Israel: Chính phủ “hai đầu” chưa có tiền lệ

Thứ Hai, 27/04/2020, 12:39
Chiều tối ngày 20-4, sau nhiều tháng chờ đợi, Israel đã có được một chính phủ để giải tỏa bế tắc, khủng hoảng và điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng, đây lại là một chính phủ chưa từng có tiền lệ, với hai Thủ tướng luân phiên, các thành viên nội các cũng đông chưa từng có, gấp đôi.

Theo các điều khoản ghi trong thỏa thuận, cơ cấu chính phủ mới có số lượng các cơ quan cấp bộ nhiều hơn trước đây, được chia đều cho hai phe phái chính trong liên minh do hai ông Benjamin Netanyahu và Benny Gantz dẫn dắt. Chính phủ liên minh sẽ bao gồm 34 quan chức nội các, trong đó có một số người đảm nhiệm vị trí, chức danh chỉ để cho có nhằm cân bằng số lượng theo cơ cấu chia sẻ quyền lực. Với cơ cấu như thế, chính phủ mới đã chiếm đến 1/3 số lượng thành viên Knesset (Quốc hội).

Ông Benjamin Netanyahu.

Như đã nói, đây là một chính phủ kỳ lạ chưa từng có trong lịch sử Israel, với nhiệm kỳ chỉ có 3 năm, trong đó hai ông Netanyahu và Gantz chia sẻ nhau chiếc ghế Thủ tướng mỗi người một năm rưỡi, người này làm Phó Thủ tướng của người kia và ngược lại. Hai vị lãnh đạo mỗi người kiểm soát số lượng các cơ quan bộ của riêng mình, không ai đụng chạm gì đến các cơ quan bộ của nhau.

Trong giai đoạn thực hiện tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng, mọi hoạt động không liên quan đến việc chống đại dịch COVID-19 đều phải được sự đồng ý của cả ông Netanyahu và ông Gantz. “Thật sự thì nó giống như ta đang có hai chính phủ song song vậy” – cựu quan chức Chính phủ Israel Aviv Bushinsky bình luận.

Việc hai đối thủ chính trị đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh đã tạo hướng mở ra lối thoát cho tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 17 tháng qua tại Israel; giúp cho đất nước này thoát khỏi tình trạng hoạt động cầm chừng, không có ngân sách được duyệt, không có sự kiểm tra, đôn đốc hay những sáng kiến phát triển, giải quyết khó khăn được đưa ra.

Tuy nhiên, một số người vẫn chưa an tâm với chính phủ mới khi nhìn vào cơ cấu, các thỏa thuận hoạt động và một số vấn đề tồn đọng chưa thể giải quyết dứt điểm. Trước hết, người ta vẫn băn khoăn việc hai phe phái có đường lối, chủ trương đối nghịch nhau cùng ngồi chung trong nội các có thật sự ổn hay không?

Vấn đề nổi cộm nhất có lẽ là chính bản thân Thủ tướng Netanyahu. Thỏa thuận đã không làm rõ về vấn đề pháp lý mà ông đang đối mặt. Đó là 3 vụ án tham nhũng ông bị cáo buộc và chờ ngày ra tòa xét xử. Các phiên tòa này hiện đang được Tòa án Tối cao cho hoãn lại khi toàn xã hội phải dừng mọi hoạt động để thực hiện cách ly xã hội nhằm chống đại dịch COVID-19. Tòa dự kiến sẽ mở lại vào ngày 24-5 tới.

Ông Benny Gantz.

Trước đây, ông Netanyahu từng tìm đủ mọi cách để né tránh bị xét xử, như việc vận động Quốc hội bỏ phiếu miễn trừ cho ông nhưng đã thất bại. Với nước cờ liên minh chia sẻ ghế Thủ tướng với ông Gantz, ông Netanyahu tạm thời hóa giải được nguy cơ mất chức sau khi được ông Gantz, với tư cách Chủ tịch Quốc hội, đồng ý ngăn chặn việc thông qua luật ngăn cấm người bị truy tố làm Thủ tướng (ông Netanyahu đã bị Bộ Tư pháp Israel truy tố).

Các nhóm vận động xã hội đã gửi nhiều đơn thỉnh nguyện lên Tòa án Cấp cao, cho rằng ông Netanyahu đã bị truy tố cho nên cần phải bị loại ra khỏi chính phủ. Tòa án đã bác bỏ lập luận này vì thực tế Israel chưa có chính phủ nào tồn tại chính thức. Sau khi có chính phủ liên minh, tòa án sẽ phải xem xét và ra phán quyết lại về vấn đề này. Khi đó, rất có thể ông Netanyahu sẽ bị kết án.

Giới phân tích, bình luận ở Israel đang chờ xem sắp tới hai ông Netanyahu và Gantz ai sẽ giành được lợi thế nhiều hơn. Thỏa thuận liên minh giữa hai ông cần phải được Quốc hội phê chuẩn thành luật để có hiệu lực thi hành. Vì thế, hai ông cần tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng nhỏ hơn để đảm bảo đủ số lượng đa số trong Quốc hội nhằm sớm thông qua thỏa thuận. Sau khi tất cả các trở ngại đều đã được giải quyết, chính phủ được thành lập, ông Netanyahu sẽ phải ra hầu tòa với tư cách là đương kim Thủ tướng chứ không phải là cựu chính khách.

Về phần mình, ông Gantz đã cam kết là sẽ thu gọn chính phủ lại, giảm bớt số lượng thành viên nội các, hoãn bỏ phiếu thông qua kế hoạch thôn tính các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây sông Jordan của người Palestine và nắm giữ Bộ Y tế từ tay đồng minh của ông Netanyahu, vốn vừa bị cách chức vì không làm tròn nhiệm vụ chống COVID-19.

Ngoài ra, ông Gantz cũng chủ trương thúc đẩy hạn chế bớt việc miễn nghĩa vụ quân sự dành cho các sinh viên Chính thống giáo cực đoan. Đây vốn là vấn đề từng khiến cho liên minh chính phủ cũ của ông Netanyahu tan rã.

Nhiều người không thật sự tin tưởng vào khả năng thực hiện tất cả những việc trên đối với một người mới chân ướt chân ráo trong chính trị như ông Gantz. Ông chỉ được ca ngợi vì thành tích vượt trội trong các cuộc bầu cử gần đây, nhưng trên bàn đàm phán với ông Netanyahu thì không thật sự tốt.

Trong chính trường Israel, rất nhiều chính khách tưởng rằng mình đã có được thỏa thuận tốt với ông Netanyahu, nhưng rốt cuộc lại trở thành kẻ đứng bên lề để nhìn ông thâu tóm chiếc ghế quyền lực một cách vững chắc, và đang trở thành vị Thủ tướng nắm quyền lực lâu nhất lịch sử Israel.

Nhưng ông Gantz đang nắm trong tay một số lợi thế đảm bảo sự an toàn cho bản thân ông. Trước hết, cho dù chuyện gì xảy ra với chính phủ liên minh thì ông vẫn còn quyền lực trong tay với chức Chủ tịch Quốc hội. Thứ đến là ông đã kịp đưa vào thỏa thuận một điều khoản theo đó ông sẽ tự động nắm quyền Thủ tướng nếu ông Netanyahu “giở trò” giải tán liên minh.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.