Nói không phải lời của mình

Thứ Tư, 12/01/2005, 09:30

Để ông Clinton khi sang thăm Việt Nam có thể lẩy Kiều trong bài phát biểu trước công chúng người Việt "Sen tàn, cúc lại nở hoa...", các speechwriting (người viết bài phát biểu cho TT Mỹ) đã phải cần tới sự cộng tác của những chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam.

Trong cuộc thăm dò dư luận tiến hành từ ngày 8 - 10/10 do Hãng truyền hình NBC và báo Wall Street Journal tiến hành, chỉ có 39% số người được hỏi ngỏ ý đồng tình với cách "an dân, trị quốc, bình thiên hạ" của ông George Bush. Số người bất mãn với vị Tổng thống thứ 43 lên tới mức kỷ lục: 54%. Đây là mức thấp nhất trong thời gian ông Bush "ngự" trong Nhà Trắng. Tuy nhiên, sau khi kết quả thăm dò dư luận này được công bố, ông Bush đã có một cuộc trò chuyện với dân chúng thông qua màn ảnh nhỏ. Phải nói là ông đã hoàn thành tốt việc này và nhờ thế, ngay lập tức đã cải thiện được đáng kể chỉ số tín nhiệm của dư luận xã hội đối với mình.

Quan hệ tế nhị

Phần lớn các ông chủ Nhà Trắng đều sử dụng đội ngũ thư ký để chấp bút các bài phát biểu của mình (tiếng Anh gọi là speechwriting). Đương kim Tổng thống Mỹ hiện đang có Michael Gerson, cựu  biên tập viên tạp chí US News and World Report, làm người chấp bút các bài diễn văn (tháng 2 vừa rồi, nhà báo này đã được thăng lên chức trợ lý Tổng thống trong lĩnh vực chính trị và hoạch định chiến lược).

Theo Gerson, ngay cả những bài thuyết trình không phải do ông Bush viết cũng "mang đậm phong cách tư duy của Tổng thống. Nhiệm vụ của chúng tôi không phải chỉ đơn giản là soạn những bài phát biểu hay. Bài phát biểu hay - đó là bài phát biểu mà Tổng thống cũng có thể viết ra được...". Tờ USA Today đã dẫn lời nhận xét của một speechwriting lão luyện là Theodore Sorensen như sau: "Ông Bush khi đọc những văn bản do Gerson viết còn hay hơn là nếu ông Bush đọc văn bản do chính mình viết ra".

Có một định nghĩa về công việc của một speechwriting: "Đó là dịch giả, dịch từ thứ ngôn ngữ hành chính và kinh viện ra ngôn ngữ con người và biến cái phức tạp thành đơn giản". Đã có lúc Thomas E. Dewey, một chính khách nổi tiếng ở giữa thế kỷ trước, từng là ứng cử viên Tổng thống, đã phải thốt lên: "Speechwriting mới là người thực sự lãnh đạo quốc gia". Để phòng ngừa các "soạn giả" lộng quyền, ông Robert C. McFarlane, trợ lý của Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan, đã phải tung ra lời cảnh cáo với đội ngũ văn hay chữ tốt này là "Đừng bao giờ nhúng mũi vào chính trị!".

Công việc không dễ dàng

Speechwriting trong Nhà Trắng, nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc thì không thể "đánh lẻ" được. Thường là họ mời thêm một hay nhiều chuyên gia cao cấp của các lĩnh vực khác tới cộng tác với mình. Đôi khi, đó là những nhà khoa học với tên tuổi tầm cỡ thế giới. Những cộng sự viên này chuẩn bị nền móng cho các bài diễn văn, những số liệu, sự kiện, các thí dụ lịch sử, kiểm tra tính xác thực và độ chính xác của những chi tiết đó...

Thí dụ, để chuẩn bị cho một bài phát biểu về một chủ đề phức tạp và đầy mâu thuẫn của ông Clinton, người ta đã phải làm việc hơn một năm rưỡi liên tục; phần đóng góp rất tích cực nhất thuộc về hàng loạt những giáo sư luật lừng lẫy nhất của trường Harvard. Để ông Clinton khi sang thăm Việt Nam có thể lẩy Kiều trong bài phát biểu trước công chúng người Việt "Sen tàn, cúc lại nở hoa...", Nhà Trắng đã phải cần tới sự cộng tác của những chuyên gia văn học Việt Nam vào loại hàng đầu!

Mỗi người mỗi kiểu

Theo Bradley H. Patterson, tác giả cuốn "Những nhân viên Nhà Trắng: Bên trong chái phía Tây và ở xung quanh", chỉ có thể biết được về mức độ các Tổng thống Mỹ can thiệp vào quá trình chuẩn bị các diễn văn của họ sau khi họ đã hết nhiệm kỳ trong Nhà Trắng. Chỉ khi ấy, những cựu trợ thủ về chữ nghĩa hay những speechwriting của họ mới dám cởi mở kể về quá khứ.

Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon rất thích xem những văn bản do speechwriting làm nên nhưng lại hiếm khi sử dụng chúng. Vốn là người có năng khiếu diễn thuyết bẩm sinh, Nixon cũng cần có một văn bản được chuẩn bị sẵn để trước mặt nhưng khi xuất hiện trên diễn đàn, ông thường nói một cách đầy ngẫu hứng theo cảm xúc và ý tưởng tới bất chợt, hầu như không nhìn vào "tài liệu".--PageBreak--

Vị Tổng thống Mỹ thứ 35 John F. Kennedy rất chủ động tham gia vào việc chuẩn bị các bài diễn văn của mình, thường xuyên nhồi thêm vào những hình ảnh và ý tưởng, buộc speechwriting phải làm theo ý mình một cách tối đa. Vị Tổng thống Mỹ thứ 42 đã lập được một kỷ lục độc đáo: Ông đã từng trình bày một bài diễn văn rất dài và rất quan trọng trót lọt, ngay cả khi máy nhắc chữ bị hỏng và những gì đã được chuẩn bị sẵn không hề hiện lên màn hình. Và bài "phát biểu vo" ấy về sau lại được các chuyên gia công nhận là một trong những bài phát biểu khá nhất của ông Clinton.

Một số ông chủ Nhà Trắng luôn luôn và trong mọi sự đều chỉ trông cậy vào các "soạn giả". Một số khác, trong đó có ông Clinton, vẫn chủ trương dựa vào sức mình là chính. Trong trường hợp của vị Tổng thống Mỹ thứ 42 thì không khó giải thích: Ông Clinton vốn là một luật sư. Bước vào chính trường, trở thành Thống đốc một bang không mấy giàu có của nước Mỹ là Akanzas, ông đã không có đủ tiền để thuê những speechwriting "xịn". Và vì thế, ông quen với việc tự chuẩn bị các bài phát biểu trước công chúng...

Vị Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington cũng là nhà lãnh đạo tối cao đầu tiên của nước Mỹ sử dụng speechwriting để có được các bài diễn văn hấp dẫn công chúng. Lý do cũng đơn giản: Ông, như những người cùng thời nhận xét, không có khẩu khiếu cao. Vì thế, các bài diễn văn của Washington đều được một người bạn chiến đấu của ông, Alexander Hamilton, cũng là một chính trị gia nổi tiếng, giúp biên soạn.

Cách làm này về sau trở thành thông lệ, mặc dù không ít Tổng thống Mỹ có những năng lực rõ rệt trong việc hùng biện. Speechwriting chuyên nghiệp đầu tiên cho Nhà Trắng là ông Judson Welliver, người mà chức danh trong Nhà Trắng chỉ là thầy ký. Ông bắt đầu làm việc trên cương vị đó từ ngày 4/3/1921 theo lời mời của vị Tổng thống Mỹ thứ 29 Warren G. Harding.

Người ta cho rằng, chính Welliver đã nghĩ ra cho ông Harding câu danh ngôn lừng lẫy vẫn còn giá trị cho tới hôm nay: "Ít chính phủ hơn trong kinh doanh và nhiều kinh doanh hơn trong chính phủ". Tuy nhiên, thực trớ trêu là, những người bạn của ông Harding, được đưa vào thành phần chính phủ đã sử dụng quyền lực chủ yếu để làm giàu cho cá nhân, khiến cho Tổng thống của họ đã phải kết thúc sự nghiệp một cách chẳng vui vẻ gì.

Nhiều ít tùy ý

Vị Tổng thống Mỹ thứ 30 Calvin Coolidge là người đầu tiên đã lập ra hẳn một vụ dành riêng cho các speechwriting trong Nhà Trắng. Đó là Office of speechwriting. Một điều thú vị là chính ở trong ông Coolidge đã kết hợp hài hòa những nét tính cách rất trái ngược nhau. Nhìn từ một phía, ông là vị Tổng thống dễ dãi nhất đối với báo giới: Ông thậm chí từng đồng ý đứng trước ống kính của các phóng viên trong trang phục người da đỏ.

Nhìn từ góc độ khác, ông thường im lặng hơn là nói và các câu ông trả lời trong các cuộc họp báo có thể coi như những mẫu mực về sự ngắn gọn. Coolidge đã lý giải về sự im lặng của mình tại các cuộc họp báo như sau: "Tôi thường chỉ nói "có" hoặc "không". Tôi có cảm giác rằng, nói như vậy cũng là quá nhiều rồi vì người ta lại có thêm 20 phút nữa để ra các câu hỏi cho tôi".

Theo số liệu do nhà sử học Lyn Ragsdale, tác giả cuốn "Thống kê về các đời Tổng thống" (trong giai đoạn từ năm 1920 tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước), mỗi một ông chủ Nhà Trắng có một mức độ diễn thuyết khác nhau.

Nixon cho tới nay vẫn là vị Tổng thống lắm điều nhất: Trung bình mỗi năm ông đã có tới 8,1 bài phát biểu quan trọng. Vị Tổng thống thứ 31 Herbert Hoover là ông chủ Nhà Trắng kiệm lời nhất: Mỗi năm trung bình ông chỉ có khoảng 1,8 bài diễn văn quan trọng đọc trước công chúng. Để so sánh chúng ta có thể biết rằng, chỉ riêng trong nhiệm kỳ thứ nhất, chỉ số này ở  ông Clinton là 3,5, ở ông Bush cha là 4,3 và ở Reagan là 6,8!

Vũ Thương Anh
.
.