New Zealand: Tân Thủ tướng và quyết sách vì trẻ em nghèo

Thứ Năm, 02/11/2017, 14:47
Chiều ngày 26-10, bà Jacinda Ardern đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng New Zealand sau khi Công đảng của bà ký cam kết cùng đảng New Zealand First thành lập liên minh cầm quyền. Là nữ thủ tướng thứ ba của New Zealand, Ardern được cho là sẽ mang lại diện mạo mới cho đất nước, đặc biệt là vấn đề trẻ em nghèo.

Chính phủ mới ở New Zealand đã được thành lập sau khi Thủ tướng đắc cử Ardern và ông Winston Peters, lãnh đạo đảng New Zealand First, ký cam kết thành lập liên minh cầm quyền vào ngày 24-10. Theo cam kết, sẽ có 4 người của đảng New Zealand First được tham gia các vị trí trong chính phủ liên minh, trong đó ông Peters được giao giữ chức Phó Thủ tướng, đồng thời nắm trọng trách Bộ trưởng Ngoại giao.

4 người còn lại gồm 3 bộ trưởng và một thứ trưởng, phân bổ vào các bộ Quốc phòng, Cơ sở hạ tầng, Phát triển vùng, Thanh - Thiếu niên, và Nội vụ. Peters không là người xa lạ với chính trường New Zealand. Trong giai đoạn 1996-1998, ông từng làm Phó Thủ tướng và trong giai đoạn 2005-2008 là Bộ trưởng Ngoại giao.

Cam kết liên minh cầm quyền đưa ra quyết tâm đảm bảo tất cả người dân New Zealand đều được hưởng sự thịnh vượng của đất nước như nhau, và phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm môi trường. Theo đó, chính phủ mới sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ đô la New Zealand cho phát triển vùng và cam kết trồng mới 1 triệu cây xanh mỗi năm. Ngoài ra, cam kết liên minh còn đưa ra các mục tiêu phát triển khác như hỗ trợ phát triển kinh tế vùng, tăng xuất khẩu và nâng lương, giảm bất công.

Thỏa thuận giữa Công đảng và đảng Xanh bao gồm mục tiêu đến năm 2050, New Zealand sẽ là một nền kinh tế xanh hoàn toàn (hoàn toàn không thải khí độc hại); đẩy mạnh đầu tư vào giao thông thân thiện môi trường như xây dựng các tuyến đường đi bộ, đường dành cho xe đạp; cải cách hệ thống phúc lợi; cam kết bảo vệ 3.000 loài cây và động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Bà Jacinda Ardern và ông Winston Peters cam kết liên minh cầm quyền.

Jacinda Kate Laurell Ardern không là một gương mặt xa lạ trên chính trường cả ở Anh và New Zealand. Năm nay 37 tuổi (sinh năm 1980), Ardern thuộc thế hệ các chính khách trẻ tuổi lên nắm quyền trong vài năm trở lại đây, từ khi Alexis Tsipras của Hy Lạp (lên lãnh đạo lúc 41 tuổi), đến Justin Trudeau của Canada (44 tuổi), Emmanuel của Pháp (39 tuổi) và gần đây nhất là Sebastian Kurz của Áo (31 tuổi), thủ tướng trẻ nhất châu Âu. Ardern là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử 150 năm của New Zealand.

Bà gia nhập Công đảng từ năm 17 tuổi, tham gia làm việc trong chính quyền Công đảng của Thủ tướng Anh Tony Blair trước khi quay về New Zealand làm việc trong chính phủ Công đảng của Thủ tướng Helen Clark. Với những kinh nghiệm chính trị có phần “đa quốc gia” đó, Ardern đã dễ dàng vượt qua các đối thủ vốn mang nặng tư tưởng bảo thủ, cũ kỹ. Những chính sách bà đưa ra giới thiệu và cam kết thực hiện đều mới mẻ, có sức thu hút cử tri cao, nhờ đó giúp bà đánh bại đối thủ nặng ký Bill English của đảng Naitonal.

