Nhật Bản cải tổ nội các: Những người cũ mang tới “luồng gió mới”

Thứ Ba, 15/08/2017, 14:00
Cho dù chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chưa thoát khỏi khó khăn sau khi cải tổ nội các, nhưng tỷ lệ ủng hộ của người dân đang tăng lên đã cho thấy bước đi đúng đắn của ban lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Nỗ lực khôi phục uy tín

Sau cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo, tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục sụt giảm, theo cuộc thăm dò ý kiến của tờ “Mainichi Shimbun” thì tỉ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống còn 26%. Thêm vào đó, Thủ tướng Abe còn phải đối mặt với một vụ bê bối khác liên quan đến Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, một đồng minh thân cận của ông Abe, bị cáo buộc che giấu các tài liệu nhạy cảm về hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Ngày 28-7, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Abe phải trả lời chất vấn về vấn đề này trước một hội đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Inada cũng đã từ chức.

Trong bối cảnh dân chúng ngày càng bất mãn và mất lòng tin vào chính phủ, khiến uy tín của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị sụt giảm xuống mức thấp trong lịch sử, ngày 3/8, ông Abe đã tiến hành cải tổ nội các. Đây được coi là nỗ lực của ông Abe nhằm khôi phục uy tín của chính phủ.

Ông Abe đã lựa chọn những nhân vật kỳ cựu để đưa vào nội các mới của ông nhằm né tránh "búa rìu" dư luận, vốn nổi lên từ những vụ bê bối và sai phạm liên quan đến ông Abe và các bộ trưởng của ông. Thành phần nội các cải tổ gồm 19 thành viên, trong đó có 6 gương mặt mới và 2 nữ chính khách. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera và Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa đều từng đảm nhận vị trí này trước đây. Đáng chú ý, bà Seiko Noda, được xem là ứng viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng trong tương lai, trở thành Bộ trưởng Nội vụ.

Ngoài ra, theo trang Japan Times, ông Fumio Kishida chuyển từ vị trí Bộ trưởng Ngoại giao sang làm Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chính sách của LDP. Thay ông Kishida là ông Taro Kono, được biết đến như một chính trị gia thẳng thắn và không ngại chỉ trích đảng cầm quyền. Theo Reuters, ông Kono trước đây là Bộ trưởng Cải cách hành chính và có nhiều mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Vì thế, việc ông Kono được lựa chọn cho vị trí nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản có thể thu hút nhiều chú ý ở cả trong và ngoài nước.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tân nội các tại dinh thủ tướng ngày 3-8-2017.Ảnh: Reuters.

Theo đánh giá của dư luận Nhật Bản, sự thay đổi đáng chú ý nhất trong ban lãnh đạo LDP lần này là việc ông Kishida rời khỏi nội các để đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chính sách của đảng này. Ông Kishida vốn được xem là ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch LDP trong thời kỳ hậu Thủ tướng Abe, vì vậy việc đảm nhận chức vụ quan trọng trong đảng phù hợp với nguyện vọng của ông Kishida chuẩn bị cơ sở cho các nỗ lực tranh cử trong tương lai.

Đối với dư luận Nhật Bản, cuộc cải tổ lần này được xem là động thái nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực vì nó chọn ra một đội ngũ phù hợp để có thể thúc đẩy và thực thi có hiệu quả những tầm nhìn chính sách quan trọng của đất nước. Các nhà quan sát chính trị thì cho rằng ông Abe cũng đang muốn xoa dịu các phe phái trong nội bộ đảng LDP cầm quyền.

Một cuộc thăm dò dư luận của hãng tin Kyodo ngày 4-8 cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã tăng lên 44,4% sau khi ông tiến hành cải tổ một phần nội các. Một cuộc thăm dò ý kiến qua điện thoại trên toàn quốc thực hiện ngày 3 và 4/8 cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các Nhật Bản đã tăng 8,6% so với cuộc thăm dò ý kiến trước đó hồi giữa tháng 7, khi tỷ lệ này giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Shinzo Abe bắt đầu nhậm chức Thủ tướng năm 2012.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Abe rơi vào tình hình khó khăn như hiện nay, bởi có không ít người trong đảng có thái độ hoài nghi đối với chính sách Abenomics (học thuyết kinh tế Abe), đặc biệt là việc sửa đổi hiến pháp. Theo các cuộc thăm dò dư luận, đối với lịch trình sửa đổi hiến pháp năm 2020 của ông Abe, có 66% cho rằng không cần phải gấp như vậy, số tán thành chỉ có 22%. Đối với việc Abe đề xuất đưa lực lượng phòng vệ vào hiến pháp, có 41% phản đối, chỉ có 27% tán thành.

Liệu có đột phá mới trong chính sách với Triều Tiên?

Đối với Chính phủ Nhật Bản, nhiệm vụ cấp bách trước mắt của ngoại giao là ứng phó với tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Hiện chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn thực hiện chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc và Nga lại không tán thành chính sách tăng cường sức ép mà Nhật Bản chủ trương. Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng áp dụng chính sách đối thoại với Triều Tiên, điều này cũng khiến Nhật Bản rất lo ngại.

Trước bối cảnh này, nội các mới của ông Abe có lẽ sẽ tìm kiếm đột phá mới trong chính sách đối với Triều Tiên nhằm thoát khỏi tình hình khó khăn về chính trị trong nước. Chính sách châu Á của Nhật Bản sẽ có xu hướng ôn hòa hơn khi những người có ảnh hưởng đều thuộc phái “bồ câu”.

Cựu Bộ trưởng Phát triển khu vực Shigeru Ishiba và cựu Bộ trưởng Phụ trách cải cách hành chính Taro Kono (lần này làm Bộ trưởng Ngoại giao) đều cho rằng vấn đề sửa đổi hiến pháp vẫn cần phải thảo luận kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định. Ngày càng nhiều người trong đảng bắt đầu công khai bày tỏ sẽ không thúc đẩy vấn đề sửa đổi hiến pháp nữa, Seiichiro Murakami, Gen Nakatani, Fumio Kishida... đều thuộc phe bồ câu (phe ôn hòa) trong đảng, họ đều công khai bày tỏ: bây giờ không phải là lúc sửa đổi hiến pháp.

Itsunori Onodera cũng thuộc phe Fumio Kishida, cộng thêm việc mở rộng của phe Taro Aso, lực lượng phe ôn hòa trong LDP tăng lên. Điều này cho thấy, cuộc bầu cử Chủ tịch LDP năm tới cũng sẽ có khá nhiều người thách thức ông Abe.

Hoa Huyền
.
.