Ồn ào vì chiếc quần da của Thủ tướng Anh

Thứ Tư, 21/12/2016, 18:30
Giữa lúc nước Anh đang bộn bề với nhiều vấn đề khó giải quyết về kinh tế, chính trị, an ninh, như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), việc đề phòng các phần tử khủng bố tấn công nhân mùa Giáng sinh, báo chí, dư luận Anh lại có thể dành thời gian để tranh luận khá ồn ào về việc nữ Thủ tướng Theresa May diện một chiếc quần bó đắt tiền bằng da thật.

Vụ ồn ào, mệnh danh trên báo chí lá cải Anh là “Trousergate”, hay “Bê bối quần”, bắt đầu bùng phát từ đầu tháng 12-2016 khi tờ báo The Sunday Times ở London đăng hình Thủ tướng Theresa May tươi cười và ngồi thoải mái ở nhà riêng. Hình ảnh cho thấy bà mặc một chiếc quần bó sát may bằng da của thương hiệu Amanda Wakeley, giá khoảng 1.246 USD. Cuộc tranh cãi đang làm nước Anh “nhức đầu” hơn là khẳng định quan điểm về việc ăn mặc, thời trang của lãnh đạo.

Theo tờ New York Times, hình ảnh đăng trên tờ báo The Sunday Times có lẽ sẽ chẳng gây ồn ào nếu nó không được các tờ báo lá cải đăng lại kèm theo những lời bình phẩm đầy châm chọc. “Bão” bắt đầu hình thành khi bà Nicky Morgan, một thành viên cùng đảng Bảo thủ, lên tiếng công kích bà May trong phát biểu trên báo The Times of London.

Bà Morgan đã châm biếm bà May “xài sang” khi chi tiêu số tiền lớn cho một chiếc quần. Morgan nói rằng, vấn đề “chiếc quần da” của bà May đã trở thành đề tài bàn tán trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Tìm hiểu về động cơ của bà Morgan khi công khai châm biếm bà May trên báo chí, người ta được biết bà Morgan trước đây từng là Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Thủ tướng David Cameron. Morgan đã bị mất chức vào tháng 7-2016, ngay sau khi bà May tiếp quản ghế Thủ tướng Anh.

Không cần phải tìm hiểu nhiều người ta cũng biết rằng nguyên nhân của việc bà Morgan bị sa thải xuất phát từ Brexit: Bà May theo nhóm những người ủng hộ Brexit, còn bà Morgan thì thuộc nhóm thiểu số những người chống Brexit trong đảng Bảo thủ. Morgan là người thẳng thắn, lớn tiếng chỉ trích Thủ tướng May khi bà đưa ra lời kêu gọi “Brexit nhẹ nhàng” nhằm giảm thiểu những vấn đề phát sinh sau khi Anh rời khỏi EU.

Không những thế, với tư cách là Bộ trưởng Giáo dục, Morgan cũng bất đồng và công khai va chạm với bà May trong các vấn đề về người di cư và chính sách về giáo dục. Morgan cho rằng chính sách giáo dục của bà May không phù hợp với điều kiện xã hội trong thời đại “thắt lưng buộc bụng” hiện nay.

Đáp trả những lời chỉ trích đó, số 10 phố Downing đã không mời bà Morgan đến dự một cuộc họp riêng với Thủ tướng May để bàn kế hoạch cho việc nước Anh rời khỏi EU, từ đó làm dậy lên những lời chỉ trích bà Thủ tướng “trả đũa” vặt vãnh. Văn phòng Thủ tướng May còn châm thêm dầu vào lửa bằng cách từ chối trả lời câu hỏi của báo chí về việc chiếc quần đã được mua sắm như thế nào, trong trường hợp nào, và liệu có phải mua bằng phiếu mua hàng giảm giá hay không.

Bức ảnh chụp Thủ tướng Anh mặc chiếc quần da trị giá 1.246 USD gây tranh cãi.

Báo chí bắt đầu đưa ra luận điệu cho rằng bà May đang thể hiện mình “xa rời” cử tri bình dân khi sử dụng chiếc quần đắt giá. Trong tình hình hiện nay, với những vụ nổi dậy phản đối của tầng lớp nhân dân lao động chống lại chủ nghĩa ưu tú, những lời cáo buộc kiểu như trên có thể khiến bà May lâm vào thế khó xử. Xuất thân từ Đại học Oxford, bà May từng làm Bộ trưởng Nội vụ dưới thời Thủ tướng Cameron. Bà May từng thể hiện quan điểm chống lại các định chế truyền thống và tôn vinh những người làm việc giỏi giang.

