấy tên là Hosen LeYisrael (Israel kiên cường), sau đó liên minh với các đảng nhỏ Telem và Yesh Atid để hình thành đảng Xanh và Trắng (Blue and White).

Thủ tướng Netanyahu đã không thể lập được chính phủ.

Trong phát biểu chính trị đầu tiên của mình vào ngày 29-1-2019, ông Gantz đã thể hiện quan điểm cứng rắn không kém gì ông Netanyahu trong các vấn đề liên quan đến người Palestine, các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây sông Jordan và vấn đề biên giới Israel nếu có một thỏa thuận nào với Palestine.

Từ đó, giới bình luận cho rằng, nếu ông Gantz thành lập được Chính phủ Israel dù với hình thức nào thì quan điểm, đường lối của Tel Aviv đối với người Palestine và các vùng lãnh thổ chiếm đóng cũng không thay đổi, giống như chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Bởi vậy, người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan và Jerusalem cũng như ở Dải Gaza đều không có phản ứng gì khi ông Gantz được giao quyền thành lập chính phủ.

Các nhà quan sát cho rằng việc ông Netanyahu không lập được chính phủ cũng có phần do sự tác động từ phía ông Gantz. Quả đúng vậy, ông Netanyahu từng mời ông Gantz tham gia liên minh với đề nghị hai người sẽ luân phiên làm thủ tướng nhưng ông này từ chối, cho rằng không muốn đứng chung chính quyền với vị thủ tướng đang bị điều tra và không biết sẽ bị truy tố, luận tội lúc nào. Ông Gantz cũng từng tuyên bố muốn có một chính phủ “tự do” nhưng không có sự tham gia của ông Netanyahu cũng như các đảng phái tôn giáo.

Ông Gantz được đánh giá là chính khách chưa nhiều kinh nghiệm trên chính trường, do đó việc đứng ra thách thức quyền lực ông Netanyahu được xem là canh bạc nhiều rủi ro và con đường phía trước sẽ không êm ả chút nào. Giới quan sát cho rằng, với 54 ghế trong Quốc hội, ông Gantz có 2 phương án liên minh: một là thuyết phục 10 nghị sĩ người gốc Arab (hiện chiếm 21% dân số Israel) tham gia cho đủ số.

Nhưng, người gốc Arab chưa bao giờ được tham gia Chính phủ Israel nên việc mời gọi họ liên minh là không thể. Phương án hai là tìm kiếm liên minh với ông Avigdor Lieberman của đảng cực hữu Yisrael Beitenu, nắm 8 ghế trong Quốc hội. Nhưng, ngay từ đầu Lieberman đã tuyên bố không ủng hộ cả ông Netanyahu lẫn ông Gantz, do vậy phương án này cũng không khả thi.

Chỉ còn lại cách duy nhất là ông Gantz sẽ bấm bụng thành lập chính phủ thiểu số với sự ủng hộ trong Quốc hội của 10 nghị sĩ gốc Arab. Cách này rủi ro cao, bởi sẽ không tránh khỏi việc ông Netanyahu ngầm vận động các đảng nhỏ không ủng hộ chính phủ của ông Gantz trong các quyết sách điều hành đất nước.

Trường hợp ông Gantz cũng thất bại trong việc thành lập chính phủ, Tổng thống Rivlin có thể chỉ định người thứ ba nhưng với tỉ lệ phiếu bầu nát vụn trong cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua, sẽ rất khó để tìm ra người đủ khả năng thành lập chính phủ. Như vậy, khả năng cao là Israel sẽ phải bầu cử lại lần thứ ba trong năm nay, điều chưa có tiền lệ trong lịch sử Israel.

Nhiều người ở Israel chỉ trích ông Netanyahu đã không làm gì để hoàn thành sứ mệnh thành lập chính phủ như mong đợi, mà chủ yếu là ông muốn có thêm thời gian làm Thủ tướng Israel để tìm cách đối phó với những vụ án tham nhũng đang bị điều tra và chuẩn bị truy tố.

Người ta cho rằng, sau kết quả bầu cử tệ hại hồi tháng 9, điều ông mong muốn nhất là người dân Israel lại tiếp tục đi bầu cử thêm một lần nữa, với hy vọng “gỡ” lại những gì đã mất.

An Châu
.
.