Mỹ đang xây dựng một "NATO châu Á"?

Thứ Ba, 20/10/2020, 12:55
Bên cạnh các vấn đề an ninh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tầm quan trọng của hợp tác giữa các bên thì câu chuyện Trung Quốc đã trở thành tiêu điểm của cuộc đối thoại an ninh Bộ Tứ (bốn bên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ). Một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở là nền tảng của hòa bình và ổn định khu vực.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn cầu, việc ngoại trưởng 4 nước vẫn tổ chức đối thoại trực tiếp đã đánh dấu bước đột phá tương đối lớn trong quan hệ hợp tác của Bộ Tứ. Mỹ nhân cuộc họp này đã tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (FOIP), hy vọng thiết lập khung đảm bảo an ninh giữa nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong khối 4 nước, muốn cơ chế hóa sự hợp tác này, đồng thời từng bước mở rộng đến nhiều nước trong khu vực để thiết lập một mạng lưới đảm bảo an ninh.

FOIP là một chiến lược khu vực được xây dựng dưới sự dẫn dắt của chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Tổng thống Donald Trump là người tích cực thúc đẩy và thực hiện chính sách này sau khi lên cầm quyền. Tháng 12-2017 và tháng 1-2018, Chính phủ Mỹ đã lần lượt công bố Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia và Báo cáo chiến lược quốc phòng, chính thức nâng cấp FOIP thành chiến lược quốc gia.

Hợp tác an ninh chiến lược là một trong những mục tiêu của nhóm Bộ Tứ.

Tháng 6-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo FOIP, giải thích toàn diện mục tiêu, mối đe dọa chủ yếu và biện pháp để thực hiện các mục tiêu của chiến lược này. Báo cáo này sau đó trở thành văn bản chính sách quan trọng để Mỹ thúc đẩy FOIP.

Mỹ luôn tìm cách xây dựng hệ thống an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và liên minh Bộ Tứ là động lực chủ yếu để thúc đẩy chiến lược này. Trong đó, Mỹ coi liên minh Mỹ - Nhật Bản là nền tảng của FOIP, ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực để ngăn chặn bất cứ quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nào trở thành bá chủ khu vực, từ đó gián tiếp duy trì quyền thống trị của mình ở khu vực này.

Bên cạnh việc củng cố liên minh nói trên, Mỹ còn tích cực lôi kéo các nước đối tác quan trọng ở khu vực, thậm chí còn coi Indonesia là "trụ cột hàng hải" của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ nước này đóng vai trò trung tâm trên lĩnh vực an ninh hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Washington cũng đã đầu tư thích đáng cho vấn đề này.

Tháng 12-2018, Tổng thống Donald Trump ký "Đạo luật sáng kiến tái đảm bảo châu Á", đầu tư 1,5 tỷ USD để thiết lập "tầm nhìn chiến lược dài hạn và chính sách tổng hợp, toàn diện và có nguyên tắc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Ngoài ra, Mỹ đã thực hiện một số điều chỉnh cụ thể đối với FOIP, ở một mức độ nhất định là nhằm hàn gắn những bất đồng với các đồng minh Nhật Bản, Australia, đồng thời nâng cao năng lực hướng tâm của hệ thống liên minh để cải thiện và củng cố hơn nữa hệ thống này.

Tìm kiếm các hình thức hợp tác quốc phòng mới nằm trong các nguyên tắc đồng thuận của Bộ Tứ.

Rõ ràng, Mỹ đang mong muốn thiết lập một liên minh và quan hệ đối tác hùng mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua những biện pháp này, để có thể tự do hoạt động trong toàn bộ khu vực và doanh nghiệp của Mỹ có thể tiếp cận các thị trường quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có khoảng cách rất lớn trong quá trình thực thi trên thực tế. Để lấp đầy khoảng cách này, Mỹ cần sử dụng đồng bộ các biện pháp như kinh tế, công nghệ, ngoại giao, quản trị và nguồn nhân lực... đồng thời yêu cầu các bên có lợi ích liên quan như các công ty công nghệ, phương tiện truyền thông, trường đại học, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân cùng tham gia để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ chính là yếu tố quan trọng quyết định diễn biến của trật tự khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do đó Mỹ cần khẩn trương xây dựng lại trật tự mới và thiết lập các quy tắc mới ở khu vực này.

Hiện nay, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành động lực của sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới, do đó Mỹ muốn tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực này thông qua việc củng cố quan hệ đối tác quốc phòng và đối tác ngoại giao với các đồng minh truyền thống.

Có vẻ như Mỹ đang muốn điều chỉnh liên minh Bộ Tứ trở thành một tổ chức gần giống với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng cường sự gắn kết giữa các nước có cùng quan niệm giá trị và chiến lược, bình thường hóa quan hệ quốc phòng, thiết lập khung an ninh đa phương ở khu vực này và buộc các nước trong khu vực phải "chọn bên" trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, điều bất ngờ mới nhất là vào tháng 9-2020, Hàn Quốc cho biết không có ý định tham gia Đối thoại an ninh 4 bên.

Rõ ràng, mâu thuẫn địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phức tạp hơn tưởng tượng. Ngay cả trong lịch sử, Bộ Tứ cũng từng có những trục trặc. Tháng 2-2008, Australia đơn phương rút khỏi, khiến cơ chế đối thoại này tuyên bố thất bại.

Đến nay, Đối thoại an ninh 4 bên đã được hồi sinh và từng bước đạt được đồng thuận về cái gọi là nguyên tắc FOIP, đó là: Phát huy lợi thế so sánh của 4 nước, tăng cường hợp tác thiết thực về cơ sở hạ tầng, tìm kiếm các hình thức hợp tác quốc phòng mới, mở rộng hợp tác an ninh phi truyền thống và các mục tiêu chiến lược trong khu vực.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.