“Nắn gân“ nhau bằng vũ khí hạt nhân
- Tổng thống Mỹ tuyên bố tăng cường kho vũ khí hạt nhân
- Tổng thống Putin tiết lộ thời điểm Nga "chơi" vũ khí hạt nhân
Thế giới một lần nữa đứng trước nguy cơ một cuộc chạy đua hạt nhân, chạy đua vũ trang giữa các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
"Tối hậu thư" không được chấp nhận
Ngày 4-12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước NATO ở Bỉ đã tuyên bố, Mỹ ra thời hạn 60 ngày để Nga tuân thủ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sau khi cáo buộc Moscow vi phạm thỏa thuận nhằm giới hạn các tên lửa có tầm bắn 500-5.500 km ở châu Âu.
"Nga đã đơn phương vi phạm hiệp ước và chúng tôi sẽ chấm dứt nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận sau 60 ngày, trừ khi Nga tuân thủ thỏa thuận một cách toàn diện và có thể kiểm chứng", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Ông Pompeo nói rằng Nga đang có nhiều “tiểu đoàn tên lửa SSC-8”, còn gọi là Novator 9M729, đe dọa khu vực. Ông tuyên bố nếu Nga vẫn không tuân thủ sau 60 ngày, Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF trong vòng 6 tháng. Phía Mỹ cho biết cần phải khôi phục lại thế cân bằng quân sự tại châu Âu nếu Nga không tuân thủ sau thời hạn trên nhưng không tiết lộ chi tiết.
Đáp lại tuyên bố của phía Mỹ, ngày 5-12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moscow vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của INF, và Washington biết rõ điều này. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Mỹ vẫn chưa cung cấp được bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Moscow vi phạm hiệp ước này.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Yuri Shvytkin nhấn mạnh, Moscow chưa bao giờ rút khỏi INF, song nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ phá hủy sự ổn định tại châu Âu, còn các nước trong khu vực sẽ trở thành "con tin của chính sách vô trách nhiệm của Mỹ".
Một lần nữa thế giới lại kỳ vọng Nga và Mỹ sẽ giải quyết khúc mắc liên quan tới vũ khí hạt nhân. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoại trưởng các nước thành viên NATO cũng ban hành một tuyên bố kêu gọi Mỹ có biện pháp gây sức ép ngoại giao cuối cùng đối với Nga trước khi thực sự rút khỏi INF. Trao đổi với báo giới, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng cần bắt đầu chuẩn bị cho khả năng thỏa thuận này đổ vỡ”. Nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ lo ngại, kêu gọi Nga và Mỹ tránh các bước đi đơn phương, làm đổ vỡ hiệp ước có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Lo ngại INF đổ vỡ, Nga khẳng định muốn đàm phán với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova được hãng tin Interfax dẫn lời khẳng định: “Nga tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của INF và phía Mỹ biết điều này”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết, Nga và các nước châu Âu đều lo ngại về tương lai không rõ ràng của INF. Ông Peskov nhấn mạnh, đây là lý do hai bên cần quay lại đàm phán về vấn đề này. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng tuyên bố Nga muốn khôi phục đối thoại đầy đủ với Mỹ về INF”.
Mặc dù thể hiện thiện chí nhưng Nga cũng cảnh báo sẽ có nhiều biện pháp đáp trả nếu Washington rút khỏi hiệp ước. Phía Nga đã có những “chuẩn bị” vô cùng cứng rắn khi đe dọa phát triển vũ khí độc nhất vô nhị nếu Mỹ rút khỏi INF. "Lập trường của Nga là cần tuân thủ và ủng hộ các nỗ lực duy trì hiệp ước INF.
Tuy nhiên, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng hàng loạt biện pháp, trong đó việc tăng tốc phát triển và biên chế các loại vũ khí có một không hai trên thế giới", Sputnik ngày 4-12 dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev. Ông không nói rõ những vũ khí "độc nhất vô nhị" này là gì.
Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới đã bắt đầu từ lâu?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF ký với Nga đã gây ra hàng loạt đồn đoán về những hậu quả tiềm tàng. Phần lớn giới bình luận nhất trí rằng động thái này sẽ có thể kích hoạt một cuộc đua vũ trang tương tự cuộc đua hồi Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đây là một lập luận thừa. Bởi một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ đã diễn ra với sự tham gia của các cường quốc hạt nhân ở các mức độ khác nhau từ trước khi ông Trump đưa ra tuyên bố trên.
