Nam Phi dọa rút khỏi ICC

Thứ Ba, 14/07/2015, 18:35
Chính phủ Nam Phi vừa thông báo sẽ xem xét lại tư cách thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế của mình - một động thái được xem là có thể dẫn đến việc nước này quyết định rút khỏi ICC. Nguyên nhân được cho là vụ việc ICC đòi bắt Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir.

Cuộc tranh cãi giữa Nam Phi với ICC bắt đầu từ ngày 15/6, được châm ngòi bởi sự kiện Tòa án ở Pretoria xem xét bắt giữ Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir theo yêu cầu của ICC. Ngày 15/6, Tổng thống Al-Bashir đến Nam Phi dự Hội nghị thượng đỉnh khối Liên minh châu Phi. Tại đây, Tòa án Pretoria của Nam Phi, ra trát lệnh cho ông Al-Bashir không được rời khỏi Nam Phi trong thời gian tòa xem xét lệnh bắt.

Tổng thống Sudan Al-Bashir hiện đang nằm trong danh sách truy nã quốc tế của ICC. Ông bị ICC cáo buộc 3 trọng tội là diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người do vai trò, trách nhiệm của ông trong cuộc nội chiến đẫm máu ở vùng Dafur kéo dài từ năm 2003 đến nay, làm chết khoảng 300.000 người và 2 triệu người mất nhà cửa.

Vấn đề phát sinh khi Chính phủ Nam Phi quyết định chống lại lệnh tòa án, bí mật dàn xếp để ông Al-Bashir rời khỏi Nam Phi trên chuyến bay riêng. Cụ thể, ngày 28/5, khoảng 2 tuần trước khi ông Al-Bashir đến Nam Phi dự Hội nghị AU, ICC đã có văn bản chính thức nhắc nhở Nam Phi về trách nhiệm của nước này phải bắt giữ Tổng thống Sudan Al-Bashir, vì Nam Phi là thành viên đã phê chuẩn ICC.

Sáu ngày sau, Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane ra thông báo rằng các đại biểu dự Hội nghị AU sẽ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao đầy đủ, nghĩa là "không bị bắt giữ", theo công ước quốc tế về ngoại giao.

Ngày 12/6, Đại sứ Nam Phi tại Hà Lan Bruce Koloane đã gặp ICC để trình bày quan điểm của Nam Phi là nước này có trách nhiệm bảo vệ Al-Bashir. Ngày 13/6, ông Al-Bashir đáp máy bay đến Nam Phi dự Hội nghị AU. Ngay ngày hôm đó, ICC gửi văn bản nhắc lại yêu cầu bắt người. Nam Phi bắt đầu triển khai kế hoạch bảo vệ Al-Bashir.

Theo tờ Mail and Guardian (M&G) của Nam Phi, chuyến bay mang số hiệu Sudan01 của Tổng thống Al-Bashir đáp xuống sân bay quốc tế OR Tambo hôm 13/6. Ngày 14/6, Tòa án Pretoria phát lệnh lâm thời tạm cấm Al-Bashir rời khỏi Nam Phi. Tối 14/6, chiếc máy bay Sudan01 đã được điều đến Căn cứ Không quân Waterkloof nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Quốc phòng Nam Phi, tức Quân đội Nam Phi, Tổng Tư lệnh là Tổng thống Jacob Zuma.

Ngày 15/6, Tổng thống Al-Bashir đã được Đội Bảo vệ yếu nhân của Nam Phi hộ tống từ nơi diễn ra Hội nghị AU đến Waterkloof để lên máy bay. Chuyến bay Sudan01 cất cánh vào khoảng giữa trưa ngày 15/6.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Cuộc "giải cứu" Tổng thống Al-Bashir được tờ M&G mô tả là một kế hoạch bí mật, chỉ một nhóm bộ trưởng thân cận của Tổng thống Zuma được biết và tham gia điều phối, thực hiện. Tại cuộc họp báo chiều ngày 15/6, sau khi kết thúc Hội nghị AU, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe - Chủ tịch AU - nói với báo chí rằng Tổng thống Zuma đã triển khai một kế hoạch để bảo đảm Al-Bashir không bị bắt giữ.

