Lắp vi mạch chữa khiếm thị

Thứ Sáu, 24/12/2010, 12:25
Mikka Terho (người Phần Lan, 46 tuổi) vừa được ghép một vi mạch thử nghiệm vào phía sau võng mạc ở Đức. Bộ vi mạch cho phép bệnh nhân phát hiện các vật thể bằng mắt của mình, không giống như một phương pháp khác sử dụng máy ghi hình bên ngoài. Chi tiết của công trình này được đăng trên tạp chí Proceedings của Royal Society B.

Giáo sư Eberhart Zrenner (Trường đại học Tuebingen, Đức) cùng các đồng nghiệp làm việc trong công ty tư nhân Retina Implant AG đã thử nghiệm sơ khởi trên 11 người. Một số không thấy cải thiện vì tình trạng của họ quá nặng để  có thể cải thiện được chút gì khi cấy ghép, nhưng đa số có thể nhận biết các vật thể sáng, theo lời Giáo sư Zrenner nói với BBC. Tuy nhiên, chỉ khi nào vi mạch được lắp sâu vào đằng sau võng mạc, thì họ mới có được kết quả tốt nhất.

Kết quả tốt nhất thể hiện ở ông Terho, có thể nhận biết dao, nĩa và ly trên bàn, mặt đồng hồ và phân biệt 7 dạng xám khác nhau. Ông có thể tự mình đi quanh phòng và đến gặp từng người. Trong các xét nghiệm tiếp theo, ông Terho còn đọc được các ký tự in lớn đặt trước mặt, bao gồm tên của ông bị cố tình sắp xếp sai. Ông nhanh chóng phát hiện thấy tên bị viết giống như tay đua nổi tiếng người Phần Lan Mika Hakkinnen.

Từ nhà mình ở Phần Lan, ông cho biết: "Sau cấy ghép 3-4 ngày, khi mọi thứ lành lại, tôi cảm thấy phấn khích, hoạt bát. Ngay sau đó, khi mắt tôi gặp ánh sáng thì tôi có thể nhìn thấy ánh chớp, điều mà tôi chưa bao giờ có được. Những ngày sau đó khi chúng tôi bắt đầu làm việc, tập luyện, và tôi bắt đầu nhìn thấy càng lúc càng tốt hơn".

Hiện thiết kế cấy ghép đã được lấy ra, nhưng người ta hứa sẽ sớm lắp trở lại một phiên bản đã nâng cấp.

Vi mạch biến ánh sáng chạy vào mắt thành tín hiệu điện rồi chuyển vào neuron thị giác đằng sau mắt. Hệ thống được cấp nguồn điện từ bên ngoài và người ta nghiên cứu sơ khởi cách luồn dây cáp để nối pin đằng sau tai. Nhóm nghiên cứu hiện đang thử nghiệm một phiên bản nâng cấp mà theo đó toàn bộ thiết bị sẽ nằm bên dưới da, với nguồn điện chuyển qua da từ một thiết bị bên ngoài nằm sau tai.

Đây không phải là hướng duy nhất của các nhà khoa học trong việc tái hồi khả năng thị lực của người bị suy võng mạc. Một bộ vi mạch của Công ty Second Sight (có trụ sở ở Mỹ) được đặt vào bên trên võng mạc, nhưng kỹ thuật này đòi hỏi bệnh nhân phải đeo máy ảnh được lắp vào kính đeo mắt.

Các tổ chức từ thiện đón mừng tin mới một cách dè dặt. Một chuyên gia của Anh nói rằng: "Đây là công trình rất hay, nhưng không phục hồi thị lực. Đây chỉ là cách cung cấp tín hiệu cho người ta diễn dịch"

Minh Nhựt (tổng hợp)
.
.