Liên minh Mỹ - Philippines: Không thể tồn tại nếu thiếu lòng tin
Chấm dứt VFA - châm ngòi khủng hoảng
Giữa tháng 3, các quan chức quân sự Philippines và Mỹ đã nhóm họp tại trại Aguinaldo ở Manila nhằm giải quyết vấn đề nan giải nhất mà liên minh của họ đang phải đối mặt: Phải làm gì sau ngày 9-8 tới? Đó là thời điểm chính thức đánh dấu việc hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA), 180 ngày sau khi Manila đưa ra thông báo chấm dứt thỏa thuận trên với đồng minh hiệp ước phòng thủ duy nhất của mình.
Một quan chức quân đội Philippines cho rằng các nhà ngoại giao và quan chức quân sự ở cả hai quốc gia đang tìm cách cứu vãn hiệp định mang tính sống còn này, với lo ngại rằng khoảng trống an ninh do thỏa thuận trên để lại có thể sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc lấp đầy và gia tăng ảnh hưởng.
Phép thử cho mối quan hệ đồng minh kéo dài suốt 70 năm dường như xuất phát từ việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tăng cường hơn ảnh hưởng với Trung Quốc, trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tỏ ra miễn cưỡng trong việc chi tiêu nhiều hơn vào “chiếc ô an ninh” cho các đồng minh châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết việc Malina hủy bỏ thỏa thuận VFA là điều đáng tiếc và gọi đó là một hướng đi sai lầm, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. mong muốn tiến hành một đánh giá toàn diện thay vì quyết định hủy bỏ thỏa thuận này.
Thỏa thuận VFA năm 1998 nới lỏng các quy định cho phép binh lính và khí tài Mỹ vào Philippines trong gần 300 cuộc tập trận quân sự hằng năm, trong đó có các lĩnh vực phản ứng với thảm họa, chống khủng bố, an ninh hàng hải và những chiến dịch khác.
Thỏa thuận VFA là một phần không thể tách rời của Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, vốn quy định Washington có trách nhiệm bảo vệ Manila trong tình huống bị cuộc tấn công từ bên ngoài. Quan chức quân sự cấp cao Philippines cho biết “VFA có vai trò tăng cường năng lực phối hợp tác chiến với quân đội Mỹ. Nó giống như là giai đoạn chuẩn bị cho trường hợp cần áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung”. Đối với lực lượng quân đội “khát đầu tư” của Philippines, VFA cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ có thêm trang thiết bị.
Trong giai đoạn 2016-2019, nửa đầu nhiệm kỳ kéo dài 6 năm của ông Duterte, khoản tài trợ quân sự mà Washinton dành cho Manila đã lên tới 554 triệu USD, trong đó 267 triệu USD để mua sắm trang thiết bị quốc phòng. Trong giai đoạn 2020-2021, Washington lên kế hoạch chi hơn 200 triệu USD mua sắm máy bay, huấn luyện và trang bị khí tài cho Philippines, đồng thời viện trợ hơn 45 triệu USD nữa.
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte, người vừa ra lệnh tăng lương gấp đôi cho quân đội và phê duyệt các khoản mua sắm máy bay chiến đấu phản lực cho biết đã đến lúc cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ.
Tổng thống Philippines cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines. |
Còn có thể “vai kề vai”?
Ông Albert del Rosario, cựu Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng việc kết thúc VFA có thể sẽ là tiền đề cho việc hủy bỏ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) năm 2014, một thỏa thuận cho phép Mỹ điều động binh lính đồn trú luân phiên và xây dựng các cơ sở ở Philippines và cuối cùng là chấm dứt Hiệp ước phòng thủ chung.
Trong một diễn đàn hồi tháng 2, ông del Rosario đã gọi động thái chấm dứt VFA là một “thảm họa quốc gia”, cho rằng “trên thực tế, điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ”.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng việc hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ chung sẽ khiến các mối quan hệ đối tác an ninh khác của Philippines trở nên phức tạp, như quan hệ với Nhật Bản và Australia - hai đồng minh lớn của Mỹ.
Một số quan chức quân sự thừa nhận rằng VFA có tính thiên lệch. Binh lính Mỹ ra vào Philippines mà không cần phải có thị thực và các quan chức quân sự Washington có quyền giám hộ những binh lính phạm tội hình sự. Tuy nhiên, quân đội Mỹ và Philippines có mối quan hệ sôi nổi vượt ngoài khuôn khổ VFA, trong đó có hợp tác chia sẻ tình báo.
Năm 2017, các lực lượng Mỹ đã hỗ trợ Philippines tiêu diệt thủ lĩnh của Maute, một nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từng bao vây thành phố Marawi ở phía Nam nước này trong nhiều tháng.
Người dân Philippines cũng coi Mỹ là một đối tác nước ngoài đáng tin cậy nhất. Ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Davis, tin rằng quan hệ Mỹ-Philippines đủ mạnh để vượt qua cơn bão này. “Tôi nghĩ thời kỳ hậu Tổng thống Duterte, chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp tục. Chúng ta đã đưa mối quan hệ này vượt qua các giai đoạn khó khăn trong quá khứ”, ông Lohman nói.
Cuộc họp giữa Philippines và Mỹ vào giữa tháng 3 vừa qua ở Manila nhằm lên kế hoạch cho các hoạt động vào năm tới cũng nhấn mạnh mong muốn của quân đội hai nước trong việc tiếp tục triển khai các cuộc tập trận. Bất chấp thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận trên, các lực lượng Mỹ và Philippines vẫn triển khai một cuộc tập trận quân sự lớn vào tháng 5 tới có tên gọi Balikatan, có nghĩa là “vai kề vai”.
Quân đội Mỹ rõ ràng không muốn rời đi. Trong một hội nghị trực tuyến mới đây, Đô đốc hải quân Mỹ, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương John Aquilino bày tỏ sự coi trọng quan hệ đồng minh với Philippines như hiện nay, “chúng tôi tiếp tục hợp tác với Hải quân Philippines và chúng tôi sẽ chờ xem câu chuyện này đi đến đâu”, ông Aquilino nhấn mạnh.
Giới ngoại giao hai bên cũng đang nỗ lực cứu vãn VFA. Ngày 28-2 vừa qua, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Romualdez cho biết ông và người đồng cấp Mỹ ở Manila, ông Sung Kim đã cố gắng tìm ra phương hướng và giải pháp. Khi được hỏi liệu liên minh Mỹ-Philippines có thể “sống sót” qua thời điểm này hay không, một vị sĩ quan cấp cao của Philippines khẳng định rằng: “Lịch sử cho thấy mối quan hệ liên minh đó có thể sống sót”.