Mỹ: Cờ đến tay Joe Biden

Thứ Bảy, 16/03/2013, 09:30

Nhiệm kỳ II của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa mới bắt đầu, Phó tổng thống Joe Biden đã thể hiện vai trò và tầm ảnh hưởng mở rộng hơn hẳn so với nhiệm kỳ I, không chỉ ở Washington mà còn lấn sang cả lĩnh vực đối ngoại. Giới quan sát cho rằng, đó là vì xung quanh Tổng thống Obama hiện nay không còn ai là đối thủ của ông, chỉ toàn là đồng minh hoặc yếu cơ hơn.

Còn nhớ mới đây, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông John Kerry suýt chút nữa đã bị bẽ mặt vì bị thủ lĩnh phe đối lập Syria tẩy chay cuộc gặp riêng tại Rome, Italia. Túng thế, Kerry đành phải cậy nhờ Phó Tổng thống Joe Biden giúp giùm một tiếng nói. Chẳng mấy khó khăn, chỉ cần tiếng nói của Phó Tổng thống Biden thì vấn đề được giải quyết xong ngay, và Ngoại trưởng Kerry đã nhận được cái gật đầu gặp mặt của lãnh đạo phe đối lập Syria, Moaz al-Khatib.

Biden chỉ cần thêm một cú điện thoại để biết chắc mọi chuyện đã êm xuôi. Biden có được uy tín với thủ lĩnh Al-Khatib là nhờ khi hai người gặp nhau tại một hội nghị về an ninh tại Munich, Đức, Biden đã không tiếc lời ca ngợi "lòng can đảm" của Al-Khatib, tán dương tầm quan trọng của Al-Khatib và giao hẹn giữ liên lạc.

Đó là một trong những trường hợp điển hình về khả năng vận dụng quan hệ cá nhân để đạt được mục đích việc công của Phó Tổng thống Joe Biden. Trong Nhà Trắng, khả năng này của Biden đang được thừa nhận như một biệt tài và người ta đánh giá nhờ biệt tài này mà phạm vi ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực đối ngoại sẽ được mở rộng hơn.

Sau vụ rắc rối của Ngoại trưởng Kerry, ông Biden lại bắt tay vào lo một vụ khác cũng trong lĩnh vực đối ngoại: chuẩn bị dọn đường cho Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm Trung Đông trong tháng 3 này. Ngày 4-3, Biden đã xuất hiện và phát biểu tại Hội nghị thường niên của Tổ chức Ủy ban Các sự vụ công cộng của người Mỹ gốc Israel (AIPAC) - một nhóm vận động hành lang vì lợi ích của Israel ở Mỹ. Mục đích của việc tham gia Hội nghị AIPAC vẫn như thường lệ: chuyển thông điệp của chính quyền Mỹ đến cộng đồng người Do Thái tại Mỹ, và cũng là gián tiếp gửi thông điệp ngoại giao đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tùy mục đích, giọng điệu của mỗi bài phát biểu sẽ khác nhau.

Trong lần xuất hiện trước AIPAC cách đây 4 năm, Biden đã đưa ra yêu cầu của Tổng thống Obama rằng Israel phải ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Kết quả là ông vấp phải sự phản đối quyết liệt. Lần này, Biden đã hạ giọng, tỏ ra "ngoại giao" hơn để dọn đường cho chuyến đi quan trọng của Tổng thống Obama.

"Biden rất được cộng đồng thân Israel tin cậy. Vì ông ấy luôn nói chuyện một cách chân thành và cởi mở, luôn nói rõ quan điểm ủng hộ Tổng thống" - Michael B. Oren, cựu Đại sứ Israel tại Mỹ nhận xét.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ở Washington, Biden cũng đang chứng tỏ uy tín mạnh mẽ của mình. Ông đã vận dụng các mối quan hệ cá nhân trong Thượng viện để thúc đẩy việc phê chuẩn chức danh gây nhiều tranh cãi: Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cũng là một bạn cũ của ông. Biết Hagel bị các nghị sĩ phản đối vì quan điểm của ông trong vấn đề Iran và Iraq cũng như các phát biểu của ông về Israel, Biden đã tích cực điện thoại để "giải thích" và trấn an những nghị sĩ còn hoài nghi.

Ảnh hưởng của Biden cũng gia tăng thông qua các cuộc tranh luận về chính sách. Trong hầu hết các chính sách lớn, ông đều có lập trường quan điểm phù hợp với Tổng thống Obama. Trong nhiệm kỳ I, Tổng thống Obama đã giao cho ông Biden nhiệm vụ xử lý vấn đề Iraq, và ông đã làm "vượt chỉ tiêu": rút quân thật nhanh ra khỏi Iraq. Còn trong các vấn đề như Afghanistan và Syria, sự thận trọng của Biden đã thắng thế trước các bộ óc hiếu chiến, nôn nóng sử dụng vũ lực.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ rút quân khỏi Afghanistan, Biden còn là một thành viên nhóm cố vấn chống lại việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập vũ trang ở Syria. Việc cung cấp vũ khí này là đề xuất của cựu Giám đốc CIA David Petraeus và nhận được sự ủng hộ của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bên phía chống cung cấp vũ khí, Biden có sự ủng hộ của Thomas Donilon - Cố vấn An ninh quốc gia, đồng thời cũng là một người bạn lâu năm. Bây giờ, sau khi cả ông Petraeus và bà Clinton lần lượt từ nhiệm, chỉ còn lại Biden "không đối thủ", vì thế vai trò và ảnh hưởng của ông được dự báo sẽ còn gia tăng mạnh hơn nữa.

Trong nhiệm kỳ II này, Biden không chỉ có những người bạn cũ như Kerry và Hagel nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính phủ, mà một số phụ tá thân tín cũ của ông cũng đang được trọng dụng trong nhiệm kỳ II  của Tổng thống Obama. Tiêu biểu như Antony J. Blinken, cựu trợ lý hàng đầu về chính sách đối ngoại, hiện được giao vị trí Phó cố vấn an ninh quốc gia, thay thế ông Denis McDonough. Tuy chức vụ này không to lắm, nhưng là vị trí then chốt, đầy quyền lực, có thể giúp dàn xếp được các tranh chấp hậu trường giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA.

Để tìm người thay thế Blinken làm cố vấn đối ngoại, Biden không ngần ngại trọng dụng Jacob J. Sullivan, 36 tuổi, cựu cố vấn thân cận của bà Clinton, có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề về “Mùa xuân Arập” và Trung Quốc. Việc ông Biden tuyển dụng Sullivan được giới quan sát hậu trường cho là "đôi bên cùng có lợi": ông Biden có được một cố vấn giỏi về các vấn đề mới mà ông sắp đối diện, trong khi bà Clinton cũng được lợi vì nếu bà ra tranh cử tổng thống vào năm 2016 thì khi đó Sullivan chắc chắn sẽ lại ra phục vụ cho bà.

Trong nhiệm kỳ II của Tổng thống Obama, Trung Quốc nổi lên như một vấn đề ngoại giao lớn nhất. Trong khi những nhân sự mới như Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob J. Lew chưa có kinh nghiệm gì về Trung Quốc, Biden được xem là sẽ đóng vai trò cực lớn trong chính sách đối ngoại với nước này

An Châu (tổng hợp)
.
.