Nữ Tổng thống Brazil bị phế truất: Giậu đổ bìm leo
- Nữ Tổng thống Dilma Rousseff chấp nhận "hầu tòa"
- Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ tái xuất?
- Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ sớm từ chức?
- Chuẩn bị luận tội Tổng thống Dilma Rousseff?
Phiên luận tội cựu Tổng thống Dilma Rousseff tại Thượng viện diễn ra theo kiểu cách rất lạ: Khi bà Rousseff phát biểu tự biện hộ, những kẻ chống đối bà im lặng lắng nghe một cách rất lịch sự, nhưng khi bước vào cuộc bỏ phiếu lúc cuối ngày 30-8, họ nhao nhao lên án bà.
Có nhiều ý kiến xung quanh phiên luận tội và cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Những nhà hoạt động dân chủ ở Brazil cho rằng, cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện là một cuộc dàn xếp của những người muốn phế truất bà Rousseff để giành lấy quyền lực từ tay bà. Đó là một màn kịch dở trong đó những kẻ phạm tội nặng nề đóng vai quan tòa phán xét, luận tội một tổng thống dân cử vì cái tội là chi tiền ngân sách cho chương trình an sinh xã hội giúp dân nghèo nhưng không xin phép quốc hội.
Giống như cuộc chiến trong đó cánh chính trị hữu khuynh chống lại phong trào chính trị cánh tả, hàng loạt chính khách có liên quan tới bà Rousseff lần lượt đối mặt những cáo buộc tham nhũng hay tội phạm này khác, trong đó cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva đang bị điều tra với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền liên quan đến chương trình an sinh xã hội do ông đề xướng khi còn đương chức.
Một cách tổng quát, việc Thượng viện phế truất bà Rousseff đã tạo nên một ấn tượng mạnh trong giới quan sát chính trị ở Brazil rằng, nền chính trị của đất nước vũ điệu samba vẫn chưa ổn định dù đã 30 năm trôi qua kể từ khi chế độ độc tài quân phiệt kết thúc. Trong 30 năm đó, đã có 8 đời tổng thống được bầu, nhưng chỉ có 2 người làm trọn nhiệm kỳ, còn lại, 2 người bị luận tội, một người bị quân đội lật đổ, một người tự sát, một người chết khi đương chức và một người từ chức.
Cuộc chiến luận tội bà Rousseff bắt đầu diễn ra từ cách đây gần một năm, và nó đánh dấu sự tụt dốc của người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống Brazil, người “đàn bà thép” của Tây bán cầu, từng chịu tù đày, tra tấn dưới chế độ độc tài quân phiệt nhưng đã chiến đấu đến cùng để được tự do. Khi tham gia vào chính trường, tính chất tàn khốc của chính trị đã một lần nữa thử thách tinh thần chiến đấu kiên cường của bà.
Đúng là bà Rousseff trong hơn một năm qua đã gặp quá nhiều trục trặc. Kể từ khi được dân chúng Brazil bầu lại làm tổng thống, bà Rousseff đã vấp phải một loạt sự cố. Đầu tiên là việc một loạt chính khách trong đảng Công nhân và trong nội các chính phủ của bà bị bắt hoặc buộc phải từ chức do dính líu tới vụ án tham nhũng, đưa hối lộ tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras, sau đến tình hình kinh tế đất nước tụt dốc, trì trệ khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Từ mức tăng trưởng 4,9% vào năm 2011, đến trước thời điểm bà Rousseff bị luận tội, nền kinh tế đã tụt giảm đến 4,6%.
Những sự cố đó đã làm mất niềm tin trong dân chúng, và những cuộc biểu tình phản đối bắt đầu xuất hiện trên đường phố, kéo tỉ lệ ủng hộ tụt dốc không phanh, từ chỗ là chính khách có tỉ lệ ủng hộ cao nhất thế giới (85% năm 2011) tụt xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử, còn chưa tới 15%.
