Kết quả bầu cử Duma quốc gia Nga: Lực đẩy cho Tổng thống Putin?

Thứ Tư, 21/09/2016, 18:40
Mặc dù chưa công bố kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, song kết quả kiểm 93% số phiếu bầu với phần thắng nghiêng hẳn về đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền (54,27%), bỏ xa đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) về thứ hai (với 13,46%) và đảng Nước Nga công bằng (SR) (với 6,1%) không chỉ cho thấy sự ủng hộ của cử tri đối với UR, mà còn tạo cơ hội cho Tổng thống Putin đắc cử lần thứ tư trong cuộc bầu cử năm 2018.

Với việc dẫn đầu tại 203 trong 225 khu vực bầu cử một đại biểu, đảng UR của Tổng thống Putin chắc chắn giành được ít nhất 338 ghế trong Quốc hội gồm 450 thành viên và đây được xem là một “sự khởi đầu thuận lợi” đối với chính quyền vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng giá dầu lao dốc cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. 

Kết quả thắng lợi cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử 2011 (khi UR giành được 238 ghế) không phải là một kết quả bất ngờ bởi các cuộc khảo sát sơ bộ trước bầu cử cũng chỉ ra rằng, đảng Nước Nga thống nhất cầm chắc thắng lợi.

Hơn nữa, giới phân tích cho rằng chiến thắng áp đảo của đảng cầm quyền không chỉ giúp chính đảng do ông Putin sáng lập mở rộng quyền kiểm soát tại Duma, mà còn tạo đà thuận lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm 2018, mặc dù cho đến nay, ông chưa tuyên bố chính thức về việc tái tranh cử tổng thống.

Tổng thống Putin (phải) và Thủ tướng Medvedev tại trụ sở đảng Nước Nga Thống nhất sau cuộc bầu cử hôm 18/9. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh nước Nga hiện rất khó khăn, thắng lợi của UR vẫn chứng tỏ niềm tin của người dân đối với Tổng thống Putin là chưa giảm sút, trái lại có phần cao hơn. 

Có thể người dân một lần nữa muốn đặt “phép thử” cho UR với "lời hứa" sẽ tuân thủ đường lối phát triển đất nước của Tổng thống Putin, người từng cùng với Thủ tướng Dmitry Medvedev vực dậy nước Nga vĩ đại, vốn bị suy yếu nghiêm trọng vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, từng bước giành lại vị thế siêu cường. Cũng từ đó, đảng UR luôn được cử tri Nga trao trọn niềm tin và trở thành chính đảng cầm quyền trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Hơn thế nữa, hầu hết cử tri Nga nhận thấy không có nhân vật khả dĩ nào hiện nay có thể thay thế ông Putin, người đã có 17 năm cầm quyền trong vai trò Tổng thống hoặc Thủ tướng Nga, và các đồng minh vì họ lo sợ nước Nga trở lại thời kỳ rối loạn và bất ổn hồi những năm 1990 ngay sau sự sụp đổ của Liên bang Xôviết nếu như giai đoạn cầm quyền của ông kết thúc. 

Rất nhiều cử tri bị thuyết phục bởi các lý lẽ của Điện Kremlin, đó là phương Tây đang sử dụng các lệnh trừng phạt để tìm cách phá hủy nền kinh tế Nga nhằm trả thù cho việc Moscow sáp nhập Crimea.   

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng hiện những thành tựu tích góp được đang dần tiêu tan do nền kinh tế Nga trải qua tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Năm 2015, GDP của Nga giảm 3,7% và dự báo sẽ còn giảm thêm 1,9% trong năm nay, trước khi có thể dần phục hồi từ năm 2017.

Nguyên nhân chính là do giá dầu mỏ và khí đốt, vốn đóng góp khoảng 50% nguồn thu ngân sách của Nga, giảm mạnh, và Moscow phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt với cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine và sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.  Trong giai đoạn 2014-2017, Nga mất khoảng 600 tỷ USD do hai "cú sốc" trên.

Các thành viên Ủy ban Bầu cử Nga đang kiểm kê số phiếu.

Để thích nghi với tình hình mới, Chính phủ Nga đã liên tục cắt giảm chi tiêu công, giảm các khoản trợ cấp xã hội, khiến đời sống của người dân càng thêm chật vật. Tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập thực tế của người dân giảm mạnh, trong khi số người nghèo tiếp tục tăng chóng mặt.

Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rostat) cho biết trong quý I/2016, số người có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu đã tăng lên tới 22,7 triệu người, cao hơn nhiều so với mức 14,4 triệu người trong cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng đây chính là những yếu tố khiến số cử tri đi bầu cử giảm sút trong cuộc bầu cử vừa qua. 

Trong bối cảnh khoản dự trữ ngoại tệ tích lũy được nhờ những năm tháng giá dầu và khí đốt cao chót vót (năm 2008, giá dầu từng lên tới trên dưới ngưỡng 120-130 USD/thùng) đã bị thu hẹp lại đến mức báo động, xem ra bài toán vực dậy nền kinh tế quốc gia vẫn là vấn đề nan giải đối với ông Putin cũng như UR nói riêng sau cuộc bầu cử Duma.

Việc điều chỉnh chính sách ngoại giao liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo và thông tin nhằm thích nghi với sự đa dạng và phức tạp của các vấn đề quốc tế, cũng như những nguy cơ mà Nga đang phải đương đầu càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.