Những câu chuyện đằng sau đám cười Hoàng gia Anh
Ngày 29/4 tới đây, người kế vị thứ hai của Hoàng gia Anh, Hoàng tử William mới chính thức tổ chức hôn lễ với cô dâu Kate Middleton tại Tu viện Westminster Abbey. Tuy nhiên, suốt mấy tháng nay trên các phương tiện thông tin đại chúng nước Anh cũng như toàn thế giới đã tràn ngập những thông tin về đám cưới đình đám này.
Bởi vì theo thông lệ, những đám cưới Hoàng gia Anh luôn thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ bởi mức độ xa hoa mà còn vì sự cầu kỳ và những nghi lễ rắc rối vốn là truyền thống bảo thủ của Hoàng gia xứ sở này.
Những thủ tục cầu kỳ rắc rối
Xứ sở sương mù vốn nổi tiếng với những truyền thống bảo thủ và đầy nghi lễ. Hiển nhiên, một đám cưới của Hoàng gia sẽ cần tuân thủ rất nhiều những quy tắc nghiêm ngặt và phức tạp nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người.
Đạo luật Hôn nhân Hoàng gia Anh năm 1772 quy định: tất cả hậu duệ của Vua George II phải được sự đồng ý của người trị vì thì kết hôn mới hợp lệ. Bởi vậy, trước khi cầu hôn Kate, Hoàng tử William bắt buộc phải xin phép Nữ hoàng. Theo quy định, nếu Nữ hoàng không đồng ý thì hoàng tử có thể cầu viện đến Quốc hội. Hoàng tử vẫn có thể kết hôn nếu từ 25 tuổi trở lên và giành được sự ủng hộ của Quốc hội trong vòng 12 tháng sau quyết định cưới vợ.
Luật Hoàng gia không bắt buộc người hoàng tộc không được cưới dân thường. Mặt khác, lại có luật quy định người Hoàng gia không được cưới những người theo Cơ Đốc giáo chính thống. Bởi vậy, nếu Kate Middleton là người theo Cơ Đốc giáo chính thống và Hoàng tử William nhất quyết muốn lấy cô thì Hoàng tử phải từ bỏ quyền kế vị ngai vàng.
Đồng thời sau khi kết hôn, những người thuộc Hoàng gia Anh thường nhận được danh hiệu mới. Nếu cha của Hoàng tử William, Thái tử Charles kế vị Nữ hoàng Elizabeth, thì William sẽ trở thành Hoàng tử xứ Wales, danh hiệu kế vị ngai vàng theo truyền thống. Khi đó, cô Kate Middleton vợ của hoàng tử, sẽ trở thành Công nương xứ Wales. Tuy nhiên, Kate có thể từ chối danh hiệu này như trường hợp từng xảy ra cách đây vài năm. Khi Thái tử Charles cưới Camila, bà đã nhận danh hiệu Nữ công tước Cornwall thay vì Công nương xứ Wales, bởi danh hiệu này trước đó thuộc về Công nương Diana.
Theo thông lệ, nơi được chọn tổ chức lễ cưới của Hoàng tử William là nhà thờ Westminster Abbey. Tuy nhiên Hoàng tử cũng có thể chọn một địa điểm khác nếu muốn, ví dụ như nhà thờ St. Paul ở London, nơi trước đây Hoàng tử Charles kết hôn với Công nương Diana. Ngoài ra, William cũng có thể lựa chọn nhà thờ St. George Chapel ở Windsor, trước đây từng tổ chức đám cưới cho Hoàng tử Edward - một người con trai khác của Nữ hoàng Elizabeth.
Theo truyền thống thì nhẫn cưới của Kate Middleton và Hoàng tử William sẽ phải dùng đến vàng của xứ Wales. Được biết tục lệ này khởi nguồn từ năm 1923, thời của mẫu thân Nữ hoàng Elizabeth II hiện tại. Nhẫn cưới của mẫu thân Nữ hoàng, tiếp theo đến Nữ hoàng Elizabeth, Công chúa Margaret, Công nương Diana, Công chúa xứ Wales,... đều được làm bằng loại vàng lấy từ cùng một mỏ ở xứ Wales. Hiện nay, mỏ vàng đó không còn nhiều nên vài năm trước Nữ hoàng đã chỉ định một mỏ khác lớn hơn, cấp vàng để làm nhẫn cưới cho các đám cưới hoàng gia trong tương lai.
Hoàng tử William và vị hôn thê Kate Middleton. |
Nghi lễ hoành tráng
Người ta ước tính có khoảng 1.900 vị khách sẽ có mặt tại đám cưới của Hoàng tử William và cô Kate Middleton. Tất cả các thiếp mời đã được gửi đi và theo ước tính hơn nửa số khách là gia đình và bạn bè. Thiếp mời màu trắng có dát chữ vàng đặt trong một phong bì màu nâu nhạt, với tên viết tắt của Nữ hoàng được in màu vàng nổi bật ngay dưới hình vương miện.