Với cương vị thủ tướng mới của New Zealand, phát biểu ngay sau khi ký cam kết, bà Ardern cho biết: “Ưu tiên hàng đầu là chúng tôi sẽ khôi phục lại việc tài trợ cho hệ thống y tế nhằm đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận chăm sóc y tế như nhau, bảo đảm tất cả người Kiwi bản xứ được sống trong những ngôi nhà ấm cúng, khô ráo, hành động để giảm nghèo trẻ em và tình trạng vô gia cư, chống đầu cơ nước ngoài, và tăng cường bảo vệ môi trường”...

Một trong những chính sách quan trọng của chính phủ Ardern là “cấm người nước ngoài mua nhà ở New Zealand”. Mục đích của việc cấm này được lý giải là nhằm chống nạn đầu cơ nhà ở do người nước ngoài thao túng, ổn định thị trường nhà ở trong nước, vì giá nhà ở hiện tại của New Zealand quá cao, lên đến gần 600 nghìn USD một căn, ngoài tầm với của nhiều người New Zealand. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng và không gây ra hệ lụy tiêu cực, lệnh cấm chỉ giới hạn ở những người không lưu trú tại New Zealand.

Đáng chú ý nhất là việc bà Ardern cam kết sẽ giải quyết tận gốc vấn nạn lớn nhất của New Zealand hiện nay - trẻ em sống dưới mức nghèo - và tuyên bố bà sẽ đích thân đảm nhận vai trò bộ trưởng giảm nghèo trẻ em. Chống nghèo ở trẻ em là một mục tiêu lý tưởng của cuộc đời Ardern và đó cũng là lý do bà tham gia chính trị, gia nhập Công đảng từ rất sớm.

Ardern nói, bà không thể nào yên lòng khi nhìn thấy trẻ em con nhà nghèo đi học không ăn sáng, chân không mang giày tại vùng Murupara, nơi bà từng sống một phần thời niên thiếu, và chính hoàn cảnh nghèo khó đó đã thức tỉnh ý thức chính trị trong bà.

Tình trạng trẻ em nghèo từ lâu đã là một vấn nạn, nhưng nhiều chính phủ tiền nhiệm chưa xem đó là một vấn nạn quốc gia và chưa quan tâm giải quyết. Chính vì thế đã làm cho tình trạng này trở thành một vấn nạn thật sự, với tỉ lệ gia tăng hằng năm khá cao. Tính đến thời điểm hiện nay, đất nước New Zealand có khoảng 300.000 trẻ em, tăng khoảng 45.000 em so với một năm trước.

UNCEF định nghĩa về trẻ em nghèo ở New Zealand như sau: Là trẻ em sống trong các hộ gia đình có thu nhập dưới 60% mức thu nhập trung bình của cả nước, tương đương 550 đô la New Zealand một tuần, hay 28.000 đô la New Zealand một năm. Trong quá trình tranh cử, Công đảng của bà Ardern đã cam kết sẽ nâng cao mức sống, giảm nghèo và xóa nghèo cho 100.000 trẻ em trước năm 2020, và mục tiêu cuối cùng là xóa tận gốc, vĩnh viễn tình trạng trẻ em nghèo.

Để thực hiện mục tiêu này, Công đảng tuyên bố sẽ chi khoảng 2 tỉ đôla New Zealand trong 4 năm tới để giải quyết vấn nạn trẻ em nghèo, trong đó bao gồm việc chi tiền hỗ trợ các gia đình có nuôi con nhỏ, tăng cường cung cấp chỗ ở và áp dụng chính chế độ nghỉ thai sản 6 tháng rưỡi.

Với những quyết sách nêu trên, chính phủ mới của New Zealand được đánh giá là tiến bộ nhất, bắt kịp với xu hướng phát triển bển vững hiện nay của thế giới.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.