Lời xin lỗi hiếm hoi từ Tổng thống Obama

Thứ Hai, 12/10/2015, 15:00
Hôm 7/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức xin lỗi Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (Medecins Sans Frontier - MSF) về vụ máy bay Mỹ ném bom nhầm vào bệnh viện do tổ chức này bảo trợ ở Afghanistan làm chết nhiều người. Lời xin lỗi bất ngờ và hiếm hoi này đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao?

Theo báo chí, vụ ném bom nhầm vào bệnh viện của MSF xảy ra vào ngày 3-10 tại thành phố Kunduz, miền Bắc Afghanistan. Đó là nơi diễn ra tranh chấp quyết liệt giữa Taliban với quân đội Afghanistan được Mỹ hỗ trợ. Theo lý giải của Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội nước này khi triển khai đợt ném bom hỗ trợ quân đội Afghanistan đã nhầm bệnh viện MSF với một căn cứ của Taliban.

Vụ tấn công đã phá hủy nặng nề bệnh viện, hơn 20 người đã thiệt mạng và hàng trăm bệnh nhân và y bác sĩ đã phải sơ tán khẩn cấp. Cả thế giới đã lên án vụ tấn công quá tàn nhẫn của máy bay Mỹ.

Hai ngày sau khi xảy ra vụ ném bom nhầm được báo chí đưa tin rộng rãi khắp thế giới, đích thân Tổng thống Obama đã gọi điện thoại cho lãnh đạo MSF để bày tỏ "lấy làm tiếc" cho sự việc đã xảy ra, đồng thời bày tỏ sự "cảm thông sâu sắc" đối với gia đình các nạn nhân.

4 ngày sau vụ ném bom, lời xin lỗi chính thức mới được người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phát đi. Khoảng thời gian "chờ" khá lâu này được các quan chức Nhà Trắng lý giải là do công tác điều tra vẫn đang diễn ra.

Lời xin lỗi chính thức của Tổng thống Obama sau vụ ném bom ở Kunduz là một hành động hiếm có, nhưng nó xuất phát từ lời cáo buộc của Tổ chức MSF. Kể cả sau khi lời xin lỗi được phát đi, bác sĩ Joanne Liu, Chủ tịch Tổ chức MSF, vẫn nhắc lại yêu cầu của mình là phải tổ chức một cuộc điều tra độc lập do Ủy ban Tìm kiếm dữ liệu nhân đạo Quốc tế (IHFFC) thực hiện để "xác định những gì đã xảy ra ở Kunduz, xảy ra như thế nào và tại sao nó xảy ra".

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết hiện có 3 cuộc điều tra đang diễn ra, một do chính Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành, một do NATO thực hiện và một do một nhóm điều tra viên hỗn hợp Mỹ-Afghanistan thực hiện, và MSF không tin tưởng vào tính khách quan, trung thực của các điều tra viên do Mỹ cử.

Tổng thống Barack Obama lên truyền hình nói lời xin lỗi với tư cách cá nhân.

Theo các quan chức Nhà Trắng, đích thân Tổng thống Obama đã cam kết sẽ buộc các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm đầy đủ cho sự việc đáng tiếc này. Tuy nhiên, lời xin lỗi cá nhân lẫn chính thức và những cam kết nêu trên của Tổng thống Obama có vẻ chưa đủ để MSF chấp nhận rút lại yêu cầu của mình.

Bác sĩ Liu cho biết, LHQ đã đồng ý mở cuộc điều tra độc lập do IHFFC tiến hành. Bác sĩ Liu khẳng định, chỉ có ủy ban điều tra do LHQ bảo trợ thì mới bảo đảm tính khách quan thật sự của cuộc điều tra và những dữ liệu điều tra mới được bảo đảm an toàn, nguyên vẹn và chính xác. Và IHFFC chính là ủy ban điều tra được bác sĩ Liu chọn vì tính khách quan của nó.

IHFFC là tổ chức được thành lập vào năm 1991 theo Công ước Geneva, có khả năng điều tra các vụ việc được điều chỉnh bởi luật pháp nhân đạo quốc tế, nhưng chỉ khi các quốc gia liên quan cho phép IHFFC tiến hành. Trong vụ việc này, Mỹ và Afghanistan cho phép thì IHFFC mới được tiến hành điều tra vụ việc, mà Mỹ thì chắc chắn không đồng ý, vì biết rõ tính khách quan của tổ chức này.

Ủy ban điều tra của IHFFC bao gồm 15 thành viên được tuyển chọn từ 76 quốc gia đồng bảo trợ tổ chức này, trong đó không có cả Mỹ lẫn Afghanistan. Và đây chính là nguyên do sâu xa khiến Mỹ không chấp nhận cho IHFFC điều tra vụ ném bom.

Theo luật pháp quốc tế về nhân đạo, việc tấn công bằng bất cứ hình thức nào nhằm vào các cơ sở y tế đều được xem là tội phạm chiến tranh, nếu có đủ bằng chứng chứng minh "có chủ ý".

Tuy nhiên, việc xác định "chủ ý" này hiện rất khó, do tính cấp bách trong tình huống chiến tranh tại Afghanistan, và việc giải trình của các quan chức quân đội Mỹ cũng sẽ làm cho việc đưa ra kết luận có chủ ý hay không trở nên vô nghĩa.

An Châu (tổng hợp)
.
.