Mỹ - Iran: Đặt tay vào cò súng

Thứ Ba, 14/05/2019, 12:31
Khả năng xảy ra chiến tranh giữa Iran và Mỹ lại vừa tăng lên. Một sai lầm nhỏ từ bất kỳ bên nào cũng có thể gây ra những kết quả nguy hiểm và dễ dàng leo thang thành một thảm họa cho cả hai bên cũng như cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Khả năng xảy ra chiến tranh giữa Iran và Mỹ lại vừa tăng lên.

Một sai lầm nhỏ từ bất kỳ bên nào cũng có thể gây ra những kết quả nguy hiểm và dễ dàng leo thang thành một thảm họa cho cả hai bên cũng như cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Căng thẳng sắp lên đỉnh điểm

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 đã ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành công nghiệp chủ chốt của Iran là mỏ và kim loại mang lại nguồn thu lớn nhất sau dầu mỏ của Iran. Sắc lệnh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tehran tuyên bố sẽ từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đúng một năm sau khi Mỹ cũng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này...

Nhà Trắng cảnh báo Tehran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình. Trong phát biểu sau khi ban hành sắc lệnh, Tổng thống Trump nhấn mạnh đây còn là lời cảnh báo gửi tới các nước khác rằng việc cho phép nhập khẩu kim loại của Iran sẽ không được dung thứ.

Cố vấn John Bolton luôn có những phát biểu không thiện cảm với Iran. Ảnh: Al Jazeera.

Chính sách với Iran của Mỹ khiến căng thẳng gia tăng. Đáp lại tuyên bố của Mỹ, Iran tuyên bố sẽ dừng xuất khẩu uranium thừa và nước nặng như quy định trong JCPOA và đặt ra thời hạn 60 ngày để các bên thống nhất điều khoản mới trước khi Iran khôi phục hoạt động làm giàu urani cấp độ đủ để sản xuất vũ khí. Ngày 8-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ tiếp tục chương trình làm giàu urani cấp độ cao nếu các cường quốc không bảo vệ lợi ích của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Rouhani cảnh báo sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nếu vấn đề hạt nhân của Iran được nhắc lại tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), mặc dù vậy ông khẳng định Tehran sẵn sàng đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Ông nói: "Người dân Iran và thế giới nên hiểu rằng ngày hôm nay không phải là ngày JCPOA chấm dứt".

Tại sao Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân? Các nhà lãnh đạo theo phái "diều hâu" ở Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump và nhiều thành viên khác của đảng Cộng hòa, cực lực chỉ trích thỏa thuận này. Một số người cho rằng Mỹ đã cho chế độ Iran quá nhiều lợi ích nhưng đổi lại chẳng được bao nhiêu. Những người khác chê trách các nhà đàm phán đã không thể giải quyết được việc Iran bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố và không thể đặt ra các giới hạn cho hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo của Tehran.

Họ cũng lo ngại rằng thỏa thuận này không đủ để ngăn chặn con đường của Iran tiến tới sở hữu bom hạt nhân và rằng Iran có thể đảo ngược lại thỏa thuận sau nhiều năm, khi mà nước này đã "gặt hái" được các lợi ích mà việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đem lại.

Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ đã áp đặt lại tất cả các biện pháp trừng phạt có liên quan tới hạt nhân đối với Tehran, cùng nhiều biện pháp trừng phạt khác. Sức ép ngày càng tăng lên trong những tháng vừa qua. Washington đã tiến xa hơn trong việc cắt giảm thu nhập từ dầu mỏ của Iran - vốn là nguồn thu nhập chính của quốc gia này; kiềm chế các hoạt động hạt nhân dân sự của nước này; liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - lực lượng quân sự có ảnh hưởng sâu rộng cả về chính trị và kinh tế tại Iran - vào danh sách các nhóm khủng bố.

Nhiều tàu chiến Mỹ được điều tới eo biển Hormuz. Ảnh: Stars and Stripes.

Trong những ngày qua, quân đội Mỹ đã điều một nhóm tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông để đáp lại điều mà Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton - một người lâu này luôn có quan điểm "diều hâu" đối với Iran - gọi là "một số ám chỉ và cảnh báo về việc sẽ gây rắc rối và leo thang căng thẳng" từ Iran. Nhóm tàu sân bay đang trên đường đến eo biển Hormuz, tuyến đường thủy rộng 21 dặm phân tách Iran với các quốc gia Vùng Vịnh khác và được sử dụng để vận chuyển khoảng 30% lượng dầu thô của thế giới.