Tất cả 1.900 khách mời sẽ được tham dự lễ thành hôn tại Tu viện Westminster, London. 650 người trong số đó sẽ có vinh dự được tham dự tiệc chiêu đãi tại cung điện Buckingham. Ngoài ra còn có một bữa tiệc khác vào buổi tối với khoảng 300 khách là bằng hữu thân cận nhất. Vì thế khi giấy mời tới tay, mọi người sẽ phải mở phong bì ra để biết mình thuộc dạng khách mời nào. Dĩ nhiên, trang phục của các quý ông được yêu cầu là "đồng bộ, áo đuôi tôm hoặc comple".
Theo như thông tin báo giới có được thì khoảng 40 hoàng thân quốc thích nước ngoài tới tham dự. Đại diện của Khối thịnh vượng chung châu Âu cũng sẽ có mặt. Ngoài ra còn có thành phần của các tổ chức từ thiện của William, khối quân sự và thành viên nội các. Còn lại khoảng 1.000 người là bạn bè của cô dâu chú rể. Các nhà lãnh đạo Anh và quốc tế, các chính trị gia cao cấp, các nhân viên từ thiện và những ngôi sao như vợ chồng nhà Beckham nằm trong số những người sẽ có mặt tại lễ cưới tại Tu viện Westminster vào ngày 29/4.
Rất nhiều người có quan hệ với Hoàng tử William cũng có trong thành phần khách mời. Đặc biệt BBC cho biết trong đó có cả những người vô gia cư và các binh lính tham gia cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cùng với Hoàng tử William thời kỳ trước đây cũng sẽ tới dự đám cưới lịch sử này.
Hôn lễ sẽ được cử hành tại Tu viện Westminster và Tổng giám mục vùng Canterbury sẽ làm lễ thành hôn cho cô dâu và chú rể. Hàng ghế đầu tiên sẽ dành cho Nữ hoàng và phu quân, Thái tử Charles và phu nhân, em trai chú rể, đồng thời là phù rể - Hoàng tử Harry. Những vị khách được chọn để chứng kiến đôi uyên ương trao lời thề ước tại lễ đường phản ánh vị trí của Hoàng tử William trong danh sách kế thừa ngôi vị. Họ bao gồm 200 thành viên chính phủ, Quốc hội và các phái đoàn ngoại giao, cộng với 60 thủ tướng và thống đốc thuộc các quốc gia trong Khối thịnh vượng chung. Các vị khách cũng bao gồm 30 thành viên của các lực lượng vũ trang cũng như đại diện của các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo khác.
Để đảm bảo cho đám cưới bạc tỉ này diễn ra hoàn hảo, từ vài tháng nay Hoàng gia Anh đã khẩn trương chuẩn bị tất cả mọi khâu liên quan, từ thiệp cưới, khách mời, váy cưới và mọi thủ tục an ninh cũng như các nghi lễ khác. Có thể cô dâu của Hoàng tử Anh William sẽ mặc váy cưới do Hãng Alexander McQueen may. Chiếc váy cưới lần này cũng được đặc biệt quan tâm bởi xưa nay, chiếc váy trong đám cưới Hoàng gia sẽ định hình cái nhìn của thế giới đối với công nương tương lai. Hình ảnh của công nương sẽ lan đi khắp thế giới. Mọi người sẽ nhắc tới nó trong nhiều năm sau này. Bởi vậy chiếc váy cưới được chọn chắc chắn phải thật sự hoàn hảo và tôn lên cá tính của cô dâu mới Kate Middleton.
Ngày 4/3 vừa qua, Cục Đúc tiền Hoàng gia Anh Royal Mint cũng đã tiết lộ mẫu thiết kế đồng xu chính thức để kỷ niệm lễ cưới của Hoàng tử Anh William và cô dâu Kate Middleton. Được biết hồi năm 1981, cũng chính Royal Mint là cơ quan đã thiết kế và sản xuất các đồng xu để kỷ niệm ngày cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana. Mẫu đồng tiền này có hình Hoàng tử William và Kate Middleton đang nhìn nhau cùng tên của hai người và dòng chữ ghi ngày cưới "29 April 2011" được in xung quanh. Mặt sau của đồng xu in hình Nữ hoàng Elizabeth II. Royal Mint cho biết, mẫu chính thức này đã được cô dâu, chú rể là Hoàng tử William - Kate Middleton và Nữ hoàng Elizabeth chấp nhận trước khi được công bố.
