Lãnh tụ Cuba Fidel Castro – Chưa bao giờ thiếu ý chí!

Thứ Năm, 18/08/2016, 20:40
Trong những ngày này, người dân Cuba và một số nước Nam Mỹ đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để chào mừng ngày sinh nhật lần thứ 90 của lãnh đạo phong trào cách mạng Cuba Fidel Castro (13/8), vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của thế giới, người đã cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc cao đẹp.

Fidel Castro sinh ngày 13/8/1927 (một năm trễ hơn trong giấy tờ chính thức) tại một thị trấn nhỏ tên Biran, con không hôn thú của một chủ đồn điền trồng mía giàu có, Ángel Castro Argiz, di dân từ Tây Ban Nha, và người nấu bếp cho ông, bà Lina Ruz González. Giấy tờ chính thức đầu tiên là một giấy rửa tội ký vào năm 1935, với tên là “Fidel Hipólito Ruz González”.

Lúc đó ông mang họ của mẹ, bởi vì ông là con không chính thức. Sau khi cha ông ly dị vào năm 1941, ông ta đã làm giấy rửa tội mới cho Fidel. Trong giấy tờ đó, ông tên là “Fidel Ángel Castro Ruz”. Ngày sinh được đổi lại là 13/8/1926, để Fidel có thể theo học trường Jesuiten ở Havanna, bởi vì ông hãy còn nhỏ tuổi.

Giấy rửa tội cuối cùng được ký vào tháng 12/1943 (sau khi cha ông lấy mẹ ông) có tên là "Fidel Alejandro Castro Ruz" mà bây giờ vẫn còn được dùng.

Lúc nhỏ Castro theo học trường dòng Tên. Ngay từ năm 1940, khi mới 13 tuổi, ông đã viết một bức thư tiếng Anh gửi cho Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt trình bày về những suy nghĩ của ông về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (khi đó Cuba đang nằm dưới "sự bảo hộ" của Mỹ).

Ông học tại Đại học La Habana năm 1945 và tốt nghiệp ngành luật năm 1950. Ngay từ khi học đại học, ông đã dành niềm đam mê cho phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và phản đối sự can thiệp của Mỹ vào nội bộ các nước ở Caribbean. Castro gia nhập Ủy ban Đại học vì nền độc lập của Puerto Rico và Ủy ban vì Cộng hòa dân chủ Dominica.

Trong thời gian học đại học, Castro tham gia vào nhiều tổ chức chống đối chính quyền. 27 tuổi ông là người tổ chức và chỉ huy cuộc tiến công pháo đài Moncada, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang với mục đích lật đổ chế độ độc tài Batista, công cụ đàn áp và thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới phương Bắc. Tuy không thành công, nhưng sự kiện Moncada đã gây tiếng vang lớn, làm chất dẫn dắt cho phong trào cách mạng 26/7 do Fidel khởi xướng.

Ngày 1/1/1959, cách mạng Cuba thành công, khai sinh nhà nước công nông đầu tiên ở Tây bán cầu. Ở tuổi 33, Fidel trở thành người đứng đầu đất nước Cuba cách mạng, tuy về danh nghĩa, thời kỳ đầu ông chỉ giữ chức Thủ tướng Chính phủ, đến năm 1965 mới trở thành Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, và từ năm 1976 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Người Cuba thường chỉ quen gọi Fidel là Tổng Tư lệnh, hay đơn giản hơn là Tư lệnh, vị Tư lệnh của Cách mạng.

Chủ tịch Fidel Castro (bên phải) cùng Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 1991.

Một điều chưa bao giờ thiếu hay đánh mất ở Fidel là lòng quả cảm và tinh thần đối đầu trực diện hiểm nguy, kể cả khi đã là lãnh đạo tối cao của Cuba và là nhân vật sống sót qua nhiều âm mưu ám sát nhất do CIA cùng các thế lực vây cánh tiến hành (638 vụ theo thống kê chính thức của Cuba).

Năm 1971, Fidel vẫn xuất hiện đường hoàng và bình tĩnh trong một cuộc họp báo tại Chile bất chấp thông tin rằng một sát thủ của CIA cài vào hàng ngũ phóng viên và có thể đã giấu súng trong một máy quay. Sau đó, ông vẫn cùng tổng thống theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa Salvador Allende công du dọc đất nước Chile, dù đội ngũ an ninh Cuba khẳng định nguy cơ ám sát là có thật.

Tất nhiên, lòng quả cảm của ông không chỉ thể hiện qua những hành động mang tính quên mình đó, mà còn cả trong việc dám chọn lựa một con đường chông gai nhưng đúng đắn để theo đuổi và sau này là phát triển đất nước, đi ngược lại lối mòn của tất cả các nước trong khu vực khi đó và thách thức siêu cường lớn nhất thế giới chỉ cách Cuba 150 km đường biển để bảo vệ khát vọng về độc lập và tự chủ của dân tộc mình. Nếu không nhìn nhận được tinh thần gương mẫu xả thân vì chính nghĩa ấy, sẽ rất khó hiểu được sức lôi cuốn mạnh mẽ của Fidel nói riêng và của cách mạng Cuba nói chung trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Mỹ Latinh.   

