“Pháo đài phong kiến” cuối cùng của châu Âu

Thứ Năm, 28/01/2010, 11:45
Đảo Sark là lãnh thổ bé nhỏ nhất nằm trong khối Liên hiệp Anh, tọa lạc giữa vịnh La Mans cách bờ biển nước Pháp 23 hải lý. Sark có diện tích 2 dặm vuông (1 dặm = 1,6 km) cùng số dân 550 người.

Trước đây 10 thế kỷ, đảo thuộc sự cai quản của viên bá tước vùng Normandi thuộc Pháp. Cuối năm 1066, sau cuộc xâm chiếm xứ Normandi từ các thế lực bên kia bờ La Mans, đảo Sark trở  thành "một phần không thể tách rời" của Vương quốc Anh - "Mặt trời không bao giờ lặn"

"Đức vua" Beaumont 57 tuổi đảm trách hoàn hảo vai trò mới của mình: chỉ riêng cá nhân ông có quyền trồng bắp và hái nấm trong vùng lãnh địa biệt lập này. Mọi thương vụ mua bán với đất liền đều phải được "Văn phòng vương triều Sark" do J.Beaumont "cầm trịch" chấp thuận, và theo "tập tục truyền thống", viên cựu kỹ sư không lưu của Hãng British Airways được hưởng tới 1/3 khoản lợi nhuận thu được từ mỗi vụ xuất - nhập hàng hóa trên đảo.

Cuộc sống ở đây có rất nhiều ưu điểm: không có xe hơi lẫn sự làm bẩn môi sinh, không có nạn mù chữ, chẳng có thâm thủng ngân sách cùng nạn tội ác, cũng như không phải nộp thuế cho Nhà nước Anh. Hệ thống cai quản hòn đảo này được quy định từ  năm 1565 và vẫn còn hiệu lực cho tới nay.

Quốc hội Sark nhóm họp đều đặn 3 lần/năm trong tòa nhà của trường tiểu học. Người ta có thể đi bộ, đi xe đạp, hoặc đi xe ngựa kéo rong ruổi khắp đảo. Việc nhập khẩu các phương tiện gắn động cơ chỉ được Nghị viện Sark nhân nhượng duy nhất một lần vào cuối thập niên trước, đó là đợt nhập từ Anh 10 chiếc máy kéo chuyên dụng dành cho nhà nông.

Giờ đây giới chủ nông Sark không chỉ dùng máy để cày bừa, trong những lúc nông nhàn, họ còn đem chúng ra để chuyên chở đám du khách làm biếng cuốc bộ lên các triền đồi cao thơ mộng ven biển nữa. Cứ mỗi thứ ba hàng tuần, được phép của "nhà quân chủ cuối cùng" Beaumont, mọi công dân mang quốc tịch Sark đều có thể dùng thuyền qua đảo Guernsey bên cạnh chơi (miễn visa).

"Điều ưu ái" này chỉ thực hiện được trong trường hợp biển lặng, và cũng hiếm khi có nổi điều kiện ưu đãi ấy giữa "vùng biển phong ba" này của tạo hóa...

Các hủ tục phong kiến vẫn còn đó. Nếu người cha chết, đất đai sở  hữu mặc nhiên được chuyển qua người con trai cả. Nhưng dưới "triều đại Beaumont mới" cũng đã có cải cách ít nhiều. Tỉ như khi làm đám cưới, cô dâu không phải đưa toàn bộ tài sản của mình cho nhà chồng như trước đây nữa, thậm chí nàng còn có thể mở tài khoản riêng trong ngân hàng.

Toàn cảnh "Vương quốc Sark".

Cũng qua rồi cái thời mỗi chủ nông phải cống nạp 1/10 sản phẩm sau thu hoạch của mình cho quận công. Cánh đàn ông cũng không bị bắt buộc làm không công 2 ngày/năm cho "triều đình" nữa. Nhiều khoản thuế hà khắc nặng nề của chế độ phong kiến trước kia đã được xóa bỏ. Thậm chí có người gốc Sark đã trở thành triệu phú nhờ buôn bán rượu và thuốc lá...

Một trong những vấn đề nan giải nhất của "vương triều Beaumont" hiện nay là làm sao chặn đứng được làn sóng người nhập cư "đổ bộ" lên đảo hàng năm. Thậm chí 50% dân số Sark bây giờ là những người không sinh ra tại đây. Dòng người mới đổ đến chủ yếu là từ các nước trong khối Liên hiệp Anh, theo quy chế "tự do đi lại và cư trú" - có hiệu lực trong toàn khối, làm suy giảm những mối "tương quan bền chặt truyền đời" giữa đảo với lân bang độc nhất là nước Pháp.

Chẳng ai trong số người mới tới định cư nói được thứ thổ ngữ Pháp vùng Normandi cả. Sự pha tạp giữa hai thứ tiếng Anh - Pháp đang là hiện tượng nổi cộm trong vùng Normandi. Nếu mọi việc đều phụ thuộc vào John Michael Beaumont, hẳn ông luôn muốn các phong tục cũ tồn tại càng lâu càng tốt.

Cách đây hơn 3 thập niên, vào đầu năm 1975, khi nhận tước hiệu “Quận công xứ Sark”, cựu kỹ sư John Michael Beaumont tuyên bố: "Không hề muốn đưa hòn đảo hoang sơ và thơ mộng này vào thế giới văn minh chút nào cả!"

T.Q.Long (theo Panorama)
.
.