Đám cưới Nữ hoàng Anh Elizabeth và Hoàng tử Phillip năm 1947. |
Thiệp cưới của William và Kate Middleton. |
Những con số kỷ lục
Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tử xứ Wales cho biết, họ rất "lưu tâm tới tình hình kinh tế Anh hiện nay" sẽ sẵn sàng đóng góp vào chi phí đám cưới của Hoàng tử William và Kate Middleton. Theo một số nguồn tin Hoàng gia, con số có thể vượt quá 50 triệu bảng. Cách đây 30 năm, từ năm 1981, đám cưới của Hoàng tử Charles và Công nương Diana đã ngốn một số tiền khổng lồ lên tới 30 triệu bảng, với hàng nghìn cảnh sát và lực lượng vũ trang rải hàng dài trên khắp các con phố để đảm bảo an toàn, hơn 600.000 người đổ về London để theo dõi đám cưới trọng đại này.
Nhiều người vẫn còn ấn tượng về đám cưới trước đây của Charles và Diana. Chỉ riêng việc dùng tới 10.000 viên ngọc trai để đính vào chiếc váy cưới của Công nương Diana cùng 27 chiếc bánh cưới đã đủ thấy sự xa xỉ và tốn kém thế nào. Lần này, tuy không dự kiến tổ chức xa hoa như thế nhưng đám cưới của Hoàng tử William vẫn có thể sẽ làm lu mờ hình ảnh kỷ lục đám cưới của phụ thân bởi mức độ hoành tráng. Tuy nhiên, cả Hoàng tử William và vị hôn thê Middleton đều phải chịu sức ép hạn chế chi phí khi nước Anh đang ở trong thời điểm cắt giảm chi tiêu công, khi mà tình trạng thất nghiệp đang ngày càng gia tăng.
Sarah Haywood, một nhà thiết kế đám cưới nổi tiếng cho biết, chi phí cho việc tiếp tân, thiếp mời, váy cưới của cô dâu và các thiết bị trang hoàng khác dự kiến sẽ lên tới 10 triệu bảng. Tuy nhiên, số tiền đó không đáng kể gì so với chi phí cho cảnh sát và lực lượng đảm bảo an ninh. Lãnh đạo và Hoàng gia nhiều nước trên thế giới chắc chắn sẽ được mời tham dự lễ cưới cùng với hàng trăm nghìn người dân Anh, đòi hỏi công tác an ninh phải được chuẩn bị sẵn sàng từ hàng tháng trước với có sự tham gia của lực lượng bảo vệ Hoàng gia, các đội đặc nhiệm, cảnh sát có vũ trang, bảo vệ yếu nhân...
Nếu đám cưới được tổ chức ở Westminster Abbey, rất nhiều người sẽ được huy động để dọn dẹp từ đêm hôm trước và trang hoàng cho thành phố lộng lẫy nhất có thể. Được biết, chỉ riêng chi phí cho công việc vệ sinh và trang hoàng này đã lên tới 40 nghìn bảng (tuy nhiên sẽ chả thấm tháp gì nếu so sánh với chi phí dọn dẹp trong đám tang Công nương Diana là 300 nghìn bảng). Jenny Jones, một cảnh sát London cảnh báo rằng, sự kiện hoành tráng này sẽ là một "cơ hội tuyệt vời" cho bọn khủng bố. Chính vì thế mà công tác an ninh sẽ được đặt ưu tiên hàng đầu.
Nước Anh được lợi gì?
Bên cạnh những con số chi phí khổng lồ như vậy, thực ra nền kinh tế Anh cũng sẽ thu lợi một khoản không nhỏ. Ngành du lịch nước Anh lần này hy vọng sẽ thu hút không chỉ khách du lịch tới London mà còn tới cả những địa điểm hoàng thất khác trên toàn nước Anh. Cùng với sự bùng nổ du khách, hàng loạt dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, món ăn, đồ lưu niệm... cũng sẽ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Ước tính, riêng ngành du lịch sẽ thu lời được 216 triệu bảng. Và thêm các khoản lợi nhuận từ số hàng hóa, thực phẩm và đồ lưu niệm bán ra sẽ tăng thêm 404 triệu bảng nữa.
Như vậy, lợi nhuận mà kinh tế Anh thu về từ đám cưới Hoàng gia xa hoa này ước tính vào khoảng 620 triệu bảng (tương đương 990 triệu USD). Quả thật, đó là những con số "khủng" nhất từng có trong các đám cưới nổi tiếng trên thế giới mà người ta khó tưởng tượng được. Chưa hết, sự phô trương và rùm beng của đám cưới hoàng tộc này trước con mắt thần dân Anh cũng như cả thế giới một lần nữa sẽ tôn vinh và quảng bá hình ảnh một Hoàng gia tiếng tăm, hào nhoáng độc nhất vô nhị