Khi không còn muốn thấy bà Rousseff yên vị trên chiếc ghế tổng thống nữa, người ta sẵn sàng giũ sạch những gì bà đã làm được trước đây. Không ai có thể phủ nhận một điều rằng, trên cương vị Tổng thống Brazil, bà Rousseff đã làm được khá nhiều việc có ích cho đất nước, cho nhân dân Brazil. Các chính sách hướng đến các tầng lớp dân nghèo của bà đã góp phần tạo ra công bằng xã hội.
Bà Dilma Rousseff tự biện hộ trước Thượng viện. |
Một trong những chính sách đó là mở rộng chương trình an sinh xã hội mang tên “bolsa familia”, chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho hộ gia đình, đến nay đã giúp được 14 triệu hộ gia đình Brazil thoát nghèo. Rồi nhờ hành động đầy quyết tâm, chính phủ của bà Rousseff đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng trong xã hội được tiếp cận với giáo dục đại học, từ đó giúp tỉ lệ ghi danh vào các trường đại học tăng 18%.
Từ năm 2009, 2,6 triệu nhà ở đã được trao cho dân nghèo trong chương trình nhà ở của chính phủ mang tên “Minha Casa Minha Vida”. Ngoài ra, Rousseff cũng là một tổng thống bảo vệ môi trường cực tốt: kéo giảm mạnh tỉ lệ phá rừng Amazon mà chưa tổng thống nào làm được.
Có lẽ những việc bà Rousseff quyết tâm thực hiện và đã đạt kết quả tốt đã đụng chạm đến lợi ích của các nhóm người ở phía bên kia của xã hội, những kẻ trục lợi bằng cách bòn rút của dân nghèo, phá hoại môi trường, tài nguyên của đất nước. Khi bà Rousseff chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra chống tham nhũng mang tên Lava Jito (Rửa xe) cũng là lúc mâu thuẫn lợi ích của thành phần tham nhũng, tha hóa trong chính trường lên đến đỉnh điểm, từ đó làm bộc phát cuộc chiến chống lại bà, phế truất, luận tội bà để ít nhất là chặn đứng cuộc điều tra Lava Jito để tránh tai họa cho những chính khách đã nhúng chàm.
Cáo buộc “vi phạm pháp luật về ngân sách” dựa trên chính sách an sinh xã hội của bà chỉ là cái cớ để cho hành động “đảo chính tư pháp” trở nên hợp pháp.
Người chính thức thay thế bà Rousseff làm Tổng thống Brazil là Phó Tổng thống Michel Temer rất vui mừng với kết quả 2 cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện - một luận tội bà Rousseff và một bầu ông Temer làm tổng thống mới. Nhưng ông Temer cũng sẽ không dễ dàng ngồi yên trên chiếc ghế mà ông đã ra sức giành lấy.
Chính phủ lâm thời của ông Temer đã không yên ổn ngay từ đầu với việc 3 vị bộ trưởng phải từ chức chỉ sau vài ngày nhậm chức do dính bê bối tham nhũng. Ngay chính bản thân ông Temer cũng không được nhiều người dân Brazil ủng hộ.
Một cuộc thăm dò hồi tháng 7-2016 cho thấy chỉ có 14% dân Brazil hài lòng với sự lãnh đạo của ông Temer. Điều này phản ánh những chính sách mà ông đưa ra nhằm đổi mới đất nước đã không thỏa mãn mong muốn của người dân, như việc cắt bớt các chương trình phúc lợi xã hội, chế độ hưu trí,...
Tối muộn ngày 31-8, sau khi có kết quả luận tội bà Rousseff, hàng trăm người ủng hộ bà Rousseff đã xuống đường biểu tình, đập phá các cửa hàng, cơ sở kinh doanh của giới tư bản. Và những nghị sĩ ủng hộ bà Rousseff cũng tuyên bố sẽ tiến hành luận tội ông Temer do liên quan đến tham nhũng.