Ông Netanyahu vỡ kế hoạch thôn tính khu Bờ Tây

Thứ Ba, 07/07/2020, 12:30
Kế hoạch thôn tính khu Bờ Tây và thung lũng Jordan của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã không được triển khai từ 1-7 như dự định ban đầu và có thể sẽ phải hoãn thực hiện vô thời hạn.

Trong một phát biểu hôm 30-6, ông Netanyahu cho rằng Israel sẽ có các cuộc trao đổi, thảo luận về kế hoạch thôn tính với các quan chức Nhà Trắng trong vài ngày tới. Có nghĩa là kế hoạch phải tạm dừng triển khai cho đến khi nào thảo luận xong xuôi, Nhà Trắng “bật đèn xanh”.

Trước ông Netanyahu một ngày, tại cuộc họp nội các Chính phủ Israel để gút lại kế hoạch thôn tính, Thủ tướng luân phiên Benny Gantz đã gợi ý Israel nên hoãn thực hiện kế hoạch thôn tính để tập trung giải quyết khủng hoảng COVID-19. Ông nói với đặc sứ Nhà Trắng Avi Berkowitz rằng “thời hạn 1-7 không phải là thánh lệnh, cũng chẳng phải gấp gáp gì giữa thời buổi đại dịch COVID-19”.

Ông Gantz đề xuất một phương án tiếp cận có sự đồng thuận của các đối tác trong khu vực và người Palestine, để cùng nhau đi đến thống nhất một kịch bản có lợi cho tất cả các bên.

Bên ngoài Israel, làn sóng phản đối kế hoạch thôn tính của ông Netanyahu đang lan rộng trên toàn thế giới, thậm chí cả trong nội bộ người Israel. Hôm 29-6, Giám đốc Cơ quan tình báo MOSSAD Yossi Cohen đã đến Amman hội kiến Vua Abdullah của Jordan để thảo luận về kế hoạch. Tại cuộc gặp đó, Vua Jordan đã đưa ra một hướng mở cho Israel bằng cách gợi ý thu nhỏ quy mô thôn tính, từ bỏ thung lũng Jordan và khu Bờ Tây, sang thôn tính các khu định cư xung quanh Jerusalem.

Ông Benny Gantz và ông Netanyahu trong cuộc họp nội các hôm 28-6.

Trước đó, Vua Abdullah cùng lãnh đạo Palestine lên tiếng phản đối kế hoạch của ông Netanyahu, xem hành động thôn tính đó là bất hợp pháp, đồng thời Vua Jordan còn cảnh báo sẽ rút khỏi hiệp ước hòa bình đã ký với Israel năm 1994 nếu ông Netanyahu vẫn tiếp tục thực thi kế hoạch thôn tính.

Quan điểm của Vua Abduillah và lãnh đạo Pelestine đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU), Anh và cơ quan Liên Hợp quốc (LHQ). Cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet, hiện là quan chức đứng đầu Cơ quan nhân quyền LHQ, cho rằng “việc thôn tính là bất hợp pháp” và bày tỏ quan ngại hành động thôn tính dù nhỏ nhất cũng sẽ làm gia tăng bạo lực chết người. Tổng Thư ký LHQ, EU và các quốc gia chủ chốt ở Vùng Vịnh cũng đưa ra cảnh báo về hành động vi phạm pháp luật quốc tế cũng như kích hoạt bạo lực lan rộng trong khu vực.

Trung tuần tháng 6, Anh, Pháp, Đức và một số thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã cùng ra tuyên bố chung xem kế hoạch thôn tính là “sự vi phạm rõ ràng pháp luật quốc tế”. Đồng thời, hơn 1.000 nghị sĩ châu Âu đã ký tên trong một thư phản đối kế hoạch thôn tính, cho rằng “sự thâu tóm lãnh thổ bằng vũ lực sẽ tạo ra các hậu quả tương xứng” và kêu gọi các lãnh đạo châu Âu “phải có hành động dứt khoát”.

Trong khi đó tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson và một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đã bày tỏ “phản đối mạnh mẽ” nhưng giới phân tích cho rằng Anh khó có hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn kế hoạch của ông Netanyahu vì sợ làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Anh và Mỹ.

Thủ tướng Israel Netanyahu có kế hoạch thôn tính khoảng 30% diện tích khu Bờ Tây sông Jordan, bao gồm thung lũng Jordan và các khu vực lãnh thổ của người Palestine mà Israel chiếm đóng trái phép sau cuộc chiến Trung Đông năm 1967 để xây dựng các khu định cư Do Thái. Các khu định cư này sẽ được kết nối với nhau bởi những xa lộ và như thế lãnh thổ nhà nước Palestine tương lai sẽ bị băm nát, người Palestine sẽ phải làm thủ tục xuất - nhập cảnh ngang qua lãnh thổ Israel để đi lại giữa các địa phương của mình.

Kế hoạch của ông Netanyahu nhận được sự ủng hộ rất quan trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, được thể hiện cụ thể trong bản kế hoạch hòa bình do con rể ông Trump, Jared Kushner làm “kiến trúc sư trưởng”. Một bản đồ được phác thảo trong bản kế hoạch hòa bình cho thấy một nhà nước Palestine bị chia cắt nát vụn bởi các khu vực bị thôn tính.

Những kẻ chủ trương thôn tính đất của người Palestine ở Israel xem chính quyền Tổng thống Trump là cơ may “ngàn năm có một” để họ thúc đẩy kế hoạch thâu tóm các vùng đất của người Palestine trước khi nhà nước Palestine được thành lập.

Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình của ông Trump đã bị người Palestine bác bỏ và tuyên bố hủy hợp tác an ninh với Israel và Mỹ để phản đối. Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh còn thông báo một bản kế hoạch hòa bình do người Palestine soạn thảo đối nghịch với kế hoạch của Mỹ đã được trình lên nhóm “bộ tứ” bảo trợ lộ trình hòa bình Trung Đông 2003, gồm LHQ, EU, Nga và Mỹ.

Theo hãng tin AFP, với việc tung ra bản kế hoạch hòa bình của riêng mình, người Palestine đang chuẩn bị cho việc quay trở lại bàn đàm phán với Israel, nếu liên minh Chính phủ Israel chấp nhận phương án giải quyết của ông Gantz.

Trong nội các Israel không chỉ có ông Gantz mà còn có Bộ trưởng Ngoại giao Gabi Ashkenazi không đồng tình triển khai kế hoạch thôn tính. Sự lủng củng nội bộ này làm cho Nhà Trắng không hài lòng, bởi không đáp ứng được yêu cầu “muốn thấy một mặt trận thống nhất” ở Israel. Cùng với làn sóng phản đối lan rộng toàn cầu, Nhà Trắng đã phải xem xét lại tính hợp pháp của kế hoạch thôn tính của ông Netanyahu, có xét đến các ý kiến đề xuất của ông Gantz.

Chính vì thế, ông Trump đã phải tạm dừng tuyên bố về vấn đề thôn tính và cử các quan chức cố vấn của ông đến Israel để xúc tiến thảo luận với các bên liên quan ở Israel nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất cho vấn đề này. Khả năng thành công của các cuộc thảo luận sẽ tùy thuộc vào thái độ và quan điểm của ông Gantz và các đối tác ủng hộ ông trong liên minh Chính phủ Israel.

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.