Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trước thách thức an ninh khu vực
- Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhận hối lộ 110.000 USD
- Tội danh mới cho cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản
- Lại bê bối tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Nội các mới của Nhật Bản có 19 thành viên, trong đó những vị trí chủ chốt đa phần là người trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe. Mục đích của đợt cải tổ này là nhằm thúc đẩy và thực thi hiệu quả chính sách kinh tế Abenomics.
Trước đó, bà Tomomi Inada phụ trách những vấn đề chính sách của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) và được đánh giá là chính khách có quan điểm bảo thủ về lịch sử thời chiến.
Tomomi Inada trả lời phỏng vấn của báo chí ở Tokyo. |
Bà Tomomi Inada tốt nghiệp Đại học Waseda năm 1981, bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 1985 và sau đó tham gia chính trường để trở thành nghị sĩ, .là người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử nắm giữ cương vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng sau người tiền nhiệm cùng giới là Yuriko Koike (chỉ ngồi ở vị trí này trong vòng 54 ngày vào năm 2007, nhưng vừa qua đã đắc cử chức Thị trưởng thủ đô Tokyo).
Tomomi Inada được xem là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Abe, cùng chia sẻ với ông về chính sách thời hậu chiến cũng như hiến pháp thời bình (mà một số chính khách bảo thủ coi như là biểu tượng đáng hỗ thẹn của sự thất bại của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh thế giới lần 2).
Tomomi Inada thường xuyên viếng thăm Yasukuni – ngôi đền thờ chiến sĩ tử trận trong Chiến tranh thế giới lần 2 mà chính quyền Hàn quốc và Trung Quốc hiện nay chỉ trích là biểu tượng của chế độ quân phiệt trong hai thập niên 1930 và 1940 của Nhật Bản.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã gọi tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mới 57 tuổi là một “chính trị gia cánh hữu điển hình”, do những chuyến thăm đền Yasukuni cũng như việc bà kêu gọi sửa đổi hiến pháp hòa bình và tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Bản tin của CCTV bình luận: Việc bổ nhiệm bà Tomomi Inada cho thấy “chính sách an ninh của Nhật Bản đang thiên lệch về phe cánh hữu như thế nào”, đồng thời kêu gọi “Trung Quốc cần cảnh giác cao độ trước xu thế này”.
Vùng đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo. |
Sau khi trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng, Tomomi Inada không tuyên bố bà sẽ tiếp tục viếng thăm Đền Yasukuni thường xuyên như trước đây hay không và lập luận rằng, nếu có thì “đó là hành động thuộc về ý thức và cảm xúc cá nhân”. Bà phát biểu với báo chí tại cuộc họp báo hôm 3-8: “Tôi đã trả lời cho câu hỏi này nhiều lần. Đây là vấn đề cá nhân gắn với con tim của tôi. Là thành viên của nội các Thủ tướng Shinzo Abe, tôi sẽ có các quyết định thích hợp”.
Ông Shinzo Abe cũng thường thăm Đền Yasukuni trước khi trở thành thủ tướng nhiệm kỳ 2 bắt đầu từ tháng 12-2012. Ông Abe thăm ngôi đền một lần vào tháng 12-2013 và sau đó ngưng lại do vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí từ Mỹ.
Hiện thời vẫn chưa rõ Inada sẽ xử lý những vấn đề liên quan đến quốc phòng mà Nhật Bản đang phải đối mặt như thế nào - trong đó bao gồm chương trình chuyển dời căn cứ không quân của Hải quân Mỹ Futenma gây tranh cãi bấy lâu nay nằm trên đảo Okinawa đến nơi khác. Quan điểm về lịch sử của Inada cũng làm đau đầu cho Mỹ khi mà Washington đang cố gắng tăng cường hợp tác quốc phòng 3 bên với Tokyo và Seoul để đối phó Trung Quốc.
Giới truyền thông Hàn Quốc ngay lập tức có phản ứng tiêu cực đối với quyết định bổ nhiệm Tomomi Inada vào vị trí lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap tỏ ra lo ngại về sự hợp tác an ninh Mỹ - Nhật - Hàn trong thời gian tới sẽ không còn dễ dàng nữa.
Tờ Joongang Daily của CHDCND Triều Tiên tuy dùng lời lẽ nặng nề cho rằng Inada là chính khách cực hữu song cũng cũng không quên nhắc lại vừa qua bà có nỗ lực cho di dời bức tượng “phụ nữ an ủi” phía trước đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng dự định chi 1 tỷ yên hỗ trợ cho những “phụ nữ an ủi”, những phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản thời Chiến tranh thế giới lần 2, hiện còn sống.
Tomomi Inada nổi tiếng ở Nhật Bản và nước ngoài là người có quan điểm bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt về quá khứ thời chiến của Nhật Bản. Tháng 8-2011, Inada là một trong số 3 chính khách bị từ chối nhập cảnh vào Hàn Quốc sau khi họ có ý định thăm đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) đang tranh chấp giữa 2 quốc gia. Cuộc viếng thăm thất bại này gây căng thẳng giữa chính quyền Nhật – Hàn và cũng là vấn đề gây đau đầu cho đảng LDP đang cầm quyền của Nhật Bản.