Và chuyện “chiếc quần da” của bà May cũng khiến cho mạng xã hội dậy sóng không kém. Một người đăng trên mạng xã hội Twitter đã so sánh giá tiền bà May mua chiếc quần (1.246 USD) với mức trợ cấp thất nghiệp gần 5.700 USD/năm của những người thất nghiệp kiếm không ra việc để làm. Một người khác thì có ý phê phán việc bà May chi ra số tiền hơn nghìn đô mua quần trong khi nhiều người dân lao động không có đủ tiền để sưởi ấm căn nhà của họ khi mùa đông đang đến.

Rồi một bức biếm hoạ của một cây cọ vô danh nào đó được tung lên mạng xã hội, trong đó mô tả cảnh bà May đang gò lưng bên một chiếc máy may cũ kỹ may một chiếc quần bằng da người, miệng lầm bầm: “Trên tinh thần thắt lưng buộc bụng, từ rày trở đi tôi sẽ tự may quần da để mặc thôi.”

Những tranh cãi của giới chính khách, của một số tờ báo lá cải ở Anh đã buộc các tổ chức vận động vì quyền bình đẳng của phụ nữ phải lên tiếng bênh vực bà May. Các tổ chức này cho rằng hành động mỉa mai, châm chọc vì chiếc quần “nghìn đô” đó là thái độ kỳ thị giới tính đối với bà May.

Họ cho rằng bà May đang là nạn nhân của tệ “tiêu chuẩn kép” trong xã hội Anh, đặt câu hỏi: “Liệu có ai đặt vấn đề về giá cả chiếc quần da đó hay không nếu giả sử bà May là đàn ông?”. Họ có ngay một hình mẫu thật đắt để minh họa: Phong cách thời trang, những đồ dùng cá nhân của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump còn đắt hơn chiếc quần của bà May gấp nhiều lần. Này nhé, bộ complê thời trang hiệu Brioni của ông có giá bán tại các cửa hiệu thời trang đến 17.000 USD.

Còn người tiền nhiệm của bà May, ông David Cameron là người thường xuyên dự các cuộc họp Hội đồng các ngôi trường danh tiếng dành cho giới thượng lưu, mặc bộ complê trị giá 4.000 USD do thợ may nổi tiếng thành London Richard James trực tiếp đo may.

Nhưng bà May cũng không phải trường hợp duy nhất từng bị xoi mói về quần áo, thời trang. Ngay cả ở một đất nước “tôn thờ tự do” như Mỹ mà chuyện kỳ thị giới tính xung quanh chuyện ăn mặc của giới chính khách cũng xảy ra thường xuyên. Người đã từng nếm trải chuyện này và hiểu rõ nhất chuyện một nữ chính khách nên ăn mặc như thế nào cho phải lẽ chính là bà Sarah Palin, người từng được báo giới Mỹ tặng cho biệt danh “nữ hoàng thời trang” trong giai đoạn bà làm Thống đốc bang Alaska và sau đó đứng chung liên danh với ông John McCain trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008.

Từ khi còn làm Thống đốc bang Alaska, bà Palin đã sở hữu một tủ quần áo khá đắt tiền trị giá đến 150.000 USD. Trong bộ sưu tập của bà Palin, có chiếc áo khoác màu kem của nhãn hiệu thời trang Valentino trị giá hơn 2.200 USD. Bà Palin đã mua những món trang phục thời trang đắt tiền này trong những chuyến mua sắm “ngẫu hứng” của mình. Bà đã mặc chiếc áo khoác “nghìn đô” đó trong những chuyến vận động nước rút cùng ông John McCain.

Và khi dư luận bắt đầu dậy sóng với những lời phê phán khá gay gắt, Palin đã nhanh chóng thay đổi cách ăn mặc, trở lại với phong cách giản dị quần jean và áo thun hoặc áo sơ-mi trắng trong những chuyến vận động cuối cùng của mùa bầu cử 2008.

Những giây phút bối rối, khó xử của nữ Thủ tướng Anh May rồi sẽ qua đi khi mọi lời dèm pha cuối cùng cũng qua đi theo quy luật muôn thuở. Nhưng có một người “được mùa” hốt bạc nhờ câu chuyện “Trousergate” (Vụ bê bối quần), đó là nhà thời trang Amanda Wakeley, nơi sản xuất ra chiếc quần da bà May đã mặc. Những chiếc quần da mang nhãn hiệu của Amanda Wakeley đã bán hết sạch chỉ trong vòng 2 tuần.

An Châu (tổng hợp)
.
.