Bà Clinton tạm “thoát nạn” vụ "thư điện tử cá nhân"

Thứ Hai, 11/07/2016, 17:00
Thông báo về việc chấm dứt điều tra về việc sử dụng e-mail cá nhân của bà Hillary Clinton đã được Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đưa ra trong một tuyên bố chính thức hôm 6-7, chấm dứt câu chuyện lùm xùm về việc sử dụng e-mail cá nhân, tạm thời gỡ bỏ gánh nặng có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bà trong lúc bà vận động tranh cử.

Bộ trưởng Lynch cho biết, bà quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Clinton là chiếu theo yêu cầu của Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5-7 tại Washington, ông Comey đã thông báo việc không đề xuất cáo buộc hình sự đối với bà Hillary Clinton là do căn cứ vào các kết quả điều tra được các đặc vụ FBI cung cấp để đánh giá rằng việc sử dụng e-mail cá nhân của bà Clinton chưa đủ yếu tố chứng cứ để cáo buộc bà các tội phản quốc, hay vi phạm các nguyên tắc bảo mật quốc gia.

Giám đốc FBI James Comey tại cuộc họp báo ở Washington.

Dựa vào các phát hiện của FBI, ông Comey chỉ khiển trách bà Clinton và nhân viên của bà và đánh giá việc sử dụng e-mail cá nhân là "hết sức bất cẩn". Comey cho biết, các đặc vụ FBI đã không tìm thấy bằng chứng về những sai phạm có cố ý, việc cản trở tư pháp hay "dữ liệu bị xâm hại số lượng lớn" nào. Bằng chứng mà các đặc vụ FBI cung cấp được chỉ là "những vi phạm tiềm ẩn", bấy nhiêu đó chưa đủ về lý để tiến hành các bước tố tụng hình sự đối với bà.

Cuộc điều tra về việc sử dụng e-mail cá nhân của bà Clinton bắt đầu cách đây gần một năm sau khi báo chí đăng tải các thông tin về việc này, xuất phát từ cuộc điều tra về vai trò, trách nhiệm của bà trong vụ khủng bố ngày 11-9-2012 tại Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya. Những thông tin ồn ào trên báo chí đã gây nên mối lo ngại về việc các thông tin bà trao đổi công việc thuộc diện bí mật quốc gia có thể bị rò rỉ, đe dọa đến an ninh quốc gia. Trong nhiều tháng liền, bà Clinton đã phải chịu áp lực không chỉ từ phía cơ quan điều tra, Quốc hội mà còn cả dư luận.

Đối với bà Clinton, việc chấm dứt điều tra e-mail chỉ tạm thời gỡ bỏ cho bà nguy cơ bị truy tố hình sự, còn về mặt khác, về ảnh hưởng tiêu cực của cuộc điều tra đối với uy tín của bà thì không thể chấm dứt được. Các phát hiện được FBI công bố đã chứng minh nhiều điều đi ngược lại với các tuyên bố trước đây của bà Clinton, trong đó bà đã từng khẳng định trước công chúng rằng "Tôi chưa bao giờ nhận hay gửi (bằng e-mail) bất cứ tài liệu nào có đóng dấu mật".

Theo số hơn 30.000 e-mail cá nhân bà Clinton đã chuyển giao cho Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ công tác điều tra, có 110 e-mail thuộc 52 dòng giao tiếp có chứa các thông tin thuộc dạng bí mật nhà nước tại thời điểm chúng được gửi đi, và 8 trong số này được xem là "tối mật". Giám đốc FBI Comey cũng nêu rõ tại cuộc họp báo ở Washington rằng, "mặc dù không có bằng chứng các e-mail đã bị các hacker đột nhập, song "khả năng về sự xâm nhập của các đối tượng đối địch" là có.

Vụ việc e-mail cá nhân là một trong những vấn đề mà đối thủ của bà là tỉ phú Donald Trump sử dụng để công kích bà liên tục trong thời gian vừa qua, và kể cả sắp tới. Ông Trump đã không bỏ sót chi tiết nào của tiến trình điều tra. Và khi FBI và Bộ Tư pháp quyết định không truy tố hình sự bà Clinton, ông Trump đã gọi đó là màn "dàn xếp" của đảng Dân chủ, kêu gào rằng "cả hệ thống đã bị dàn xếp". Thậm chí một cuộc gặp được cho là "tình cờ" giữa bà Bộ trưởng Tư pháp Lynch với cựu Tổng thống Bill Clinton cũng được Trump chú ý mạnh và đặt dấu hỏi liệu đó có phải là một cuộc gặp tình cờ hay còn có sự sắp xếp nào không?

Điều tai hại nhất chính là thời điểm FBI chọn để công bố kết quả điều tra ngay trước thềm Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ để chính thức chọn bà Clinton ra ứng cử. Và điều này cũng nguy hại không kém đối với cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Một vấn đề lớn đối với bà Clinton mà các chuyên gia ở Washington đưa ra phân tích, đó là niềm tin của người dân đối với bà đang là một vấn đề đáng quan tâm, nhất là kể từ khi cuộc điều tra e-mail cá nhân được triển khai. Nó đã vài lần làm chậm bước tiến của bà trong suốt quá trình bầu cử sơ bộ vừa qua. Và sắp tới, những người ủng hộ bà lo lắng niềm tin đó sẽ càng sứt mẻ hơn nữa sau khi các thông tin về cuộc điều tra e-mail cá nhân được công bố rộng rãi.

Tờ Washington Post đã công bố các kết quả thăm dò dư luận mới nhất xoay quanh cuộc điều tra e-mail cá nhân và có đến 60% người Mỹ bày tỏ quan điểm cho rằng bà Clinton "không đáng tin". Còn theo kết quả thăm dò do CBS News công bố thì có đến 62% nói bà Clinton "không trung thực và không đáng tin". Tuy nhiên, các con số này vẫn tốt hơn Donald Trump, hơn kém 1% đến 2%.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.