LHQ đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới
So với nhiều cơ quan của LHQ về các vấn đề khác nhau như dân số, trẻ em, người tị nạn, y tế, lao động, lương nông,... thì sự ra đời của UN Women có vẻ khá muộn màng; phải 65 năm sau khi LHQ được thành lập. Nhưng thà muộn còn hơn không, và ngay chính sự ra đời của UN Women cũng đã là một sự kiện đáng nhớ, và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gọi đó là một "sự kiện lịch sử" khi Đại hội đồng LHQ thống nhất thông qua Nghị quyết thành lập Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Nâng cao quyền lực cho phụ nữ (gọi tắt là UN Women) vào tháng 7/2010.
Ngày 24/1/2011, UN Women đã chính thức làm lễ ra mắt tại trụ sở ở New York, do bà cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet làm Giám đốc Điều hành. UN Women được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan vì quyền lợi phụ nữ trước đây của LHQ là Quỹ Phát triển phụ nữ của LHQ (UNIFEM), Cao ủy vì sự tiến bộ của Phụ nữ (DAW), Văn phòng Cố vấn đặc biệt các vấn đề về giới (OSAGI) và Viện Nghiên cứu và đào tạo Quốc tế vì sự tiến bộ của phụ nữ LHQ (UN-INSTRAW).
Như vậy là sau 100 năm đấu tranh bình đẳng giới, phụ nữ thế giới đã có được sự quan tâm sâu sắc hơn của cơ quan LHQ bằng việc cho ra đời một tổ chức chính thức ngang bằng với nhiều tổ chức khác của LHQ.
Để đi đến việc thành lập UN Women, ban lãnh đạo LHQ và các nước thành viên LHQ đã phải "vật lộn" với khá nhiều việc trong suốt 4 năm. Tiền đề cho việc thành lập UN Women là Hội nghị Phụ nữ thế giới do LHQ tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995. Tại hội nghị đó, phụ nữ các nước đã ký kết "Tuyên bố Bắc Kinh" vì quyền bình đẳng của phụ nữ và nhiều vấn đề quan trọng khác. Tuyên bố kêu gọi chính quyền các nước chấm dứt sự kỳ thị đối với phụ nữ đồng thời thúc đẩy việc xóa bỏ sự cách biệt giữa nam và nữ ở 12 lĩnh vực, trong đó bao gồm giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, quyền con người và sự tham gia vào chính trị. Đây cũng là cơ sở xây dựng nghị trình hoạt động của tổ chức UN Women.
Theo cơ quan LHQ, UN Women có những vai trò chính là hỗ trợ các tổ chức liên chính phủ, như CSW, trong việc hoạch định các chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn toàn cầu cho phụ nữ, đồng thời hỗ trợ các chính phủ thành viên áp dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn đó vào thực tiễn. Bên cạnh đó, UN Women cũng sẽ "hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thích hợp cho những quốc gia cần thiết, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn" với các quốc gia này.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon tuyên bố, với sự ra đời UN Women, LHQ quyết tâm "chấm dứt tình trạng bạo lực tràn lan đối với phụ nữ", sẽ thúc đẩy việc tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn nữa vào các chức vụ, địa vị cao hơn trong hệ thống chính trị quốc gia cũng như quốc tế, trước mắt là tại cơ quan LHQ do ông lãnh đạo.
UN Women khởi động các hoạt động đầu tiên bằng việc tham gia Hội nghị CSW lần thứ 55 diễn ra trong 2 tuần lễ từ ngày 22/2 đến 4/3/2011 tại New York, Mỹ. Chủ đề chính tại Hội nghị CSW năm nay xoáy mạnh vào những vấn đề nóng bỏng hiện nay đối với phụ nữ và trẻ em gái: Đó là những nguy cơ mà trẻ em gái thường gặp phải, như bạo lực tình dục, thiếu tiếp cận giáo dục và những nguy cơ về y tế như HIV/AIDS, xâm hại sức khỏe nữ giới do hủ tục địa phương,... Đó còn là bình đẳng giới trong việc tiếp cận khoa học và công nghệ; xóa bỏ tỉ lệ tử vong khi sinh con; tập trung mạnh vào đối tượng phụ nữ, xem phụ nữ nông thôn là động lực chính trong công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn cầu. Ngoài ra, các vấn đề khác cũng được quan tâm như bình đẳng giới và sự phát triển bền vững; và xóa bỏ kỳ thị và bạo lực nhắm vào trẻ em gái.
Mặc dù đã đạt được khá nhiều thành quả trên con đường đấu tranh đòi quyền bình đẳng với nam giới, nhưng phụ nữ ngày nay vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản, nhiều thách thức, như sự kỳ thị trong luật pháp, các thông lệ xã hội đầy thành kiến với phụ nữ, những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và việc tham gia các mạng lưới hoạt động xã hội, đáng lý ra họ có quyền được hưởng.
Việc bà Michelle Bachelet được bầu chọn làm Giám đốc Điều hành UN Women cũng là nhằm khích lệ phong trào bình đẳng giới của phụ nữ các nước trên thế giới, vì bản thân bà Bachelet đã là một điển hình về sự phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của nữ giới để trở thành lãnh đạo một nước đang phát triển, còn nhiều định kiến, kỳ thị nam nữ.
Các em gái vị thành niên đang đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ như bạo lực tình dục, thiếu tiếp cận y tế, giáo dục,... |
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị CSW thường niên, UN Women cũng tham gia cuộc họp của Đơn vị chuyên trách về bé gái trưởng thành (UN Adolescent Girls Task Force - UNAGTF). Đây là một tổ hợp chuyên trách bao gồm nhiều cơ quan khác nhau của LHQ như Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), UN Women và nhiều tổ chức, cơ quan khác trực thuộc LHQ.
Tại cuộc họp hôm 25/2 vừa qua, UNAGTF đã bàn bạc các biện pháp tăng cường quyền lợi cho các em gái vị thành niên. Hàng loạt chính sách được UNAGTF nêu ra để xúc tiến hợp tác cùng các chính phủ thực hiện, như giáo dục, cải thiện chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực, tăng cường vị trí thủ lĩnh,...
Giới quan sát kỳ vọng những bàn bạc tại hội nghị của LHQ sẽ được triển khai bằng hành động thực tế để biến những ý nguyện, quyết tâm của LHQ về bình đẳng giới thành hiện thực