Nội các tỉ đô của ông Donald Trump
- Tổng thống Trump dọa ngừng chương trình nghìn tỷ của Lầu Năm Góc
- Dư âm những cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử D.Trump
Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tổng thống đắc cử Donald Trump đang quan tâm đến Rex Tillerson. Hôm Thứ bảy 10-12, ông Trump đã đến gặp ông Tillerson lần thứ hai trong vòng một tuần. Các nguồn tin từ trong đội ngũ ban chuyển tiếp của ông Trump cho báo chí biết ông Tillerson chính là chọn lựa hàng đầu cho chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Thông tin rò rỉ về Tillerson xuất hiện ngay sau khi báo chí đưa tin rầm rộ tuyên bố mới nhất của CIA về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 vừa qua. Trump đã có màn “khẩu chiến” khá căng thẳng với các quan chức CIA xung quanh thông tin báo chí đăng. Có vẻ như thông tin rò rỉ về ứng viên Tillerson cho ghế Ngoại trưởng được đưa ra nhằm mục đích tô đậm thêm dư luận về mối quan hệ giữa ông Trump với Tổng thống Nga Putin vốn đã được giới chính khách và truyền thông Mỹ tung ra trong giai đoạn vận động tranh cử suốt năm 2016.
Sự phản bác của ông Trump không phải nhằm bác bỏ việc ông có “cảm tình” với Tổng thống Putin, mà nhằm bác bỏ luận điệu rằng mối quan hệ đó có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử giúp ông giành chiến thắng.
Ngoài vấn đề chính trị, việc Trump bổ sung Tillerson vào danh sách nội các dự kiến sắp tới được dư luận chú ý bởi “túi tiền” của ông này cũng khá rủng rỉnh, không thua kém các đồng nghiệp đến trước, bởi ông là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil của Mỹ.
Theo tạp chí Forbes, tổng giá trị tài sản ròng (sau thuế) của Tillerson hiện tại vào khoảng 171 triệu USD, chưa kể các tài sản khác, thu nhập từ lương chưa thống kê và giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán.
Tom Price, Rex Tillerson và tỉ phú Wilbur Ross. |
Từ khi đắc cử tổng thống và bắt tay vào xây dựng nội các, ông Trump đã khiến giới truyền thông Mỹ thường xuyên chú ý bởi cách chọn người không theo cách làm truyền thống, không dựa vào nền tảng chính trị truyền thống mà chủ yếu là dựa vào nhãn quan cá nhân, vào năng lực của người được chọn mà ông thấy là có thể phục vụ tốt nhiệm vụ mà ông giao phó.
Đặc biệt, điểm nổi bật của các nhân sự dự kiến cho nội các mới của ông Trump là họ đều là những người giàu có, túi tiền rủng rỉnh từ vài chục triệu cho đến vài tỉ USD. Trong hơn một tháng qua, không ít lần báo chí, truyền thông đã gọi nội các mới của ông Trump là “nội các tỉ đô”, hay “nội các tỉ phú”.
Bản thân ông Trump là người phát pháo cho “nội các tỉ phú” của mình. Theo thống kê của tạp chí Politico, tổng giá trị tài sản ròng thời điểm hiện tại của ông Trump là khoảng 3,7 tỉ USD. Chưa đầy một tháng sau khi đắc cử, Trump đã phát biểu trên báo chí rằng mình sẽ chỉ lĩnh lương tượng trưng 1 USD/năm, không sử dụng nhà ở công vụ bên trong Nhà Trắng, không sử dụng chuyên cơ Air Force One mà các đời Tổng thống Mỹ thường phải sử dụng. Trump tuyên bố sẽ sử dụng máy bay riêng, ở trong tòa cao ốc Trump Tower của riêng mình và xài tiền của cá nhân - ông vốn đã là tỉ phú giàu có nức tiếng ở Mỹ.
Các tỉ phú lần lượt được mời tham gia nội các của Trump. Đó là bà Betsy DeVos được chọn làm Bộ trưởng Giáo dục. Betsy là con dâu của tỉ phú Richard DeVos, nhà sáng lập tập đoàn tiếp thị Amway. Tổng giá trị tài sản của gia đình DeVos hiện vào khoảng 5,1 tỉ USD. Sau DeVos là Elaine Chao, ứng viên Bộ trưởng Giao thông, là con gái của một tỉ phú tàu biển, tham gia điều hành các công ty News Corp, Wells Fargo, Ingersoll Rand và Vulcan Materials.
Bà Elaine từng tham gia nội các của Tổng thống George W. Bush, và hiện là vợ của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện. Steven Mnuchin được đề cử Bộ trưởng Tài chính, có giá trị tài sản 46 triệu USD, làm giàu từ việc kinh doanh tài chính và ngân hàng. Mnuchin là giám đốc tài chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và vợ con trong tòa cao ốc Trump Tower sang trọng của mình. |
Theo thống kê của Politico, tổng giá trị tài sản của nội các dự kiến của ông Trump vào khoảng 35 tỉ USD. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của gia đình Todd Ricketts, ứng viên Thứ trưởng Thương mại, có lẽ là cao nhất, với 5,3 tỉ USD. Còn giá trị tài sản ròng của một cá nhân cao nhất có lẽ thuộc về Wilbur Ross, ứng viên Bộ trưởng Thương mại, với 2,9 tỉ USD.
Ross được mệnh danh là một “kèn kền”, là “vua phá sản” do hoạt động kinh doanh “xác chết” của các doanh nghiệp phá sản ở Mỹ. Ross là ân nhân, từng có công giúp ông Trump duy trì kiểm soát sòng bạc Taj Mahal trong thập niên 90 thế kỷ XX, lúc sòng bạc này đang làm ăn thất bát.
Tiếp sau các tỉ phú là những triệu phú có tài sản nhỏ hơn, như Ben Carson (26 triệu USD), Tom Price (Bộ trưởng Y tế) với 13,6 triệu USD, rồi Jeff Sessions (Bộ trưởng Tư pháp) với 7,5 triệu USD, con rể ông Trump là Jared Kushner (cố vấn cao cấp) với 2,5 triệu USD, Steve Bannon với 10 USD,...
Báo chí truyền thông Mỹ gọi những nhân vật trong “nội các tỉ phú” là những nhà giàu đi làm chính trị. Họ thường lui tới những nơi ăn chơi sang trọng, như nhà hàng 3 sao Jean-George trong tòa tháp Trump Tower của ông Trump để thưởng thức những món ngon tứ xứ, nơi người ta gọi là “thế giới của nhà giàu”. Sự giàu có của họ phần nào tạo ra tâm lý an tâm rằng họ sẽ là những chính khách “trong sạch”.
Nhưng cũng chính sự dính líu của họ với giới kinh doanh giàu có cũng khiến người ta băn khoăn về những “xung đột lợi ích” có thể xảy ra trong thời gian họ điều hành đất nước. Chính bản thân ông Trump cũng đang bị báo chí “soi” kỹ về hoạt động kinh doanh kể từ khi ông đắc cử tổng thống.
Trump xem việc làm giàu khác với làm chính trị, nhưng làm chính trị không có nghĩa là thôi làm giàu. Đó là lý do ông tuyên bố hoãn từ bỏ hoạt động kinh doanh vào hôm 12-12. Tuy nhiên, cũng chính vì sự nhập nhằng giữa làm giàu với làm chính trị mà vấn đề “xung đột lợi ích” luôn được dư luận đặt ra mỗi khi bàn về Trump và nội các tỉ phú của ông.