Câu hỏi đặt ra là có đúng INF đã lỗi thời? Hiện Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc đang hối hả phát triển vũ khí siêu thanh. Ấn Độ cũng đã sở hữu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có vận tốc đạt Mach 3 (khoảng 3.600 km/h). Thế nên, INF đã trở nên lỗi thời. Và nguy cơ xảy ra cuộc chiến bất ngờ đang gia tăng cao hơn khi căng thẳng Mỹ-Nga và Mỹ-Trung gia tăng, trong khi khủng hoảng quan hệ Trung-Ấn và Ấn Độ-Pakistan dọc biên giới tranh chấp đang làm nảy sinh nhiều phức tạp hơn.
Cùng với việc phát triển vũ khí siêu thanh, quá trình phát triển các loại vũ khí khác cũng đang gây ra những căng thẳng tương tự. Mỹ đang bước vào giai đoạn mới trong quá trình phát triển các loại vũ khí mới như máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-21, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất thế hệ mới và tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (LRSO).
Tổng thống Mỹ Ronald Regan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký INF ngày 8-12-1987. Ảnh: Reuters. |
Không kém cạnh, Nga cũng đang phát triển nhiều loại vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí có năng lực kép như máy bay ném bom siêu thanh tầm trung Tu-22M3M và tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat. Tương tự, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân với tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-41, tàu ngầm hạt nhân Type-096 và máy bay ném bom chiến lược tầm xa Hong-20.
Cuộc đua vũ trang đang diễn ra như vũ bão? Khi Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ thì điều này gây ra tình trạng bất ổn định về an ninh và cũng tạo ra một cuộc đua cạnh tranh ở Ấn Độ cũng như ở Pakistan. Điều trớ trêu ẩn sau những động thái này là mặc dù cuộc đua công nghệ cao là nổi trội song động lực thực sự về đối đầu hạt nhân lại đóng vai trò chủ đạo. Dù đạt được thế cân bằng hạt nhân tại bất kỳ thời điểm nào, song không nước nào muốn là bên khai hỏa đầu tiên vì ngay cả khi xảy ra nguy cơ nhỏ nhoi về việc ném bom hạt nhân vào lãnh thổ của nước nào đó hoặc các lực lượng của nước nào đó thì điều này là không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, điều này còn có thể kích hoạt chuỗi phản ứng khó đoán định với những hậu quả khôn lường. Đó là lý do vì sao Mỹ đã không cố ngăn chặn những năng lực non trẻ của Trung Quốc trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước? Vì sao Liên Xô bị kiềm chế sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc và vì sao Triều Tiên vẫn không bị tấn công bởi sức mạnh hạt nhân của Mỹ ngày nay?
Nhìn vào thực tế này thấy rõ, cuộc đua hạt nhân đã diễn ra để các cường quốc tìm tới sự sự đáp trả cân bằng, ít nhất là trong cuộc khẩu chiến ngoại giao. Tương lai thật khó đoán định. Nếu những căng thẳng chiến lược thực sự bắt đầu thì chắc chắn một cuộc đua vũ trang mới sẽ tiếp tục diễn ra khi các cường quốc cạnh tranh quyền lực để duy trì sự cân bằng ổn định cũng như vị thế của mình trong bối cảnh mới.
Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới giữa các cường quốc đang đặt thế giới vào vòng nguy hiểm. Ảnh: thedrive.com. |
Ý đồ lớn của các nước lớn
Câu hỏi đặt ra là vì sao Mỹ muốn chấm dứt hiệp ước hạt nhân với Nga vào thời điểm này? Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, hiện là chuyên gia phân tích quân sự và ngoại giao của CNN, giải thích rằng, hiệp ước INF “không được thiết kế để giải quyết tất cả các vấn đề giữa Mỹ và Liên Xô” mà là “để cung cấp các biện pháp về sự ổn định chiến lược trên lục địa châu Âu”. Ông nói: “Tôi cho rằng các đồng minh châu Âu bây giờ không ai mừng khi nghe tin Tổng thống Trump muốn Mỹ rút khỏi hiệp ước này”.
Câu hỏi tiếp theo là xung đột Nga - Mỹ liệu có khả năng trở thành chiến tranh hạt nhân. Aleksey Arbatov, chuyên gia về chính sách đối ngoại làm việc tại Viện Kinh tế thế giới và các vấn đề quốc tế, nhận định rằng: “Bất kể xung đột vũ trang nào xảy ra giữa Nga và Mỹ đều có khả năng cao sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân”.