Khả năng xảy ra chiến tranh Iran - Mỹ

Có thể thấy rõ, dù không muốn nhưng không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến giữa Mỹ với Iran. Ngày 7-5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã thông báo rằng Mỹ đang triển khai nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông. Rõ ràng, ông Bolton muốn một cuộc chiến với Iran nhằm mục đích thay đổi chính phủ ở Tehran.

Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn có thêm một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Ông liên tục chỉ trích những người tiền nhiệm của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vì gây ra những xung đột tốn kém ở khu vực này, chiến dịch tranh cử của ông dựa trên hứa hẹn về việc chấm dứt các cuộc chiến này và tránh gây ra các cuộc chiến mới. Tổng thống Trump dường như cũng không bị ám ảnh với việc thay đổi chế độ ở Iran.

Điều ông thực sự muốn đó là "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đạt được với Iran dưới thời cựu Tổng thống Obama và đàm phán một thỏa thuận "tốt hơn" (hoặc có thể chỉ là một thỏa thuận mới với tên của ông được ký trong đó, như ý kiến của một số người chỉ trích). Tuy nhiên, nhóm hoạch định chính sách đối ngoại hiện nay của ông Trump có thể sẽ đẩy tổng thống vào một cuộc chiến tranh.

Điểm khác biệt nữa là châu Âu chắc chắn sẽ không theo Mỹ "dính" vào cuộc chiến này. Một lý do quan trọng đó là sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân với Iran. Mặc dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận, song Iran và các đồng minh châu Âu của Mỹ vẫn tuân thủ những gì đã thỏa thuận cho tới hiện nay và bản thỏa thuận vẫn đang tồn tại. Thỏa thuận hạt nhân này tạo ra một cơ chế cho các hoạt động ngoại giao có hệ thống và những liên lạc thường xuyên giữa Iran và các cường quốc châu Âu, đồng thời khiến Mỹ khó lôi kéo châu Âu vào một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran.

Rõ ràng là cho dù ông John Bolton biết rằng không dễ để kích động một cuộc chiến tổng lực chống lại Iran trong dân chúng Mỹ ngày nay. Tuy nhiên, một điều cũng rõ ràng không kém đó là ông Bolton sẽ nhanh chóng tấn công trong trường hợp xảy ra bất kỳ "tai nạn" nào, từ đó đẩy nước Mỹ vào một xung đột ở Trung Đông - một xung đột sẽ còn tồi tệ hơn cuộc chiến ở Iraq và là thảm họa đối với cả nhân dân Iran và nhân dân Mỹ. Mỹ đang trượt vào một cuộc đối đầu cực kỳ nguy hiểm với Iran và Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhân tố hứng chịu chỉ trích lớn nhất.

Colin Kahl, một chuyên gia về Iran và cố vấn của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói rằng: Chính sách dồn Tehran vào chân tường của chính quyền ông Donald Trump đã làm gia tăng đáng kể mối nguy hiểm. Vòng xoáy hành động rồi lại đáp trả mà chính quyền đặt ra để bắt đầu chiến dịch gây áp lực tối đa đã tạo ra một tình huống tồi tệ - một trong số đó là nguy cơ đối đầu quân sự gia tăng theo từng ngày.

Liệu Mỹ có sử dụng "sức mạnh tàn nhẫn"?

Lời đe dọa bất ngờ và không thể giải thích nổi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton về việc sẽ sử dụng "sức mạnh tàn nhẫn" chống lại Tehran đã khiến căng thẳng Mỹ-Iran dâng cao hơn bao giờ hết trong nhiều năm qua. Ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở phạm vi hai nước. Mỹ muốn buộc Iran đi vào chỗ chết, Iran có thể sẽ đấu lý với Mỹ trong một số vấn đề nóng.

Không chỉ thế, trong thời gian tới, cuộc đối đầu giữa hai bên trong vấn đề Syria, Yemen, Palestine-Israel sẽ tăng lên. Do sự leo thang của cuộc đọ sức Mỹ-Iran, xung đột Palestine-Israel sẽ bị gạt sang một bên vì các nước như Israel, Saudi Arabia sẽ chú ý đến Iran. Hiện tại, một xu hướng tương đối nguy hiểm hơn là cả Israel và Saudi Arabia đang thúc giục Mỹ gây áp lực với Iran, buộc Iran phải có phản ứng cứng rắn.

Người dân Iran bày tỏ quyết tâm ủng hộ chính phủ chống lại Mỹ. Ảnh: Xinhua.

Tờ Washington Post chỉ ra rằng kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các biện pháp trừng phạt được coi là biện pháp phi quân sự có tính khả thi ở một chừng mực nhất định. Điều nguy hiểm là các lệnh trừng phạt này sẽ kích hoạt Iran hành động hoặc buộc Mỹ phải có phản ứng quân sự.

