Những thăng trầm của ngành tình báo Pháp

Thứ Ba, 24/01/2006, 09:47

Tuy được xem là hai đơn vị chủ lực của ngành tình báo Pháp, nhưng giữa Tổng cục An ninh hải ngoại (DGSE) và Tổng cục An ninh nội địa (DST) luôn xảy ra cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", chủ yếu là từ các tranh chấp về nghề nghiệp.

Ngành tình báo Pháp bao gồm 3 cơ quan quan trọng là Tổng cục An ninh hải ngoại (DGSE), Tổng cục An ninh nội địa (DST) và Tổng cục An ninh quốc phòng (DRM). Trong khi DRM là cơ quan tình báo chuyên ngành thì DGSE và DST là hai cơ quan tình báo tổng hợp, bao quát về mặt tình báo hải ngoại và phản gián. Vì vậy khi nói đến tình báo Pháp, người ta thường nghĩ đến hai cái tên DGSE và DST, cũng giống cái tên KGB của tình báo Liên Xô trước đây, CIA hay NSA của Mỹ, MI-6 và MI-5 của Anh...

Tiền thân của DGSE hiện nay là một cơ quan tình báo có tên gọi Cơ quan thu thập thông tin tình báo hải ngoại và phản gián (SDECE) được hợp nhất vào tháng 11/1946 từ Cục Thu thập thông tin và Hành động trung ương (BCRA) thành lập vào năm 1942 bởi Lực lượng kháng chiến Pháp (FFF) và Cục Hành động đặc biệt (DGSS) tại Algérie vào tháng 11/1943. Nhiệm vụ lúc đầu của SDECE là phòng chống các hoạt động của cộng sản tại Pháp, tại châu Âu và tại chiến trường Đông Dương. Tuy nhiên, những thất bại liên tiếp về nghiệp vụ tình báo của SDECE trên chiến trường Đông Dương mà nhất là tại Việt Nam đã khiến cho tướng Jacques Soustelle, Giám đốc đầu tiên của SDECE phải từ chức vào tháng 12/1947, chỉ sau có một năm nắm quyền.

Đến năm 1958, SDECE được giao thêm nhiệm vụ thâm nhập phá hoại các hoạt động giải phóng Algérie của Mặt trận giải phóng quốc gia Algérie (FLA). Dưới sự chỉ đạo của tướng Grossin, Giám đốc SDECE từ năm 1957, SDECE đã phá vỡ được các đường dây buôn lậu vũ khí cung cấp cho FLA để chống lại sự chiếm đóng của Pháp. Năm 1959, SDECE đã thành công trong triển khai điệp vụ Bleuiite nhằm chia rẽ hai nhóm dân tộc quan trọng của Algérie là Wilayat và Kabylie làm suy yếu và gây mất đoàn kết trong nội bộ FLA. Ngược lại, SDECE lại gặp thất bại trong điệp vụ Si Solah nhằm gây bất hòa giữa hai tổ chức Mặt trận giải phóng quốc gia Algérie và Mặt trận giải phóng quốc gia Tunisie. Cũng từ cuộc chiến tranh tại Algérie mà nội bộ của SDECE đã xâu xé lẫn nhau để tranh giành quyền lực và đã làm suy yếu cơ quan tình báo này nghiêm trọng.

Là nắm đấm tình báo quan trọng dưới thời Tổng thống De Gaulle, SDECE phải hoàn thành tốt ba nhiệm vụ là cảnh giác với sự lấn sân của tình báo Mỹ, chống lại Liên Xô và các quốc gia XHCN, theo dõi từ xa sự bành trướng của tình báo Israel. Để hạ uy tín của SDECE trên đấu trường tình báo quốc tế, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã dàn dựng sự cố về một điệp viên SDECE tên Thyraud de Vosjoly làm việc cho tình báo Liên Xô nhưng lại được phát hiện bởi CIA. Thế nhưng, sự thật Vosjoly là một điệp viên nội ứng của CIA cài vào SDECE nhưng bị chính CIA vắt chanh bỏ vỏ sau khi không còn hữu dụng.

