Một năm “vất vả“ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Thứ Ba, 09/01/2018, 08:06
Năm 2017 trôi qua mang theo nhiều sự kiện nóng bỏng đối với chính quyền Mỹ. Trong đó, riêng Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, năm đầu làm việc với Tổng thống Donald Trump quả thật vất vả hơn nhiều so với những năm là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil.

Phát biểu trước hội trường Bộ Ngoại giao vào giữa tháng 12-2017 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tổng kết một năm đầu làm việc của mình một cách ngắn gọn rằng ông “không có thắng lợi ngoại giao” nào cả. “Nghề ngoại giao không đơn giản thế đâu” - ông Tillerson đúc kết. Nhưng ông vẫn tin rằng kế hoạch tái thiết Bộ Ngoại giao của ông - trong đó bao gồm cả việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và cải cách bộ máy hành chính - đã giúp Bộ Ngoại giao Mỹ hoạt động tốt hơn.

Phát biểu trước toàn thể nhân viên Bộ Ngoại giao, ông Tillerson vẫn theo phong cách như thời làm lãnh đạo Tập đoàn Exxon Mobil. Tillerson tuyên bố ông sẽ tập hợp những nhóm “hổ tướng” để thực hiện các dự án quan trọng trong kế hoạch tái thiết Bộ Ngoại giao của ông. Để xây dựng và thực hiện kế hoạch này, Tillerson đã thuê tư vấn bên ngoài, chỉ báo cáo lên quốc hội chứ không giải trình nhiều.

Tuy nhiên, cách làm của Tillerson đã và đang khiến cho nhiều người không ưa thích ông, họ cho rằng ông chẳng làm lợi gì cho Bộ Ngoại giao, thậm chí còn gây thêm thiệt hại phải mất nhiều năm để khắc phục. Còn giới phân tích thì đánh giá, Tillerson chưa bao giờ “vừa khuôn” vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.

Trước khi gia nhập bộ máy chính quyền của ông Trump, Tillerson dành trọn thời gian cho sự nghiệp trong ngành dầu khí. Chính vì thế, khi ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao, Tillerson đã điều hành công việc ngành ngoại giao của nước Mỹ theo phong cách của một ông chủ tập đoàn kinh tế.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin, thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận xét: “Kể từ khi vị Bộ trưởng Ngoại giao này nhậm chức, Bộ Ngoại giao bắt đầu từ từ bị xói mòn một cách khó giải thích, đi kèm theo đó là các giá trị truyền thống và vai trò sống còn của Bộ này trên thế giới”.

Ông Cardin chỉ ra, hiện có hơn 30 vị trí đại sứ Mỹ ở nước ngoài đang bị bỏ trống, chưa bổ nhiệm người thực hiện, và một số quan chức cao cấp, kỳ cựu của Bộ này đang dần dần ra đi. Đơn cử trường hợp điển hình là bà Victoria Nuland. Bà là một cựu Đại sứ Mỹ tại NATO thời Tổng thống George W. Bush, rồi làm cố vấn cho cựu Phó Tổng thống Dick Cheney và là một nữ phát ngôn viên kiêm trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng ngay sau khi Tillerson nhậm chức, bà Nuland đã tự động xin nghỉ việc.

Một số người kiên nhẫn tiếp tục ở lại làm việc, nhưng rốt cuộc cũng ra đi do không cùng quan điểm, không hòa hợp phong cách làm việc. Nuland cho rằng, Tillerson đã để mất đi những người có nhiều kinh nghiệm quý giá trong ngành ngoại giao, cho nên gặp nhiều khó khăn. Một số nhà ngoại giao kỳ cựu đã nghỉ hưu cảnh báo rằng Tillerson đang tạo ra một vấn đề dài hạn: Khi các nhà ngoại giao kỳ cựu, giàu kinh nghiệm ra đi, ông Tillerson cũng hạn chế việc tuyển người vào thay thế các vị trí công việc.

Ngoại trưởng Rex Tillerson (bìa phải) cùng Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence.

Nổi cộm nhất là việc Tillerson đã có những lúc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” với Tổng thống Trump trong một số vấn đề, từ đó làm phát sinh những lời đồn đoán về việc ông sắp bị Tổng thống Trump sa thải. Đầu tiên phải kể đến việc Tillerson đã cố khích lệ Tổng thống Trump để nước Mỹ tiếp tục ở lại với Thỏa thuận khí hậu Paris, trong khi ông Trump chủ trương theo đuổi chính sách “rút lui” toàn diện trong mọi vấn đề, kể cả vấn đề biến đổi khí hậu.

Kế tiếp, ông lại cố sức giải quyết cuộc xung đột giữa Saudi Arabia với Qatar - hai nước đồng minh của Mỹ trong khu vực Trung Đông - trong khi Tổng thống Trump lại đứng hẳn về phía Saudi Arabia. Rồi sau khi báo chí đăng tải câu nói của Tillerson rất thiếu thận trọng về Tổng thống Trump, ông đã phải đứng trước ống kính truyền hình mà nói to lên rằng “Tổng thống là một người thông minh”(!?).

Tillerson dường như không mấy bận tâm đến những lời chỉ trích, những ý kiến dư luận tranh cãi xung quanh phong cách điều hành cũng như những động thái chính trị, ngoại giao của ông thời gian qua. Ông Tillerson không mấy quan tâm trước những lời đồn trong dư luận về việc Tổng thống Trump sẽ sa thải ông, cho rằng những câu chuyện như thế luôn xuất hiện trong dư luận và đã trở nên cũ rích, sai lệch.

Chỉ có một vụ việc khiến Tillerson phải tự mình đính chính. Đó là vụ phát ngôn gần đây về “đối thoại với Triều Tiên”. Ngay sau khi có phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov rằng “Triều Tiên đã sẵn sàng đàm phán”, Ngoại trưởng Tillerson đã lên tiếng “Mỹ sẵn sàng nói chuyện với Bắc Triều Tiên về bất cứ điều gì, không cần điều kiện tiên quyết” nào hết.

Ngay lập tức, Nhà Trắng phát đi thông báo bác lại phát ngôn của ông Tillerson, trong đó nhắc lại quan điểm của Tổng thống Trump là “không phí thời gian đàm phán” với CHDCND Triều Tiên. Bỗng thấy mình lại “lỗi nhịp” với Tổng thống, Tillerson đành phải lên báo chí tự đính chính lại ý kiến phát ngôn của mình.

Năm 2018 vừa mới bắt đầu, với nhiều dự định, kế hoạch, chương trình cần thực hiện, nói chung là khá bận rộn đối với Ngoại trưởng Tillerson. Trước mắt, vào giữa tháng 1 này, ông sẽ cùng với Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland chủ trì một hội nghị ngoại giao lớn về vấn đề CHDCND Triều Tiên. Sự thiếu hụt nhân sự đang hiện rõ khi Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức một sự kiện lớn như thế này.

Rồi đến chuyện Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bị khuyết nhiều tháng qua chưa được bổ nhiệm, mặc dù đã có nhân sự sẵn sàng nhiệm sở. Chỉ có một việc có thể được xem là thắng lợi cuối năm 2017 đối với Tillerson, đó là việc Thượng viện phê chuẩn bổ nhiệm bà Susan Thornton vào chức danh Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương.

An Châu (tổng hợp)
.
.