Những vụ bê bối rung chuyển chính trường Israel
- Israel huy động 10.000 cảnh sát cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
- Yair Lapid, nhân tố mới lạ trên chính trường Israel
Hoãn điều tra để đón Tổng thống Donald Trump
Mặc dù đã có thông báo tạm dừng cuộc điều tra liên quan đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để tập trung cho kế hoạch đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến chuyến thăm sẽ diễn ra vào cuối tháng này, song câu chuyện chính trường Israel không vì thế mà hạ nhiệt.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu, vẫn luôn khẳng định mình vô tội, trên thực tế ông đã phải điều trần liên quan tới 2 vụ việc được cho là liên quan đến tham nhũng, hối lộ khác nhau.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Trong vụ thứ nhất (Case 1000), ông Netanyahu bị nghi ngờ đã nhận vài món quà từ một doanh nhân bên kia bờ Đại Tây Dương, cụ thể là Mỹ. Món quà cáo buộc là xì gà cho bản thân ông Netanyahu và rượu champagne cho bà Sara, vợ ông. Vụ việc chủ yếu xoay quanh mối quan hệ giữa ông Netanyahu và tỉ phú, nhà sản xuất phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood Arnon Milchan.
Tuy nhiên, ông Netanyahu đã chỉ trích mọi lời cáo buộc, gọi đó là "những nỗ lực lật đổ chính phủ của ông theo cách phi dân chủ". Ông Netanyahu lặp đi lặp lại khẩu ngữ như một câu thần chú trong suốt quá trình điều tra rằng "sẽ không có gì bởi vì chẳng có gì cả".
Nir Hefetz, Giám đốc Thông tin và Truyền thông của gia đình ông Netanyahu cho rằng việc "hai người bạn có mối thâm giao tới 17 năm (ý nói ông Netanyahu và Arnon Milchan) tặng nhau một vài điếu xì gà liệu có đáng để nhắc đi nhắc lại trong các phiên điều trần như thế hay không?". Và theo lời Nir Hefetz thì "rõ ràng trong những phiên điều trần vừa qua đã chẳng có cuộc điều tra nào được mở rộng cũng như đem lại kết quả" và rằng "sự thân tình giữa 2 gia đình là một sự thật rõ ràng và không thể phủ nhận".
Còn người phát ngôn của ông Milchan, Ronen Tzur thì cho rằng ông ta không quan tâm và không bình luận gì về những báo cáo nói trên, bất kể chúng là "thật hay giả hay hoàn toàn là tưởng tượng".
Nhiều tháng sau, vụ việc thứ hai, được gọi là Case 2000, liên quan đến những cuộc hội thoại của ông Netanyahu với Arnon Mozez, chủ bút của một trong những tờ báo hàng đầu của Israel, tờ Yedioth Ahronoth, một tờ báo thường xuyên chỉ trích Thủ tướng.
Trong đoạn hội thoại mà bản bóc băng bị rò rỉ bởi giới truyền thông Israel, ông Netanyahu được cho là đã thảo luận về những giới hạn được khoanh vùng xung quanh việc sắp xếp trang bìa của tờ Yedioth Ahronot theo hướng có lợi cho ông. Cả ông Netanyahu và Mozes đều chối bỏ điều này và cho rằng cuộc nói chuyện chẳng có gì nghiêm trọng, thay vào đó, cả hai đều cho rằng họ đang cố giãi bày cho nhau về những hiểu lầm trước đây mà thôi.
Cuộc điều tra bắt đầu từ hồi cuối hè năm ngoái trước khi trở thành một cuộc điều tra hình sự hồi đầu tháng 1 năm nay bởi Chánh án Tòa Tối cao Israel Avichai Mandelblit, một người luôn có tư tưởng chỉ trích ông Netanyahu, có vẻ như sẽ còn nhiều diễn biến tiếp theo.
Cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon. |
Còn theo Giám đốc Cảnh sát quốc gia Israel Roni Alsheikh, các điều tra viên đang đi gần tới sáng tỏ vụ việc, rằng họ sẽ sớm công bố bằng chứng rằng liệu Thủ tướng có thực sự liên lụy hay không.
Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình vào thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Netanyahu từng phải đối mặt với các vụ điều tra bê bối liên quan đến hối lộ khác.
Tuy nhiên, với vụ Case 1000 thì có vẻ như cảnh sát đã có đủ bằng chứng để dựng thành cáo trạng. Bất chấp điều đó, một nguồn tin thân cận với ông Netanyahu cho CNN hay rằng người này tin rằng, Chánh án Tòa Tối cao cũng sẽ quyết định không công bố hồ sơ, dựa trên nền tảng rằng khó có thể chứng minh được những gì mà nhà tài phiệt Milchan đạt được thông qua vụ "đổi chác" đó, nghĩa là những lợi lộc mà nhà tài phiệt Hollywood có thể nhận được từ những món quà biếu.
Cuộc điều tra hiện đang do Liat Ben-Ari, một công tố viên nổi tiếng nghiêm khắc, người đã từng điều tra vụ án tham nhũng của cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert. Ben-Ari hiện là người đứng đầu Cục Điều tra tội phạm tài chính của Văn phòng Bộ Tư pháp tại Tel Aviv. Trong vụ việc trước đây, kết quả điều tra của Olmert đã cung cấp chứng cứ trước tòa khiến cho cựu Thủ tướng Olmert phải chịu án 6 năm tù giam, mặc dù sau đó tòa tuyên giảm xuống còn 18 tháng.
Theo luật pháp Israel, thủ tướng đương nhiệm sẽ chưa cần phải từ chức nếu bị buộc tội. Thủ tướng chỉ phải từ chức nếu bị kết án và bản án vẫn được giữ nguyên sau khi đã kháng án. Tuy nhiên, việc buộc tội sẽ gây ra làn sóng phản đối dữ dội cũng như sức ép chính trị ghê gớm và nhiều khi khiến người đứng đầu đất nước không thể gánh vác được trách nhiệm và phải đi đến từ chức.
Bộ trưởng Nội vụ Israel Aryeh Deri trả lời báo chí sau khi mãn hạn tù bên ngoài nhà giam Ma'asiyahu năm 2002. |
Chính trường chao đảo
Trong suốt 20 năm qua, các Thủ tướng của Israel đều từng trở thành chủ thể trong các cuộc điều tra, bao gồm các ông Ehud Olmert và ông Ariel Sharon. Đó là chưa kể nhiều bộ trưởng nội các, các thành viên nghị viện và các thị trưởng các thành phố lớn cũng dính líu đến những vụ việc tương tự và bị điều tra.
Các cuộc điều tra hầu hết đều rơi vào tay Lahav 433, một đơn vị chuyên biệt chống tham nhũng thuộc cảnh sát Israel có chức năng điều tra cả quan chức và công dân Israel. Lahav 433 có cả chức năng điều tra các loại tội phạm có tổ chức.
Nhắc lại một chút, lần đầu tiên ông Netanyahu phải "làm việc" với Lahav 433 là vào năm 1997, trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình, ông đã từng bị điều tra về những cáo buộc liên quan đến gian lận và lạm dụng tín nhiệm. Ông Netanyahu lúc bấy giờ bị buộc tội đã bổ nhiệm cán bộ một cách có thiên vị, có lợi cho liên minh chính trị của mình. Cảnh sát lúc bấy giờ đưa ra cáo buộc, nhưng các công tố viên từ chối việc kết tội.
Hai năm sau đó, ông Netanyahu lại bị cáo buộc gian lận. Lần này liên quan đến khoản đấu thầu cấp chính phủ. Như lần trước, ông cũng không bị kết tội. Ông Nentanyahu khẳng định không làm sai và cam kết sẽ không từ chức, như một cách khẳng định sự vô tội của mình.