Trong một bài viết đăng trên báo Novaya Gazeta, học giả này đánh giá rằng tình hình hiện nay đang trở nên tồi tệ hơn do xuất hiện “mối đe dọa mới”, có thể được coi là “mối đe dọa nguy hiểm nhất, đó là các thể chế chính trị và quân đội của cả Nga và Mỹ trên thực tế đang tính đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa các lực lượng lục quân và không quân của hai nước”.
Một lần nữa thế giới kỳ vọng Nga và Mỹ sẽ giải quyết khúc mắc liên quan tới vũ khí hạt nhân. Ảnh: The News Chronicle. |
Ông Arbatov cho biết, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu diễn ra, giới lãnh đạo của hai nước đã tiến hành nhiều “cuộc kiểm tra sức mạnh”. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tên lửa Caribbean năm 1962, họ trở nên “cẩn trọng hơn và bắt đầu coi nhau là những đối thủ đáng được cân nhắc, thậm chí hai bên còn tìm kiếm một nền tảng cơ sở để hiểu nhau”.
Theo sự phân tích của các chuyên gia, nguy cơ chiến tranh đang lớn dần, không tuân theo những kịch bản của 40 năm trước mà đây là mối đe dọa phức tạp hơn và khác hoàn toàn về bản chất, tuy nhiên nó hoàn toàn có thật và rất nghiêm trọng. Một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tất nhiên, việc lường trước những hậu quả khốc liệt đã khiến các bên cân nhắc và không dễ gì nó xảy ra một sớm một chiều khi các bên còn “bận” tính tới các lợi ích lớn hơn. Rõ ràng, không bên nào muốn chiến tranh. Mà cái ẩn đằng sau là một thông điệp thực sự về một trật tự thế giới mới đang hình thành.
Vậy thực chất việc Mỹ rút khỏi INF có phải nhằm vào Nga, hay chỉ là kế hoạch nằm trong một chiến lược tổng thể cho phép Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc phát triển những loại vũ khí mà trước đó từng bị cấm trong hiệp ước này.
Các chuyên gia nhận định, tuyên bố của ông Trump khi muốn rút khỏi INF là nhắm vào Trung Quốc đầu tiên: Hiệp ước INF đã thiết lập giới hạn và rào cản đối với cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ. Kế hoạch của Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF đồng nghĩa với việc họ sẽ không bị kiểm soát bởi bất cứ bên nào trong lĩnh vực này và sẽ thoải mái đưa ra các quyết định. Bản chất kế hoạch của Mỹ rút khỏi thỏa thuận này không chỉ là vì Nga hay vì bản thân vũ khí hạt nhân mà trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới, động thái của Mỹ chính là tập trung vào cuộc đua với Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ hiểu rõ, Trung Quốc chưa từng đặt bút ký INF, vốn yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Do vậy, nước này có thể phát triển kho vũ khí quy chuẩn lớn phục vụ cho chiến lược “chống xâm nhập, chống tiếp cận” (A2/AD), chẳng hạn như tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21, với khả năng phá hủy các tàu sân bay từ khoảng cách lên đến 1.500km. Đây là những loại vũ khí mà Mỹ không được phép triển khai. Điều đó đã khiến Mỹ trở nên “tụt hậu” trong cuộc cạnh tranh phát triển hệ thống quân sự nhằm kiểm soát các vùng biển và vùng trời ở tây Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Trong trường hợp xung đột xảy ra, lực lượng chiến đấu trên mặt nước của hải quân Mỹ sẽ gặp bất lợi khi phải chống trả bằng những loại vũ khí có tuổi đời khá lâu, chẳng hạn như sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk hay các loại chiến đấu cơ dễ bị tổn thương, để đối phó với những loại vũ khí nguy hiểm có thể nằm ẩn bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Vì thế, Mỹ cần hệ thống vũ khí mới được sắp xếp theo chiến lược phòng thủ quần đảo của Mỹ sẽ có khả năng ngăn chặn và chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc mà không đặt các loại tàu mặt nước của Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Chưa rõ đây có phải là “thuốc thử” hay không nhưng rõ ràng sự nguy hiểm đã xuất hiện và nước Mỹ, nước Nga hay Trung Quốc đều không muốn mạo hiểm. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã phải đề xuất khả năng tiến hành các cuộc thảo luận trong tương lai với lãnh đạo hai nước Nga và Trung Quốc về những nỗ lực chấm dứt cái mà ông gọi là "một cuộc chạy đua vũ trang không có kiểm soát".