Ở con người Fidel toát ra một phong cách gần gũi và một tầm nhìn chiến lược. Là lãnh tụ cách mạng, Fidel luôn là người đi đầu và chịu trách nhiệm cao nhất cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Cuba, và ông đã làm điều đó với một phong cách gần gũi và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, hay nói cách khác là bằng cả trái tim lẫn khối óc, bên cạnh nhiều phẩm chất khác.   

Về tầm nhìn, Fidel vừa là người vận động, vừa tham gia tích cực, cụ thể vào công cuộc gây dựng nền móng kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội tại Cuba, từ những nhiệm vụ đầu tiên về cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển chăn nuôi toàn diện trong những năm 1960 cho tới việc xây dựng những tổ hợp khoa học - công nghệ gắn kết nghiên cứu với sản xuất vào đầu thế kỷ XXI. Fidel là người đầu tiên tại Cuba đề cập tới tin học hóa từ năm 1971, ngay sau thất bại của chiến dịch “Mười triệu tấn đường”.

Trong những năm tháng vô cùng gian khó trong “thời kỳ đặc biệt” những năm đầu 1990, ông đã bắt tay vào xây dựng cơ sở cho ngành công nghệ sinh học, một công việc tưởng chừng “viển vông” khi đó nhưng giờ đây đang mang lại hoặc tiết kiệm cho Cuba hàng tỷ USD mỗi năm.   

Từ một nền y tế yếu kém có hơn nửa số bác sĩ rời bỏ đất nước sau khi cách mạng thành công và một nền giáo dục phổ thông nghèo nàn với hơn nửa dân số mù chữ, ông đề ra chiến lược và thúc đẩy từng bước thực hiện để Cuba không những có một hệ thống hoàn chỉnh và chất lượng trong hai lĩnh vực then chốt này, mà còn có cả những “đội quân” bác sĩ và giáo viên “tinh nhuệ” đi thực hiện những nhiệm vụ quốc tế tại khắp 5 châu.

Những thành công vang dội của Cuba trong 2 lĩnh vực này không chỉ giúp đất nước có thêm điểm tựa kinh tế trong thời điểm khó khăn như hiện tại, mà còn biến đây trở thành một mô hình mà nhiều chính phủ cánh tả tại Mỹ Latinh sau này theo đuổi. Quyết tâm và nhiệt huyết của Fidel trong các kế hoạch về y tế, giáo dục và văn hóa được lan truyền ra cả nước và có lẽ vượt ra tầm vóc đánh giá của bất kỳ sử gia nào: ở đó là “cơn sốt” xây dựng các bệnh viện, trạm xá, bác sĩ gia đình, trường học, học viện, đại học, bảo tàng, nhà hát hay sân vận động, nhưng đó không phải là hành động ngẫu hứng nhất thời, mà liền mạch và trong một tổng thể có tính toán từ trước, do đó hầu hết các cơ sở này đều đem lại hiệu quả, và trong nhiều trường hợp là đáng kinh ngạc với thế giới.   

Trong con người Fidel là một tình cảm đặc biệt với nhân dân Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử hiện đại, hiếm có nhà lãnh đạo nước ngoài nào được nhân dân ta yêu quý như Fidel. Nhưng điều đó không phải là vô cớ, vì chính ông cũng luôn dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam.

Người dân nước ta, ở mọi thế hệ, thường nhớ tới Fidel với câu nói rực lửa “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Và tuyên bố đó đã trở thành bất hủ vì nó đã thực sự trở thành thực tiễn với những hành động cụ thể, những cuộc mít-tinh, xuống đường hàng triệu người; với một phong trào đoàn kết ủng hộ lớn mạnh và sâu rộng với hoạt động vô cùng đa dạng và hiệu quả, trải rộng từ thành thị tới nông thôn; với việc biến những cái tên Việt Nam như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Trỗi, Bến Tre, Quảng Trị, Hà Nội... trở nên thân thuộc với người Cuba qua hàng trăm cơ sở tại tất cả các tỉnh thành, từ nhà máy, trường học, khu dân cư cho tới sân vận động, mang tên các anh hùng và địa danh lịch sử của đất nước hình chữ S xa xôi.

Sau gần 50 năm Fidel cầm quyền, vào những năm đầu của thế kỷ 21, rất nhiều nhà báo, học giả, chính trị gia trên thế giới từng đề cập vấn đề chuyển giao quyền lực ở Cuba và đặt câu hỏi: Bao giờ Fidel nghỉ hưu?

Năm 2005, Fidel đã trả lời nhà báo Pháp gốc Tây Ban Nha Ignacio Ramonet: “Chúng ta đều biết là thời gian qua đi và sức lực con người sẽ cạn dần. Vì thế, khi Quốc hội bầu lại tôi vào chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước năm 2003, tôi chỉ cam kết sẽ sát cánh cùng với các đồng chí của mình chừng nào trí tuệ còn minh mẫn và còn có ích...”.

Trước khi lâm bệnh nặng phải vào viện ngày 31/7/2006 để mổ cấp cứu, ông đã để lại bản tuyên cáo trong đó giao quyền điều hành đất nước cho người em trai là Bí thư Thứ hai của Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Raul Castro Ruz. Từ đó trở đi, mặc dù chính thức rút lui khỏi chính trường, nhưng khi sức khỏe tốt lên, Fidel tiếp tục làm công việc suy ngẫm và viết lại những gì mà mình cảm thấy cần thiết và có giá trị.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.