Nước Mỹ dậy sóng vì Tổng thống D. Trump có khả năng bị luận tội

Thứ Ba, 23/05/2017, 15:50
Vào ngày 10-5 vừa qua, tại Nhà Trắng đã diễn ra cuộc tiếp xúc kín giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cùng sự có mặt của ông Sergey Kislyak - Đại sứ Nga tại Mỹ. Chỉ trước đó 1 ngày, ông Trump bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey khi FBI đang điều tra liệu Nga có can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ năm 2016 hay không.

Những động thái này của ông khiến giới truyền thông Mỹ sục sôi, bộ sậu của Tổng thống Mỹ liên tục tìm cách đối phó khiến ai cũng căng thẳng, và gần đây nhất, vào ngày 15-5, những nghị sĩ đảng Dân chủ còn đề xuất luận tội tổng thống vì đã chia sẻ thông tin tuyệt mật với Nga. Từ lúc chính thức nhậm chức đến nay, chưa bao giờ người đứng đầu Nhà Trắng lại trở thành trung tâm của những luồng tranh cãi gay gắt đến như vậy.

Trưa ngày 15-5 vừa qua, hạ nghị sĩ Al Green thuộc đảng Dân chủ ở bang Texas (Mỹ) đã tổ chức họp báo để kêu gọi luận tội Tổng thống Donald Trump. Ông Green cho biết, việc sa thải Giám đốc FBI James Comey là hành vi cản trở công lý thuộc khung “khinh tội (nhẹ) và tội phạm cao” được quy định trong Hiến pháp Mỹ làm cơ sở cho việc luận tội.

Chiều cùng ngày, tờ Washington Post dẫn các nguồn tin riêng của mình cho biết, trong cuộc tiếp xúc kín với “những đối tác Nga”, Tổng thống Mỹ đã tiết lộ thông tin tuyệt mật cho các nhà ngoại giao Nga. Thông tin nhạy cảm đến nỗi sau đó các quan chức an ninh nội địa Mỹ phải gấp rút gọi điện cho các cơ quan tình báo cảnh báo thông tin vừa bị rò rỉ (từ miệng tổng thống) tới Moscow.

Theo đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Sergey Kislyak đã được “chia sẻ”: Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có kế hoạch cài thuốc nổ vào máy tính xách tay để đánh bom các chuyến bay thương mại.

Tổng thống Donald Trump khi tuyên thệ nhậm chức.

Tối hôm đó, Nhà Trắng đã cử cố vấn an ninh quốc gia McMaster xác nhận thông tin đăng tải trên Washington Post là “không đúng”. Nhưng ngay sáng 16-5, chính Tổng thống lại xác nhận trên Twitter (mặc dù ông không nói rõ thông tin đó có thuộc dạng mật hay không) rằng, mình hoàn toàn có quyền chia sẻ thông tin được lựa chọn với Nga vì “những lý do nhân đạo” và ông muốn Nga đẩy mạnh cuộc chiến chống IS và khủng bố bằng những biện pháp trấn áp khủng bố, tăng cường an ninh cho chuyến bay của các hãng hàng không.

Tổng thống Mỹ thậm chí còn nêu tên một thành phố ở Syria, nơi xuất phát nguồn thông tin tình báo này. Lời biện hộ này một lần nữa tạo xung đột trong việc kêu gọi luận tội dành cho Tổng thống Trump.

Các nhà phân tích pháp lý nói rằng, ông Trump đúng khi nhấn mạnh “quyền tuyệt đối”, với tư cách là tổng thống, chia sẻ thông tin theo ý muốn của mình. Một số chuyên gia cho rằng, thông tin mật mà ông Trump đã chia sẻ thuộc dạng tối mật trong khi cộng đồng tình báo Mỹ cũng không thể tiết lộ thông tin này với các đồng minh, huống chi Tổng thống Mỹ lại chia sẻ cho Nga.

Theo phân tích của lawfareblog, hành động của ông Trump có thể đã vi phạm lời tuyên thệ khi nhậm chức, trong đó Tổng thống Mỹ thề “giữ vững và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”. Việc ông Trump chia sẻ thông tin mật cho Nga, nước đang bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, có thể là hành động vi phạm lời thề.

“Hành động bất cẩn của ông Trump thậm chí có thể dẫn đến việc ông bị luận tội. Ông Trump không cần phải gây ra tội nghiêm trọng để bị phế truất, mà chỉ cần có hành động lạm quyền hoặc lạm dụng niềm tin của công chúng”, chuyên gia luật Rodriguez nói.