Tiếp đó, sau khi Mỹ bôi nhọ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Iran đã xác định CENTCOM và lực lượng Mỹ đóng ở Tây Á là tổ chức khủng bố. Trong tương lai, nếu hai bên rơi vào tình huống đối đầu, nguy cơ nổ súng sẽ tăng cao. Trước đó, Hải quân Iran đã có cuộc đụng độ với hải quân Mỹ khi đến thị sát eo biển Hormuz.

Ngoài ra, cơ chế không phổ biến hạt nhân quốc tế có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu Iran tin rằng thỏa thuận hạt nhân Iran không còn giá trị, lựa chọn duy nhất của họ là rút lui. Mỹ và Saudi Arabia gần đây đã có hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng: “Nếu Iran buộc phải đi theo con đường hạt nhân, khu vực Trung Đông có thể xuất hiện xu hướng phổ biến hạt nhân và chạy đua vũ khí hạt nhân”.

Câu hỏi đặt ra lúc này là có phải Mỹ thực sự đang muốn bóp nghẹt Iran? Nếu thế, Iran có thể sẽ đáp trả. Khả năng để mối quan hệ Mỹ-Iran được cứu vãn đang ngày càng ít đi, căng thẳng trong khu vực ngày càng leo thang khi tình hình kinh tế Iran sẽ nghiêm trọng hơn, dự kiến sẽ sụp đổ dưới sự trừng phạt bổ sung của Mỹ. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng yếu tố địa chính trị có thể dẫn đến sự biến động lớn của giá dầu quốc tế trong tương lai gần.

Trước các biện pháp trừng phạt và hành vi thù địch của Mỹ, Iran đã ra sức lên án và bác bỏ mọi cáo buộc liên quan của Mỹ. Thế giới đang lo ngại Iran có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bộ trưởng Ngoại giao Iran Jawad Zarif từng xác nhận vào ngày 28-4 rằng nước này đang xem xét rút khỏi NPT để đáp trả các biện pháp trừng phạt bổ sung. Năm 1968, Iran đã ký NPT. Tuy nhiên, khi tình hình địa chính trị căng thẳng, Iran từng nhiều lần tuyên bố họ có thể rút hoặc chấm dứt thực thi NPT hoặc nghị định thư bổ sung.

Trong khi đó, bản chất của thỏa thuận hạt nhân Iran là không phổ biến hạt nhân. Dự đoán Iran sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong ngắn hạn bởi vì việc phá vỡ thỏa thuận này đồng nghĩa với việc nỗ lực hội nhập cộng đồng quốc tế của Iran đã chảy theo dòng nước. Tuy nhiên, nếu lợi ích của họ không thể được đáp ứng, Iran có thể rút lui. Thứ hai, Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz. Eo biển Hormuz được coi là một “mật quyết” trong tay Iran. Yết hầu của giao thông hàng hải ở Trung Đông này có tác động chiến lược cực kỳ quan trọng đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Các nhà phân tích dự đoán rằng Iran sẽ đáp trả bằng các biện pháp phối hợp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, Iran dự tính áp dụng cả biện pháp cứng và mềm, nghĩa là phát đi mối đe dọa ở cấp độ dư luận, đồng thời nêu mong muốn đối với các bên khác liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran như Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Iran có thể đẩy mạnh mức độ khai thác urani đã làm giàu trong phạm vi thỏa thuận hạt nhân Iran hiện có và thể hiện lập trường không nhượng bộ ý chí của Mỹ. Trong trung và dài hạn, cả Mỹ và Iran đều không muốn tham chiến nhưng khi tình hình địa chính trị ngày càng có xu hướng căng thẳng, nguy cơ chiến tranh sẽ tăng cao.

Cuộc xung đột Mỹ-Iran đang ngày một leo thang. Điều này có tác động gì đến tình hình Trung Đông vốn dĩ không ổn định. Nhà phân tích Alain Rodier, cựu sĩ quan tình báo, trợ lý Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo Pháp, đã so sánh một cách dí dỏm cuộc đọ sức giữa Iran với Mỹ, nếu xảy ra, sẽ giống với tình hình xã hội tại Pháp khi phe biểu tình “áo gile vàng” chiến đấu với lực lượng cảnh sát.

Cho dù Mỹ có đủ sức tiêu diệt hàng trăm tên lửa của Iran thì chiến sự cũng phải kéo dài nhiều tháng, chưa kể lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC thiện chiến của Iran có thể tiến hành chống trả một cách quyết liệt. Ngoài ra, trong thời gian eo biển Hormuz biến thành chiến trường, kinh tế thế giới ra sao nếu bị thiếu dầu? Chắc chắn, không ai được lợi.

Hoa Huyền
.
.