Trung tâm Tố tụng Nam châu Phi đã gấp rút gửi đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định trao quy chế miễn trừ ngoại giao của Chính phủ Nam Phi cho các đại biểu dự Hội nghị AU nhằm tháo bỏ lớp bảo vệ pháp lý đối với ông Al-Bashir nhưng không còn kịp nữa. Al-Bashir đã được bảo vệ rất nghiêm ngặt, và tất cả mọi người đều không ai được biết nơi ở của ông.

Ngay sau khi chuyến bay Sudan01 chở ông Al-Bashir cất cánh rời khỏi Căn cứ Không quân Waterkloof, Tòa án Pretoria đã mở phiên tham vấn để nghe các lập luận của Chính phủ Nam Phi và cơ quan tố tụng.

Các chuyên gia luật pháp quốc tế đưa ra dự báo Chính phủ Nam Phi có thể gặp một số rắc rối về mặt pháp lý và ngoại giao. Các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy đến cho Nam Phi là nước này buộc phải báo cáo vụ việc lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét xử lý, vốn bao gồm các thành viên không phải thành viên ICC, như Mỹ chẳng hạn. Tuy nhiên, Nam Phi sẽ ít gặp khó khăn hơn, vì 2 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc đều đang là "bạn thân" của Nam Phi.

Việc Chính phủ Nam Phi tuyên bố xem xét lại tư cách thành viên ICC phản ánh một xu hướng chung của các nước châu Phi là thành viên ICC. Zimbabwe, nước hiện là Chủ tịch AU, là một trong những quốc gia chủ trương rời khỏi ICC, và đã từng đưa ra khuyến nghị Nam Phi nên xem xét rời khỏi tòa án quốc tế này.

Ở Nam Phi, chính phủ đang chịu áp lực từ đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) trong vấn đề ICC. ANC muốn Quốc hội Nam Phi, với ANC chiếm đa số ghế, xem xét bãi bỏ Quy chế áp dụng Công ước Rome về Luật ICC năm 2002. Vấn đề này cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự Đại hội đồng toàn quốc ANC. Obed Bapela, Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ quốc tế của ANC cho biết, tiểu ban của ông cũng đang soạn thảo một hồ sơ thảo luận về vấn đề ICC.

Trong cuộc tranh luận ở châu Phi về vấn đề ICC, chủ yếu người ta phản đối việc ICC thiếu công bằng, chèn ép các nước châu Phi, có xu hướng quá chú tâm vào việc xét xử các lãnh đạo châu Phi trong các vấn đề liên quan đến tội phạm chiến tranh, nội chiến, diệt chủng…

Tại một hội nghị AU ở Mangaung, Nam Phi, năm 2012, các quốc gia châu Phi đã bàn đến việc có nên tiếp tục là thành viên ICC nữa hay không. Vấn đề gây bức xúc nhất được lãnh đạo Nam Phi đưa ra tại Hội nghị Mangaung là trong khi lãnh đạo các nước châu Phi, như Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta bị ICC buộc vi phạm "tội ác chiến tranh" thì các lãnh đạo phương Tây vẫn ung dung chỉ đạo các cuộc chiến tranh làm chết hàng ngàn thường dân vô tội ở nhiều nơi trên thế giới mà không bị "sờ gáy", như trường hợp của Mỹ, bởi lý do đơn giản là vì Mỹ không ký kết thành viên ICC.

Từ đó, các lãnh đạo châu Phi cho rằng, đã đến lúc châu Phi có tòa án riêng, có tên gọi là Tòa án Nhân quyền và Các quyền Nhân dân (ACHPR) để xử lý các vụ việc của riêng châu Phi, không để các công cụ kiểu như ICC của phương Tây can thiệp nữa.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.