Ông Biden và "món spaghetti" Trung Đông
- Nga "bỏ túi" hàng chục tỷ USD bán vũ khí cho khu vực Trung Đông
- Lãnh đạo đầu tiên ở Trung Đông nhận điện từ ông Biden
Sức nặng của Saudi Arabia
Báo cáo tình báo ngắn gọn, chỉ 4 trang giấy, về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi được công bố hôm 26-2 sau khi Tổng thống Biden có cuộc điện đàm ngắn với Vua Salman của Saudi Arabia. Báo cáo đã quy trách nhiệm cho hàng chục người trực tiếp và cả gián tiếp liên quan, trong đó Thái tử Mohammed bin Salman được cho là đã “bật đèn xanh” cho vụ sát hại.
Thái tử Mohammed bin Salman. |
Vấn đề là, khi đưa ra biện pháp chế tài những người liên quan, báo cáo lại chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 76 người mà không đả động gì đến Thái tử Mohammed bin Salman. Ngay sau khi báo cáo được công bố, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken cũng đã thông báo biện pháp trừng phạt, còn gọi là “Khashoggi Ban”, là hạn chế visa đối với 76 người liên quan vụ sát hại và tham gia hoạt động truy quét người Saudi Arabia trên đất Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố biện pháp “phong tỏa tài sản” đối với cựu chỉ huy Lực lượng Can thiệp nhanh của Saudi Arabia, còn gọi là Biệt đội Hổ. Tuy nhiên, cả hai đều bỏ qua Thái tử Mohammed bin Salman. Điều này khiến cho dư luận quốc tế và Saudi Arabia lên tiếng bất bình. Nhiều lời chỉ trích đã vang lên hôm 1-3.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đã ra sức biện hộ cho việc không “quy trách nhiệm” Thái tử Mohammed bin Salman, giải thích rằng mục tiêu nước Mỹ cố nhắm đến là “làm sao để điều đó không xảy ra lần nữa”. Tổng thống Biden cũng lên tiếng biện hộ rằng cho dù ông không có biện pháp trừng phạt đối với Thái tử nhưng chính sách đã thay đổi. Ông Biden không nói rõ chính sách đã thay đổi như thế nào, chỉ nhấn mạnh rằng những vụ việc tương tự vụ Jamal Khashoggi sẽ không được bỏ qua. Nhà Trắng cũng từng công khai rằng trong chính sách mới, Tổng thống Biden chỉ xem Vua Salman là người đồng cấp, có nghĩa là ông sẽ không làm việc trực tiếp với Thái tử Mohammed bin Salman như Tổng thống Trump trước đây.
Dư luận và người thân của ông Khashoggi từ lâu mong đợi Mỹ có hành động mạnh tay hơn đối với những người liên quan vụ sát hại ông, đặc biệt là Thái tử Mohammed bin Salman, người được xem là chủ mưu. Thế nhưng, họ đã phải thất vọng khi “kẻ chủ mưu” đã không được động đến. Dư luận báo chí đánh giá Saudi Arabia vẫn đang duy trì “sức nặng”, vẫn có tầm quan trọng nhất định trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ, cho dù ông chủ Nhà Trắng là ông Biden hay là ai khác. Và Thái tử Mohammed bin Salman vẫn nằm trong “sức nặng” đó. Kết luận Thái tử “đồng ý” vụ sát hại và sự thay đổi chính sách ngoại giao đối với Saudi Arabia được xem là “cú đấm” thứ nhất nhắm vào Thái tử Mohammed bin Salman. Nhưng, “cú đấm” thứ hai có thể làm thay đổi con đường nối ngôi vua của Thái tử đã được rút lại, bởi ông đang là trào lưu mới trong chính trị Saudi Arabia và cả khu vực Trung Đông, là đối tác tương lai quan trọng của nước Mỹ.
Giới phân tích cho rằng Biden dù có muốn đảo ngược các chính sách của ông Trump để theo đuổi đường lối mới nhưng ông cũng phải thận trọng cân nhắc đến lợi ích thiết thân của nước Mỹ, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về chiến lược quân sự. Trước hết, Saudi Arabia hiện là khách hàng vũ khí lớn nhất của Mỹ trong khối Arab. Đồng thời, theo CNN, nước Mỹ hiện duy trì đến 5 căn cứ quân sự trên đất Saudi Arabia, vì thế việc đánh vào Mohammed bin Salman có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược an ninh, quân sự của Mỹ không chỉ tại Saudi Arabia mà cả khu vực Trung Đông. Và, ông đã chọn giải pháp an toàn, vừa thể hiện “thái độ” đối với Thái tử Mohammed bin Salman, vừa duy trì được quan hệ chiến lược với Saudi Arabia.
Iran chưa muốn nói chuyện
Trong khi đó, chính sách của Mỹ đối với Iran cũng chưa có sự thay đỗi rõ ràng nào, sau loạt vụ việc liên tiếp diễn ra. Ngày 28-2, Tehran đã chính thức lên tiếng từ chối cuộc họp đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran theo đề xuất của EU. Đây được xem là một bước để tiến đến việc nối lại đàm phán hạt nhân. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington “thất vọng” vì lời từ chối đó. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh thông tin với báo chí rằng những động thái gần đây của Mỹ và châu Âu khiến Iran đi đến kết luận rằng thời gian vẫn chưa chín muồi để tổ chức các cuộc đàm phán như thế. Ông Khatibzadeh cho rằng lập trường và chính sách của Mỹ đối với Iran vẫn chưa có gì thay đổi, rằng Nhà Trắng của ông Biden vẫn chưa vứt bỏ được các chính sách của chính quyền Trump.
Loạt sự kiện mới nhất cho thấy tình hình an ninh, chính trị liên quan đến Iran vẫn rất nhạy cảm. Phát biểu trên truyền hình hôm 1-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở hàng MV Helios Ray mang cờ Bahamas nhưng thuộc sở hữu Israel xảy ra hôm 26-2. Vụ việc này có thể khiến Mỹ có động thái với Iran nếu được điều tra xác minh rõ. Israel đã đáp trả bằng loạt tên lửa đánh vào các mục tiêu gần Damascus ngay trong đêm 26-2.
Ông Biden từng thể hiện mong muốn nối lại đàm phán “có điều kiện” với Iran, đồng thời Washington cũng có dấu hiệu nới lỏng đi lại đối với một số quan chức ngoại giao nước này. Tuy nhiên, với loạt động thái cứng rắn vừa xảy ra, giới phân tích cho rằng ông Biden đã thể hiện thái độ không rõ ràng đối với việc nối lại đàm phán hạt nhân với Iran.
Trong khi cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran đang gần kề (hơn 3 tháng nữa), sẽ không có quan chức nào ở Iran vội vàng tham gia đàm phán với Mỹ. Vì thế, ông Biden sẽ phải chờ xem “chuyện gì xảy ra ở Tehran” để có thể quyết định chính sách rõ ràng hơn với quốc gia Hồi giáo có ảnh hưởng lớn ở khu vực này.