Năm 1965, sau vụ tai tiếng có liên quan đến SDECE về vụ bắt cóc chính trị gia người Maroc, Ben Barka, ngay tại thủ đô Paris, Tổng thống De Gaulle quyết định thanh lọc và cải tổ lại hoạt động của SDECE. Nhưng cuộc cải tổ quyết liệt nhất chỉ thực sự xảy ra dưới thời tướng Alexandre de Marenches làm giám đốc SDECE.

Được Tổng thống Georges Pompidou bật đèn xanh, tướng  De Marenches đã giải tán 4 trong tổng số 12 ban của SDECE, cho chuyển công tác đến 1/5 quân số. Dưới thời Tổng thống Valéry Giscard D'äEstaing, SDECE lại được giao thêm nhiệm vụ tình báo đối với thế giới Hồi giáo.

Năm 1982, khi ông Fançois Mitterrand lên làm tổng thống, SDECE lại phải chịu sự cải tổ lớn lần thứ hai bằng việc thay đổi cả tên gọi DGSE lẫn quy chế hoạt động. DGSE là cơ quan chuyên làm nhiệm vụ tình báo hải ngoại. Chỉ từ năm 1982 đến năm 2005, đã có 14 giám đốc thay nhau điều hành hoạt động của DGSE. Đây cũng chính là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của DGSE khiến cơ quan tình báo này trở thành đối trọng tầm cỡ với các cơ quan tình báo lớn trên thế giới như CIA của Mỹ, KGB của Liên Xô và FSB của Nga sau này, MI-6 của Anh, BND của Đức...

Thế nhưng đây cũng là giai đoạn mà DGSE gặp phải những tai tiếng cũng tầm cỡ không kém  như thất bại của điệp vụ Satanic (đánh đắm tàu Rainbow Warrior của Tổ chức Hòa bình xanh tại New Zealand vào năm 1995), thất bại của điệp vụ Sơn Dương (lật đổ chính quyền hiện hữu tại Angola để thành lập một chính quyền thân Pháp).

Vào thời kỳ Chiến tranh lạnh, DST tập trung vào nhiệm vụ chống lại thâm nhập của tình báo Liên Xô và các quốc gia XHCN vào lãnh thổ Pháp. Năm 1949, với việc phát hiện sự thất thoát của các tài liệu mật liên quan đến hoạt động của quân đội Pháp tại chiến trường Đông Dương vào tay Việt Minh, và đã tạo nên một vụ tai tiếng chính trị nhắm vào Bộ Quốc phòng Pháp đã khiến cho các tướng Revers và Mast, phải từ chức.

So với DGSE, thì các chiến công và thất bại của DST là rất rõ ràng. Chẳng hạn như vụ bắt giữ George Paques, một quan chức của Pháp làm việc tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) về tội làm điệp viên nội gián cho Liên Xô từ năm 1943. DST còn đóng vai trò quyết định trong việc giúp tình báo Tây Đức bắt giữ Gunther Guillaume, một điệp viên Đông Đức làm cố vấn cho Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt vào năm 1974.  Tuy nhiên điểm yếu nhất của DST là không ngăn được sự phát triển của các hoạt động tình báo nước ngoài trên lãnh thổ Pháp.

Quân số hiện nay của DST vào khoảng 1.000 nhân viên, chủ yếu của ngành cảnh sát. Giám đốc hiện nay của DST là thanh tra Pierre de Bousquet de Florian.

Tuy được xem là hai đơn vị chủ lực của ngành tình báo Pháp, nhưng giữa DGSE và DST luôn xảy ra cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", chủ yếu là từ các tranh chấp về nghề nghiệp. Nhiều giai đoạn sóng gió đã xảy ra trong mối quan hệ giữa DST và DGSE đã trở thành tai tiếng khiến chính phủ phải trực tiếp can thiệp, như vụ theo dõi, điều tra, trấn áp các tổ chức đòi tự trị cho đảo Corse. Có thời gian cả DST và DGSE cùng hoạt động trên địa bàn đảo Corse và đã gây không ít xung đột với nhau đến nỗi Yves Bonnet, Giám đốc DST phải đệ đơn từ chức vào năm 1999. Cuối cùng, đích thân Tổng thống Jacques Chirac phải can thiệp bằng cách giao địa bàn đảo Corse cho DST và lệnh cho DGSE ngừng tất cả các hoạt động tại đây từ năm 2002

Văn Hòa (Theo Historia)
.
.