Trả lời trên CNN ngày 16-5, Thượng nghị sĩ độc lập Angus King cho biết, ông tin rằng Tổng thống Trump đang tiến gần tới “ngưỡng bị luận tội”, sau khi xuất hiện thông tin ông Trump yêu cầu cựu Giám đốc FBI James Comey ngừng điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử. Theo ông King, việc cản trở công lý là một sự vi phạm nghiêm trọng, ông không ủng hộ điều đó.

Richard Nixon rời khỏi Nhà Trắng sau khi nói lời chia tay nội các của mình vào ngày 9-8-1974.

Ngày 16-5, tờ New York Times tiết lộ: ông Trump đã yêu cầu ông Comey “bỏ qua việc điều tra” cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vì những mối liên hệ của ông này với Nga. Thông tin này được “tổng hợp” từ những văn bản ghi nhớ được cho là do ông Comey ghi lại ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ cách đây hơn 3 tháng.

Theo các đoạn ghi nhớ, Tổng thống Trump đề nghị ông Comey “bỏ qua” cho cựu cố vấn an ninh quốc gia vì “ông ấy là một người tốt”. Ông Comey không đáp lại yêu cầu mà chỉ nói: “Tôi đồng ý ông ấy là người tốt”. Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi ông Flynn (bị ép) từ chức hồi tháng 2, sau những thông tin hé lộ ông đã thảo luận về lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Nga với Đại sứ Nga tại Washington trước khi ông Trump nhậm chức.

Báo Washington Post xác nhận việc có tồn tại bản ghi nhớ, trong đó Comey viết: “Tổng thống Trump đề nghị khép lại cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Flynn”. Nhà Trắng phủ nhận các chi tiết này. Nghị sĩ Adam Schiff, thành viên cấp cao đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đã kêu gọi giao nộp các bản ghi nhớ. Nếu chúng được công bố và thông tin đưa ra thật sự chính xác, đây sẽ là tin cực xấu đối với Nhà Trắng - cây bút Aaron Blake từ Washington Post nhận định.

“Đấy chắc chắn là hành vi cản trở” - Barak Cohen, cựu công tố viên liên bang hiện làm việc tại hãng luật Perkins Coie, nhận định - nhưng ở khía cạnh khác, mọi người cũng cần biết rằng, giống như bao vụ án hình sự, mục đích là yếu tố quan trọng nhất và trong vụ việc này, rất khó để chứng minh mục đích của hành động”.

Hôm 16-5, tất cả 33 thành viên Dân chủ thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện cùng Ủy ban Giám sát và Cải cách chính phủ đã gửi một bức thư cho đảng Cộng hòa đề nghị điều tra liệu chính quyền Trump “có đang tham gia vào một âm mưu cản trở hoạt động của Bộ Tư pháp, FBI và Quốc hội” hay không.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Jason Chaffetz đã trực tiếp gửi thư riêng yêu cầu quyền Giám đốc FBI nộp toàn bộ những bản ghi âm các cuộc đối thoại giữa ông Comey với Tổng thống Trump, nhấn mạnh rằng những thông tin gần đây đang “làm dấy lên nghi ngờ về việc Tổng thống cố tình cản trở, gây ảnh hưởng các cuộc điều tra mà FBI tiến hành”.

Theo luật, để khép ai đó vào tội cản trở công lý, các công tố viên cần chứng minh được người này cố tình gây ảnh hưởng tới một cuộc điều tra, đồng nghĩa cơ quan điều tra phải tìm ra bằng chứng cho thấy họ có mục đích gì khi thực hiện một hành động cụ thể.

Hạ Nghị sĩ Al Green.

Trong trường hợp của Tổng thống Mỹ, các nhà điều tra cần phân tích chi tiết cuộc đối thoại giữa ông với cựu Giám đốc FBI, đánh giá xem còn diễn biến gì khác xảy ra thời điểm đó không hay thu thập lời khai từ những cộng sự từng trao đổi với Trump về điều mà ông muốn làm.

Thật ra, việc các nghị sĩ muốn luận tội Tổng thống Trump có một mục đích chung, đó là tạo một rào cản ngăn chặn lối hành xử “bốc đồng” của ông. Nếu việc luận tội dẫn đến kết quả ông Trump được tuyên vô tội, các chính trị gia muốn thông qua đó ngầm nhắc nhở Trump nên tôn trọng lời thề danh dự khi nhậm chức, tôn trọng Hiến pháp Hợp chúng quốc và có cách hành xử đúng mực hơn.

Chỉ 2 tháng sau khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ tổng thống, chúng ta đã nghe quá nhiều cảnh báo do các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đưa ra về cuộc khủng hoảng hiến pháp đang diễn ra, từ việc ông Trump công kích các thẩm phán; ông Trump lấn sân các quy định pháp luật; đến việc tòa án ngăn chặn tính hiệu lực của các sắc lệnh của tổng thống.

