Chuyến thăm Anh của Tổng thống Nicolas Sarkozy:

Nỗ lực khôi phục quan hệ láng giềng thân thiện

Thứ Hai, 07/04/2008, 16:45
12 năm sau chuyến viếng thăm của người tiền nhiệm Jacques Chirac tới thủ đô nước Anh, hôm 26/3 vừa qua, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp lại đặt chân tới London trong một chuyến đi lịch sử với mục đích quan trọng hàng đầu là xây dựng mối "quan hệ anh em Pháp - Anh mới", vốn đã bị sứt mẻ không ít kể từ khi cuộc chiến Iraq nổ ra...

Ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Heathrow của thủ đô London, Tổng thống Sarkozy cùng phu nhân Carl Bruni đã được Thái tử Charles ra chào đón ngay tận cầu thang máy bay.

Thủ tục đón tiếp trọng thị này phần nào cho thấy sự quan tâm của giới lãnh đạo cũng như của công chúng Anh đối với chuyến thăm chính thức đầu tiên của nguyên thủ quốc gia láng giềng trong vòng 12 năm qua.

Không có gì ngạc nhiên khi chương trình hoạt động trong suốt 36 giờ của Tổng thống Sarkozy trên đất Anh đã được tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất - bắt đầu từ việc đặt vòng hoa tại ngôi mộ người lính vô danh trong Tu viện Westminster; tiếp đó là thủ tục hiếm có đối với các vị khách nước ngoài khi có bài phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Anh; những cuộc gặp gỡ riêng với các thủ lĩnh phe đối lập; tiệc tối và nghỉ ngơi tại lâu đài Windsor.

Trong chương trình rất dày đặc của ngày tiếp theo, sau thủ tục đặt hoa tại đài tưởng niệm tướng Charles De Gaulle và gặp gỡ với các cựu chiến binh Pháp đang sống tại London, Tổng thống Sarkozy sẽ tới số 10 phố Downing để hội đàm với Thủ tướng Gordon Brown.

Với một loạt kỳ vọng được đặt ra từ trước chuyến viếng thăm, nguyên thủ của cả hai nước đã bàn bạc về một loạt vấn đề như tình hình trên các thị trường tài chính thế giới, hợp tác đấu tranh chống nạn nhập cư trái phép, hợp tác về năng lượng hạt nhân cũng như  tình hình tại Afghanistan, nơi Paris đang lập kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của mình - một trong những bước đi nhằm xích lại gần hơn với NATO theo như Pháp đã hứa hẹn.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực kinh tế, nước Pháp với ưu thế hàng đầu về năng lượng hạt nhân (nơi có tới 80% số điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân) đang hy vọng sẽ ký được nhiều hợp đồng xây dựng những nhà máy này ở Anh.

Nhưng rõ ràng, đề tài quan trọng nhất trong chuyến thăm này chính là những triển vọng chính trị song phương. Trong bài trả lời phỏng vấn Hãng tin BBC của Anh ngay trước chuyến đi, Tổng thống Sarkozy tuyên bố, đã đến lúc phải xóa bỏ tình trạng thiếu tin cậy lẫn nhau trong thời gian qua chủ yếu của 2 người đứng đầu Chirac và Tony Blair, giữa Paris và London, xoay quanh vấn đề Iraq.

“Tôi muốn một mối quan hệ anh em thân thiện mới giữa Pháp và Anh. Tôi muốn để chúng ta trở thành những đồng minh lịch sử và những người bạn đúng ý nghĩa” - đương kim Tổng thống Pháp đã phát biểu rất hào hứng như vậy về tương lai của mối bang giao giữa hai nước.

“Hâm nóng” quan hệ song phương cũng là đề tài chính trong bài diễn văn được Tổng thống Pháp trình bày trước lưỡng viện Anh. Trong bài diễn văn này, ông Sarkozy đã nhắc tới lịch sử cả ngàn năm về quan hệ láng giềng giữa hai nước, với những cuộc chiến tranh và bất đồng nhiều không kém gì những thời điểm hợp tác và hữu nghị.

Theo đánh giá của các chuyên gia, “cú bắt tay mới qua eo biển Manche” này sẽ giúp làm giảm bớt vai trò của “liên minh Pháp - Đức”, một thực tế từ lâu được coi là “không hợp nhãn” đối với London.

Trong khi với sự giúp đỡ của Anh, người Pháp hy vọng sẽ củng cố ý tưởng cũ về một quan hệ hợp tác quân sự của riêng châu Âu, nơi Paris muốn có được vị thế và ảnh hưởng nổi bật hơn để có thể cạnh tranh với sự thống trị của Mỹ trong NATO.

Paris cũng mong muốn tác động của London trong nỗ lực kêu gọi cải tổ Liên minh châu Âu (EU), mà một trong những chủ đề nóng đang được Pháp quan tâm chính là phải thay đổi chính sách nông nghiệp chung của khối này.

Đáng chú ý là một phần quan trọng trong cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Anh - Pháp đã diễn ra ngay tại sân vận động Emirates của Câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Arsenal.

Lựa chọn này cũng có ý nghĩa riêng, khi câu lạc bộ của thủ đô London có trong đội hình của họ nhiều cầu thủ Pháp, và huấn luyện viên hàng đầu của họ - Arsene Wenger - cũng là một người Pháp.

Thủ tướng Gordon Brown và phu nhân cùng vợ chồng Tổng thống Sarkozy trước dinh Thủ tướng Anh tại số 10, phố Downing.

Ngay sau cuộc gặp này, nguyên thủ cả hai bên đã cùng tham gia một cuộc họp báo chính thức. Tại đây, Thủ tướng Brown đã tuyên bố về một loạt biện pháp trong tương lai nhằm tăng cường và củng cố mối quan hệ London-Paris.

Một trong số này là hai bên thỏa thuận sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh song phương và cùng thống nhất về quan điểm trong những lần bỏ phiếu nhằm cải tổ các tổ chức quốc tế (trước mắt là gợi ý nên có một đại diện thường trực của châu Phi trong Hội đồng Bảo an).

Thủ tướng Anh cũng tiết lộ về thỏa thuận mới đạt được về một sáng kiến hợp tác Anh - Pháp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cho khoảng 16 triệu trẻ em tại châu Phi.

Với tuyên bố của cả hai nguyên thủ luôn mong muốn và phấn đấu cho một kỷ nguyên hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước, quan hệ Paris - London sẽ bước sang một giai đoạn nồng ấm mới

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.