Cựu Thủ tướng Ariel Sharon thì từng bị cáo buộc nhận hối lộ hàng trăm ngàn đô la vào cuối những năm 1990 trong một vụ việc được gọi tên là "Vụ đảo Hy Lạp". Các công tố viên đưa ra lời buộc tội ông Sharon, nhưng Chánh án Tòa Tối cao lại cho rằng thiếu chứng cứ.
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đón chào Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và vợ, bà Sara khi đến Nhà Trắng ngày 15-2-2017. |
Lời buộc tội được đưa ra chỉ đích danh David Appel, một thương gia người Israel, đã hối lộ ông Sharon và sau đó, theo các nguồn tin, khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, đã giúp Appel thắng thầu dự án tại Hy Lạp.
Cựu Thủ tướng Ehud Olmert cho đến nay là người duy nhất bị kết án và phải ngồi tù 19 tháng vì tội gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong vụ bê bối được gọi tên là "Vụ miền đất thánh". Ông Olmert bị kết án năm 2012 vì tội nhận hối lộ liên quan đến dự án nhà ở tại Jerusalem, nơi ông từng đảm trách chức vụ thị trưởng trước khi trở thành thủ tướng.
Đến năm 2015 Olmert lại bị kết án nhận hối lộ trong một bê bối nhận phong bì tiền mặt khác được gọi tên là "Vụ Talansky", liên quan đến một doanh nhân người Mỹ tên là Morris Talansky.
Trở lại ngoạn mục
Trường hợp đặc biệt duy nhất có lẽ thuộc về ông Aryeh Deri (Aryeh Makhlouf Deri). Ông Deri là một trong những thành viên sáng lập đảng Shas, từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Phát triển vùng Negev và Galilee; thành viên nội các an ninh Israel và trước đó là Bộ trưởng Kinh tế. Năm 1999, khi đang là Bộ trưởng Nội vụ, Aryeh Deri bị cáo buộc đưa hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm.
Vụ việc của ông Deri kéo dài dai dẳng trên chính trường Israel và sau đó, tòa kết án ông Deri 3 năm tù giam, thực tế mất 2 năm thi hành án. Sau khi hết án, năm 2012, thông qua bầu cử, ông Deri trở lại vị trí lãnh đạo đảng Shas, quay lại chính trường một cách ngoạn mục và cũng là người duy nhất từng bị kết án làm tới chức Bộ trưởng Nội vụ Israel.
Một trong những trường hợp quan chức cao cấp khác dính líu tới cáo buộc bê bối là Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman. Ông Lieberman là một chính trị gia Israel gốc Nga, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Ngoại giao; Bộ trưởng Hạ tầng quốc gia; Bộ trưởng Vận tải; Phó Thủ tướng. Những lời buộc tội ông Lieberman liên quan đến các hoạt động đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài, bao gồm việc ông nhận hàng triệu se-ken khi đang là thành viên nghị viện...
Luật pháp Israel không cho phép thành viên nghị viện nhận bất cứ khoản chi trả, thù lao nào ngoài lương của họ. Những tên tuổi cụ thể liên quan đến cáo buộc ông Liebermen đã được đưa ra song có vẻ như ông đã vượt qua được hầu hết những rắc rối và cho rằng đó chỉ là những mưu đồ xấu nhằm vào ông. Tuy nhiên, việc cáo buộc là có thật và ông đã từng nhiều lần phải trải qua điều trần và thẩm vấn của nhà chức trách nước này, thậm chí có lúc ông đã phải tuyên bố từ chức khi đang là Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 12-2012.
Phiên tòa xét xử những cáo buộc ông Lieberman kết thúc với việc ông được tuyên bố trắng án. Và chỉ 5 ngày sau khi tòa tuyên án, Avigdor Lieberman đã trở lại vị trí Bộ trưởng Ngoại giao ngay khi nội các Israel bỏ phiếu tán thành. Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ 1 ngày trước đó.