Kim tự tháp quyền lực trong Vương quốc Arập Xêút

Thứ Sáu, 30/01/2015, 13:15
Hoàng tử Salmane Ben Abdel Aziz, 79 tuổi, đã kế vị Vua Abdallah (người anh cùng cha khác mẹ của Salmane, vừa từ trần vào ngày 23/1 vừa qua). Được chỉ định là người kế vị từ tháng 6/2012, thời gian gần đây Hoàng tử Salmane thường chủ trì Hội đồng Bộ trưởng và đại diện cho Vua Abdallah do tình trạng sức khỏe của nhà vua suy yếu. Salmane cũng là Phó thủ tướng sau khi người em Nayef qua đời năm 2012. Ông kiêm nhiệm cả chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 10/2011.

Sinh ngày 31/12/1935 tại Ryad, Hoàng tử Salmane là Thống đốc thủ đô trong suốt 50 năm. Cương vị này giúp ông có thêm nhiều kinh nghiệm, và ông được xem như là người thúc đẩy Ryad, thành phố mọc lên từ sa mạc, phát triển thành một thành phố hiện đại. Ông cũng có tiếng là trung thực và thường giữ vai trò trọng tài uy tín trong các vụ việc của Hoàng gia Al-Saoud.

Hoàng tử Salmane có vấn đề về sức khỏe và được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm năm 2010. Ông đã kết hôn 3 lần và có 10 người con hiện còn sống, người nổi tiếng nhất là Hoàng tử - phi hành gia Sultan Ben Salmane từng tham gia một chuyến du hành vào vũ trụ và hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Du lịch và Cổ vật. 

Khi bàn về vấn đề kế vị tại Arập Xêút, phải xét đến nhiều phương diện. Trước tiên phải chú ý đến Hay'at Al-Bay'ah, tức Hội đồng Thân tín được thành lập năm 2006. Hội đồng này gồm những người con hay hậu duệ của Vua Abdelaziz Al-Saoud, có trọng trách bầu chọn nhà vua và người kế vị. Kế đến là ảnh hưởng của Vua Abdallah Ben Abdelaziz Al-Saoud. Chúng ta đang chứng kiến một hệ thống "kim tự tháp quyền lực" mới. Lực lượng an ninh - Nội vụ, Quốc phòng và Vệ binh Quốc gia - ở trên đỉnh, còn Hội đồng Thân tín ở giữa, bên dưới là sự kế vị ngai vàng dưới ảnh hưởng của nhà vua.

Trong mọi hoàng tộc có những quy tắc thành văn (Hội đồng Thân tín) và quy tắc mặc nhiên (các truyền thống). Về lịch sử, truyền thống Hoàng gia Arập dựa trên 2 kinh nghiệm: hệ thống giá trị và liên minh phức tạp ra đời từ những cuộc chiến thống nhất (1902 đến 1932), và cuộc xung đột giành ngai vàng sau cái chết của Vua Abdelaziz.

Với sự trưởng thành của thế hệ cháu, những nhân vật không liên quan đến 2 kinh nghiệm trên đã bước vào chính trường quyền lực. Thế là người ta chứng kiến một sự đoạn giao dần dần với các truyền thống cổ xưa và hình thành những truyền thống mới, điều này cần đến thời gian. Chính vị vua tương lai sẽ gánh trọng trách kiểm soát sự chuyển tiếp này. Những sự cải cách chính trị sẽ là một yếu tố chủ chốt như việc cho người dân tham gia ngày càng nhiều vào chính trị. Như thế, từ những cải cách đó, Hội đồng Chura (Quốc hội tư vấn) sẽ có thể được bầu ra chứ không phải được chỉ định như hiện nay.

Vua Salmane Ben Abdel Aziz.

Một quốc hội do dân bầu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến kế vị. Chúng ta đang chứng kiến một sự biến chuyển giống như tại Kuweit, nơi mà Hội đồng Oumma quyết định ai sẽ là émir (giáo chủ).

Chính sách ngoại giao lại là một thách thức khác. Việc duy trì và tăng cường mối quan hệ với Mỹ sẽ rất khó khăn, hơn thế nữa Mỹ xem Arập Xêút như bản lề chiến lược hướng đến châu Á. Bất chấp những lời đồn đoán và lo âu do màn bí mật bao trùm sự kế vị, Arập Xêút tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên những biến cố khu vực và quốc tế. Sự ổn định cho quá trình chuyển tiếp quyền lực tùy thuộc vào lực lượng an ninh.

Điều này giúp ngăn ngừa sự cạnh tranh giữa các thành viên trong hoàng gia không đi quá đà. Do đó hệ thống "ngự trị có chia sẻ" đã biến thành "kim tự tháp quyền lực" đặt lực lượng an ninh vào giữa tiến trình chuyển tiếp, và biết rằng kim tự tháp đó nắm giữ quyền lực quân sự cũng như tài chính, vì thế tiến trình chuyển tiếp tuy chậm chạp và khó khăn nhưng sẽ diễn ra trong ổn định.

"Vị tân vương Arập và Mỹ đang ở một giai đoạn nhạy cảm trong mối quan hệ" - tờ The New York Times chạy dòng tít hôm 24/1 giữa lúc Tổng thống Obama đã rút ngắn chuyến công du Ấn Độ để sang Arập Xêút. Tuy Vương quốc Sauđi vẫn là đồng minh Arập quan trọng nhất của Mỹ nhưng trong những năm gần đây đã có nhiều bất đồng đáng kể trong một số vấn đề về Syria, Iran.

Người dân Arập Xêút không mấy thiện cảm với sự nhích lại gần của Washington và Tehran. Đó là chưa kể đến cuộc chiến chống Al-Qaeda và những tổ chức cực đoan khác một phần được tài trợ bởi các nguồn từ Arập Xêút. Một điểm mâu thuẫn nữa là vấn đề quyền tự do tại nước này mà mới đây lại rộ lên sau số phận của blogger Raif Badawi, người phải chịu đánh 1.000 roi về tội "phỉ báng đạo Hồi".

Tờ The Economist của Anh cho rằng "Mỹ nên xét lại mối quan hệ với Arập Xêút". Tờ báo nhận định việc duy trì quan hệ ưu tiên với Riyad giờ đây không còn quan trọng nữa một khi Mỹ đã giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu hỏa và phát triển việc sản xuất dầu hỏa từ đá phiến trong nước.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.