Giới quan sát chính trị từng bi quan đưa ra viễn cảnh: Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ còn nảy sinh thêm nhiều cuộc khủng hoảng hiến pháp khác!

Theo giáo sư Laurence Tribe từ Đại học Luật Harvard, Đại sứ Norman Eisen (cựu cố vấn đạo đức của Tổng thống Barack Obama) và giáo sư Richard Painter (cựu cố vấn đạo đức của Tổng thống George W. Bush) trong một bài phân tích pháp lý, Tổng thống Trump đã vi phạm điều khoản cấm nhận thù lao từ nước ngoài ngay từ thời điểm nhậm chức bởi lẽ ông đã không từ bỏ toàn bộ hoạt động kinh doanh trước thời điểm nhậm chức.

Bên cạnh đó là những cáo buộc về việc nhóm vận động tranh cử của ông Trump bí mật liên hệ với tình báo Nga để thao túng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Một chiến dịch mang tên “Hãy luận tội Donald Trump ngay” (Impeach Donald Trump now) đã diễn ra tại Mỹ và thu hút sự chú ý của đông đảo người tham gia. Chiến dịch bắt đầu khởi động từ ngày 20-1-2017, cũng là ngày Tổng thống Trump nhậm chức, tính đến nay đã có hơn 1 triệu người ký tên.

Phó Tổng thống Mike Pence.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng, hiện tại không có căn cứ pháp lý cho việc luận tội Tổng thống Trump. Điển hình là nghiên cứu của nhà bình luận Bill Blum, cho rằng, vị tổng thống này sẽ không bị luận tội vì những sai phạm xảy ra trước khi nhậm chức của mình. Ông đã liên hệ với những trường hợp tương tự trong lịch sử để chứng minh cho lập luận trên. Đặc biệt là vụ việc của cựu Phó Tổng thống Mỹ Schuyler Colfax, người đã được Ủy ban Tư pháp Hạ viện từ bỏ việc điều tra luận tội vì ông đã phạm sai lầm trước thời điểm nhậm chức.

Một nghiên cứu khác của luật gia Robert Anello cũng chứng minh điều tương tự. MacMahon Jr., luật sư bào chữa án hình sự lưu ý: có những trường hợp một bộ phận thuộc cơ quan hành pháp không khuyến khích các công tố viên theo đuổi một cuộc điều tra, chẳng hạn như việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lo ngại thông tin tuyệt mật bị tiết lộ.

“Nếu bạn muốn dừng cuộc điều tra vì lo sợ một người bạn nào đó có thể bị truy tố, đấy thực sự là vấn đề” - ông MacMahon nói - “Nhưng nếu bạn yêu cầu dừng cuộc điều tra vì không muốn tiết lộ các thông tin an ninh quốc gia, điều này luật pháp cho phép”.

Tiến hành luận tội để đi đến phế truất tổng thống đương nhiệm là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, mặc dù thủ tục luận tội đã được tiến hành với 3 tổng thống: Andrew Johnson (1868), Richard Nixon (1974) và Bill Clinton (1999).

Đối với trường hợp của Richard Nixon, sau khi có kết luận điều tra của Ủy ban Tư pháp Hạ viện và trước tình hình gần như chắc chắn bị Hạ viện luận tội,  Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu về vấn đề này, có nghĩa là về mặt kỹ thuật, ông ta không bị luận tội.

Sự luận tội không có nghĩa là trục xuất khỏi nơi người đó làm việc. Cả Johnson và Clinton đều bị luận tội tại Nhà Trắng nhưng sau đó đều may mắn không bị Thượng viện kết tội và vẫn tiếp tục trọng trách của mình.

Rõ ràng là lực lượng phản đối Tổng thống Donald Trump đã chuẩn bị cho mình ngòi nổ cho “quả bom” phế truất ông. Có một trường phái tư tưởng nói, lý do chính mà đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ tán thành việc buộc tội ông Trump là vì lúc đó họ muốn Phó Tổng thống Mike Pence - người mà họ thực sự ủng hộ - lên làm tổng thống.

Bối cảnh gần nhất trong lịch sử là sự từ chức sau vụ tai tiếng hối lộ của Phó Tổng thống Spiro Agnew của ông Nixon vào năm 1973, một năm trước khi Nixon từ chức. Tuy nhiên, dù biết các nghị sĩ đảng Dân chủ muốn kích hoạt ngòi nổ này, nhưng họ có thể thuyết phục được số lượng lớn thành viên Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa hay không? Cho đến thời điểm đó, tỷ phú Donald Trump vẫn vững vàng trên chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ của mình.

Lệ Đào – Quốc Hùng (theo Telegraph và NYT)
.
.