Năm 2014, một lần nữa Tomomi Inada lại gây sóng gió trên trường quốc tế sau vụ phơi bày bức ảnh chụp chung bà với Kazunari Yamada – người tự xưng trên blog cá nhân là thủ lĩnh đảng Tân Quốc xã của Nhật Bản! Trung tâm Simon Wiesenthal – tổ chức nhân quyền toàn cầu đặt trụ sở tại thành phố Los Angles (Mỹ) chuyên nghiên cứu về chuyện người Do Thái bị Hitler ra lệnh thảm sát trong Chiến tranh thế giới lần 2 cũng lên tiếng chỉ trích Inada.
Trong khi đó, Inada cho biết bà chỉ gặp gỡ Yamada có 1 lần khi người này hành nghề chụp ảnh cho một tạp chí. Đồng thời, Inada cũng nói thêm rằng bà không hề biết gì về nhóm Tân Quốc xã của Yamada cũng như bà không hề có mối quan hệ nào khác với người này.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2010 mang tựa đề “Watakushi Wa Wo Mamoritai” (Tôi muốn Bảo vệ Nhật Bản), bà Tomomi Inada tích cực quảng bá cho chủ nghĩa bảo thủ ở Nhật Bản. Trong cuộc phỏng vấn của một tạp chí vào năm 2011, Tomomi Inada lập luận rằng, Nhật Bản nên xem xét vấn đề tự vũ trang với vũ khí hạt nhân. Nhưng mới đây khi được đặt câu hỏi về cuộc phỏng vấn này, Tomomi Inada cho biết bà không tin Nhật Bản cần sở hữu vũ khí hạt nhân trong thời điểm này.
Inada giải thích: “Tất cả còn tùy thuộc vào những tình huống trong tương lai, nhưng vào lúc này Nhật Bản không cần phải xem xét tự vũ trang với vũ khí hạt nhân”. Tomomi Inada tin rằng Nhật Bản nên quảng bá cho những cuộc thương lượng quốc phòng với Trung Quốc và Hàn Quốc để bảo đảm an ninh của Nhật Bản cũng như cho toàn bộ khu vực Đông Á.
Tomomi Inada phát biểu: “Trong tình hình hiện nay ở Đông Á, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc. Tuy nhiên, những cuộc thương lượng ở mọi cấp độ khác nhau với Trung Quốc cũng rất quan trọng”.
Ngày 3-8, chỉ vài giờ sau khi bà Tomomi Inada được bổ nhiệm vào nội các, lần đầu tiên Triều Tiên bắn một quả tên lửa đạn đạo rơi xuống vùng gần lãnh hải của Nhật Bản.
Vụ bắn tên lửa đạn đạo này được hiểu như là một màn phô diễn sức mạnh và nắn gân “Bà đầm thép con cháu của Thái dương thần nữ” (trong truyền thuyết Nhật Bản, Thái dương thần nữ là thần hộ mệnh đất nước và dân tộc Nhật Bản, vì thế mà Nhật bản thường được ví von là đất nước mặt trời mọc) là một phần trong chương trình thử nghiệm vũ khí ngày càng khiêu khích của Bình Nhưỡng, biểu thị mối quan hệ giữa các nước ở Đông Bắc Á đang căng thẳng như thế nào, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho đến cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, cụ thể là tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.
Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần nhóm đảo này, buộc Nhật Bản phải thường xuyên điều chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay Trung Quốc. Còn trên phạm vi tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, khu vực này có ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế và hoạt động thương mại của Nhật Bản. Giới quan sát nhận định, trước những diễn biến phức tạp này, bà Inada, sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể xoa dịu được các mối căng thẳng trong khu vực.
Gần đây, thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc bằng cách triển khai tàu chiến đi qua các đảo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông, Nhật Bản đang cung cấp thiết bị và các khóa huấn luyện cho một số nước Đông Nam Á, bao gồm Philippines và Việt Nam.
Sách trắng quốc phòng hằng năm của Nhật Bản công bố hôm 2-8 còn cảnh báo về “những hậu quả khôn lường” nếu Trung Quốc phớt lờ các quy tắc quốc tế sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết không công nhận “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông.
Giới phân tích nhận định rằng, là một người theo đường lối thực tế, bà Inada hoàn toàn đủ sức đối phó với những thách thức trên, bằng cách tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để xử lý những căng thẳng tồn đọng. “Bà ấy tuy có quan điểm dân tộc cứng rắn nhưng là tuýp người thường xuyên lắng nghe nhiều tầng lớp dân chúng. Tôi tin bà ấy sẽ triển khai một chính sách thực dụng”, Bonji Ohara, một học giả từ Quỹ Tokyo, nhận xét.